Soạn bài – Thầy bói xem voi

Soạn bài Thầy bói xem voi trang 101 – 103 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Thầy bói xem voi sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

soan bai - thay boi xem voi - sgk ngu van lop 6 tap 1

Truyện ngụ ngôn: Thầy bói xem voi

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói(1) ngồi chuyện gẫu(2) với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi đứng lại để cùng xem. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Đoạn năm thầy bói ngồi bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo:

– Tưởng con voi như thế nào, hoá ra nó sun sun(3) như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo:

– Không phải, nó chần chẫn(4) như cái đòn càn(5).

Thầy sờ tai bảo:

– Đâu có, nó bè bè(6) như cái quạt thóc(7).

Thầy sờ chân cãi:

– Ai bảo, nó sừng sững như cái cột đình.

Thầy sờ đuôi lại nói:

– Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tun tủn(8) như cái chổi sể(9) cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toác đầu, chảy máu.

(Theo: Trương Chính)

Chú thích:

(1) Thầy bói: người làm nghề chuyên đoán những việc lành, dữ cho người ta (theo mê tín). Thầy bói thường là người mù.

(2) Chuyện gẫu: nói chuyện linh tinh cho qua thời gian.

(3) Sun sun: co lại, chun lại thành các nếp.

(4) Chần chẫn: tròn lẳn.

(5) Đòn càn: Đòn làm bằng đoạn tre nguyên cả ống, đẽo vát hai đầu cho thon lại để xóc những bó củi, rơm rạ,… mà gánh.

(6) Bè bè: to ngang quá mức bình thường, làm mất cân đối, trông khó coi.

(7) Quạt thóc: loại quạt lớn bằng tre phất vải, dùng để quạt cho thóc lép và bụi bay đi, tách khỏi thóc chắc.

(8) Tun tủn: rất ngắn.

(9) Chổi sể: chổi quét sân, thường làm bằng nhánh cây thanh hao.

Hướng dẫn soạn bài – Thầy bói xem voi

I. Về thể loại

Truyện ngụ ngôn

– Hình thức: Là truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần.

– Nội dung: Mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc chính con người để nói bóng gió kín đáo chuyện con người.

– Mục đích: Nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

II. Tóm tắt Thầy bói xem voi

Năm ông thầy bói rủ nhau chung tiền biếu người quản voi để xem con voi có hình thù thế nào. Mỗi ông xem một bộ phận, cuối cùng cãi nhau, không ông nào chịu ông nào: ông xem vòi bảo voi sun sun như con đỉa; ông xem ngà bảo voi giống cái đòn càn; ông xem tai bảo nó giống cái quạt thóc; ông xem chân bảo voi sừng sững như cái cột đình; ông cuối cùng xem đuôi, bảo voi tun tủn như cái chổi sể cùn. Cãi nhau vì không thể phân thắng bại, năm ông đánh nhau toác đầu, chảy máu.

III. Hướng dẫn soạn bài Thầy bói xem voi chi tiết

Giải câu 1 (Trang 103 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Hãy nêu cách các thầy bói xem voi và phán về voi. Thái độ của các thầy bói khi phán như thế nào?

Trả lời:

Cách xem và phán về voi của 5 thầy bói mù:

– Người thứ nhất: sờ vòi, phán, voi như đỉa.

– Người thứ 2: Sờ ngà, phán, voi như cái đòn càn

– Người thứ 3: sờ tai, phán, voi như cái quạt thóc

– Người thứ 4: sờ chân, phán, voi như cái cột đình

– Người thứ 5: sờ đuôi, phán, voi như cái chổi xể cùn

Cả năm thầy, ai cũng cho mình là đúng, không ai chịu ai.

Giải câu 2 (Trang 103 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Năm thầy bói đều đã được sờ vào voi thật và mỗi thầy cũng đã nói được một bộ phận của voi, nhưng không thầy nào nói đúng về con vật này. Sai lầm của họ là ở chỗ nào?

Trả lời:

Sai lầm của các thầy bói là ở chỗ: đáng lẽ phải xem cả con voi thì mỗi thầy lại chỉ sờ được một bộ phận của voi và bảo rằng đó là con voi. Vòi, chân, tai, ngà, đuôi đúng là của con voi thật, nhưng mới chỉ là những bộ phận riêng lẻ, chưa phải là cả con voi.

Nếu các thầy chịu khó lắng nghe ý kiến của nhau, hỏi quản tượng, kết hợp với việc miêu tả, nhận thức của mỗi người, các thầy sẽ biết con voi là như thế nào.

Giải câu 3 (Trang 103 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi cho ta bài học gì?

Trả lời:

Những bài học từ truyện Thầy bói xem voi:

– Khi xem xét một sự vật (hoặc sự việc) cần kết hợp các giác quan (tai nghe, mắt thấy…).

– Nếu không có điều kiện xem xét bằng đầy đủ các giác quan thì phải xem xét một cách toàn diện, không lấy cái bộ phận, đơn lẻ thay cho cái toàn thể.

– Cần phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, vừa nghe vừa kết hợp với phân tích, đánh giá, tổng hợp của riêng mình để có được một cái nhìn chính xác, toàn diện và đầy đủ nhất.

Soạn phần luyện tập Thầy bói xem voi

Giải câu hỏi – Luyện tập thầy bói xem voi (Trang 103 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu hỏi: Kể một số ví dụ của em hoặc của các bạn về những trường hợp mà em hoặc các bạn đã nhận định, đánh giá sự vật hay con người một cách sai lầm theo kiểu “Thầy bói xem voi” và hậu quả của những đánh giá sai lầm này.

Trả lời:

Một số trường hợp có thể xảy ra như tình huống “Thầy bói xem voi”:

– Một bạn vô tình làm em ngã, em lại nghĩ rằng bạn có ý gây gổ cố tình đẩy ngã em.

– Bạn em mượn sách của em nhưng quên không trả và em nghĩ rằng bạn giả vờ quên để lấy luôn cuốn sách của em.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Thầy bói xem voi

Câu 1: Hãy nêu các cách thầy bói xem voi và phán về voi. Thái độ của các thầy bói khi phán về voi như thế nào?

Trả lời:

* Các cách thầy bói xem voi và phán về voi:

Cách xem voi của năm ông thầy là dùng tay để sờ (vì mắt các thầy đều mù). Mỗi thầy chỉ sờ được một bộ phận của con voi (vòi, ngà, tai, chân, đuôi), sờ được bộ phận nào thì phán hình thù con voi như thế (như con đỉa, như cái đòn càn, như cái quạt, như cái cột nhà, như cái chổi sể cùn), tưởng đó là toàn bộ con voi.

* Thái độ của năm ông thày bói khi phán về voi:

– Cả năm thầy bói đều phán sai về voi nhưng ai cũng khẳng định chỉ có mình là đúng và phủ nhận ý kiến của người khác. Đó là thái độ chủ quan sai lầm.

– Cái sai nọ dẫn đến cái sai kia. Cả năm ông không ai chịu ai, thành ra xô xát.

Câu 2: Năm ông thầy bói đã được sờ voi thật và mỗi thầy cũng đã nói được một bộ phận của voi, nhưng không thầy nào nói đúng về con vật này. Sai lầm của họ là ở chỗ nào?

Trả lời:

Năm ông thầy bói đều sờ voi thật cả và mỗi thầy cũng đã nói đúng một bộ phận của voi, nhưng không thầy nào nói đúng về con vật này. Sai lầm của họ là mỗi thầy chỉ sờ được vào một bộ phận của voi mà đã tưởng, dã phán đó là toàn bộ con voi. Cả năm thầy đều cùng một cách xem voi phiếm diện: dùng bộ phận để nói toàn thể, trong khi cái bộ phận này không thể nói cho cái toàn thể.

Câu 3: Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi cho ta bài học gì?

Trả lời:

Bài học rút ra từ truyện:

– Sự vật, hiện tượng rộng lớn gồm nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu chỉ mới biết một mặt, một khía cạnh mà đã cho rằng đó là toàn bộ sự vật thì sẽ sai lầm. Muốn kết luận đúng về sự vật phải xem xét nó một cách toàn diện. Có thế mới tránh được sai lầm của các thầy bói xem voi.

– Phải có cách xem xét sự vật phù hợp với sự vật đó và phù hợp với mục đích xem xét.

Soạn bài luyện tập Thầy bói xem voi trang 103 SGK ngữ văn 6 tập 1

Câu hỏi: Kể một số ví dụ của em hoặc của các bạn về những trường hợp mà em hoặc các bạn đã nhận định, đánh giá sự vật hay con người một cách sai lầm theo kiểu “Thầy bói xem voi” và hậu quả của những đánh giá sai lầm này.

Trả lời:

Một số ví dụ có thể xảy ra như tình huống “Thầy bói xem voi”:

– Giờ ra chơi, em vừa định mở của phòng học thì bạn Nam ở lớp bên cạnh mở mạnh cụng vào người em. Mặc dù, Nam xin lỗi nhưng em vẫn rất giận. Em gây rối với bạn ấy. Em đã cho rằng Nam là kẻ ưa gây gổ với bạn bè.

Mãi cuối năm học, Nam là học sinh xuất sắc lại là người gương mẫu về tư cách tác phong trong quan hệ với bè bạn và thầy cô. Em đã thấy mình hiểu sai.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status