Soạn bài – Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

Soạn bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh trang 13 – 15 SGK ngữ văn lớp 8 tập 2, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

I. Đoạn văn trong văn bản thuyết minh

Giải câu 1 (Trang 13 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Nhận dạng các đoạn văn thuyết minh:

Đoạn văn là bộ phận của bài văn. Viết tốt đoạn văn là điều kiện để làm tốt bài văn. Đoạn văn thường gồm hai câu trở lên, được sắp xếp theo thứ tự nhất định.

Đọc các đoạn văn thuyết minh trong SGK và nêu cách sắp xếp các câu trong đoạn văn (câu chủ đề, từ ngữ chủ đề và các câu giải thích, bổ sung).

Trả lời:

Nhận dạng các đoạn văn thuyết minh:

Đoạn văn a và b có câu chủ đề đầu đoạn, có một số từ ngữ chủ đề (đoạn a: thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng, đoạn b: Phạm Văn Đồng: nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn hóa lớn). Các câu sau có chức năng chứng minh cho ý chủ đề.

Giải câu 2 (Trang 14 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Sửa lại các đoạn văn thuyết minh chưa chuẩn:

Đọc các đoạn văn sau, nêu nhược điểm của mỗi đoạn và cách sửa chữa.

a) Bút bi khác bút mực là do nó có hòn bi nhỏ ở đầu ngòi bút khi viết hòn bi lăn làm mực trong ống nhựa chảy ra, ghi thành chữ. Ngoài ống nhựa có vỏ bút bi. Đầu bút bi có nắp đậy có thể móc vào túi áo. Loại bút bi không có nắp đậy thì có lò xo và nút bấm. Khi viết thì ấn đầu cán bút cho ngòi bút trồi ra, khi thôi viết thì ấn nút bấm cho ngòi bút thụt vào.

(Bài làm của học sinh)

b) Nhà em có chiếc đèn bàn. Đèn bàn có một ống thép không gỉ thẳng đứng, trên gắn một cái đui đèn, trên đó lắp một bóng đèn 25 oát. Dưới ống thép là để đèn, được làm bằng một khối thủy tinh vững chãi. Trên bóng đèn có chao đèn làm bằng vải lụa, có khung sắt ở trong và có vòng thép gắn vào bóng đèn. Ống thép rỗng, dây điện luồn ở trong đó, trên đế đèn có công tắc để bật đèn hoặc tắt đèn rất tiện lợi.

(Bài làm của học sinh)

Trả lời:

Sửa các đoạn văn thuyết minh chưa chuẩn:

a) Nội dung lộn xộn và chưa mạch lạc. Nên giới thiệu cấu tạo trước (các phần ruột bút gồm đầu bút, ống mực; vỏ bút gồm thân bút, móc gài, nút bẩm); sau đó giới thiệu cách sử dụng: khi viết cần làm gì, khi viết xong cần làm gì.

b) Nội dung thuyết minh về đèn bàn cũng có sự lộn xộn. Nên giới thiệu ba phần:

(1) phần đế đèn

(2) phần thân đèn gồm ống thép, dây điện, công tắc, đui đèn, bóng đèn.

(3) phần chao đèn gồm khung sắt và vải lụa (cũng có khi bằng sắt có tráng men trắng).

II. Luyện tập

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 15 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Viết đoạn Mở bài và Kết bài cho đề văn: “Giới thiệu trường em”.

Trả lời:

Viết mở bài và kết bài cho đề văn: “Giới thiệu trường em”

Mở bài: “Trường trung học cơ sở nơi em học là một ngôi trường lớn nhất trong vùng. Em rất vui vì được học ở ngôi trường mà trước đây anh chị em đã từng học”.

Kết bài: Em rất yêu trường em. Em muốn góp đôi bàn tay nhỏ bé của mình vào việc xây dựng trường thêm xanh, sạch, đẹp.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 15 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Cho chủ đề: “Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam ”. Hãy viết thành một đoạn văn thuyết minh.

Trả lời:

Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Vốn mang trong tim mình nỗi đau mất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm đi tìm đường giải phóng dân tộc. Sau khi trở về nước, Bác đã dành toàn bộ cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Chúng ta hôm nay sống trong không khí hạnh phúc, hòa bình một phần lớn phải kể đến công lao và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Người.

Giải câu 3 – Luyện tập (Trang 15 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Viết đoạn văn giới thiệu bố cục sách Ngữ văn 8, tập một. (Gợi ý: Sách có bao nhiêu bài? Mỗi bài có mấy phần? Mỗi phần có những nội dung gì? …).

Trả lời:

Đoạn văn thuyết minh về cuốn sách Ngữ Văn 8, tập 1.

Sách “Ngữ văn 8”, tập một gồm có 17 bài học. Mỗi bài học thường gồm 3 phần: Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn. Tuy nhiên, không phải bài nào cũng giống hệt nhau, có bài chỉ có 2 phân môn, có bài lại thêm cả phần ôn tập, kiểm tra. Mỗi phân môn lại có một cách trình bày phù hợp với đặc điểm riêng. Ví dụ, phân môn Văn thường có các mục: Văn bản, Chú thích, Hướng dẫn soạn bài, Ghi nhớ, Luyện tập.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

I – ĐOẠN VĂN TRONG VĂN BẢN THUYẾT MINH

Câu 1. Nhận dạng các đoạn văn thuyết minh

Đọc các đoạn văn thuyết minh sau và nêu cách sắp xếp các câu trong đoạn văn:

a) Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nước ngọt chỉ chiếm 3% tổng lượng nước trên trái đất. Lượng nước ít ỏi ấy đang ngày càng bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp. Ở các nước thứ ba, hơn một tỉ người phải uống nước bị ô nhiễm. Đến năm 2025, 2/3 dân số thế giới sẽ thiếu nước.

(Theo Hoa học trò)

b) Phạm Văn Đồng (1906 – 2000): nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn hóa lớn, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng từ năm 1925, đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từng là Thủ tướng Chính phủ trên ba mươi năm. Ông là học trò và là người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Ngữ văn 7, tập hai)

Trả lời:

– Đoạn văn là bộ phận của văn bản. Viết tốt đoạn văn là điều kiện để làm tốt bài văn.

– Đoạn văn thường gồm hai câu trở lên, được sắp xếp theo thứ tự nhất định.

– Đoạn văn thuyết minh (a) và (b) câu chủ đề nằm ở đầu đoạn “Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng.” “ Phạm Văn Đồng… tỉnh Quảng Ngãi.”

– Các câu trong đoạn văn phục vụ mục đích làm rõ câu chủ đề.

Câu 2. Đọc các đoạn văn trong SGK trang 14 và nêu nhược điểm của mỗi đoạn và cách sửa chữa.

Trả lời:

Sửa lại các đoạn văn thuyết minh.

a) Đoạn văn thuyết minh (a) lộn xộn về thứ tự trình bày cấu tạo chiếc bút bi.

– Có thể sửa lại: các phần cấu tạo bút (ruột bút, đầu bút, ống mực, vỏ bút, móc gà, nút bấm) tiếp đến cách sử dụng và bảo quản bút.

b) Nội dung văn bản thuyết minh về bàn cũng có sự lộn xộn.

– Sửa lại: phần đế đèn → phần thân đèn → phần chao đèn.

II – Soạn phần luyện tập bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh trang 15 SGK ngữ văn 8 tập 2

Bài 1. Viết đoạn Mở bài và Kết bài cho đề văn: “Giới thiệu trường em”.

Trả lời:

Mở bài: Ngôi trường nơi em đang theo học là ngôi trường nhỏ của một huyện miền núi. Trường được thành lập từ năm 1964 cho tới nay vẫn luôn là niềm tự hào của biết bao thế hệ học trò.

Kết bài: Ngôi trường luôn là ngôi nhà yêu quý thứ hai của em, nơi đó gắn với biết bao kỉ niệm buồn vui của tuổi học trò. Là nơi cho em học hỏi được nhiều điều mới lạ và lý thú, mở ra trước mắt em những chân trời mới. Em hy vọng sẽ góp một phần nhỏ sự cố gắng của mình làm đẹp thêm cho ngôi trường này.

Bài 2. Cho chủ đề: “Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam ”. Hãy viết thành một đoạn văn thuyết minh.

Trả lời:

Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Bác là nhà cách mạng lỗi lạc, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Người sinh ra tại quê ngoại Kim Liên, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1911 với bí danh là Văn Ba, Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài Người đã tìm kiếm, học hỏi và nghiên cứu con đường cứu nước. Sau khi trở về Việt Nam, Người trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đi tới thắng lợi. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Bài 3. Viết đoạn văn giới thiệu bố cục sách Ngữ văn 8, tập một. (Gợi ý: Sách có bao nhiêu bài? Mỗi bài có mấy phần? Mỗi phần có những nội dung gì? …)

Trả lời:

Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập một là cuốn sách có 17 bài học bao gồm ba phần chính là Văn bản, Tiếng Việt và Tập làm văn. Phần Văn bản được chọn lọc từ những tác phẩm nổi tiếng của các tác gia trong và ngoài nước hướng vào những chủ đề chính như tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình thầy trò, bạn bè. Phần Tiếng Việt tập trung chủ yếu và nghĩa của từ, từ loại và cấu trúc ngữ pháp của câu, các biện pháp tu từ. Đối với phần tập làm văn nội dung trọng yếu ở phần tạo lập các văn bản thuyết minh, cách áp dụng các phương pháp thuyết minh khi viết. Cách trình bày sách khoa học theo các đề mục lý thuyết, ghi nhớ, luyện tập thực hành giúp người sử dụng (giáo viên, học sinh) có thể dễ dàng xâu chuỗi kiến thức.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status