Soạn bài Nỗi oan của người phòng khuê (Khuê oán) trang 161 – 162 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Nỗi oan của người phòng khuê (Khuê oán), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
NỖI OÁN CỦA NGƯỜI PHÒNG KHUÊ (1)
(Khuê oán)
VƯƠNG XƯƠNG LINH
TIỂU DẪN
Vương Xương Linh (698 ? – 757), tự là Thiếu Bá, quê ỏ Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Ông là một trong những nhà thơ nổi tiếng thời Thình Đường. Thơ Vương Xương Linh hiện còn 186 bài, trong đó đặc sắc nhất là thơ thất ngôn tuyệt cú (tứ tuyệt).
Thơ Vương Xương Linh thường đề cập đến cuộc sống của tướng sĩ nơi biên cương, nỗi oán hờn của người cung nữ, nỗi li sầu biệt hận của người thiếu phụ khuê các, tình bằng hữu chân thành, trong sáng…, về đề tài nào cũng có những kiệt tác. Phong cách thơ Vương Xương Linh trong trẻo, tinh tế, thanh tân, được người đời rất hâm mộ.
VĂN BẢN
Phiên âm
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu.
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Dịch nghĩa
Người đàn bà trẻ nơi phòng khuê không biết buồn,
Ngày xuân trang điểm lộng lẫy, bước lên lầu đẹp.
Chợt thấy sắc [xuân] của cây dương liễu (2) đầu đường,
Hối hận đã để chồng đi [tòng quân lập công, làm quan] kiếm tước hầu (3)!
CHÚ THÍCH
(1) Phòng khuê: phòng của phụ nữ quý tộc ngày xưa, cũng dùng để chỉ phòng của phụ nữ nói chung.
(2) Màu dương liễu: màu của mùa xuân và tuổi trẻ, gơi lên khát vọng hạnh phúc. Xưa ở Trung Quốc, mỗi khi chia tay, người ở lại bẻ một cành dương liễu tặng cho người ra đi để biểu thị nỗi niềm lưu luyến. Hình ảnh “cành dương liễu”, “màu dương liễu” hay động tác “bẻ liễu”… vì thế đã trở thành hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho sự li biệt. Ở đây, người thiếu phụ thấy màu dương liễu mà nhơ đến người chộng đang ra trận để “tìm kiếm tước hầu”.
(3) Kiếm tước hầu: thời phong kiến, bề tôi lập được công lớn (thường là chiến công) thì được vua phong tước hầu. Ở đây, người chồng đi tìm kiếm tước hầu có nghĩa là đi ra trận lập công để được phong tước hầu. Khuê oán được sáng tác vào thời thịnh vựơng của nhà Đường, các cuộc chiến tranh phần lớn là để mở mang bờ cõi (chẳng hạn: người lính trong bài Binh xa hành (Bài ca xe trận) của Đỗ Phủ đã nói : “Ngoài biên máu chảy thành biển đỏ – Mở cõi nhà vua ý chưa bỏ”…).
Dịch thơ
Bản dịch thứ nhất:
Trẻ trung nàng biết chi sầu,
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương.
Nhác trông vẻ liễu bên đường,
“Phong hầu”, nghĩ dại, xui chàng kiếm chi!
Tản Đà dịch, (Thơ Đường, tập I, Sđd)
Bản dịch thứ hai:
Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,
Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.
Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,
Hối để chàng đi kiếm tước hầu.
Nguyễn Khắc Phi dịch (Có tham khảo bản dịch của Trần Trọng San, Thơ đường, quyển I, Bắc Đẩu, Sài Gòn, 1966)
Hướng dẫn soạn bài – Nỗi oan của người phòng khuê (Khuê oán)
I. Bố cục:
Bố cục:
+ Hai câu thơ đầu: Hình ảnh lẻ loi của người thiếu phụ chốn phòng khuê.
+ Hai câu thơ sau: Tâm trạng của người thiếu phụ khi trông thấy cây dương liễu ở đầu đường.
II. Hướng dẫn soạn bài Nỗi oan của người phòng khuê (Khuê oán) chi tiết.
Giải câu 1 (Trang 162 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Anh (chị) có nhận xét gì về nghệ thuật cấu tứ của bài thơ thể hiện qua quá trình chuyển biến tâm trạng của người khuê phụ?
Trả lời:
Bài thơ Khuê oán có cấu tứ độc đáo. Vương Xương Linh cấu tứ theo mạch cảm nghĩ của người khuê phụ. Tâm trạng ấy từ “bất tri sầu” (vô tư) sang “hối” (hối tiếc và hối hận). Thực ra khuê phụ đã thay đổi nhận thức. Nhìn mình, khuê phụ thấy tuổi trẻ đang bị “trôi” đi. Còn nhìn về phía chinh phu thì mọi thứ mịt mù thăm thẳm. Hoàn cảnh ấy quả thực không thể không khiến cho người thiếu phụ sầu hận, xót thương.
Giải câu 2 (Trang 162 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Vì sao khi thấy “màu dương liễu” nàng lại hối hận vì đã để chồng đi kiếm tước hầu?
Trả lời:
Màu dương liễu vừa là màu của mùa xuân, của tuổi trẻ, vừa là “màu li biệt”, vì thế khi nhìn thấy “màu dương liễu” tâm trạng người khuê phụ lập tức đổi thay ngay: từ vô tư, nàng bắt đầu hối hận vì để chàng đi tìm kiếm tước hầuv; từ hối hận, nàng chuyển sang oán thán cái ấn phong hầu, oán ghét chiến tranh phi nghĩa. Khuê phụ giờ mới hiểu hết giá trị của chia li và sự phi lí của chiến tranh.
Giải câu 3 (Trang 162 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Vì sao chỉ vơi 28 chữ, bài Khuê oán lại được coi là bài thơ tiêu biểu cho tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa của con người thời Đường?
Trả lời:
Với chỉ 28 chữ, Khuê oán xứng đáng được coi là bài thơ tiêu biểu cho tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa của con người thời Đường. Đọc Khuê Oán ta không thấy nói đến chiến tranh nhưng ta lại có thể cảm nhận thấy rất rõ chiến tranh, chiến tranh đang “ăn mòn” cuộc sống con người. Nó không những chôn vùi tuổi trẻ của cả những người đang đứng trước hòn tên mũi đạn mà còn chôn vùi cả những người vợ, người mẹ,… đang mong ngóng nơi quê hương, xứ xở. Không chỉ thế, chiến tranh còn làm mất đi sự lạc quan yêu đời và niềm tin yêu phơi phới vào cuộc sống,… Với những điều như thế thì đúng là dù không trực tiếp nói ra nhưng bài thơ vẫn sục sôi tinh thần phản đối chiến tranh.
Giải câu 4 (Trang 162 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Học thuộc bài thơ (phần phiên âm và dịch thơ).
Trả lời:
Học sinh tự học thuộc bài thơ
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tại Nỗi oan của người phòng khuê (Khuê oán)
Câu 1. Anh (chị) có nhận xét gì về nghệ thuật cấu tứ của bài thơ thể hiện qua quá trình chuyển biến tâm trạng của người khuê phụ?
Trả lời:
– Cấu tứ của bài thơ kết tinh qua hình ảnh cây dương liễu với sức xuân mãnh liệt.
– Hình ảnh cây dương liễu xuất hiện đã làm thay đổi dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình, cây dương liễu ấy đã gợi lên nỗi oán sầu sâu sắc trong tình cảnh cô lẻ của khuê phụ.
Câu 2. Vì sao khi thấy “màu dương liễu” nàng lại hối hận vì đã để chồng đi kiếm tước hầu?
Trả lời:
– Màu dương liễu xanh tràn sức sống khiến người khuê phụ tiếc nhớ tuổi xuân của mình đã qua đi trong vô ích, qua đi mà không có người chồng yêu thương bên cạnh.
– Để người chồng đi kiếm tước hầu nhưng lại đánh mất những ngày tháng hạnh phúc, mặn nồng ở cạnh nhau vậy nên nàng mới hối hận.
Câu 3. Vì sao chỉ vơi 28 chữ, bài Khuê oán lại được coi là bài thơ tiêu biểu cho tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa của con người thời Đường?
Trả lời:
– Chỉ với 28 chữ nhưng với việc tổ chức cấu tứ bài thơ và việc sử dụng những hình ảnh mang tính biểu đạt cao, bài thơ đã thể hiện được nỗi oán sầu ngút trời, không thể vợi bớt đi của người khuê phụ trong cảnh cô lẻ lúc tuổi xuân đang nồng. Nỗi sầu oán đấy xuất phát từ việc người chồng của cô vào quân đội, tham gia chiến tranh để kiếm phong vị, tước hầu.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)