Soạn bài – Đeo nhạc cho mèo

Soạn bài Đeo nhạc cho mèo trang 104 – 108 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Đeo nhạc cho mèo sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

soan bai - deo nhac cho meo ngu van lop 6 tap 1

Truyện ngụ ngôn: Đeo nhạc cho mèo

Tự bao giờ đến giờ, mèo cứ xơi chuột mãi, nên chuột mới đẻ ra là đã sợ mèo rồi

Nhưng, con giun xéo lắm cũng quằn(2), chuột ta lấy thế làm giận. Một hôm, mới hội(3) cả nhau lại làm một làng chuột để chống lại mèo. Thôi thì đủ mặt: nào anh Chù, mùi hôi đến nỗi thành câu ca(a); nào chú Nhắt, có tính nhí nhắt đã nên câu ví(b); nào lại anh Cống, rung rinh béo tốt, quan trường lại chấm cho ở trên ông Đồ(c),…

Khi làng dài răng(d) đã tề tựu(4) đông đủ cả rồi, ông Cống mới lên giọng(5) rằng:

– Cái giống quái kia sở dĩ nó chụp được anh em mình chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi. Bây giờ, bà con ta mua một cái nhạc(6) buộc vào cổ nó, để khi nào nó đến, nghe tiếng nhạc, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa.

Cả làng chuột nghe nói, dẫu mõm, quật đuôi, đều lấy làm phục cái câu chí lí(7) của ông Cống và đồng thanh ưng thuận.

Khi nhạc đã kiếm được rồi, hội đồng chuột lại họp. Con nào con nấy lao xao hớn hở, bảo nhau đã sắp tới ngày thoát được cái ách ông Miu ranh mãnh rồi.

Nhưng kịp lúc hội đồng hỏi ai dám đem nhạc đeo vào cổ mèo, thì thấy cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả.

Không biết cử ai vào việc đại sự ấy, bất đắc dĩ(8) làng cắt ông Cống phải đi, vì chính ông Cống đã xướng lên(9) cái thuyết đeo nhạc vậy.

Ấy mới khốn! Nhưng Cống ta trong lòng tuy nao(10), mà ngoài mặt làm ra bộ bệ vệ kẻ cả, nói rằng:

– Tôi đây, chẳng gì nhờ tổ ấm(11) cũng được vào bậc ông Cống, ông Nghè, ăn trên ngồi trước trong làng, có đâu làng lại cắt tôi đi làm cái việc tầm thường ấy được! Trong làng ta nào có thiếu chi người! Tôi xin cử anh Nhắt, anh ấy nhanh nhảu chắc làm được việc.

Ấy mới hay! Nhưng Nhắt ta trở mặt láu, cãi lí rằng:

– Làng cắt(12) tôi đi, tôi cũng xin vâng, không dám chối từ. Nhưng tôi, dù bé vậy, mà cũng còn ở chiếu trên, chưa đến nỗi nào. Ông Cống không đi, phải; tôi đây không đi, cũng phải. Để xin cắt anh Chù, anh ấy tuy chậm, nhưng chắc chắn, làng không lo hỏng việc.

Ấy mới không có gì lạ! Chù ta thật thà, không biết cãi sao, ụt ịt nói rằng:

– Tôi là đầy tớ làng, làng sai tôi đi là phải lắm. Nhưng tôi chỉ sợ, nếu tôi đến gần mèo mà mèo thịt tôi đi, thì rồi lấy ai thay tôi mà buộc nhạc được nữa.

Chuột Cống nhanh miệng bảo:

– Mèo nó có vờn(13) là vờn chúng tao, vờn cái anh Nhắt kia, chớ chú mày hôi hám như thế, thì nó bắt mà thèm vào. Thôi cứ nhận đi ngay đi, không được nói lôi thôi gì nữa.

Chuột Chù ì ạch phải nhận(14), vác nhạc ra đi tìm mèo thật. Khốn chưa trông thấy mèo, mới nghe thấy tiếng, Chù đã sợ run cả mình, không dám tiến. Nhưng sợ lệ làng, sau đánh bạo, phải lại gần, thì thấy mèo quả nhiên không thèm vờn đến thật(15).

Song mèo cũng nhe nanh giương vuốt, làm cho Chù cắm đầu, vác cái thân ì ạch chạy khổ về báo cho làng ngay. Cả làng nghe báo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái nhạc, nó bon đi đâu, và bon tự bao giờ không biết.

Thành ra từ đó, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi.

(Theo: Ôn Như Nguyễn văn Ngọc)

Chú thích:

(a) Hôi như chuột chù
(b) Nhí nhắt như chuột nhắt (nhí nhắt hoặc nhí nhách: ăn uống luôn miệng).
(c) Ông Cống….ông Đồ: Tương truyền những năm có khoa thi, chuột thường hay vào lục lọi những quyển thi, gặm nát cả. Quan trường sợ bị tội, nên phải kiêng tên nó, không dám gọi, mà lại còn phong cho nó danh hiệu đỗ ngoại ngạch (ý nói đỗ ngoài sổ), tâng nó lên bậc ông Cống (cử nhân), trên cả ông Đồ (những người học chữ nho để thi cử).
(d) Làng dài răng: ta xưa đã biết rằng răng chuột cứ mỗi ngày một dài, nên khi trẻ đã thay răng thường có câu: “Chuột chuột chí chí, răng cũ trả mày, răng mới trả tao”.
Những chú thích đánh dấu (a), (b), (c), (d) ở bài này là của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.
(1) Truyện này gốc là của Ê-dốp (người Hi Lạp, thế kỉ VII – thế kỉ VI tr. CN). Tác giả Nguyễn Văn Ngọc dựa vào đây phóng tác, mở rộng thêm ngụ ý của truyện.
(2) Con giun xéo lắm cũng quằn (tục ngữ): ý nói những người dù sức yếu phận hèn, nếu bị đè nén quá mức, cũng sẽ có lúc vùng dậy chống trả.
(3) Hội: ở đấy là họp.
(4) Tề tựu: cùng đến, đông đủ cả.
(5) Lên giọng: nói giọng bề trên (hàm ý xấu).
(6) Nhạc: (lục lạc) chuông con, khi rung phát ra tiếng.
(7) Chí lí: hết sức có lí, hết sức đúng (chí: rất, hết sức).
(8) Bất đắc dĩ: không còn cách nào khác, đành phải thế.
(9) Xướng lên: nêu ra, đề ra ý kiến.
(10) Nao: ở đây là lo sợ.
(11) Tổ ấm: ân huệ mà con cháu được hưởng nhờ công đức quyền thế của tổ tiên.
(12) Cắt: ở đấy là cử, phân công đi làm một việc gì đó.
(13) Vờn: đùa giỡn bằng những động tác lúc thì ép vào, chụp lấy, xoay đi xoay lại, lúc thì buông ra.
(14) Ì ạch phải nhận: nhận một cách khó khăn, nặng nề.
(15) Trên thực tế đúng là mèo không bắt chuột chù.

Hướng dẫn soạn bài – Đeo nhạc cho mèo

I. Về thể loại

Truyện ngụ ngôn

– Hình thức: Là loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần.

– Nội dung: Truyện ngụ ngôn mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người.

– Mục đích: nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

II. Tóm tắt Đeo nhạc cho mèo

Bởi mèo cứ ăn thịt chuột mãi nên chuột phải tìm cách bảo vệ giống nòi.

Cả làng chuột họp nhau lại. Ông Cống có sáng kiến đeo nhạc vào cổ mèo để mèo đi đâu cũng phát ra tiếng kêu, chuột nghe thấy biết đường mà chạy. Cả làng chuột đều cho cách đó rất hay nhưng khi cử người làm thì ai cũng chối đây đẩy. Rốt cuộc anh chuột Chù không biết chối vào đâu được đành phải nhận lời. Khi thấy chuột Chù rón rén đến, mèo nhe nanh, giơ vuốt khiến Chù vội vứt nhạc chạy về báo làng. Không ai dám bàn đến cái nhạc nữa. Bởi thế nên đến tận bây giờ, mèo vẫn cứ ăn thịt chuột.

III. Hướng dẫn soạn bài Đeo nhạc cho mèo chi tiết

Giải câu 1 (Trang 107 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Hãy tóm tắt truyện, dựa vào mấy ý sau:

– Lí do cuộc họp làng chuột.
– Cảnh họp làng chuột lúc đầu và sáng kiến “đeo nhạc cho mèo”.
– Cảnh họp làng chuột lúc cử người “đeo nhạc cho mèo”.
– Kết quả việc cử người và thực hiện sáng kiến.

Trả lời:

Làng Chuột họp để đối phó với Mèo. Chuột Cống đề nghị đeo nhạc cho Mèo, chỉ cần nghe tiếng nhạc loài chuột tránh được tai họa. Nhưng khi thực hiện, ai cũng chối đây đẩy, tìm đủ mọi lí do để trốn việc và đùn đẩy cái việc chết người ấy cho kẻ khác. Ông Cống đùn sang anh Nhắt, anh Nhắt láu lỉnh lại đẩy sang cho chuột Chù. Rốt cuộc chuột Chù, vì là đấy tớ làng nên phải nhận. Mèo không thèm ăn nhưng cũng giơ nanh vuốt. Chuột Chù chạy về báo Mèo đến. Cả làng bỏ chạy.

Giải câu 2 (Trang 107 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Cảnh họp làng chuột lúc cử người “đeo nhạc cho mèo” rất đối lập nhau. Hãy chỉ ra và nêu ý nghĩa của những chi tiết chi tiết đối lập ấy.

Trả lời:

Sự đối lập giữa hai cảnh tượng ấy chứng tỏ làng chuột đa phần là những kẻ “khi vui thì vỗ tay vào”, chỉ biết nói suông, khi cần bàn đến việc cụ thể, liên quan đến tính mạng của cá nhân thì “cháy nhà mới ra mặt chuột”, từ ông Cống đến anh Nhắt, lộ nguyên hình là những kẻ chỉ biết chỉ tay sai khiến, đùn đẩy công việc cho người khác.

Giải câu 3 (Trang 107 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Em có nhận xét gì về việc tả các loại chuột trong truyện? Phải chăng mỗi loại chuột ám chỉ một loại người nào đó trong xã hội cũ?

Trả lời:

Mỗi nhân vật trong truyện lại tương ứng với một loại người trong làng:

– Ông Cống “rung rinh béo tốt” là bậc bề trên, có chút chữ nghĩa, kẻ cả, cậy thế cậy quyền, chỉ đòi “ăn trên ngồi trốc”.

– Anh Nhắt láu lỉnh, khôn ngoan, khéo trốn tránh công việc tương ứng với loại chức sắc “dở ông dở thằng”.

– Anh Chù thật thà, chất phác thuộc hàng ngũ những người “thấp cổ bé họng”, thường bị bọn chức sắc bắt nạt.

Giải câu 4 (Trang 107 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Trong cuộc họp của làng chuột, ai có quyền xướng việc và sai khiến? Ai phải nghe theo và nhận những việc khó khăn, nguy hiểm?

Trả lời:

Trong cuộc họp của làng chuột (và cũng là của làng xã trước đây), người có quyền xướng việc và sai khiến người khác là những vị có vai vế hàng đầu như ông Cống, người tự cho mình cái quyền không phải làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm là những vị chức sắc dở dở ương ương như anh Nhắt. Còn những người cùng đinh, ở dưới cùng trong bậc thang phân cấp xã hội như anh Chù thì phải gánh vác những công việc nặng nhọc, những kế hoạch nhiều khi rất viển vông do các vị chức sắc xướng lên.

Giải câu 5 (Trang 107 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Mục đích chính của truyện ngụ ngôn là khuyên nhủ, răn dạy con người ta bài học nào đó trong cuộc sống. Truyện Đeo nhạc cho mèo đưa ra bài học gì?

Trả lời:

Câu chuyện nêu lên những bài học ở đời: Thứ nhất, một sáng kiến hay kế hoạch tốt phải có điều kiện để thực hiện nó. Dù tốt đến mấy nhưng không thể thực hiện được trong thực tiễn thì đó cũng chỉ là những kế hoạch, sáng kiến viển vông, không có giá trị. Thứ hai, người thực hiện kế hoạch phải có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nó. Nếu chỉ đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, bắt một ai đó phải nhận thì dù kế hoạch có tính thực tiễn cũng chưa chắc đã thực hiện được. Thứ ba, một hội đồng toàn những kẻ chỉ biết nói cho sướng miệng rồi đùn đẩy trách nhiệm cho người khác chỉ có thể là hội đồng chuột, rất dễ đi đến những quyết định ảo tưởng, phi thực tế.

Soạn phần luyện tập Đeo nhạc cho mèo

Giải câu hỏi – Luyện tập đeo nhạc cho mèo (Trang 108 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu hỏi: Phân tích, đánh giá tính cách chuột Cống trong truyện Đeo nhạc cho mèo.

Trả lời:

Trong làng chuột, chuột Cống được xếp vào bậc trưởng thượng, ngồi ngất ngưởng chiếu trên. Vì thế mà chương trình nghị sự bàn chuyện đeo nhạc cho mèo do ông Cống khởi xướng và trình bày. Họ hàng nhà chuột cứ nghĩ đó là một cao kiến có thể cứu cả dòng tộc khỏi cái nỗi sợ hãi tồn tại bấy lâu nay. Nhưng thật không ngờ, đến ngày phân công người đi đeo nhạc cho mèo, ông Cống mới lộ rõ bộ mặt nhút nhát của mình. Cống tự cho mình là bậc trưởng thượng trong làng nên cái việc nhỏ nhoi kia chẳng xứng chút nào với cái danh hiệu cao quý mà ta đây hiện có (một cách trốn tránh trách nhiệm rất gian ngoan của những kẻ có quyền thế). Thế là cuối cùng, trách nhiệm nặng nề lại đặt lên đôi vai của những kẻ cùng đinh.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy chuột Cống là kẻ thích huênh hoang nhưng lại là một tên nhút nhát. Chuột Cống đại diện cho những kẻ chức sắc trong làng xã ngày xưa (gian ngoan và xảo trá).

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Đeo nhạc cho mèo

Câu 1. Hãy tóm tắt truyện, dựa vào mấy ý sau:

– Lí do cuộc họp làng chuột.
– Cảnh họp làng chuột lúc đầu và sáng kiến “đeo nhạc cho mèo”.
– Cảnh họp làng chuột lúc cử người “đeo nhạc cho mèo”.
– Kết quả việc cử người và thực hiện sáng kiến.

Trả lời:

Mèo cứ ăn thịt chuột mãi nên chuột lo lắng tìm cách bảo vệ giống nòi. Cả làng chuột họp bàn đeo nhạc vào cổ mèo để khi mèo đến, nghe tiếng nhạc biết đường chạy. Cả làng thấy cách hay nhưng ai cũng chối làm, có anh chuột Chù không biết chối đành nhận lời. Khi chuột chù đem nhạc đến gần mèo thì bị mèo dọa nhe nanh, giơ vuốt chạy về. Bởi thế đến tận giờ, mèo vẫn cứ ăn thịt chuột.

Câu 2. Cảnh họp làng chuột lúc cử người “đeo nhạc cho mèo” rất đối lập nhau. Hãy chỉ ra và nêu ý nghĩa của những chi tiết chi tiết đối lập ấy.

Trả lời:

Sự đối lập ở cảnh họp lúc đầu với lúc cử người “đeo nhạc cho mèo”: Lúc họp thì ai cũng ưng thuận cho đó là sáng kiến hay. Lúc cử người thì ai cũng thoái thác đùn đẩy trách nhiệm -> Ý nghĩa: sự hèn nhát, phê phán kiểu người nói dễ làm khó.

Câu 3*. Em có nhận xét gì về việc tả các loại chuột trong truyện? Phải chăng mỗi loại chuột ám chỉ một loại người nào đó trong xã hội cũ?

Trả lời:

Mỗi loại chuột trong truyện tương ứng với từng loại người trong xã hội:

– Chuột Cống “rung rinh béo tốt”, “lên giọng”: người có vai vế, chữ nghĩa.

– Chuột Chắt láu lỉnh, nhanh nhẩu, trở mặt: kẻ chức sắc “dở ông dở thằng”.

– Chuột Chù thật thà, chất phác: thấp cổ bé họng bị bắt nạt.

Câu 4*. Trong cuộc họp của làng chuột, ai có quyền xướng việc và sai khiến? Ai phải nghe theo và nhận những việc khó khăn, nguy hiểm?

Trả lời:

Trong cuộc họp, ông Cống là người có quyền xướng việc và sai khiến, anh Chắt tự cho mình cái quyền không phải làm việc nặng nhọc, kẻ cùng đinh dưới cùng xã hội như anh Chù phải gánh vác việc nguy hiểm.

Câu 5. Mục đích chính của truyện ngụ ngôn là khuyên nhủ, răn dạy con người ta bài học nào đó trong cuộc sống. Truyện Đeo nhạc cho mèo đưa ra bài học gì?

Trả lời:

Bài học: Sáng kiến dù hay thế nào phải có tính thực tiễn và khả thi mới có ích. Một kế hoạch tốt phải có điều kiện thực hiện, người thực hiện là rất quan trọng. Một hội đồng mà chỉ có cá nhân thao túng sẽ đi đến những quyết định ảo tưởng, điên rồ.

Soạn bài luyện tập Đeo nhạc cho mèo trang 108 SGK ngữ văn 6 tập 1

Câu hỏi: Phân tích, đánh giá tính cách của chuột Cống.

Trả lời:

Chuột Cống là bậc trưởng thượng huênh hoang nhưng bản chất nhút nhát đẩy trách nhiệm khó khăn cho người khác. Luôn cho mình là kẻ bề trên, khởi xướng ý tưởng đeo nhạc cho mèo, cũng là người trốn tránh việc thực hiện việc nguy hiểm.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status