Soạn bài – Viết bài tập làm văn số 1 – Văn kể chuyện

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn kể chuyện trang 51 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập  trong bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn kể chuyện sau đây là hướng dẫn soạn bài giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn kể chuyện

Kể lại một truyện đã biết (truyền thuyết, cổ tích) bằng lời văn của em  (Trang 51 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Trả lời:

1. Hướng dẫn tìm hiểu đề bài
– Đề yêu cầu kể nội dung gì?
– Đề yêu cầu viết theo kiểu bài gì? Văn tự sự
– Dựa vào yếu tố nào em biết đề yêu cầu viết theo kiểu tự sự?
– Thông thường dàn bài gồm mấy phần? Nhiệm vụ của từng phần?
– Mở bài cần giới thiệu điều gì?
– Thân bài cần nêu những chi tiết nào?
– Các chi tiết phải sắp xếp như thế nào?
– Kết thúc câu chyện kể như thế nào?
– Viết đoạn mở bài
– Viết đoạn Lạc Long quân và Âu Cơ gặp nhau và trở thành vợ chồng
– Viết đoạn Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau
– Viết đoạn kết bài

2- Yêu cầu cụ thể:
1. Mở bài: – Giới thiệu nhân vật Lạc Long Quân và Âu Cơ.

2. Thân bài:
– Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu thương và trở thành vợ chồng.
– Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con.
– Lạc Long Quân từ biệt Âu Cơ và đưa 50 con trở về biển.
– Âu Cơ đưa 50 con lên rừng.
– Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương.
3. Kết bài:
Cũng bởi sự tích này mà về sau người Việt Nam ta thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

Bài gợi ý tập làm văn số 1

Các bạn có biết vì sao nhân dân ta tự xưng là con Rồng cháu Tiên hay không? Điều đó có liên quan đến câu chuyện sau đây:
“Ngày xưa, ngày xửa từ lâu lắm rồi, ở vùng đất Lạc Việt, nay là Bắc Bộ nước ta có một vị thần. Thần là con của Thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng sức khỏe vô địch, thường sống ở dưới nước. Thần giúp dân giệt trừ yêu quái như Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh… Thần còn dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và dạy dân cách ăn ở sao cho đúng nghĩa.. Khi làm xong thần trở về Thủy cung sống với mẹ lúc có việc cần mới hiện lên.

Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có vị tiên xinh đẹp tuyệt trần là con gái Thần Nông tên là Âu Cơ. Nàng nghe nói ở vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng chung sống ở Long Trang. Chung sống với nhau được chừng một năm, Âu Cơ mang thai. Đến kì sinh nở, Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm đứa con da dẻ hồng hào. Không cần bú mớm mà vẫn lớn nhanh như thổi mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đẹp đẽ như thần. Cuộc sống hai vợ chồng đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn.
Một hôm, Lạc Long Quân chợt nghĩ mình là dòng giống nòi rồng sống ở vùng nước thẳm không thể sống trên cạn mãi được. Chàng bèn từ giã vợ và và con về vùng nước thẳm. Âu Cơ ở lại chờ mong Lạc Long Quân trở về, tháng ngày chờ đợi mỏi mòn, buồn bã. Nàng bèn tìm ra bờ biển, cất tiếng gọi:
– Chàng ơi hãy trở về với thiếp.
Lập tức, Lạc Long Quân hiện ra. Âu cơ than thở:
– Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không ở lại cùng thiếp nuôi dạy các con nên người?
Lạc Long Quân bèn giải thích:
– Ta vốn dĩ rất yêu nàng và các con nhưng ta là giống nòi Rồng, đứng đầu các loài dưới nước còn nàng là giống tiên ở chốn non cao. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa. Nay đành phải chia lìa. Ta đem năm mươi người con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc cần phải giúp đỡ lẫn nhau, đừng bao giờ quên lời hẹn này.
Rồi Lạc Long Quân đưa năm mươi người con xuống nước còn Âu Cơ đưa năm mươi người con lên núi.
Người con trai trưởng đi theo Âu Cơ sau này được tôn lên làm vua và đặt tên nước là Văn Lang, niên hiệu là Hùng Vương. Mỗi khi vua chết truyền ngôi cho con trai trưởng. Cứ cha truyền cho con tới mười mấy đời đều lấy niên hiệu là Hùng Vương.”

Do vậy, cứ mỗi lần nhắc đến nguồn gốc của mình Người Việt chúng ta thường tự xưng là con Rồng cháu Tiên và thân mật gọi nhau là đồng bào vì ai cũng nghĩ mình là cùng một bọc sinh ra cho nên người trong một nước phải thương yêu nhau như vậy. Câu chuyện còn suy tôn nguồn gốc cao quý thiêng liêng của cộng đồng người Việt và tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình.

Tham khảo bài soạn viết bài tập làm văn số 1 – Văn kể chuyện khác

1. Bài làm văn kể chuyện số 1 – Thánh Gióng.

Các cơ bản cần trình bày khi kể truyện (chú ý làm nổi bật các chi tiết đặc sắc của truyện, chi tiết kì ảo, tượng tượng):

– Sự ra đời của Gióng.

– Sự lớn lên của Gióng.

– Gióng đánh tan quân giặc và bay về trời.

Tôi là Thánh Gióng, vốn là một vị thần trên trời, được Ngọc Hoàng cử xuống để giúp đỡ những người dân đất Việt dẹp giặc Ân xâm lược bờ cõi. Dù thời gian ở trần gian ngắn ngủi nhưng tôi sẽ không bao giờ quên tình cảm ấm áp mà mọi người đã dành cho tôi.

Ngay từ khi mới chào đời tôi đã là một đứa trẻ đặc biệt. Tôi được sinh ra khi mẹ của tôi đi ra đồng thấy một vết chân to, bà liền ướm thử vào vết chân ấy, nào ngờ về nhà bà mang thai, và đứa bé trong bụng ấy chính là tôi. Mẹ mang thai tôi trong mười hai tháng, khi sinh ra tôi là một đứa bé hết sức khôi ngô, tuấn tú nhưng bố mẹ nhọc công nuôi tôi mà tôi lại chẳng lớn thêm được chút nào, đến ba tuổi vẫn chẳng biết nói, biết cười, biết đi, biết đứng, cứ đặt tôi ở đâu là tôi nằm im ở đó. Bố mẹ lấy làm buồn vì điều ấy lắm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ nói những điều nặng nề, chê bai tôi mà vẫn hết mực yêu thương, chăm lo cho tôi.

Năm đó giặc Ân sang xâm lược nước ta, chiến tranh xảy ra liên miên, nhân dân vô cùng cực khổ. Ai cũng mong muốn có được người hiền tài để đánh đuổi lũ xâm lược. Trước thế giặc ngày một mạnh, nhà vua vô cùng ưu phiền, lo lắng, ngài cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi để cứu nước.

Hôm ấy, vẫn như mọi ngày, bố mẹ đi làm đồng trở về, còn tôi được đặt nằm trong nhà, bỗng tôi nghe thấy tiếng sứ giả rao, tôi mừng rỡ vô cùng, bèn gọi mẹ bảo mẹ mời sứ giả nhà. Nghe tiếng tôi gọi, mẹ hết sức ngạc nhiên, bà chết lặng đi, không thể tin rằng đứa con yêu quý của mình biết nói. Chân tay mẹ luống cuống, mẹ lật đật chạy ra đầu cổng mời sứ giả vào nhà.

Sứ giả vào, ông ta muốn gặp ngay người đã gọi mình. Mẹ tôi chỉ về phía góc giường nơi tôi đang nằm ở đó, khuôn mặt ông ta vô cùng sửng sốt, ngỡ ngàng và ông buông một tiếng thở dài, rồi nói: “Ta tìm người hiền tài để cứu nước, chứ đâu tìm một đứa nhóc mới lên ba”. Có lẽ vị sứ giả đang rất bực bội vì nghĩ tôi đang trêu đùa ông, để xóa tan sự nghi ngờ, bực tức của ông, tôi đã đề nghị sứ giả về tâu với vua sắm cho tôi một con ngựa sắt, áo giáp sắt và một cái roi bằng sắt ba ngày sau tôi sẽ lên đường đánh giặc. Trước những gì tôi yêu cầu vị sứ giả vẫn vô cùng hồ nghi, lo lắng, nhưng vì việc nước gấp rút nên ông ta vẫn quay trở về tâu với vua, để nhà vua chuẩn bị.

Sau khi sứ giả ra đi, tôi lớn nhanh như thổi, mỗi ngày cao lên vài thước, ăn cơm không biết no, quần áo vừa mặc xong đã đứt chỉ. Thấy vậy cả dân làng xúm lại đem gạo sang nuôi tôi cùng bố mẹ. Trước tấm lòng yêu thương, đùm bọc của nhân dân trong làng, lòng tôi càng quyết tâm hơn nữa đánh đuổi giặc Ân xâm lược đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người.

Sau ba ngày, sứ giả quay trở lại nhà tôi và mang theo đủ những khí giới mà tôi đã yêu cầu. Tôi vươn vai trở thành tráng sĩ mình cao hơn trượng, nhanh chóng mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt và nhảy lên yên ngựa để chặn ngay thế giặc hung hãn đang ùa vào các bản làng thôn xóm. Ngựa hí vang một tiếng rồi phi như bay đến những nơi đang có giặc đốt phá làng mạc nhà cửa. Không chần chừ, tôi lao vào đánh hết lớp này đến lớp khác, dưới sức mạnh của tôi giặc chết như ngả rạ. Nhưng một điều không may, roi sắt của tôi bị gãy, trong lúc chưa biết lấy gì làm vũ khí tôi bỗng thấy những hàng tre bên đường, tôi bèn thúc ngựa chạy nhanh lại, nhổ từng cụm tre tiếp tục tiêu diệt quân thù. Chẳng mấy chốc giặc Ân đã bị đánh bại, kẻ còn sống dẫm đạp lên nhau chạy trốn mong tìm được đường thoát thân. Sau khi tiêu diệt kẻ thù, tôi bỏ lại áo giáp sắt, thúc ngựa chạy về chân núi Sóc và bay trở về trời.

Tôi trở về trời sống cuộc đời an nhàn, nhưng vẫn không quên những tháng ngày được sống trong vòng tay ấm áp của cha mẹ, trong sự đoàn kết, đùm bọc của những người hàng xóm. Một thời gian sau tôi có nghe tin, với những công lao của mình, tôi đã được mọi người phong là Phù Đổng Thiên Vương và cứ đến tháng tư hàng năm mọi người mở hội để tưởng nhớ công ơn của tôi.

2. Bài làm văn kể chuyện số 1- Sơn Tinh, Thủy Tinh

Ta là Sơn Tinh, vị thần trị vì vùng núi Tản Viên hùng vĩ. Hôm nay nhân ngày bà con thu hoạch vụ lúa hè thu, ta cùng người vợ thân yêu là nàng Mị Nương đi thăm thú và chúc mừng bà con. Nhìn khung cảnh yên ấm ta lại chợt nhớ về ngày ta cùng bà con chống lại Thủy Tinh để rước nàng Mị Nương về làm vợ. Những năm tháng đó ta luôn luôn khắc ghi trong lòng.

Ta còn nhớ, hôm ấy là một ngày đẹp trời, vạn vật trong trời đất tốt tươi, nắng vàng trải khắp mọi nơi, cùng ngày hôm đó ta nghe được tin vua Hùng kén rể cho người con gái yêu là Mị Nương. Ta vốn mến yêu dung nhan và đức hạnh của nàng từ lâu nhưng chưa có dịp tỏ bày tấm lòng của mình. Nay nhân cơ hội vua Hùng kén rể hiền ta bèn sửa soạn chỉnh tề đến gặp ngài và công chúa. Ta mặc một bộ quần áo vàng, đan xen những họa tiết đẹp mắt, cưỡi một con tuấn mã trắng khỏe mạnh, cùng với tài năng vượt trội ta tin rằng chắc chắn vua Hùng và công chúa sẽ vừa ý. Khi ta đến kinh thành không khí vô cùng nhộn nhịp, những chàng trai khỏe mạnh, đẹp đẽ từ khắp các nơi đổ về để trổ tài, ai cũng mong rằng mình có thể trở thành phò mã.

Sau bao ngày chờ đợi cuối cùng ta cũng được đến trước mặt vua Hùng để thể hiện tài năng của bản thân. Ta vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Chứng kiến tài năng của ta cả vua Hùng và các Lạc Hầu ai nấy đều lấy làm vừa ý lắm. Nhưng ngay khi ta vừa kết thúc phần thể hiện tài năng, thì tiến lại một chàng trai vô cùng tuấn tú, cũng chạc tuổi ta, thân cưỡi rồng và mặc bộ quần áo màu bạc rất đẹp. Chàng ta tự giới thiệu mình là Thủy Tinh, vị thần biển cả. Thủy Tinh tài năng cũng chẳng hề kém ta, chàng hô mưa gọi gió làm thành giông bão, rung chuyển cả đất trời. Nhưng vua Hùng cũng như các vị quan ai nấy mặt đều tái mét đi vì lo sợ.

Sau khi ta và Thủy Tinh thể hiện tài năng, vua Hùng không biết chọn ai nên đã cùng các vị Lạc Hầu bàn bạc và quyết định chúng ta phải vượt qua một thử thách nữa. Vua Hùng nói rằng:

– Hai chàng đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào? Thôi thì ngày mai, ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ cho cưới con gái ta. Sinh lễ bao gồm: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”

Nghe phần sính lễ ta biết chắc rằng người lấy được Mị Nương làm vợ sẽ là ta, bởi những sản vật đó vốn thuộc địa phận ta cai quản, ta chẳng khó khăn gì để có thể lấy được chúng. Ta hăm hở lên đường tìm đồ sính lễ, chẳng mấy chốc đồ mà nhà vua yêu cầu đã bày biện đủ trước mắt. Tờ mờ sáng hôm sau ta mang sính lễ đến và rước nàng Mị Nương xinh đẹp, hiền thục về.

Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, hắn ta vô cùng giận dữ, đem quân đuổi theo đánh lại ta. Thủy Tinh hô mưa, gọi gió, làm thành dông bão, nước dâng lên mỗi ngày một lớn, ruộng vườn nhà cửa ngập trong biển nước. Ta không hề lo sợ, nao núng, dùng tài năng của mình bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ khủng khiếp của Thủy Tinh. Nước Thủy Tinh dâng lên bao nhiêu ta lại dâng đồi núi cao lên bấy nhiêu. Cứ thế ta và Thủy Tinh đánh nhau đến hàng tháng trời, sau Thủy Tinh kiệt sức đành phải rút quân trở về.

Nhưng từ ấy về sau, oán nặng thù sâu năm nào cũng vậy cứ đến ngày ta lấy được Mị Nương về là Thủy Tinh lại đem quân đánh trả. Nhưng để bảo về người vợ hiền thục và những người con dân yêu quý của mình, ta cùng tất cả mọi người đoàn kết một lòng đánh lui Thủy Tinh.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status