Soạn bài – Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43)

Soạn bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43) trang 117 – 119 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

CẢNH NGÀY HÈ

(Bảo kính cảnh giới – bài 43)

NGUYỄN TRÃI

TIỂU DẪN

Quốc âm thi tập gồm 254 bài, là tập thơ Nôm sớm nhất hiện còn. Với tập thơ này, Nguyễn Trãi là một trong những người đặt nền móng và mở đường chó sự phát triển của thơ tiếngViệt. Về nội dung, Quốc âm thi tập phản ánh vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi : người anh hùgn với lí tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân; nhà thơ với tình yêu thiên nhiên, quê hương, con người, cuộc sống… Về nghệ thuật, thể thơ thất ngôn Đường luật của Trung Quốc đã được Nguyễn Trãi sử dụng thuần thục như một thể thơ dân tộc, có khi chen vào chỗ thích hợp một số câu lục ngôn (câu sáu chữ).

Quốc âm thi tập được chia thành bốn phần: Vô đề, Môn thì lện (Thời tiết), Môn hoa mộc (Cây cỏ), Môn cầm thú (Thú vật). Phần Vô đề gồm toàn thơ không có tựa đề, nhưng được sắp xếp thành một số mục: Ngôn chí (Nói lên chí hướng), Mạn thuật (Kể ra một cách tản mạn), Tự thán (Tự than), Tự thuật (tự nói về mình), Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình)… Mục bảo kính cảnh giớ có 61 bài, Cảnh ngày hè là bài số 43.

VĂN BẢN

Rồi (1) hóng mát thưở ngày trường,
Hoè lục đùn đùn tán rợp giương (2)
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ (3),
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương (4)
Lao xao chợ cá làng ngư phủ (5),
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương (6)
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng (7)
Dân giàu đủ khắp đòi (8) phương

(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II – Văn học thế kỉ X – thế kỉ XVII, Sđd)

CHÚ THÍCH

(1) Rồi: ở đây là rỗi rãi

(2) Lục: màu xanh: hoè lục: màu xanh cây hoè; tán rợp giương: tán giương lên che rợp

(3) Thức (từ cổ): màu vẻ, dáng vẻ. Ý cả câu thơ: cây thạch lưu ở hiên nhà đang phun màu đỏ.

(4) Tiễn mùi hương: ngát mùi hương (tiễn: từ Hán Việt, có nghĩa là dư ra). Ý cả câu thơ: sen hồng trong ao đã ngát mùi hương.

(5) Làng ngư phủ: làng chài lưới

(6) Dắng dỏi (từ cổ): có nghĩa là inh ỏi. Cầm ve: tiếng ve kêu như tiếng đàn. Lầu tịch dương: lầu (nhà cao) lúc mặt trời sắp lặn.

(7) Dẽ có: lẽ ra nên có. Ngu cầm: thần thoại Trung Quốc kể rằng hai triều vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn là hai triều đại lí tưởng, xã hội thanh bình, nhân dân hạnh phúc. Riêng vua Ngu Thuấn có khúc hát Nam phong, trong đó có câu: Nam phong chi thì hề khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề (Gió nam thuận thì có thể làm cho dân ta thêm nhiều của). Ngu cầm là đàn của vua Ngu Thuấn. Ý cả câu: Hãy để cho ta có đàn của vua Thuấn để đàn một khúc Nam phong

(8) Đòi: nhiều

Hướng dẫn soạn bài – Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43)

I. Bố cục:

– Sáu câu thơ đầu: Bức tranh ngày hè qua con mắt của thi nhân.

– Hai câu thơ cuối: Khát vọng cao cả, tấm lòng ưu dân ái quốc của thi nhân.

II. Hướng dẫn soạn bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43) chi tiết.

Giải câu 1 (Trang 118 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Trong bài thơ có nhiều động từ diễn tả trạng thái của cảnh ngày hè. Đó là những động từ nào, trạng thái của cảnh được diễn tả ra sao?

Trả lời:

Miêu tả cảnh ngày hè, tác giả đã sử dụng các động từ: đùn đùn, giương, phun. Từ đùn đùn gợi tả sắc xanh thẫm của tán hoè lớp lớp, liên tiếp tuôn ra, giương rộng ra ; từ phun gợi sự nổi bật, bắt mắt của màu đỏ hoa lựu. Cảnh vật được miêu tả với sức sống mãnh liệt. Như có một cái gì đó thôi thúc bên trong, sức sống như ứa căng, tràn đầy khiến cho màu xanh của lá hòe đùn đùn lên và tán giương lên che rợp, khiến cho cây lựu ở hiên nhà phun ra màu đỏ. Thiên nhiên hiện lên sống động vô cùng.

Giải câu 2 (Trang 118 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Cảnh ở đây có sự hài hoà giữa âm thanh và màu sắc, cảnh vật và con người. Anh (chị) hãy phân tích và làm sáng tỏ.

Trả lời:

Bức tranh ngày hè có sự kết hợp giữa màu sắc và âm thanh, giữa cảnh vật với con người một cách hài hòa, sinh động. Màu xanh của tán cây hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu, tiếng lao xao của chợ cá hòa lẫn với tiếng ve kêu, trong không gian đầy sức sống ấy, con người (ngư dân làng chài) cũng đang nhộn nhịp với cuộc sống của mình.

Giải câu 3 (Trang 118 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? Qua sự cảm nhận ấy, anh (chị) thấy Nguyễn Trãi là người có tấm lòng như thế nào đối với thiên nhiên?

Trả lời:

Cảnh ngày hè là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện tấm lòng ưu ái của Nguyễn Trãi đối với thiên nhiên. Tác giả đã cảm nhận thiên nhiên không những bằng thị giác mà còn bằng thính giác, khứu giác. Không những nhìn thấy màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa thạch lựu, tác giả còn nghe thấy âm thanh lao xao của chợ cá, tiếng dắng dỏi của ve kêu và ngửi thấy mùi thơm của hoa sen mùa hè. Thi nhân dường như mở rộng tất cả các giác gian để đón nhận thiên nhiên, để cảm nhận thiên nhiên và giao hòa cùng thiên nhiên, làm cho bức tranh thiên nhiên trong bài thơ trở nên tinh tế, sống động.

Giải câu 4 (Trang 118 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Hai câu thơ cuối cho ta hiểu tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với người dân như thế nào? Âm điệu câu thơ lục ngôn (sáu chữ) kết thúc bài thơ khác âm điệu những câu thất ngôn (bảy chữ) như thế nào? Sự thay đổi âm điệu như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện tình cảm của tác giả?

Trả lời:

Sắc thái của cảnh vật trong bức tranh về sự sống mùa hè đã cho thấy tâm trạng phấn chấn trước vẻ đẹp của cuộc sống đã “phá vỡ” cái tĩnh tại của cuộc sống nhàn dật thuần tuý, qua đó bộc lộ niềm quyến luyến, thiết tha lớn với cuộc đời. Nỗi lòng của nhà thơ đối với đời, với cuộc sống nhân dân hiện ra rõ nét ở hai câu cuối bài. Ông nói đến cây đàn của Ngu Thuấn với mong ước thanh bình, no đủ cho muôn dân. Niềm tha thiết, gắn bó với đời được cụ thể bằng niềm mong mỏi giàu đủ cho nhân dân. Ngay cả trong không gian nhàn dật, ý thức nhập thế, giúp đời luôn thường trực trong tâm hồn Nguyễn Trãi.

Giải câu 5 (Trang 119 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

– Lòng yêu thiên nhiên.

– Lòng yêu đời, yêu cuộc sống

– Khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân
Từ việc lí giải cách lựa chọn của mình, anh (chị) hãy làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

Trả lời:

– Bài thơ tả cảnh ngày hè, trước hết phải lấy cảm hứng từ tình yêu thiên nhiên. Đằng sau cảm hứng chủ đạo đó, ta mới thấy lòng yêu đời, tình yêu sông nước hay khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân

– Yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống con người và vươn tới khát vọng hoà bình hạnh phúc cho nhân dân là vẻ đẹp tâm hồn và lí tưởng của Nguyễn Trãi, nhân cách của Nguyễn Trãi.

– Bài thơ sử dụng hình ảnh gần gũi, bình dị, câu thơ thất ngôn xen lục ngôn, Nguyễn Trãi mang đến bức tranh thiên nhiên đầy sức sống, khỏe khoắn. Đó cũng chính là vẻ đẹp của tinh thần lạc quan trong tâm hồn nhà thơ.

Soạn phần luyện tập bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43)

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 119 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

Trả lời:

Xác định thể loại bài viết: phân tích – chứng minh

Nội dung: Tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân đất nước của Nguyễn Trãi.

Để làm nổi bật được vẻ đẹp của tâm hồn tác giả, anh/chị cần phân tích và làm sáng tỏ những ý sau:

– Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên, cuộc sống của ngày hè được gợi tả một cách sống động, cho thấy sự cảm nhận tinh tế, bút pháp nghệ thuật tài hoa của tác giả.

– Vẻ đẹp cuộc sống tâm hồn Nguyễn Trãi: tâm hồn yêu thiên nhiên, tấm lòng ưu ái với dân với nước.

+ Cuộc sống giản dị, thanh tao.

+ Tâm hồn chan chứa yêu thương.

+ Cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh dân tộc quen thuộc, gần gũi.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43)

Câu 1. Trong bài thơ có nhiều động từ diễn tả trạng thái của cảnh ngày hè. Đó là những động từ nào, trạng thái của cảnh được diễn tả ra sao?

Trả lời:

– Động từ: đùn đùn, phun, tiễn.

– Thông qua những động từ này, cảnh được diễn tả trong trạng thái động. Mọi sự vật đều đang chuyển động thể hiện sức sống mãnh liệt đang cuồn cuộn trào dâng.

Câu 2. Cảnh ở đây có sự hài hoà giữa âm thanh và màu sắc, cảnh vật và con người. Anh (chị) hãy phân tích và làm sáng tỏ.

Trả lời:

– Màu sắc: Hòe lục diễn tả sắc xanh của lá, thạch lưu hiên mang sắc đỏ rực, hồng liên trì lại mang màu hồng dịu nhẹ.

– Âm thanh: âm thanh lao xao của chợ cá, âm thanh dắng dỏi, ồn ã như tiếng đàn của loài ve.

– Cảnh vật thiên nhiên với nhiều loài cây hoa mang mắc sắc, mùi hương khác nhau “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương/ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.

– Cuộc sống lao động tấp nập của con người hiện lên qua câu thơ “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”.

⇒ Trong bài thơ, âm thanh và màu sắc, cảnh vật và con người hòa quyện, đan xen với nhau.

Câu 3. Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? Qua sự cảm nhận ấy, anh (chị) thấy Nguyễn Trãi là người có tấm lòng như thế nào đối với thiên nhiên?

Trả lời:

– Nhà thơ cảm nhận cảnh vật bằng nhiều giác quan: thị giác để quan sát màu sắc của cảnh vật, khứu giác để cảm nhận mùi hương của hoa, thính giác để nghe những âm thanh của loài ve.

– Nguyễn Trãi là người có lòng yêu thiên nhiên, nhạy cảm trước những biến chuyển tinh tế của thiên nhiên xung quanh.

Câu 4. Hai câu thơ cuối cho ta hiểu tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với người dân như thế nào? Âm điệu câu thơ lục ngôn (sáu chữ) kết thúc bài thơ khác âm điệu những câu thất ngôn (bảy chữ) như thế nào? Sự thay đổi âm điệu như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện tình cảm của tác giả?

Trả lời:

– Hai câu thơ cuối thể hiện tấm lòng ưu dân ái quốc của Nguyễn Trãi. Tác giả mong muốn có được cây đàn Ngu cầm của triều đại vua Nghiêu vua Thuấn – hai triều đại lý tưởng của Trung Quốc để mang lại cho dân chúng khắp nơi nơi cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

– Âm điệu câu thơ lục ngôn kết thúc bài thơ đổi khác so với âm điệu những câu thơ thất ngôn, nhịp thơ đổi từ nhịp 3-4, 4-3 quen thuộc sang nhịp 3-3: Dân giàu đủ/ khắp đòi phương.

– Sự thay đổi âm điệu như vậy thể hiện sự nhấn mạnh, dồn nén trong cảm xúc trữ tình của tác giả ⇒ Khẳng định tình cảm chân thành, một lòng vì dân vì nước của Nguyễn Trãi.

Câu 5. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

– Lòng yêu thiên nhiên.

– Lòng yêu đời, yêu cuộc sống

– Khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân
Từ việc lí giải cách lựa chọn của mình, anh (chị) hãy làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

Trả lời:

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là lòng yêu đời yêu cuộc sống. Nguyễn Trãi là một người yêu nhiên nhiên,có lòng yêu đời, yêu cuộc sống, luôn hướng lòng mình về nhân dân, quê hương, đất nước. Những câu văn miêu tả chân thực sống động trong ” Cảnh ngày hè” đã thể hiện một tình yêu đời yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của Nguyễn Trãi. Ông luôn mong ước người dân không còn nghèo khổ có cuốc sống ấm lo, êm đềm hạnh phúc không phải long đong, lận đận với đói nghèo cùng cực.

Soạn phần luyện tập bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới – bài 43) (trang 119 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Câu 1. Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

Trả lời:

– Vẻ đẹp thiên nhiên: Thiên nhiên trong bài thơ mang vẻ đẹp tươi sáng, căng tràn sức sống. Mọi sự vật đều đang chuyển động chứ không tĩnh tại. Bức tranh thiên nhiên được tạm nên bởi những gam màu sáng, rực rỡ, ấm áp.

– Tâm hồn Nguyễn Trãi: Tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn, chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước.

– Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ góp phần khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, hai bức tranh ngoại cảnh và nội tâm này có sự hòa quyện, hợp nhất với nhau.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status