Soạn bài – Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm

Soạn bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm trang 16 – 23 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

TIỂU DẪN

Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, chấp nhận rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô.

Đại cáo bình Ngô có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập được công bố vào tháng Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1528). Bài đại cáo này mang đặc trưng cơ bản của thể cáo nói chung, đồng thời có những sáng tạo riêng của Nguyễn Trãi.

Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết. Trong thể cáo, có loại văn cáo thường ngày như chiếu sách của vua truyền xuống về một vấn đề nào đó, có lại văn đại cáo mang ý nghĩa một sự kiện trọng đại, có tính chất quốc gia. Cáo có thể được viết bằng văn xuôi hay văn vần nhưng phần nhiều được viết bằng văn biền ngẫu, không có vần hoặc có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau. Cũng như hịch, cáo là thể văn hùng biện, do đó lời lẽ phải đanh thép, lí luận phải sắc bén, kết cấu phải chặt chẽ, mạch lạc.

Đại cáo bình Ngô do Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi soạn thảo là bài cáo có ý nghĩa trọng đại của quốc gia, được công bố rộng khắp về việc dẹp yên giặc Ngô (ở đây chữ Ngô chỉ giặc Minh xâm lược). Bài đại cáo này được viết theo lối văn biền ngẫu, có vận dụng thể tứ lục (từng cặp câu, mỗi câu mười chữ ngắt theo nhịp 4/6), hình tượng nghệ thuật sinh động, gợi cảm.

Bố cục bài Đại cáo bình Ngô gồm bốn phần (NBS đã đánh số để tiện theo dõi):

– Nêu vấn đề chính nghĩa.

– Vạch rõ tội ác kẻ thù.

– Kể lại quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa.

– Tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.

VĂN BẢN

1. Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt (1) trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Tiệu Tiết (2) thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử (3) bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã (4).
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ còn ghi.

2. Vừa rồi:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ (5) xuống dưới hầm tai vạ.
Dói trời lừa dân đủ muôn nghìn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bạn nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen (6), nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán;
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
Nặng nề những nỗi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc (7) Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?

3. Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
Chốn hoang dã nương mình.
Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống.
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời;
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao (8) suy xét đã tinh;
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế (9) đắn đo càng kĩ.
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi (10).
Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
Chính lúc quân thù đương mạnh.

Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu.
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác (11) hiếm người bàn bạc.
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về đông (12);
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chăm còn dành phía tả (13

Thế mà:
Trông người người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi,
Tự ta ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.
Phần thì giận hung đồ ngang dọc,
Phần thì lo vận nước khó khăn.
Khi Linh Sơn (14) lương hết mấy tuần,
Khi Khôi Huyện (15) quân không một đội.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn,
Ta gắng chí khắc phục gian nan.
Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc (16) ngọn cờ phấp phới;
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông (17) chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kì, lấy yếu chống mạnh;
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.

Trọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng (18) sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân (19) trúc chẻ tro bay (20).
Sĩ khí đã hăng,
Quân thanh càng mạnh (21).
Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
Lí An, Phương Chính (22) nín thở cầu thoát thân.
Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh (23) quân ta chiếm lại;
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô (24) đất cũ thu về.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm;
Tốt Động (25) thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
Phúc tâm quân giặc, Trần Hiệp đã phải bêu đầu;
Mọt gian kẻ thù, Lí Lượng cũng đành bỏ mạng.
Vương Thông gỡ thế nguy, mà đám lửa cháy lại càng cháy;
Mã Anh (26) cứu trận đánh, mà quân ta hăng lại càng hăng.
Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt;
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt, tâm công (27).
Tưởng chúng biết lẽ ăn năn, nên đã thay lòng đổi dạ;
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính, lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người, gieo họa cho bao nhiêu kẻ khác;
Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian.

Bởi thế:
Thằng nhãi con Tuyên Đức (28), động binh không ngừng;
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng (29), đem dầu chữa cháy.
Đinh Mùi tháng chín Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn tiến lại;
Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong;
Ta sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực.
Ngày mười tám, trận Chi Lăng (30), Liễu Thăng thất thế,
Ngày hai mươi, trận Mã Yên (31), Liễu Thăng cụt đầu,
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong,
Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn.
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá,
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau.
Lại thêm quân bốn mặt vây thành,
Hẹn đến giữa tháng 10 diệt giặc.
Sĩ tốt kén người hùng hổ,
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh.
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc,
Đánh hai trận (32), tan tác chim muông.
Nổi gió to trút sạch lá khô,
Thông tổ kiến phá toang đê vỡ.
Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang (33), Lạng Sơn, thây chất đầy đường;
Xương Giang, Bình Than (34), máu trôi đỏ nước.
Ghê gớm thay sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ.
Bị ta chẹn ở Lê Hoa (35), quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật;
Thua quân ta ở Cần Trạm (36), quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
Suối Lãnh Câu (37) máu chảy trôi chày (38), nước sông nghẹn ngào tiếng khóc;
Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp;
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng.
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng;
Thần vũ chẳng giết hại (39), thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.
Mã Kì, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc;
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng;
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu,
Cũng là chưa thấy xưa nay.

4. Xã tắc từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới.
Kiền khôn bĩ rồi lại thái (40),
Nhật nguyệt hối rồi lại minh (41),
Muôn thuở nền thái bình vững chắc,
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy.
Than ôi!
Một cỗ nhung y (42) chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm;
Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân (43) khắp chốn.
Xa gần bá cáo
Ai nấy đều hay.

Theo bản dịch của BÙI KÍ (44), BÙI VĂN NGUYÊN chỉnh lí
(Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II – Văn học thế kỉ X – thế kỉ XVII, Sđd.
Có tham khảo một số bản dịch khác.)

Chú thích:

(1) Điếu phạt: (điếu: thương, phạt: trừng trị) rút từ ý “Điếu dân phạt tội” trong Kinh Thư nói về việc Thang, Vũ vì dân mà đánh kẻ có tội là Kiệt, Trụ.

(2) Triệu Tiết: tướng nhà Tống cùng Quách Quỳ đem quân xâm lược nước ta, bị Lí Thường Kiệt đánh đuổi.

(3) Hàm Tử: (thuộc Hưng Yên) nơi Trần Nhật Duật phá quân Toa Đô.

(4) Toa Đô, Ô Mã: hai tướng nhà Nguyên.

(5) Con đỏ: con mới đẻ (nghĩa đen); ở đây chỉ nhân dân, theo nghĩa: nhà vua chân chính yêu dân như con mới đẻ.

(6) Chim trả, hươu đen: hai loài vật đều quý, lông chim trả màu tím làm áo và đệm, nhung hươu làm vị thuốc bổ.

(7) Trúc: thời xưa chép sử sách bằng cách dùng dao khắc chữ trên thẻ trúc, rồi quét sơn lên.

(8) Sách lược thao: sách dạy cách dùng binh, đánh trận.

(9) Hưng phế: hưng: nói một triều đại đang lên, phế: nói một triều đại đang xuống và bị lật đổ.

(10) Đồ hồi: mưu tính việc khôi phục lại.

(11) Duy ác (hay ốc): màn che, chỗ bộ tham mưu trong quân đội xưa, nơi bàn bạc việc quân.

(12) Về đông: chữ lấy từ Hán thư, từ câu nói của Lưu Bang (Hán Cao Tổ). Khi bị Hạng Vũ đẩy vào đất Tây Thục, Lưu Bang bực tức nói: “Dư diệc dục đông nhĩ, an năng uất uất cửu cư thử hồ” (Ta cũng muốn trở về đông, sao chịu chết ải ở chốn này).

(13) Phía tả: Tín Lăng Quân nước Ngụy, nghe tiếng Hầu Doanh là một hiền sĩ, mình ngồi phía hữu, dành phía tả cho Hầu Doanh, tả được coi như trên hữu, có ý tôn trọng người hiền.

(14) Linh Sơn: núi Chí Linh, một ngọn núi hiểm trở ở xã Giao An, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.

(15) Khôi Huyện: lâu nay người ta vẫn cho rằng đây là vùng Khôi Sách, gần Nho Quan, Ninh Bình, giáp Thanh Hóa; gần đây có ý kiến cho rằng Khôi Huyện ở mạn Bá Thước, Thanh Hóa.

(16) Dựng cần trúc: lấy điển cũ nói về Trần Thắng, Ngô Quảng do khởi nghĩa quá gấp không kịp may cờ, giơ cần trúc làm cờ (yết can vi kì).

(17) Hòa nước sông: lấy điển trong Văn tuyển chép lời Hoàng Thạch Công: “Xưa có viên tướng giỏi, khéo dùng binh, nhân có người biếu chai rượu, viên tướng đó truyền tập hợp quân đội bên dòng sông, rồi đổ chai rượu xuống dòng sông để mọi người đều nhắp, gọi là chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau chiến đấu một lòng”. Về điển này, theo truyền thuyết, ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa có truyện Suối rượu; ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa có truyện Hòn đá khao đều nói Lê Lợi có làm động tác đổ rượu xuống sông khao quân.

(18) Bồ Đằng: tên một ngọn núi, còn gọi là Bồ Liệt, Bồ Cứ thuộc Quỳ Châu, Nghệ An.

(19) Trà Lân: một địa điểm thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An.

(20) Trúc chẻ tro bay: quân giặc bị tan nhanh dễ như thể chẻ tre, hay như tro bay.

(21) Sĩ khí, quân thanh: tinh thần và thanh thế của quân đội.

(22) Trần Trí, Sơn Thọ, Lí An, Phương Chính: bốn viên tướng của quân Minh.

(23) Tây Kinh: Tây Nhai, hoặc Tây Giai do nhà Hồ xây dựng, di tích hiện còn ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (không nên lầm lẫn với Lam Kinh ở Lam Sơn).

(24) Đông Đô: Hà Nội ngày nay.

(25) Ninh Kiều, Tốt Động: hai địa điểm thuộc Chương Mĩ, Hà Tây.

(26) Trần Hiệp, Lí Lượng, Vương Thông, Mã Anh: cũng là các viên tướng của quân Minh.

(27) Mưu phạt, tâm công: đánh bằng mưu, đánh bằng tâm (đánh bằng nhân nghĩa, dùng nhân nghĩa để thuyết phục, cảm hóa).

(28) Tuyên Đức: niên hiệu vua Tuyên Tông nhà Minh, ở ngôi từ 1426 đến 1435.

(29) Thạnh, Thăng: Mộc Thạnh, Liễu Thăng – hai tướng nhà Minh dẫ hai đạo viện binh sau cùng và đều thất bại.

(30) Chi Lăng: địa điểm xưa là cửa ải, nơi Liễu Thăng bị giết (gần ga xe lửa Chi Lăng hiện nay ở Lạng Sơn).

(31) Mã Yên: một địa điểm ở Lạng Sơn. Chú ý: ở nước ta có nhiều nơi mang tên Mã Yên (eo núi giống như cái yên ngựa).

(32) Đánh một trận, đánh hai trận: dịch thoát chữ nhất cổ (đánh hồi trống thứ nhất), tái cổ (đánh hồi trống thứ hai).

(33) Lạng Giang: một địa điểm thuộc Bắc Giang.

(34) Xương Giang: sông chảy qua phủ Lạng Thương. Thành Xương Giang còn di tích gần thành phố Bắc Giang. Bình Than: thuộc vùng Phả Lại hiện nay.

(35) Lê Hoa: một cửa ải xưa kia, giáp ranh huyện Bát Xát, Lào Cai và huyện Mông Tự, Vân Nam (Trung Quốc). Ở đó có sông Lê Hoa. Nay vùng này không có cửa ải.

(36) Cần Trạm: vùng Kép, Lạng Sơn.

(37) Lãnh Câu, Đan Xá: hai địa điểm giáp ranh giữa Vân Nam và nước ta. Chưa rõ đích xác hai địa điểm này ở vùng Lai Châu hay vùng Hà Giang.

(38) Máu chảy trôi chày: do chữ “huyết lưu phiêu chử” trong thiên Vũ thành (Kinh Thư), ý nói máu chảy nhiều, trôi cả chày (chày là một loại vũ khí).

(39) Thần vũ chẳng giết hại: uy vũ thiêng liêng không giết hại mà vẫn thắng.

(40) Kiền khôn: (kiền hay càn chỉ trời, khôn chỉ đất) trời đất. Bĩ, thái: dịch hai que bĩ và thái trong Kinh Dịch (bĩ: bế tắc, thái: thông suốt).

(41) Hối rồi lại minh: tối rồi lại sáng.

(42) Nhung y: áo giáp mặc để ra trận, đây chỉ việc đánh giặc, ý này cũng rút từ thiên Vũ thành đã nêu ở trên, tức nói việc Vũ Vương đánh Trụ: “Chỉ một cỗ nhung y mà thiên hạ thu về được” (Nhất nhung y, thiên hạ đại định). Ở đây, chỉ Lê Lợi.

(43) Duy tân: đổi mới; ý nói cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã mở ra một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên xây dựng một nhà nước Đại Việt tự chủ và thịnh vượng, dưới triều vua mới.

(44) Gần đây có ý kiến cho rằng bản dịch này là của Trần Trọng Kim.

Hướng dẫn soạn bài – Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm

I. Bố cục

– Đoạn 1 (từ đầu đến “Chứng cớ còn ghi”): Khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lí độc lập dân tộc của Đại Việt (Nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược).

– Đoạn 2 (từ “Vừa rồi” đến “Ai bảo thần dân chịu được”): Lời tố cáo, lên án tội ác của giặc Minh.

– Đoạn 3 (từ “Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa” đến “Cũng là chưa thấy xưa nay”): Diễn biến của trận đánh từ lúc mở đầu đến khi thắng lợi hoàn toàn. Đoạn này cũng nêu cao sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh của lòng yêu nước kết tinh thành sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Đoạn 4 (đoạn còn lại): Lời tuyên bố độc lập và bài học lịch sử được rút ra.

II. Hướng dẫn soạn bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm

Giải câu 1 (Trang 22 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Bài Đại cáo bình Ngô gồm 4 đoạn. Hãy tóm lược nội dung của từng đoạn. Nội dung của từng đoạn hướng vào chủ đề chung của bài cáo là nêu cao tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng độc lập dân tộc như thế nào?

Trả lời:

– Đoạn 1 (từ đầu đến “Chứng cớ còn ghi”): Khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lí độc lập dân tộc của Đại Việt (Nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược).

– Đoạn 2 (từ “Vừa rồi” đến “Ai bảo thần dân chịu được”): Lời tố cáo, lên án tội ác của giặc Minh.

– Đoạn 3 (từ “Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa” đến “Cũng là chưa thấy xưa nay”): Diễn biến của trận đánh từ lúc mở đầu đến khi thắng lợi hoàn toàn. Đoạn này cũng nêu cao sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh của lòng yêu nước kết tinh thành sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Đoạn 4 (đoạn còn lại): Lời tuyên bố độc lập và bài học lịch sử được rút ra.

-> Mỗi đoạn thể hiện một nội dung khác nhau nhưng đều tập trung hướng vào chủ đề chung của bài cáo (nêu cao tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng độc lập dân tộc):

Đoạn 1 nêu lên tiền đề lý luận cho tư tưởng nhân nghĩa – nhân nghĩa gắn liền với ưu dân ái quốc (yêu nước thương dân) và khẳng định chủ quyền dân tộc.

Đoạn 2 khẳng định những hành động hung ác của giặc Minh là làm trái với tư tưởng nhân nghĩa, xâm phạm chủ quyền Đại Việt.

Đoạn 3 nêu cao sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và lòng yêu nước có thể trừ gian diệt bạo, bảo vệ bờ cõi.

Đoạn 4 tổng kết, minh chứng cho sự đúng đắn của tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng độc lập dân tộc.

Giải câu 2 (Trang 22 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Tìm hiểu đoạn mở đầu (“Từng nghe… chứng cứ còn ghi”):

a) Có những chân lí nào được khẳng định để làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng cho việc triển khai toàn bộ nội dung bài cáo?

b) Vì sao đoạn mở đầu có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độc lập?

c) Tác giả đã có cách viết như thế nào để làm nổi bật niềm tự hào dân tộc (Lưu ý cách dùng từ, sử dụng nghệ thuật so sánh, câu văn biền ngẫu sóng đôi, cân xứng, cách nêu dẫn chứng từ thực tiễn,…)

Trả lời:

a) Nguyễn Trãi nêu nguyên lí chính nghĩa để làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng cho việc triển khai toàn bộ nội dung bài cáo.

Trong nguyên lí chính nghĩa của Nguyễn Trãi, có hai nội dung chính được nêu ra, đó là:

– Tư tưởng nhân nghĩa.

– Chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt ta.

b) Đoạn đầu mở đầu tuyên ngôn về độc lập dân tộc. Tác giả đã không chỉ đã đưa ra một chân lí về chính nghĩa và còn nêu ra chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước ta có cơ sở chắc chắn từ thực tiễn lịch sử:

Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Khái niệm quốc gia dân tộc của Nguyễn Trãi được trình bày một cách khá đầy đủ (ở thời điểm đó) và có một bước tiến dài so với Nam quốc sơn hà. Nhưng yếu tố đã được Nguyễn Trãi đưa ra để xác định độc lập chủ quyền của dân tộc bao gồm: cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời, lịch sử riêng, chế độ riêng với “hào kiệt đời nào cũng có”.

c) Để khẳng định quyền tự do, độc lập và để làm nổi bật lên niềm tự hào dân tộc, tác giả đã dùng những lời lẽ lập luận đầy sức thuyết phục với các từ ngữ khẳng định tính chất tự nhiên, vốn có, lâu đời của nước Đại Việt (từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác); cách sử dụng nghệ thuật so sánh trong những câu văn biền ngẫu (đối ứng giữa nước ta với Bắc Triều); cách nêu ra những dẫn chứng thực tiễn (chuyện Lưu Cung, Triệu Tiếc, Toa Đô). Cách lập luận này của Nguyễn Trãi đã làm cho lời tuyên ngôn giàu sức thuyết phục hơn.

Giải câu 3 (Trang 22 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Tìm hiểu đoạn 2 (“Vừa rồi… Ai bảo thần nhân chịu được”):

a) Tác giả đã tố cáo những âm mưu, nhưng hành động tội ác nào của giặc Minh? Âm mưu nào là thâm độc nhất, tội ác nào là man rợ nhất?

b) Nghệ thuật của đoạn cáo trạng tội ác kẻ thù có gì đặc sắc? (Lưu ý những câu văn giàu hình tượng; giọng văn thay đổi linh hoạt, phù hợp với cảm xúc.)

Trả lời:

Đoạn 2 (“Vừa rồi … Ai bảo thần nhân chịu được”)

a) Tác giả tố cáo những âm mưu, tội ác của giặc Minh:

– Âm mưu: Nguyễn Trãi vạch trần âm mưu xâm lược của giặc Minh: vạch trần luận điệu phù Trần diệt Hồ bịp bợm của chúng. Âm mưu thôn tính nước ta vốn có từ lâu trong tư tưởng của “thiên triều”.

– Tội ác:

+ Hủy hoại con người bằng hành động diệt chủng, tàn sát người vô tội.

+ Bóc lột nhân dân, vơ vét của cải, hủy hoại cả môi trường sống.

– Âm mưu xâm lược nước ta là thâm độc nhất, tội ác tàn sát, giết hại nhân dân là man rợ nhất.

b) Nghệ thuật cáo trạng:

– Vận dụng, kết hợp những chi tiết, hình ảnh vừa cụ thể, vừa khái quát, lối liệt kê liên tiếp, hình ảnh kẻ thù đối lập với tính cách người dân vô tội.

– Dùng những câu văn giàu cảm xúc, giàu hình tượng.

– Giọng văn và nhịp điệu thay đổi linh hoạt, nhịp điệu nhanh dần.

– Lời văn: khi uất hận trào sôi, khi cảm thương tha thiết, lúc nghẹn ngào, tấm tức, …

Giải câu 4 (Trang 23 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Tìm hiểu đoạn 3 (“Ta đây… Cũng là chưa thấy xưa nay”):

a) Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tác giả tái hiện như thế nào? (Có những khó khăn gian khổ gì? Người anh hùng Lê Lợi tiêu biểu cho cuộc khởi nghĩa có ý chí, quyết tâm như thế nào? Sức mạnh nào giúp quân ta chiến thắng?)

b) Khi tái hiện giai đoạn phản công thắng lợi, bài cáo miêu tả bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

– Cho biết có những trận đánh nào, mỗi trận có đặc điểm gì nổi bật?

– Phân tích những biện pháp nghệ thuật miêu tả thế chiến thắng của ta và sự thất bại của giặc.

– Phân tích tính chất hùng tráng của đoạn văn được gợi lên từ ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu câu văn.

Trả lời:

a) Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa

– Tác giả tập trung khắc hoạ hình tượng Lê Lợi – Người lãnh tụ nghĩa quân: ngẫm, căm giặc nước, đau lòng nhức óc, quên ăn, suy xét, đắn đo, trằn trọc, vẫn đăm đăm …, dốc lòng, gắng chí. Một loạt những từ ngữ khắc hoạ phẩm chất, ý chí của người lãnh tụ: Có lòng căm thù giặc sâu sắc, có hoài bão lớn, có ý chí quyết tâm thực hiện hoài bão lí tưởng, tiêu diệt kẻ thù để cứu nước, cứu dân.

– Những khó khăn ở buổi đầu:

+ Thiếu lương thực, thiếu quân, thiếu nhân tài.

+ Những khó khăn thiếu thốn chồng chất.

+ Kẻ thù có lực lượng lớn mạnh, hung bạo, được trang bị đầy đủ.

– Vận dụng chiến thuật quân sự:

+ Nhân dân bốn cõi một nhà …

+ Tướng sĩ một lòng phụ tử …

+ Thế trận xuất kì …

+ Dùng quân mai phục …

+ Đoàn kết, đồng lòng, vận dụng những mưu kế quân sự tài giỏi, dùng lối đánh bất ngờ, nhanh gọn.

=> Qua hình tượng Lê Lợi, Tác giả Nguyễn Trãi đã khắc hoạ được ý chí quyết tâm chống ngoại xâm, tinh thần đoàn kết đồng lòng vượt khó của dân tộc trong thời đại chống ngoại xâm.

b) Giai đoạn phản công – Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa:

– Những trận tiến quân ra Bắc: Trận Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động.

– Chiến dịch diệt chi viện: Trận Chi Lăng, Mã Yên, Xương Giang.

=> Nghệ thuật Miêu tả các trận đánh:

– Sử dụng nhiều động từ mạnh, nhiều hình ảnh phóng đại, lối so sánh với những hình tượng thiên nhiên lớn lao kì vĩ.

– Lối liệt kê liên tiếp nhiều dẫn chứng cụ thể, lối kết hợp những câu văn khi dài, khi ngắn biến hoá linh hoạt, tạo giọng điệu mạnh mẽ, dồn dập, giàu cảm hứng anh hùng ca.

Hình ảnh quân thù:

– Kết cục bi thảm của những tướng giặc ham sống sợ chết, tất cả bọn chúng đều hèn nhát, đều thất bại thảm hại: nghe hơi mà mất vía, nín thở cầu thoát thân, tim đập chân run, …

=> Hình ảnh quân thù được miêu tả bằng chi tiết cụ thể, kết hợp với những hình ảnh mang tính tượng trưng, đặc biệt với thủ pháp đối lập: Qua đó càng nêu bật khí thế hào hùng, thắng lợi vẻ vang và bản chất nhân đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Càng nêu bật những thất bại thảm hại của kẻ thù.

Giải câu 5 (Trang 23 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Tìm hiểu đoạn kết (“Xã tắc từ nay vững bền… Ai nấy đều hay”):

– Giọng văn ở đoạn này vó gì khác với những đoạn trên? Do đâu có sự khác nhau đó?

– Trong lời tuyên bố nền độc lập dân tộc đã được lập lại, Đại cáo bình Ngô đồng thời nêu lên bài học lịch sử. Theo anh (chị), có những bài học lịch sử nào và ý nghĩa của bài học lịch sử đó đối với chúng ta ngày nay như thế nào?

Trả lời:

– Trong đoạn cuối, giọng văn chuyển sang trầm lắng, tự hào. Bởi đó là những lời tổng kết lịch sử mang đậm suy tư.

– Trong lời tuyên bố độc lập được lập lại, tác giả đã đồng thời rút ra bài học lịch sử: Đó là quy luật bĩ, thái (khốn cùng, thông suốt) của trời đất, cũng là quy luật suy vong hưng thịnh tất yếu của mỗi quốc gia. Vì thế sự vững bền khi đã được xây dựng trên cơ sở phục hưng dân tộc, thì viễn cảnh của đất nước chắc chắn sẽ thật tươi sáng, huy hoàng.

– Sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và sức mạnh thời đại: có hiện thực hôm nay và tương lai ngày mai cũng là bởi “nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ”, nhờ có chiến công trong quá khứ: “Một cổ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm”.

Trong lời tuyên bố kết thúc, cảm hứng về độc lập dân tộc và tương lai đất nước đã hòa quyện với cảm hứng về vũ trụ khi “bĩ”, khi “hối” nhưng quy luật là hướng tới sự sáng tươi, phát triển, càng phát họa sâu đậm niềm tin và quyết tâm xây dựng lại đất nước của nhân dân ta khi vận hội duy tân đã mở.

Giải câu 6 (Trang 23 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Rút ra những giá trị chung về mặt nội dung và nghệ thuật của Đại cáo bình Ngô, đồng thời phân tích những giá trị đó.

a) Đại cáo bình Ngô được coi là bản tuyên ngôn độc lập, tác phẩm có mang ý nghĩa tuyên ngôn về quyền sống của con người hay không? Hãy lí giải.

b) Đại cáo bình Ngô có sự kết hợp hài hòa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương, anh (chị) hãy phân tích để làm sáng tỏ đặc điểm này về các mặt: kết cấu, lập luận, nghệ thuật sử dụng từ ngữ, xây dựng hình tượng, nghệ thuật sử dụng câu văn, nhịp điệu.

Trả lời:

a) Nội dung : Có thể coi Đại cáo Bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, có ý nghĩa tuyên ngôn về quyền sống của con người. Vì bài cáo nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc.

b) Nghệ thuật : Bài cáo kết hợp hài hòa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương. Vận dụng lối kết cấu chung của thể cáo, lấy tư tưởng nhân nghĩa và độc lập dân tộc làm cơ sở chân lí. Có sự kết hợp tài tình sức mạnh của lí lẽ và giá trị biểu cảm của hình tượng nghệ thuật.

Soạn phần luyện tập bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 23 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Lập sơ đồ kết cấu của Đại cáo bình Ngô và phân tích tác dụng của nghệ thuật kết cấu đó.

Trả lời:

Sơ đồ kết cấu của Đại cáo bình Ngô:

soan bai – dai cao binh ngo (binh ngo dai cao) – phan 2: tac pham

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 23 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Học thuộc đoạn mở đầu bài Đại cáo bình Ngô.

Trả lời:

Các em hãy học thuộc đoan mở đầu bài: Đại cáo bình Ngô bằng cách học của bản thân mình.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm

Câu 1. Bài Đại cáo bình Ngô gồm 4 đoạn. Hãy tóm lược nội dung của từng đoạn. Nội dung của từng đoạn hướng vào chủ đề chung của bài cáo là nêu cao tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng độc lập dân tộc như thế nào?

Trả lời:

Đại cáo bình Ngô có thể chia thành bốn đoạn, mỗi đoạn đều có một chủ đề riêng nhưng tất cả đều hướng tới tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt của tác phẩm, đó là tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với lòng yêu nước, yêu độc lập và niềm tự hào dân tộc.

– Đoạn 1 (từ đầu đến “Chứng cớ còn ghi”): Khẳng định tư tưởng, nhân nghĩa và chân lí độc lập dân tộc của Đại Việt (Nhân nghĩa gắn liền với yêu nước chống xâm lược).

– Đoạn 2 (từ “Vừa rồi” đến “Ai bảo thần dân chịu được”): Tố cáo, lên án tội ác của giặc Minh.

– Đoạn 3 (từ “Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa” đến “Cũng là chưa thấy xưa nay”): Kể lại diễn biến của cuộc chiến từ lúc mở đầu đến khi thắng lợi hoàn toàn. Đoạn này cũng nêu cao sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh của lòng yêu nước kết tinh thành sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Đoạn 4 (còn lại): Lời tuyên bố độc lập và rút ra bài học lịch sử.

Câu 2. Tìm hiểu đoạn mở đầu (“Từng nghe… chứng cứ còn ghi”):

a) Có những chân lí nào được khẳng định để làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng cho việc triển khai toàn bộ nội dung bài cáo?

b) Vì sao đoạn mở đầu có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độc lập?

c) Tác giả đã có cách viết như thế nào để làm nổi bật niềm tự hào dân tộc (Lưu ý cách dùng từ, sử dụng nghệ thuật so sánh, câu văn biền ngẫu sóng đôi, cân xứng, cách nêu dẫn chứng từ thực tiễn,…)

Trả lời:

a) Những chân lí được khẳng định làm căn cứ cho việc triển khai toàn bộ bài cáo : Tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập, chủ quyền của nước Đại Việt.

b) Đoạn mở đầu như lời tuyên ngôn độc lập vì tác giả đưa ra luận đề chính nghĩa với nội dung khẳng định độc lập, chủ quyền đất nước như một chân lí hiển nhiên.

c) Cách viết của tác giả : từ ngữ có tính hiển nhiên, xác thực, câu văn biền ngẫu, đối xứng (các triều đại), đưa tra 5 nhân tố quan trọng và thực tiễn.

Câu 3. Tìm hiểu đoạn 2 (“Vừa rồi… Ai bảo thần nhân chịu được”):

a) Tác giả đã tố cáo những âm mưu, nhưng hành động tội ác nào của giặc Minh? Âm mưu nào là thâm độc nhất, tội ác nào là man rợ nhất?

b) Nghệ thuật của đoạn cáo trạng tội ác kẻ thù có gì đặc sắc? (Lưu ý những câu văn giàu hình tượng; giọng văn thay đổi linh hoạt, phù hợp với cảm xúc.)

Trả lời:

a) Những âm mưu, tội ác được tác giả tố cáo :

– Âm mưu : luận điệu bịp bợm phù Trần diệt Hồ, âm mưu thôn tính nước ta.

– Tội ác : tàn sát, bóc lột con dân Đại Việt Nướng dân đen, vùi con đỏ, …không ghi hết tội, …không rửa hết mùi.

b) Nghệ thuật đoạn cáo trạng : Phép liệt kê tội ác của giặc, hình ảnh ấn tượng với bút pháp trữ tình tự sự, phép so sánh (giặc Minh như những con quỷ hút máu, như lũ hổ đói) ; giọng thơ đanh thép.

Câu 4. Tìm hiểu đoạn 3 (“Ta đây… Cũng là chưa thấy xưa nay”):

a) Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tác giả tái hiện như thế nào? (Có những khó khăn gian khổ gì? Người anh hùng Lê Lợi tiêu biểu cho cuộc khởi nghĩa có ý chí, quyết tâm như thế nào? Sức mạnh nào giúp quân ta chiến thắng?)

b) Khi tái hiện giai đoạn phản công thắng lợi, bài cáo miêu tả bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

– Cho biết có những trận đánh nào, mỗi trận có đặc điểm gì nổi bật?

– Phân tích những biện pháp nghệ thuật miêu tả thế chiến thắng của ta và sự thất bại của giặc.

– Phân tích tính chất hùng tráng của đoạn văn được gợi lên từ ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu câu văn.

Trả lời:

a) Giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa :

– Khó khăn: thiếu lương thực, thiếu quân, thiếu nhân tài ; kẻ thù mạnh.

– Người anh hùng Lê Lợi : Xuất thân từ nông dân, chốn núi rừng, vì dân mà dấy nghĩa. Có lòng căm thù giặc sâu sắc, lí tưởng hoài bão lớn, có quyết tâm chiến đấu.

– Sức mạnh giúp dân ta chiến thắng hơn hết chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân.

b) Giai đoạn phản công thắng lợi :

– Những trận đánh : Trận Tây Kinh, Đông Đô quân ta chiếm lại; trận Ninh Kiều, Tốt Động giặc thảm bại thây chất đầy nội; trận Chi Lăng, Mã An là sự thất bại của tướng giặc Liễu Thăng cụt đầu; trận Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.

– Nghệ thuật miêu tả :

+ Phép so sánh đã miêu tả thành công sự đối lập của quân ta và giặc : quân ta sấm vang chớp giật,.. người hùng hổ, kẻ vuốt nanh,… ; quân giặc thì nghe hơi mà mất vía… máu chảy thành sông, lê gối dâng tờ tạ tội…

+ Phép liệt kê, trùng điệp, câu văn dài ngắn đan xen, biến hóa linh hoạt, gợi lên âm hưởng hào hùng vừa mạnh mẽ vừa khí thế.

– Tính chất hùng tráng : hình ảnh phong phú được đo bằng sự rộng lớn kì vĩ của thiên nhiên, câu văn, nhịp điệu ngắn dài khác nhau tạo nhịp điệu chung là dồn dập, sảng khoái, bay bổng.

Câu 5. Tìm hiểu đoạn kết (“Xã tắc từ nay vững bền… Ai nấy đều hay”):

– Giọng văn ở đoạn này vó gì khác với những đoạn trên? Do đâu có sự khác nhau đó?

– Trong lời tuyên bố nền độc lập dân tộc đã được lập lại, Đại cáo bình Ngô đồng thời nêu lên bài học lịch sử. Theo anh (chị), có những bài học lịch sử nào và ý nghĩa của bài học lịch sử đó đối với chúng ta ngày nay như thế nào?

Trả lời:

– Giọng văn trang nghiêm, trịnh trọng vì đó là những lời tuyên bố về nền độc lập, chủ quyền đất nước ; nhắc đến truyền thống, công lao tổ tiên đầy tự hào.

– Bài học lịch sử : chiến công, độc lập nhờ vào truyền thống, sức mạnh, ý thức tự tôn cả dân tộc -> Ý nghĩa : nhắc nhở con người nhớ đến công lao của lịch sử.

Câu 6*. Rút ra những giá trị chung về mặt nội dung và nghệ thuật của Đại cáo bình Ngô, đồng thời phân tích những giá trị đó.

a) Đại cáo bình Ngô được coi là bản tuyên ngôn độc lập, tác phẩm có mang ý nghĩa tuyên ngôn về quyền sống của con người hay không? Hãy lí giải.

b) Đại cáo bình Ngô có sự kết hợp hài hòa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương, anh (chị) hãy phân tích để làm sáng tỏ đặc điểm này về các mặt: kết cấu, lập luận, nghệ thuật sử dụng từ ngữ, xây dựng hình tượng, nghệ thuật sử dụng câu văn, nhịp điệu.

Trả lời:

a) Đại cáo bình Ngô mang ý nghĩa tuyên ngôn về quyền sống của con người, thể hiện ở việc tác giả nêu lên tư tưởng nhân nghĩa: nhân nghĩa là mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân (yên dân), tác giả còn lên án gay gắt những hành động chà đạp cuộc sống, sinh mạng của con người.

b) Sự hài hòa giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương ở Đại cáo bình Ngô:

+ Yếu tố chính luận:

– Kết cấu: bài cáo có kết cấu chặt chẽ, gồm 4 phần mỗi phần mang một nội dung rõ ràng làm sáng tỏ tư tưởng trung tâm.

– Lập luận: tác giả sử dụng những lập luận sắc bén, thuyết phục, có minh chứng cụ thể, rõ ràng, không thể bác bỏ.

– Từ ngữ: mỗi lần chuyển từ lập luận này sang lập luận khác đều có lời mở đầu, chuyển đoạn, thể hiện rõ ý mà tác giả sắp nói tới, kết nối các ý với nhau một cách khăng khít (từng nghe, vừa rồi, ta đây, lại ngặt vì, thế mà, trọn hay, bởi thế).

+ Yếu tố văn chương:

– Từ ngữ: giàu tính hình tượng, gợi hình, gợi cảm, gợi âm thanh, mang sắc thái biểu cảm cao (sử dụng nhiều tính từ, động từ mạnh).

– Hình tượng: hình tượng người anh hùng được xây dựng với vẻ đẹp sánh ngang cùng đất trời, mang cảm hứng ngợi ca của tác giả, hình tượng này được miêu tả trong sự đối lập với hình ảnh thất bại ê chề của kẻ thù.

– Nghệ thuật sử dụng câu văn: câu văn dài ngắn linh hoạt đan xen nhau, sử dụng kiểu câu biền ngẫu sóng đôi.

– Nhịp điệu: linh hoạt, uyển chuyển.

Soạn phần luyện tập bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 2: Tác phẩm trang 23 SGK ngữ văn 10 tập 2

Bài 1. Lập sơ đồ kết cấu của Đại cáo bình Ngô và phân tích tác dụng của nghệ thuật kết cấu đó.

Trả lời:

Sơ đồ kết cấu của Đại cáo bình Ngô:

soan bai – dai cao binh ngo (binh ngo dai cao) – phan 2: tac pham - loi giai

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status