Soạn bài – Viết bài tập làm văn số 7 – Văn nghị luận (làm tại lớp)

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 – Văn nghị luận trang 128 – 129 SGK ngữ văn lớp 8 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết bài tập làm văn số 7 – Văn nghị luận (làm tại lớp), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Viết bài tập làm văn số 7 – Văn nghị luận

I. Đề bài tham khảo

Giải đề 1 – Đề bài tham khảo (Trang 128 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Tuổi trẻ và tương lai đất nước. (Gợi ý: Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời dạy của Bác giúp em hiểu đề bài trên như thế nào?)

Trả lời:

a) Mở bài: Đặt vấn đề, nêu vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước. Có thể trích dẫn câu nói nổi tiếng về tuổi trẻ.

b) Thân bài:

– Khái niệm tuổi trẻ:

+ Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. Lứa tuổi được học hành, đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

+ Tuổi trẻ là những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời.

– Nhấn mạnh tầm quan trọng của tuổi trẻ với đất nước:

+ Tuổi trẻ là lúc nhiều sức khỏe và thời gian nhất trong cuộc đời mỗi người.

+ Tuổi trẻ là tuổi có nhiều ước mơ, khát vọng và dám nghĩ dám làm.

+ Là tuổi có sức bật mạnh mẽ nhất.

+ Tuổi trẻ là tuổi cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

→ Với những lợi thế trên, tuổi trẻ trở thành nguồn nhân lực hàng đầu trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển, cường thịnh.

– Nhiệm vụ của tuổi trẻ:

+ Tuổi trẻ cần tập trung trau dồi kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành người có nhân cách, năng lực.

+ Xây dựng kế hoạch và mục tiêu sống kiên định.

+ Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải tập trung học tập.

+ Tích cực tham gia những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

+ Tránh xa các tệ nạn xã hội.

+ Đặt ra những mục tiêu và phương pháp học tập đúng đắn.

+ Kết hợp giữa học và thực hành để lý thuyết được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống.

→ Phát triển bản thân chính là phát triển sức mạnh của đất nước.

c) Kết bài: Khẳng định rằng tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước. Xây dựng và bảo vệ đất nước là nhiệm vụ chung thiêng liêng của mỗi cá nhân trong quốc gia đó, vì vậy thế hệ trẻ cần tích cực trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức xứng đáng là công dân có ích cho xã hội.

Giải đề 2 – Đề bài tham khảo (Trang 128 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Văn học và tình thương. (Gợi ý: Chứng minh rằng văn học dân tộc ta luôn ca ngợi những ai biết “thương người như thể thương thân” và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn).

Trả lời:

a) Mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: văn học và tình thương. Chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa phạm trù này.

Bất kì tác phẩm văn học nào cũng xuất phát từ tình thương và làm lan tỏa tình thương tới cộng đồng.

b) Thân bài:

– Khái niệm về văn học: Văn học là những sáng tác nghệ thuật mà người sáng tác dùng ngôn từ để truyền tải tư tưởng, tình cảm của mình tới người đọc.

– Tình thương: là sự thương yêu, quan tâm, đồng cảm, chia sẻ giữa người với người.

– Văn học gắn liền với tình thương:

+ Tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc.

+ Có nhiều tác phẩm gắn liền với tình yêu đất nước, sự tự hào dân tộc như: Nam Quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Bình Ngô đại cáo ( Nguyễn Trãi), Làng (Kim Lân ). Quê hương (Tế Hanh).

– Văn học gắn liền với tình cảm gia đình, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

+ Tình cha con, tình mẫu tử, tình anh em, tình cảm vợ chồng, tình bà cháu… đều được phản ánh trong các tác phẩm văn học.

+ Dẫn ra các tác phẩm tiêu biểu về chủ đề tình thương yêu gia đình: Nói với con (Y Phương), Hai đứa trẻ ( Thạch Lam), Bếp lửa ( Bằng Việt), Con cò ( Chế Lan Viên)…

– Văn học phản ánh tình yêu thương giữa con người với con người với nhau.

+ Con người sống chung trong một xã hội có các mối quan hệ xã hội phức tạp. Ngoài những tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, còn có tình cảm của con người dành cho con người, những số phận đáng được thương cảm, thấu hiểu.

+ Dẫn ra những tác phẩm như Chí Phèo ( Nam Cao), Truyện Kiều ( Nguyễn Du), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Thương vợ (Tú Xương)….

→ Như vậy văn học xuất phát từ tình thương, và mang tình thương truyền tải tới người đọc. Khơi dậy trong mỗi cá nhân những nguồn tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp.

c) Kết bài: Khẳng định vai trò của văn học và tình thương đối với cuộc sống. Nhờ có tình thương con người sống với con người chan hòa, hạnh phúc hơn. Nhờ văn học đời sống tinh thần của con người phong phú, tình thương được nhen nhóm và lan tỏa.

Giải đề 3 – Đề bài tham khảo (Trang 128 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Hãy nói “không” với các tệ nạn. (Gợi ý: Hãy viết một bài nghị luận để nêu rõ tác hại của một trong các tệ nạn xã hội mà chúng ta cần phải kiên quyết và nhanh chóng bài trừ như cờ bạc, tiêm chích ma túy, hoặc tiếp xúc với văn hóa phẩm không lành mạnh,…)

Trả lời:

a) Mở bài: Đặt vấn đề cần nghị luận.

– Trong cuộc sống bên cạnh những điều tốt đẹp còn có nhiều tệ nạn có hại, hủy hoại con người và xã hội.

– Nhiều thói quen có sức cám dỗ con người như cờ bạc, thuốc lá, ma túy, “truyền thông đen”…

– Nếu con người không có bản lĩnh sẽ dần đi đến sa ngã vào những tệ nạn nguy hiểm trên. Vì vậy hãy nói “không” với tệ nạn xã hội.

b) Thân bài:

– Giải thích tệ nạn xã hội là gì:

+ Là những hành vi sai trái không đúng với chuẩn mực xã hội, phạm trù đạo đức, pháp luật. Tệ nạn xã hội là mối nguy hại , phá vỡ sự văn minh của xã hội.

– Những biểu hiện cụ thể của tệ nạn xã hội.

+ Tệ nạn xã hội diễn ra ở nhiều nơi, ngay cả làng quê (nơi vốn được coi là yên bình.

+ Tệ nạn xã hội có thể xảy ra ở mọi đối tượng không riêng gì một cá nhân nào.

+ Tệ nạn xã hội xảy ra ở nhiều thời điểm, lứa tuổi, đối tượng khác nhau.

– Tác hại của tệ nạn xã hội gây ra đối với đời sống của con người.

+ Dẫn ra tác hại về vật chất: làm tổn hại tới tài chính, kinh tế.

+ Tác hại về sức khỏe, tinh thần.

+ Tác hại về đạo đức, nhân cách sống.

+ Tác hại tệ nạn gây ra đối với xã hội, cộng đồng là rất lớn.

– Cách phòng chống tệ nạn xã hội:

+ Vơi cá nhân: cần trang bị đầy đủ các kiến thức về tệ nạn xã hội, phải hình thành lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực…

+ Với gia đình: Cần giáo dục con cái sống tích cực, quản lí tốt thời gian, tiền bạc, nêu gương của người lớn…

+ Với xã hội: cần tuyên truyền, đưa ra khung pháp lý nghiêm.

+ Phòng chống tệ nạn xã hội phải được chú trọng bởi nó có ý nghĩa quan trọng với mỗi quốc gia, dân tộc, mang lại cuộc sống yên bình cho cộng đồng.

+ Tránh xa những tệ nạn xã hội con người có điều kiện và môi trường tích cực để phát triển bản thân.

→ Cần nói “không” với các tệ nạn xã hội, phải tìm hiểu kiến thức chung về tệ nạn xã hội và các biện pháp tránh xa tệ nạn xã hội.

c) Kết bài: Mọi người đặc biệt là người trẻ cần tránh xa và kiên quyết nói “không” với tệ nạn xã hội. Nếu lỡ mắc phải thì cần quyết tâm từ bỏ, làm lại cuộc đời. Cần xây dựng lối sống và môi trường sống lành mạnh để phát triển cá nhân.

II. Yêu cầu

Ôn luyện kĩ về:

  1. Các phép lập luận chứng minh và giải thích.
  2. Các kĩ năng dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, viết bài mà em đã học, đặc biệt là kĩ năng đưa các yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Viết bài tập làm văn số 7 – Văn nghị luận

I. ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Đề 1. Tuổi trẻ và tương lai đất nước.

Trả lời:

a) Mở bài

– Nêu vai trò của tuổi trẻ với tương lai đất nước.

– Dẫn dắt câu “Non sông Việt Nam…”

b) Thân bài

– Giải thích thế nào là tuổi trẻ:

+ Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên, học sinh, đang được trang bị kiến thức.

+ Tuổi trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước.

– Vì sao thế hệ trẻ lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước:

+ Thanh niên là thế hệ tiếp tục bảo vệ xây dựng đất nước sau này.

+ Thế hệ trẻ càng nhiều kiến thức đất nước càng đi lên.

+ Thế hệ trẻ giỏi giang, có đạo đức sẽ làm tương lai phát triển đất nước.

→ Muốn sánh vai với các cường quốc thì nhờ công học tập của thế hệ trẻ hiện nay.

– Thực tế đã chứng minh việc học tập của thế hệ trẻ tác động đến tương lai đất nước:

  • Những người chăm chỉ học tập rèn luyện khi còn trẻ thì sau này cống hiến cho đất nước.
  • Trước đây những người như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi từ thời trẻ đã chăm chỉ luyện tập, trưởng thành lập được những chiến công làm rạng danh đất nước.
  • Ngày nay: Chủ Tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng,..

+ Từ xưa đến nay, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong:

  • Trong chiến tranh: chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
  • Trong thời bình: học tập rèn luyện, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế,..
  • Các thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay đang ra sức học tập rèn luyện để phát triển đất nước.

– Làm thế nào để phát huy được vai trò của tuổi trẻ?

+ Đảng và nhà nước cần có chính sách ưu đãi và quan tâm hơn nữa để thế hệ trẻ phát huy được thế mạnh của mình

+ Mỗi người trẻ cần tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình.

c) Kết bài.

– Khẳng định tầm quan trọng của thế hệ trẻ.

– Liên hệ bản thân, rút ra bài học.

Đề 2. Văn học và tình thương.

Trả lời:

a) Mở bài:

– Lòng nhân ái, tình yêu thương giữa con người với con người là đạo lí của dân tộc ta.

– Văn học luôn ngợi ca những tấm lòng nhân ái đồng thời cũng lên án những kẻ thờ ơ, dửng dưng hoặc nhẫn tâm chà đạp lên số phận con người.

b) Thân bài

– Giải thích: Văn học là gì? tình thương là gì?

+ Văn học là một môn nghệ thuật dùng ngôn ngữ để tái hiện đời sống..

+ Tình thương là một trong những đức tính tốt đẹp của con người.

→ Mối quan hệ giữa văn học và tình thương

+ Theo Hoài Thanh: nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người.

+ Các tác phẩm văn chương thường khơi gợi tình thương và lòng nhân ái của con người.

– Văn học ca ngợi lòng nhân ái:

+ Trước hết là những tình cảm ruột thịt trong mỗi gia đình: Cha mẹ yêu thương, hết lòng, hi sinh vì con cái. Con cái hiếu thảo, yêu thương, kính trọng cha mẹ. Anh chị em ruột thịt yêu thương, đùm bọc nhau. (lão Hạc, bé Hồng, chị Dậu, cái Tí-thằng Dần).

+ Tình làng nghĩa xóm.(ông giáo với lão Hạc, bà lão láng giềng với gia đình chị Dậu…)

+ Tình đồng nghiệp, bạn bè, thầy trò: 3 nhân vật họa sĩ trong Chiếc lá cuối cùng.

– Văn học phê phán những kẻ thờ ơ hoặc nhẫn tâm chà đạp lên số phận con người.

+ Những kẻ thiếu tình thương ngay trong gia đình.(bà cô bé Hồng trong Trong lòng mẹ, ông bố nghiện ngập trong Cô bé bán diêm..).

+ Những kẻ lạnh lùng, độc ác ngoài xã hội. (vợ chồng nghị Quế trong Tắt đèn, những người qua đường đêm giao thừa trong Cồ bé bán diêm..).

c) Kết bài.

– Khắng định mối quan hệ giữa văn học và tình thương.

– Liên hệ bản thân em, văn học đã giúp em có những tình cảm và cảm xúc như thế nào?

Đề 3. Hãy nói “không” với các tệ nạn.

Trả lời:

a) Mở bài.

– Ngày nay xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội.

– Những tệ nạn xã hội ấy nguy hại đến cuộc sống của mỗi người dân và của cả cộng đồng. Vì vậy cần phải loại trừ các tệ nạn đó.

b) Thân bài.

– Tệ nạn xã hội là gì – Tại sao phải nói “không” với tệ nạn xã hội.

+ Cờ bạc, thuốc lá, ma túy là những thói hư tật xấu gây tác hại ghê gớm với con người và cả xã hội.

+ Chúng là mối nguy cơ với cả đất nước.

– Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội:

+ Do bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê → lâu dần dẫn tới nghiện..

+ Do tò mò, a dua, học đòi…

– Tác hại của những tệ nạn đó

+ Cờ bạc: khiến con người mất sức khỏe, tiền bạc, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây ra các nạn trộm cắp, cướp giết,..

+ Thuốc lá: khói thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người hút và cả những người xung quanh, tiêu tốn tiền bạc,..

+ Ma túy: là chất kích thích khiến người ta rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng, khiến sức khỏe suy kiệt. Nghiện ma túy sẽ dẫn tới làm mất danh dự, nhân phẩm, đạo đức của mình vì sẽ rơi vào trộm cắp, cướp của để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện,..

c) Kết bài.

Cần nói không với các tệ nạn.

II. YÊU CẦU

Ôn luyện kĩ về:

  1. Các phép lập luận chứng minh và giải thích.
  2. Các kĩ năng dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, viết bài mà em đã học, đặc biệt là kĩ năng đưa các yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận.

Bài văn mẫu đề 1:

Bác Hồ kính yêu đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam bao tình cảm thiết tha sâu nặng. “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh?”. Tình yêu đằm thắm ấy được biểu hiện qua nhiều bức thư Bác gửi các cháu nhân ngày khai trường hoặc Tết trung thu:

“Trung thu trăng sáng như gương,

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Hổ Chủ tịch có viết:

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Hơn nửa thế kỉ trôi qua, trên đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta đã có bao đổi thay lớn lao, bao biến cố lịch sử trọng đại, nhưng câu nói của Bác vẫn sáng ngời giá trị giáo dục và khích lệ tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc.

Ý tưởng sâu sắc của Bác Hồ được diễn đạt bằng một câu văn giàu hình tượng và cảm xúc. Vế thứ nhất Bác hỏi: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không?” có nghĩa là Bác hỏi về tiền đồ của Tổ quốc ta, tương lai của dân ta có được tốt đẹp, rỡ ràng, có trở nên giàu mạnh, văn minh như các cường quốc Anh, Nga, Pháp, Mĩ, Nhật,… hay không? Vế thứ hai là sự gợi ý, là cách trả lời của Bác: “chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”, hay nói một cách khác, Bác nêu lên nghĩa vụ học tập của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Qua câu văn ấy, Bác giáo dục học sinh về nhiệm vụ học tập, về trách nhiệm nặng nề, vẻ vang đối với tương lai tươi sáng của non sông Việt Num, của dân tộc Việt Nam”.

Học tập là nghĩa vụ vẻ vang của học sinh đối với Tổ quốc và dân tộc. Học sinh là mầm non, là tương lai của gia đình và dân tộc; là thế hệ nối bước cha anh để xây dựng và bảo vệ đất nước “mười lần đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn. Bằng tính cần cù sáng tạo và chí dũng cảm, bằng tâm hồn và trí tuệ, tài năng, học sinh – thanh thiếu niên nhi đồng – sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà Bác Hồ giao phó. Muốn hoàn thành nghĩa vụ ấy, học sinh phải đủ đức, tài. Muốn có đức tài chỉ có con đường học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kĩ thuật, trở thành công dân tốt, người lao động giỏi, những chuyên gia… tài năng, giàu nhiệt huyết để phục vụ Tổ quốc, đóng góp “một phần lớn” vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, mới kì vọng làm cho “non sông Việt Nam được trở nên vẻ vang… dân tộc Việt Nam được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu”…

Học tập là trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của học sinh. Sau gần một thế kỉ bị thực dân Pháp thống’ trị, “nhà tù nhiều hơn trường học”, nước ta xơ xác tiêu điều, dân ta đói khổ, hơn 90% dân số bị mù chữ! Việt Nam là một trong những nước lạc hậu trên thế giới. Thanh toán quá khứ nặng nề ấy, “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” là nhiệm vụ của toàn dân, nhưng học sinh phải là những chiến sĩ xung kích, như Bác dạy “chính một phần lớn là nhờ ở công học tập của các cháu”.

Câu nói trên đây là lời dạy, là tấm lòng, là tình thương của Bác đối với học sinh. Bác mong các cháu phải gắng sức, phải siêng năng học hành, biết học tập một cách thông minh sáng tạo. Có học tốt, học giỏi mới thành tài, có học vấn cao, có tri thức tiên tiến hiện đại. Có học tập tốt mới thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Bác giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải có mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn. Học để làm gì? Học tập không phải để làm quan, để vinh thân phì gia, mà là vì một mục đích cao cả: học tập để làm người, có nhân cách văn hoá, đem tài năng phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Câu nói trên biểu lộ một phần tin yêu sâu sắc của lãnh tụ đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Lời của Bác là lời non nước. Bác thay mặt nhân dân nói lên tiếng nói của Tổ quốc để động viên, khích lệ học sinh ra sức thi đưa học tập giỏi. Bác chỉ cho học sinh thấy con đường sáng đi tới ngày mai. Hạnh phúc của tuổi trẻ gắn liền với tiền đồ, tương lai xán lạn của đất nước và của dân tộc. Bức tin yêu học sinh – con em của một dân tộc cần cù và dũng cảm, thông minh và hiếu học.

Sau gần 30 năm chiến tranh giải phóng, Tổ quốc đã giành được độc lập, hoà bình. Việt Nam là một trong những nước kém phát triển, chúng ta đã ngẩng cao đầu bước vào thế kỉ XXI. Các kì thi quốc tế về toán, lí, hóa,… học sinh Việt Nam đã giành được nhiều thành tích vẻ vang. Chặng đường đi tới để dân tộc ta, đất nước ta “vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu” đâu thuận lợi, dễ dàng, một sớm một chiều mà thực hiện được? Cho nên câu nói của Bác vẫn mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng, có giá trị giáo dục và động viên các thế hệ học sinh Việt Nam vươn lên.

Suốt đời Bác Hồ chỉ có “một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, dồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Trong thư Trung thu Bác đã viết:

“Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”

Ôn lại những lời dạy của Bác Hồ, đọc lại bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta vô cùng cảm động trước sự thương yêu, chăm sóc, giáo dục của Người đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Còn gì hạnh phúc hơn được học tập và đem tài năng phục vụ Tổ quốc, làm vẻ vang cho dân tộc. Thi đua học tập tốt là chúng ta đã tự giác làm đúng lời Bác dạy. Câu nói trên là tình yêu lớn toả sáng tâm hồn tuổi thơ. Học tập cũng là yêu nước.

Bài văn mẫu đề 2:

Lòng nhân ái là một chủ đề in sâu, in đậm trong nền văn học của dân tộc ta. Con người Việt Nam giàu tình thương nên văn học dân tộc mới có nhiều tác phẩm ca ngợi tình thương một cách thật hay, thật cảm động như thế.

Tình cha con, mẹ con, tình anh em chị em ruột thịt, tình bè bạn, tình yêu đồng loại… như những ngọn lửa ấm áp làm bừng sáng câu thơ, bài văn, làm cho người đọc không khỏi bồi hồi xúc động.

Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ…”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa / Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Những câu hát câu ca đã cùng lời ru tiếng hát của bà, của mẹ thấm sâu vào hồn tuổi thơ, mà mỗi chúng ta sẽ mang theo suốt cuộc đời:

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn,

Bà ru mẹ, mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?

Từ mái nhà êm ấm mẹ cha, ta mang theo tình thương anh, thương chị, thương em, ta biết “Chị ngã, em nâng”, ta nhớ “Anh em như thể tay chân”,… để bước vào đời, sống giữa tình thương bao la của đồng bào, đồng chí, đồng loại. Thầy, cô giáo dạy ta bài học “Thương người như thể thương thân”, nhắc ta biết ăn, ở có tình nghĩa thuỷ chung:

“Bầu ơi, thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khúc giống nhưng chung một giàn”,

hoặc:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Truyện Trung đại viết bằng chữ Hán đã ngợi ca những con người giàu tâm đức. Bà đỡ Trần giúp hổ cái vượt qua cơn đau đẻ được mẹ tròn con vuông, bác tiều phu ở Lạng Giang đã thò tay vào miệng hổ cứu hổ bị hóc xương. Người thì được hổ đền ơn 10 lạng bạc, người thì được hổ biếu lợn, nai, lúc qua đời được hổ đến đưa tang. Quan ngự y Phạm Bân đã dựng nhà thương, phát cơm cháo, thuốc men, cứu chữa hàng nghìn người nghèo khó vượt qua cơn dịch bệnh, được người đời ngợi khen là “bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức”. Vũ Trinh và Phạm Đình Hổ đã để lại bao trang văn, bao hình ảnh, bao câu chuyện nói về tình thương, ca ngợi tình thương rất giàu ý nghĩa và có tác dụng giáo dục sâu sắc.

“Truyện Kiều ” của thi hào Nguyễn Du và “Truyện Lục Vân Tiên ” của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu là hai kiệt tác bằng chữ Nôm giàu giá trị nhân đạo. Hai cụ đã dành những vần thơ đẹp nhất ca ngợi tình yêu chung thuỷ của lứa đôi, đồng thời nói lên chữ nhân, chữ nghĩa thật sâu sắc, cảm động. Vai Giác Nguyên, mụ Quản gia, Tiểu đổng, Lão bà, Vương Tử Trực,… là những con người đẹp mãi, sống mãi trong lòng người bởi tình thương. Người đọc có bao giờ quên lời Kiều nói trong buổi báo ân báo oán:

“Nhớ khi lỡ bước sẩy vời,

Non vàng chưa dề đền bồi tấm thân

Nghìn vàng gọi chút lễ thường

Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân!

(Truyện Kiều)

Coi những nhân vật như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Trịnh Hâm,… lũ bạc ác tinh ma ấy sẽ bị thế gian muôn đời nguyền rủa và phỉ nhổ.

Bên cạnh những con người nhân đức biết san sẻ cưu mang “lá lành đùm lá rách” lại có những kẻ lòng dạ đóng băng, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, sống vô cảm, vô tình, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Những kẻ ấy ai đoái, ai nhìn, ai trọng, ai gần?

Tôi rất thích chữ “thương” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu: “Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Tôi nhớ mãi chữ “thương ” trong câu thơ của Tố Hữu:

“Thương nhau chia củ sắn lùi,

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”

Tóm lại, lòng nhân ái, chữ thương, chữ tình, chữ nghĩa trong thơ văn của dân tộc đã ướp thơm hồn người, đã truyền cho ta sức mạnh để sống đẹp hơn, để vượt qua mọi thử thách khó khăn trong cuộc đời, để sống gần người hơn, nhân ái hơn.

Bài văn mẫu đề 3:

Đất nước ta đang trên đường phát triển và hội nhập. Xã hội ngày một đổi mới. Nhân dân ta đã và đang làm nên bao thành tựu to lớn về kinh tế, về văn hoá,… rất đáng tự hào.

Nhưng đó đây, ta vẫn thấy “cộm” lên không ít hiện tượng tiêu cực làm hoen ố xã hội như tệ nạn cờ bạc, xì ke ma tuý, sống ăn chơi đua đòi, sống buông thả, tiếp xúc với văn hoá phẩm không lành mạnh,… Có không ít kẻ phạm tội là lứa tuổi vị thành niên, là học sinh trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Báo An Ninh từng đăng tải bao chuyên đau lòng. Vì nghiện ma túy mà có đứa con cầm dao giết cha mẹ, có đứa cháu dùng thuốc độc giết ông bà. Vì thua lỗ cờ bạc, nợ nần mà có một số đứa trẻ 14, 15 tuổi tổ chức thành băng cướp, giêt người, cướp của một cách rất dã man. Cầm đầu những nhóm trộm cướp mà nhiều phóng sự đưa tin và lên án là những kẻ cờ bạc, tiêm chích ma tuý.

Đứng trước vành móng ngựa là hình ảnh những phạm nhân với cặp mắt tinh quái, với đầu bù tóc rối, nhuộm đỏ, nhuộm vàng, nhuộm xanh, tai đeo khuyên bạc, ngực, bụng, lưng và chân tay,… xăm đủ hình xanh, đen các quái vật, các dị nhân rất khủng khiếp.

Để có tiền ăn chơi mà nhiều đứa trẻ vị thành niên gây ra bao vụ án mạng rùng rợn. Một số học sinh cá biệt sa vào vòng ăn chơi đua đòi, dây vào văn hóa phẩm không lành mạnh mà chốn học, bỏ học rồi sa ngã, phạm tội. Điện thoại di động “xin” cầm tay đi lại nghênh ngang, túm tụm quán nhậu, quán cà phê… rất “sành điệu” phì phèo thuốc lá “ba số” tuy còn đi học nhưng trốn học kéo nhau đi chơi điện tử, dối cha mẹ lừa thầy cô giáo gây ra nhiều vụ “quậy” rất đáng lên án và chê trách.

Không ít các bậc cha mẹ trở nên bất lực khi có con em ăn chơi trác táng, rượu chè cờ bạc bê tha, tiêm chích ma túy mà bỏ học mà phạm tội.

Mở bất cứ tờ báo hàng ngày nào, báo địa phương cũng như báo trung ương, nhất là các báo Thanh niên, báo Tuổi Trẻ, báo Tiền Phong, báo Pháp luật… độc giả bắt gặp bao chuyện đau lòng, bao hiện tượng tiêu cực mà các phóng viên từng mạnh mẽ lên án.

Hãy nói không với các tệ nạn! Hãy xa lánh các kẻ cờ bạc, tiêm chích ma túy! Hãy tự nghiêm khắc với bản thân mình đừng dây vào các văn hoá phẩm không lành mạnh! Câu tục ngữ:  “dữ, giữ mình” mà ông bà, cha mẹ vẫn nhắc nhở cháu con là bài học vô cùng sâu sắc.

Tuổi trẻ phải biết tự bảo vệ mình. Hơn bao giờ hết, học sinh phải biết tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, chăm chỉ học hành để sớm trở thành người con tốt của gia đình, người công dân tốt của đất nước.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status