Soạn bài – Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc Lâu)

Soạn bài Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc Lâu) trang 158 – 160 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc Lâu), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

LẦU HOÀNG HẠC

(Hoàng Hạc lâu)

THÔI HIỆU

TIỂU DẪN

Thôi Hiệu (704 – 754) quê ở Biện Châu (nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Đương thời, Thôi Hiệu rất nổi tiếng; nay thơ của ông chỉ còn lại hơn 40 bài. Trong đó, Lầu Hoàng Hạc được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường.

soan bai hoang hac lau sgk ngu van 10 tap 1 hinh 1

Lầu Hoàng Hạc ngày nay tại tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc

Phiên âm

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương Thụ,
Phương thảo lê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi (1)
Nơi đây chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi đã bay đi, không bao giờ trở lại,
Mây trắng ngàn năm còn bay chơi vơi.
Hàng cây đất Hán Dương (2) phản chiếu rõ mồn một trên dòng sông tạnh,
Trên bãi Anh Vũ (3) cỏ thơm mơn mởn xanh tươi.
Chiều tối [tự hỏi] đâu là quê hương?
Khói và sóng trên sông khiến cho người buồn.

Dịch thơ

Bản dịch thứ nhất.
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?
Tản Đà dịch (Thơ Đường, tập I, Sđd)

CHÚ THÍCH

(1) Truyền thuyết nói rằng, xưa Phí Văn Vì từ một mỏm núi bên sông Trường Giang cưỡi hạc vàng lên tiên. Người đời sau gọi mỏm núi này là Hoàng Hạc Cơ và dựng lầu Hoàng Hạc để kỉ niệm sự tích ấy.

(2) Hán Dương: một địa điểm bên sông Trường Giang.

(3) Anh Vũ: tên một cái cồn trên sông Trường Giang.

Bản dịch thứ hai

Ai cưỡi hạc vàng đi mất hú,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi, đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quên đâu ta?
Khói sóng trên sông não dạ người.

Khương Hữu Dụng dịch (Thơ Đường, tập I, Sđd)

Hướng dẫn soạn bài – Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc Lâu)

I. Bố cục:

+ Sáu câu thơ đầu: Khung cảnh ở lầu Hoàng Hạc.

+ Hai câu thơ cuối: Tâm trạng của nhà thơ trước khung cảnh xung quanh.

II. Hướng dẫn soạn bài Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc Lâu) chi tiết.

Giải câu 1 (Trang 160 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Nhan đề bài thơ là Lầu Hoàng Hạc nhưng ngoài sự xác định vị trí của lầu Hoàng Hạc ở “nơi đây”, toàn bài không nói gì về “lầu” cả. Vậy thì dụng ý của tác giả là gì?

Trả lời:

Nhan đề bài thơ là Lầu Hoàng Hạc nhưng ngoài sự xác định vị trí của lầu Hoàng Lạc ở “nơi đây”, còn lại toàn bài không nói gì về “lầu” cả. Dụng ý mà nhà thơ muốn nói đến ở đây là chuyện quan hệ giữa “người xưa” với “người nay”, giữa thời gian quá vãng và không gian mở rộng, giữa hư với thực, giữa cảnh với tình,…

Giải câu 2 (Trang 160 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Tất cả cảnh đều đẹp, sao lại “khiến người buồn”?

Trả lời:

Tất cả “cảnh”- cảnh xưa và nay, cảnh xa và gần, cảnh thực và hư,… cảnh nào cũng đẹp. Thế nhưng tất cả cảnh lại đến khiến người buồn (sử nhân sầu). Bởi dường như đối diện với cái đẹp hoàn mỹ của thiên nhiên, của nghệ thuật, của cuộc đời, của tình người… ta bỗng bâng khuông nhận ra hình như mình chưa thật vẹn toàn, hình như mình đang khuyết thiếu một điều gì đó giúp ta được tròn đầy. Phải chăng vì thế ta buồn vì chưa xứng đáng với những điều tốt đẹp hoàn mỹ ngoài kia.

Giải câu 3 (Trang 160 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Có người cho rằng có thể rút gọn bài thơ này thành một câu “Tích nhân khứ… sử (kim) nhân sầu” (người xưa đã đi… khiến người (nay) buồn). Lại có người cho rằng: “Bài thơ 56 chữ đều là bước chuẩn bị cho một chữ “sầu” đậu xuống, kết đọng trong tâm”. Anh (chị) nhất trí vơi ý kiến nào? Vì sao?

Trả lời:

Quả đúng thực bài thơ có 56 chữ thì 55 chữ đều là bước “chuẩn bị” cho một chữ sầu “đậu” xuống, kết đọng trong tâm. Chữ sầu đến như là một sự tất yếu nhưng không phải nó cứ tự “rơi” xuống một cách vô duyên. Nó là kết quả của một quá trình soi ngắm, suy nghĩ, liên tưởng và tái tê trong lòng của con người. Con người cô đơn đứng giữa cái nơi mà vốn nổi tiếng với những lần li biệt thì dẫu thế nào cũng khó có thể vui. Không những thế, cảnh vật, không gian, thời gian,… và cả cái tình cảnh đặc biệt của nhà thơ nữa (khách li hương) càng không có cái lí gì ngăn được sự xuất hiện của chữ sầu. Chữ sầu trong câu thơ cuối không phải là một sự xuất hiện bất ngờ nhưng nó chính là giọt sầu làm cho cả bát sầu kia tràn ra tất cả và vương vấn muôn nơi.

Giải câu 4 (Trang 160 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Học thuộc bài thơ (phần phiên âm và dịch thơ)

Trả lời:

Học sinh tự học thuộc lòng bài thơ

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc Lâu)

Câu 1. Nhan đề bài thơ là Lầu Hoàng Hạc nhưng ngoài sự xác định vị trí của lầu Hoàng Hạc ở “nơi đây”, toàn bài không nói gì về “lầu” cả. Vậy thì dụng ý của tác giả là gì?

Trả lời:

– Dụng ý của tác giả khi đặt nhan đề bài thơ là Lầu Hoàng Hạc vì hình ảnh lầu là điểm tựa để nhà thơ suy ngẫm về cuộc sống, về lẽ đời, để bộc bạch cảm xúc của mình.

Câu 2. Tất cả cảnh đều đẹp, sao lại “khiến người buồn”?

Trả lời:

– Cảnh đẹp nhưng lại trống vắng, không còn vẻ đẹp của những ngày xưa cũ, của những giá trị hoàng kim xa xưa nên mới “khiến người buồn”.

Câu 3. Có người cho rằng có thể rút gọn bài thơ này thành một câu “Tích nhân khứ… sử (kim) nhân sầu” (người xưa đã đi… khiến người (nay) buồn). Lại có người cho rằng: “Bài thơ 56 chữ đều là bước chuẩn bị cho một chữ “sầu” đậu xuống, kết đọng trong tâm”. Anh (chị) nhất trí vơi ý kiến nào? Vì sao?

Trả lời:

– Nhất trí với ý kiến thứ hai. Ở những câu thơ trên, tác giả tập trung miêu tả khung cảnh thiên nhiên ở lầu Hoàng Hạc. Khung cảnh ấy mang vẻ buồn, tịch mịch, thiếu vắng. Tác giả không hề nhắc tới chữ “sầu” nhưng khi chữ sầu được cất lên thì toàn bộ không gian thơ trước đó như hợp nhất, xoáy sâu nỗi sầu của nhà thơ.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status