Soạn bài – Thánh Gióng

Soạn bài Thánh Gióng trang 19 – 24 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập  trong bài Thánh Gióng sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

soan bai: thanh giong sgk ngu van 6 tap 1

Truyện cổ tích Thánh Gióng

Tục truyền đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng(2) có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai(3) và mười hai tháng(4) sau sinh một cậu bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Đứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.

Bấy giờ giặc Ân có đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả(5) đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp(6) sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc(7), vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn.

Càng lạ hơn nữa, từ sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, đành phải chạy nhờ bà con, làng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.

Giặc đã đến chân núi Trâu(8). Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt(9). Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ(10) mình cao hơn trượng(11), oai phong, lẫm liệt(12). Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi(13) thẳng đến nên có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy, Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân(14) giẫm đạp lên nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn)(15). Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.

Truyen co tich Thanh Giong

Vua nhớ công ơn phong(16) là Phù Đổng Thiên Vương(17) và lập đền thờ ngay ở quê nhà. Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư, làng mở hội to lắm.

Người ta kể rằng, những bụi tre đằng ngà(18) ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những ao hồ liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét ra lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy(19).

(Theo Lê Trí Viễn)

Chú thích:

(1) Thánh Gióng: đức thánh làng Gióng (thánh: bậc anh minh, tài đức phi thường, có khi được coi như có phép mầu nhiệm, thường được thờ ở các đền như đức thánh Tản Viên, đức thánh Trần – Trần Hưng Đạo,…).
(2) Làng Gióng: trước đây thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
(3) Thụ thai: bắt đầu có thai (có chửa, mang bầu,…).
(4) Mười hai tháng: đây là sự mang thai khác thường (người bình thường chỉ mang thai chín tháng mười ngày thì sinh con). Trong truyện cổ dân gian, chi tiết này biểu hiện “sự ra đời thần kì”.
(5) Sứ giả: người vâng mệnh trên (ở đây là vua) đi làm một việc gì ở các địa phương trong nước hoặc nước ngoài (sứ: người được vua hay nhà nước phái đi đại diện; giả: kẻ, người).
(6) Áo giáp: áo được làm bằng chất liệu đặc biệt (da thú hoặc sắt,…) nhằm chống đỡ binh khí, bảo vệ cơ thể.
(7) Kinh ngạc: thái độ rất ngạc nhiên trước hiện tượng kì lạ và bất ngờ.
(8) Núi Trâu: xưa thuộc đất Vũ Ninh, nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
(9) Hoảng hốt: chỉ tình trạng sợ sệt, vội vã, cuống quýt.
(10) Tráng sĩ: người có sức lực cường tráng, chí khí mạnh mẽ, hay làm việc lớn (tráng: khỏe mạnh, to lớn, cường tráng; sĩ: người trí thức thời xưa và những người được tôn trọng nói chung).
(11) Trượng: đơn vị đo bằng 10 thước Trung Quốc cổ (tức 3, 33 mét); ở đây hiểu là rất cao.
(12) Lẫm liệt: hùng dũng, oai nghiêm.
(13) Phi: ở đây là thúc ngựa chạy nhanh như bay (phi: bay).
(14) Tàn quân: quân bại trận còn sống sót.
(15) Núi Sóc: nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
(16) Phong: ban cho, tặng thưởng (chức tước, đất đai, học vị,…).
(17) Phù Đổng Thiên Vương: vị thiên vương ở làng Phù Đổng (thiên vương: ở đây hiểu là vị tướng nhà trời; phù: giúp đỡ; đổng: chỉnh đốn, trông coi).
(18) Tre đằng ngà: giống tre có lớp cật ngoài trơn, bóng , màu vàng.
(19) Làng Cháy: một làng ở cạnh làng Phù Đổng.

Hướng dẫn soạn bài – Thánh Gióng

I: Về thể loại

1. Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ. Truyền thuyết là tác phẩm nghệ thuật truyền miệng nên nó thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.

Truyền thuyết thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.

2. Truyền thuyết có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại. Các chi tiết hoang đường, kì ảo vốn là đặc trưng của thần thoại cũng thường xuyên được sử dụng trong truyền thuyết làm chức năng “huyền ảo hóa ” các nhân vật, sự kiện; thể hiện sự tôn sùng, ngưỡng mộ của nhân dân đối với các nhân vật đã đi vào truyền thuyết. Có nhiều câu chuyện thần thoại được “lịch sử hóa” để trở thành truyền thuyết (ví dụ như truyền thuyết thời các vua Hùng), điều đó chứng tỏ sự phát triển tiếp nối của truyền thuyết sau thần thoại trong lịch sử văn học dân gian(1).

3. Các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương – thời đại mở đầu lịch sử Việt Nam (cách ngày nay khoảng bốn nghìn năm và kéo dài chừng hai nghìn năm) như: Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Sơn Tinh, Thủy Tinh; Thánh Gióng… đều gắn với việc nhận thức về nguồn gốc dân tộc và công cuộc dựng nước, giữ nước dưới thời các vua Hùng.

II: Tóm tắt Thánh Gióng

Vào đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn, có tiếng là phúc đức nhưng mãi không có con. Một hôm bà vợ ra đồng ướm chân vào một vết chân to, về thụ thai và mười hai tháng sau sinh ra một cậu con trai khôi ngô. Đã lên ba tuổi, cậu chẳng biết nói cười.

Giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta, cậu bé bỗng cất tiếng nói xin được đi đánh giặc. Cậu lớn bổng lên. Sau khi ăn hết “bảy nong cơm, ba nong cà” do bà con gom góp mang đến, cậu bé vươn vai thành một tráng sĩ, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt xông ra diệt giặc. Roi sắt gãy, Gióng bèn nhổ cả những bụi tre bên đường đánh tan quân giặc.

Giặc tan, Gióng một mình một ngựa trèo lên đỉnh núi rồi bay thẳng lên trời. Nhân dân lập đền thờ, hàng năm lập hội làng để tưởng nhớ. Các ao hồ, những bụi tre đằng ngà vàng óng đều là những dấu tích về trận đánh của Gióng năm xưa.

III. Hướng dẫn soạn bài Thánh Gióng chi tiết

Giải câu 1 (Trang 22 SGK ngữ văn 6 tập 1)

1. Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính này được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo và giàu ý nghĩa. Em hãy tìm và liệt kê ra những chi tiết đó.

Trả lời:

– Nhân vật Thánh Gióng là nhân vật chính.

– Vợ chồng ông lão nghèo, cha mẹ của Gióng.

– Vua, sứ giả triều đình.

– Dân làng…

Nhân vật Thánh Gióng được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng có tính chất kì ảo:

– Sự ra đời kì lạ và tuổi thơ khác thường: Bà mẹ đặt chân mình vào vết chân to về nhà thọ thai 12 tháng; sinh cậu bé khôi ngô, lên 3 tuổi mà không biết nói biết cười.

– Nghe tin sứ giả bỗng dưng cất tiếng đòi đi đánh giặc. Cậu bé lớn nhanh như thổi.

– Thánh Gióng ra trận: Vươn vai thành dũng sĩ; ngựa sắt phun lửa; dùng tre làng đánh giặc.

– Thánh Gióng sống mãi: Bay về trời; để lại những dấu tích của tre, của ao đầm.

Giải câu 2 (Trang 22, 23 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Theo em, các chi tiết sau đây có ý nghĩa như thế nào?

a) Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc.
b) Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc.
c) Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.
d) Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.
đ) Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc.
e) Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời.

Trả lời:

– Thứ nhất, tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc. Chi tiết này chứng tỏ nhân dân ta luôn có ý thức chống giặc ngoại xâm. Khi có giặc, từ người già đến trẻ con đều sẵn sàng đánh giặc cứu nước. Đó là ý thức thường trực và cao cả của người Việt Nam trong sự nghiệp cứu nước.

– Thứ hai, Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh giặc. Gióng không đòi đồ chơi như những đứa trẻ khác mà đòi vũ khí, những vật dụng để đánh giặc. Gióng đòi đồ sắt là muốn có những vũ khí tốt nhất của thời đại lúc bấy giờ để tiêu diệt quân thù. Muốn đánh giặc phải lưu tâm tới những vũ khí hữu hiệu.

– Thứ ba, bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé. Gióng là đứa con của nhân dân, được nhân dân nuôi nấng, dạy dỗ. Sức mạnh của Gióng là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của tinh thần đồng sức, đồng lòng.

– Thứ tư, Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ. Đây cũng là chi tiết thể hiện sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của dân tộc. Khi hòa bình là những người lao động rất bình thường, nhưng khi chiến tranh xảy ra, sự đoàn kết đã hóa thành sức mạnh bão tố, phi thường, vùi chôn quân giặc.

– Thứ năm, Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc. Gậy sắt là vũ khí của người anh hùng. Nhưng khi cần thì cả cỏ cây cũng biến thành vũ khí.

– Thứ sáu, Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng lên trời. Gióng cũng như nhân dân hay chính là nhân dân, đánh giặc vì lòng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng hi sinh thân mình vì nghĩa lớn mà không màng tới công danh phú quý.

Giải câu 3 (Trang 23 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng.

Trả lời:

Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng: Thánh Gióng là hình tượng tiêu biểu của người anh hùng chống giặc ngoại xâm.

Gióng được sinh ra từ nhân dân, do nhân dân nuôi dưỡng. Gióng đã chiến đấu bằng tất cả tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân. Sức mạnh của Gióng không chỉ tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, đó còn là sức mạnh của sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên, bằng cả vũ khí thô sơ và hiện đại.

Từ truyền thống đánh giặc cứu nước, nhân dân ta đã thần thánh hóa những vị anh hùng trở thành những nhân vật huyền thoại, tượng trưng cho lòng yêu nước, sức mạnh quật khởi của dân tộc.

Giải câu 4 (Trang 23 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử. Theo em, truyện Thánh Gióng có liên quan đến sự thật lịch sử nào?

Trả lời:

Sự thật lịch sử được phản ánh trong truyện Thánh Gióng là thời đại Hùng Vương. Trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đã khá phát triển, người dân Văn Lang đã tạo nên cả một nền văn minh rực rỡ, đồng thời cũng luôn luôn phải chống giặc ngoại xâm phương Bắc để bảo vệ đất nước. Bên cạnh việc cấy trồng lúa nước, nhân dân thời bấy giờ đã có ý thức chế tạo vũ khí chống giặc từ chất liệu kim loại (bằng sắt). Truyền thuyết cũng phản ánh: trong công cuộc chống ngoại xâm, từ xa xưa, chúng ta đã có truyền thống huy động sức mạnh của cả cộng đồng, dùng tất cả các phương tiện để đánh giặc.

Soạn phần luyện tập Thánh Gióng

Giải câu 1 – Luyện tập Thánh Gióng (Trang 24 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 1: Hình ảnh nào của Gióng là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí em?

Trả lời:

Các em tùy chọn theo cảm nhận của mình nhưng cố gắng đảm bảo:

Hình ảnh đẹp phải có ý nghĩa về nội dung, hay về nghệ thuật.

Chẳng hạn hình ảnh: Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ.

Đoạn văn miêu tả Gióng đánh giặc thật hào hứng. Hình ảnh người anh hùng làng Gióng oai phong lẫm liệt khi xung trận như khắc sâu vào tâm trí người Việt Nam.

Giải câu 2 – Luyện tập Thánh Gióng (Trang 24 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 2: Theo em, tại sao hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông lại mang tên Hội khỏe Phù Đổng?

Trả lời:

Hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông mang tên Hội khỏe Phù Đổng vì:

– Đây là hội thi thể thao dành cho lứa tuổi thiếu niên, học sinh – lứa tuổi của Gióng, trong thời đại mới.

– Mục đích của hội thi là khỏe để học tập, lao động tốt, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Thánh Gióng

Câu 1: Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính này được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo và giàu ý nghĩa. Em hãy tìm và liệt kê ra những chi tiết đó.

Trả lời:

Trong truyện Thánh Gióng có các nhân vật: Thánh Gióng, mẹ Thánh Gióng, sứ giả, nhà vua, dân làng, giặc Ân. Nhân vật chính trong truyện là Thánh Gióng. Nhân vật này được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo, đó là:

– Bà mẹ giẫm lên vết chân to, lạ ngoài đồng và thụ thai.

– Lên ba tuổi, Gióng không biết nói, cười, đặt đâu nằm đấy.

– Tiếng nói đầu tiên là đòi đi đánh giặc.

– Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ.

– Một mình cưỡi ngựa ra trận đánh giặc, roi sắt gãy, Gióng nhổ tre đánh tan giặc Ân, sau đó bay về trời.

Câu 2: Theo em, các chi tiết sau đây có ý nghĩa như thế nào?

a) Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đánh giặc.
b) Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt để đánh giặc.
c) Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.
d) Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.
đ) Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc.
e) Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời.

Trả lời:

Ý nghĩa của các chi tiết:

a) Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đi đánh giặc:

– Ca ngợi ý thức đánh giặc, cứu nước trong hình tượng Gióng; ý thức đối với đất nước được đặt lên đầu tiên.

– Ý thức đánh giặc cứu nước tạo cho người anh hùng những khả năng, hành động khác thường, thần kì.

– Gióng là hình ảnh của nhân dân. Nhân dân lúc bình thường thì âm thầm, lặng lẽ cũng như Gióng ba năm không nổi, chẳng cười. Nhưng khi nước nhà gặp cơn nguy biến, thì họ đứng ra cứu nước đầu tiên, cũng như Gióng, vua vừa kêu gọi đã đáp lời cứu nước.

b) Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đi đánh giặc:

Để thắng giặc, dân tộc ta phải chuẩn bị từ lương thực, từ những cái bình thường như cơm, cà lại phải đưa cả thành tựu văn hóa, kĩ thuật là vũ khí (ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt) vào cuộc chiến đấu.

c) Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.

– Gióng lớn lên bằng những thức ăn, đồ mặc của nhân dân. Sức mạnh dũng sĩ của Gióng được nuôi dưỡng từ cái bình thường, giản dị.

– Nhân dân ta yêu nước, ai cũng mong Gióng lớn nhanh đánh giặc cứu nước.

– Cả dân làng đùm bọc, nuôi dưỡng Gióng. Gióng đâu chỉ là con của một bà mẹ, mà của mọi người, của nhân dân. Gióng tiêu biểu cho sức mạnh của toàn dân.

d) Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.

Gióng lớn nhanh như thổi để đáp ứng được nhiệm vụ cứu nước. Cuộc chiến đấu đòi hỏi dân tộc ta phải vươn mình phi thường như vậy. Gióng vươn vai là tượng đài bất hủ về sự trưởng thành vượt bậc, về hùng khí, tinh thần của một dân tộc trước nạn ngoại xâm.

đ) Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc:

Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khí, mà bằng cả cỏ cây của đất nước, bằng những gì có thể giết giặc được.

e) Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời:

– Gióng ra đời phi thường thì ra đi cũng phi thường. Nhân dân yêu mến, trân trọng, muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng, nên đã để Gióng trở về với cõi vô biên bất tử. Bay lên trời. Gióng là non nước, đất trời, là biểu tượng của người dân Văn Lang. Gióng sống mãi.

– Đánh giặc xong Gióng không trở về nhận phần thưởng, không hề đòi hỏi công danh. Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương, xứ sở.

Câu 3: Hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng.

Trả lời:

– Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc giữ nước.

– Gióng là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng ở buổi đầu dựng nước: sức mạnh của tổ tiên thần thánh (sự ra đời thần kì); sức mạnh của tập thể cộng đồng (bà con làng xóm góp gạo nuôi Gióng); sức mạnh của thiên nhiên, văn hóa, kĩ thuật (ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt, tre).

– Hình tượng khổng lồ, đẹp và khái quát như Thánh Gióng đã nói lên được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Câu 4: Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử. Theo em, truyện Thánh Gióng liên quan đến sự thật lịch sử nào?

Trả lời:

Truyền thuyết Thánh Gióng liên quan đến những sự thật lịch sử sau đây:

– Vào thời đại Hùng Vương, chiến tranh tự vệ ngày càng trở nên ác liệt, đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng.

– Số lượng và kiểu loại vũ khí của người Việt cổ tăng lên từ giai đoạn Phùng Nguyên đến giai đoạn Đông Sơn.

– Vào thời đại Hùng Vương, cư dân Việt cổ tuy nhỏ nhưng đã kiên quyết chống lại mọi đạo quân xâm lược lớn mạnh để bảo vệ cộng đồng.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status