Soạn bài – Tỏ lòng (Thuật hoài)

Soạn bài Tỏ lòng (Thuật hoài) trang 115 – 116 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tỏ lòng (Thuật hoài), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

TỎ LÒNG

(Thuật hoài)

PHẠM NGŨ LÃO

TIỂU DẪN

Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), là con rể (lấy con gái nuôi) của Trần Hưng Đạo, được giữ đội quân hữu vệ. Ông có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, làm đến chức Điện suý, được phong tước Quan nội hầu. Là võ tướng nhưng ông thích đọc sách, ngâm thơ và từng được ngợi ca là người văn võ toàn tài. Lúc ông qua đời, vua Trần Minh Tông ra lệnh ghỉ chầu năm ngày để tỏ lòng tưởng nhớ.

Tác phẩm của ông hiện còn hai bài thơ là Tỏ lòng (Thuật hoài) và Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Văn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).

VĂN BẢN

Phiên âm:

Hoàng sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:

Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân (1) như hổ bào, khi thế hùng dũng nuốt trôi trâu (2)
Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu (3)

Dịch thơ:

Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử con vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Bùi Văn Nguyên dịch, Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II – Văn học thế kỉ X – thế kỉ XVII, NXB Văn học, Hà Nội, 1976)

CHÚ THÍCH

(1) Ba quân: ngày xưa thường chia quân lính thành ba đội, gọi là tiền quân (đội quân đi trước), trung quân (đội quân đi giữa), hậu quân (đội quân đi sau). Ở đây chỉ quân đội nói chung.

(2) Câu thơ trên đây có hai cách hiểu: cách hiểu như lời dịch ở trên, nhưng cũng có cách hiểu khí thôn ngưu là khí thế át sao Ngưu (chỉ chung khí thế át cả sao trời). Người dịch thơ nghiêng về cách hiểu thứ nhất.

(3) Vũ hầu: tức Gia Cát Lượng, người thời Tam quốc, có nhiều công lao giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán, được phong tước Vũ Lượng hầu (thường gọi tắt là Vũ hầu).

Hướng dẫn soạn bài – Tỏ lòng (Thuật hoài)

I. Bố cục:

– Hai câu thơ đầu: Hào khí Đông A ngút trời của đội quân nhà Trần.

– Hai câu thơ sau: Lí tưởng cao cả của bậc nam nhi.

II. Hướng dẫn soạn bài Tỏ lòng (Thuật hoài) chi tiết.

Giải câu 1 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Chỉ ra điểm khác nhau giữa câu thơ đầu trong nguyên tác chữ Hán (qua phần dịch nghĩa) với câu thơ dịch. Có gì đáng lưu ý về không gian, thời gian trong đó con người xuất hiện? Con người ở đây mang tư thế, vóc dáng như thế nào?

Trả lời:

Hai chữ “múa giáo” chưa thể hiện được âm hưởng hào hùng của hai từ “hoành sóc” trong câu thơ nguyên tác “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” (có bản là “cáp kỉ thu”). “Hoành sóc” là tư thế cầm ngang ngọn giáo của con người trấn giữ đất nước. Con người xuất hiện với tư thế hiên ngang, lẫm liệt, mang tầm vóc của vũ trụ. Chính không gian rộng lớn (giang sơn) và thời gian trải dài dường như vô tận (kháp kỉ thu) đã làm cho hình ảnh con người trở nên kì vĩ, hào hùng lạ thường. Ngọn trường giáo dường như được đo bằng chiều dài của sông núi. Cầm ngang ngọn giáo là tư thế con người luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, so với phần dịch “múa giáo” thì hình ảnh đó mạnh mẽ, hào hùng hơn nhiều.

Giải câu 2 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Anh (chị) cảm nhận như thế nào về sức mạnh của quân đội nhà Trần qua câu thơ “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”?

Trả lời:

Câu thơ “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” có hai cách hiểu: Thứ nhất, ta có thể hiểu là “ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Nhưng cũng có thể giải thích theo cách khác, với cách hiểu là: Ba quân hùng mạnh khí thế át sao Ngưu. Có thể nói quân đội nhà Trần mạnh cả về trí và lực, không những nó có được đầy đủ binh hùng tướng mạnh mà còn có những vị đại tướng quân trí dũng song toàn (như: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật…). Vì thế thật không quá khoa trương khi nói: cái khí thế ấy đúng là đủ sức làm đổi thay trời đất.

Giải câu 3 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 1)

“Nợ” công danh mà tác giả nói tới trong bài thơ có thể hiểu theo nghĩa nào dưới đây:

– Thể hiện chí làm trai theo tinh thần Nho giáo: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm)

– Chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước.

– Cả hai nghĩa trên.

Trả lời:

Nam nhi thời phong kiến coi việc lập công (để lại sự nghiệp) và lập danh (để lại tiếng thơm) là nhiệm vụ quan trọng của cuộc đời. Đây là chí làm trai theo quan niệm Nho giáo. Lập công danh là món nợ của kẻ làm trai. Chừng nào chưa lập được công danh, chưa tạo được tiếng thơm là chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước. Đặt trong xã hội phong kiên thời loạn, đất nước luôn bị họa ngoại xâm, chí làm trai có tác dụng mãnh mẽ, cổ vũ con người từ bỏ lối sống cá nhân, ích kỉ để sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp “bình quốc an dân”, do đó nó mang giá trị tích cực.

Giải câu 4 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Phân tích ý nghĩa của nỗi “thẹn” trong câu thơ cuối.

Trả lời:

Trong câu thơ cuối, nỗi “thẹn” đã thể hiện vẻ đẹp nhân cách của người anh hùng. Phạm Ngũ Lão “thẹn” vì chưa có được tài năng mưu lược như Vũ Hầu Gia Cát Lượng (Khổng Minh – đời Hán) để giúp dân cứu nước, thẹn vì trí và lực của mình thì có hạn mà nhiệm vụ khôi phục giang sơn, đất nước còn quá bộn bề. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão cũng là những day dứt của Nguyễn Trãi hay của Nguyễn Khuyến sau này. Đó là những nỗi thẹn có giá trị nhân cách – nỗi thẹn của những con người có trách nhiệm với đất nước, non sông.

Giải câu 5 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Qua những lời thơ tỏ lòng, anh (chị) thấy hình ảnh trang nam nhi thời Trần mang vẻ đẹp như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì đối với tuổi trẻ hôm nay và ngày mai?

Trả lời:

Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của con người thời đại nhà Trần. Hình ảnh con người được đặt ngang tầm vóc của vũ trũ, mang vẻ lẫm liệt, hào hùng. Họ là những con người sống hết mình vì dân, vì nước. Mỗi cá nhân đều ý thức tạo nên sức mạnh tập thể, hết mình cống hiến. Chính vì vậy đã tạo nên sức mạnh của thời đại, tạo nên một nhà Trần “bách chiến bách thắng” và hào khí Đông A mà sử sách mãi lưu danh.

Thế hệ trẻ hôm nay học được ở bài thơ cách sống và cách cống hiến của người đời xưa. Con người đời xưa sống hết mình cho dân cho nước. Nam nhi thời xưa luôn canh cánh trong lòng ước mơ cống hiến để đem lại cuộc sống an vui, thái bình cho nhân dân. Lí tưởng sống cao đẹp của họ là điều mà thế hệ trẻ hôm nay nên vươn tới.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tỏ lòng (Thuật hoài)

Câu 1. Chỉ ra điểm khác nhau giữa câu thơ đầu trong nguyên tác chữ Hán (qua phần dịch nghĩa) với câu thơ dịch. Có gì đáng lưu ý về không gian, thời gian trong đó con người xuất hiện? Con người ở đây mang tư thế, vóc dáng như thế nào?

Trả lời:

– Câu thơ đầu trong nguyên tác khắc họa được không chỉ tư thế của người anh hùng mà còn khắc họa được uy thế chủ động, dũng mãnh còn câu thơ dịch chỉ đơn thuần miêu tả tư thế của người anh hùng mà làm mất đi uy thế, hào khí dũng mãnh.

– Không gian rộng lớn “giang sơn”, thời gian dài đằng đẵng “kháp kỉ thu”.

– Con người ở đây mang tư thế, vóc dáng sánh ngang với non sông trời đất.

Câu 2. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về sức mạnh của quân đội nhà Trần qua câu thơ “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”?

Trả lời:

– Ngưu: có thể hiểu là trâu, cũng có thể hiểu là sao Ngưu trên trời.

– Sức mạnh của quân đội nhà Trần sánh ngang với vũ trụ, sức mạnh vô song được nhấn mạnh qua động từ “nuốt” (“thôn”).

Câu 3. “Nợ” công danh mà tác giả nói tới trong bài thơ có thể hiểu theo nghĩa nào dưới đây:

– Thể hiện chí làm trai theo tinh thần Nho giáo: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm)

– Chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước.

– Cả hai nghĩa trên.

Trả lời:

– Cả hai nghĩa:

→ Thể hiện chí làm trai theo tinh thần Nho giáo: lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm).

→ Chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với dân với nước.

Câu 4. Phân tích ý nghĩa của nỗi “thẹn” trong câu thơ cuối.

Trả lời:

– Người nam nhi thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu tức Gia Cát Lượng, người thời Tam quốc, có nhiều công lao giúp Lưu Bị khôi phục nhà Hán.

– Nỗi thẹn ấy thể hiện nỗi trăn trở của bậc nam nhi đối với việc nước, thẹn vì chưa thể cống hiến hết mình cho minh quân, cho đất nước.

– Nỗi thẹn này thể hiện lý tưởng, nhân cách cao cả của bậc nam nhi thời Trần.

Câu 5. Qua những lời thơ tỏ lòng, anh (chị) thấy hình ảnh trang nam nhi thời Trần mang vẻ đẹp như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì đối với tuổi trẻ hôm nay và ngày mai?

Trả lời:

– Hình ảnh trang nam nhi thời Trần hiện lên với vẻ đẹp sức mạnh phi thường, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng đại diện cho thời đại hào khí Đông A tỏa sáng.

– Đây là niềm tự hào dân tộc, là tầm gương sáng cho tuổi trẻ hôm nay và ngày mai noi theo để gắng sức rèn luyện cống hiến cho tương lai của đất nước

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status