Soạn bài – Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học

Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học trang 53 – 55 SGK ngữ văn lớp 11 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học

Giải đề 1 – Viết bài làm văn số 2 (trang 53 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực của đoạn trích Vào thủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự – Lê Hữu Trác).

Trả lời:

1. Phân tích đề

– Đề này thuộc dạng đề định hướng rõ về nội dung và thao tác nghị luận.

– Vấn đề nghị luận: Giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.

– Yêu cầu về hình thức: Đây thuộc dạng bài nghị luận văn học (phát biểu cảm nghĩ về giá trị hiện thực của văn bản). Dẫn chứng lấy chủ yếu từ đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.

2. Lập dàn ý

a) Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm của đoạn trích (Nêu luận điểm của đề)

Ví dụ: Không chỉ là một danh y lỗi lạc, Lê Hữu Trác còn là một văn nhân văn nhân tài ba của nước ta ở TKXVIII. Nhắc đến ông không thể không nhắc đến “Thương kinh kí sự”. Tác phẩm phản ánh hiện thực sâu sắc cuộc sống xa hoa, giàu sang, quyền uy tột bậc của nhà chúa. Giá trị ấy đặc biệt được thể hiện qua đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh”.

b) Thân bài: Cần triển khai rõ các ý sau:

– Bức tranh hiện thực về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:

+ Quang cảnh nơi phủ chúa hiện lên cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần tôn nghiêm. Cảnh nói lên uy quyền tột bậc của nhà chúa.

+ Cùng với sự xa hoa là cung cách sinh hoạt đầy kiểu cách.

– Từ bức tranh này, ta nhận thấy thái độ phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả, đồng thời dự cảm được sự duy tàn của giai cấp thống trị Lê – Trịnh thế kỉ XVIII đang tới gần.

c) Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và liên hệ bản thân.

Ví dụ: Đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh mang giá trị hiện thực sâu sắc. Bằng tài quan sát tinh tế và ngòi bút ghi chép chi tiết, chân thực, tác giả đã vẽ lại một bức tranh sinh động về cuộc sông xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh, đồng thời cũng bộc lộ thái độ coi thường lợi danh của mình. Đối với ông thì không có gì quý bằng cuộc sống tự do nơi non xanh nước biếc chốn quê nhà, được đem hết tài năng, nhiệt huyết cống hiến cho y thuật và cứu nhân độ thế. Cuộc sống nơi cung vua, phủ chúa dẫu giàu sang phú quý tột bậc nhưng rốt cục cũng chỉ là vào luồn ra cúi, cá chậu chim lồng mà thôi.

Giải đề 2 – Viết bài làm văn số 2 (trang 53 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương.

Trả lời:

a) Mở bài: Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.

Ví dụ: Trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều bài thơ nói lên thân phận của người phụ nữ phong kiến xưa. Họ phải chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến “Tam tòng, tứ đức” ( tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và công dung ngôn hạnh). Họ hầu như không có quyền quyết định cuộc đời mình, chỉ biết sống cam chịu và phục tùng. Cảm thông với số phận, thân phận và phẩm chất của người phụ nữ xưa, hai nhà thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đã thay họ nói lên tiếng lòng mình qua các bài thơ như: Tự tình, Bánh trôi nước, Thương vợ,…

b) Thân bài

Các ý chính cần đạt là:

* Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương.

* Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa được thể hiện nổi bật những phẩm chất sau:

– Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả:

+ Ở bài Bánh trôi nước là thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, thậm chí là cuộc sống của mình. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa.

+ Ở bài Thương vợ là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.

+ Ở bài Tự tình là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình – những điều rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa đối với những người phụ nữ.

– Người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương:

+ Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ còn hiện lên nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.

+ Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.

c) Kết bài: Tổng kết và đánh giá vấn đề nghị luận. Nêu cảm nghĩ của bản thân.

Ví dụ: Ngày nay thân phận người phụ nữ đã chiếm một vị trí quan trọng trong gia đình. Bởi lẽ cái xã hội “Trọng nam khinh nữ” đã bị xóa bỏ mà thay vào đó là một xã hội “công bằng, bình đẳng, nam nữ bình quyền”. Nhưng không vì thế mà người phụ nữ Việt Nam làm mất đi vẻ thuần phong mỹ tục vốn có của mình. Và vẫn giữ được phẩm chất, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Viêt Nam, đảm đang tháo vác.

Giải đề 3 – Viết bài làm văn số 2 (trang 53 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát (hoặc Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ).

Trả lời:

Các ý chính cần triển khai là:

a) Về nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

– Vẻ đẹp nhân cách nhà nho trong bài thơ này chủ yếu được thể hiện ở tầm nhìn xa rộng của Cao Bá Quát.

– Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ chính là ở chỗ đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ. Từ chuyện đi trên cát mà liên tưởng đến chuyện lợi danh, đến chốn quan trường là một sự liên tưởng sáng tạo mà lô-gíc. Người đi trên cát sa lầy vào trong cát chẳng khác nào cái mồi công danh, bổng lộc lôi kéo con người, làm cho con người mê muội.

– Nhìn thấy con đường danh lợi đầy nhọc nhằn, đầy chông gai, tuy chưa thể tìm ra một con đường đi nào khác, song Cao Bá Quát đã thấy không thể cứ đi trên bãi cát danh lợi đó mãi được.

b) Vẻ đẹp nhân cách nhà nho trong bài Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.

– Vẻ đẹp nhân cách nhà nho trong thơ này chủ yếu được thể hiện ở thú chơi “ngông” của con người cậy tài, hiểu sâu sắc cái tài của mình.

– Trên cơ sở ý thức về tài năng và nhân cách bản thân, Nguyễn Công Trứ trong Bài ca ngất ngưởng đã phô trương sự ngang tàng, sự phá cách trong lối sống của ông, lối sống ít phù hợp với khuôn khổ của đạo Nho.

– Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng khi hành đạo (khi làm quan, thực hiện các chức phận, ông luôn tỏ ra thẳng thắn, thậm chí dám kiến nghị, góp ý cả cho vua). Có được phong cách ngạo nghễ như vậy vì ông có tài năng và tận tâm với sự nghiệp. Không hề luồn cúi để vinh thân phì gia. Trong đời thực, Nguyễn Công Chứ nhiều lần lập công trạng và là người có tài năng nhiều mặt mặc dù vậy ông vẫn phải chấp nhận một cuộc đời làm quan không mấy thuận lợi (ông bị thăng giáng thất thường).

– Sau khi từ quan, cách ông nghỉ và chơi cũng rất ngông, rất khác thường. Ông đeo mo vào đuôi bò nói là để “che miệng thế gian“, ông dẫn các cô gái trẻ lên chùa, ông đi hát ả đào và tự đánh giá cao các việc làm ấy. Ông có quyền ngất ngưởng vì ông về hưu trong danh dự, sau khi đã cống hiến rất nhiều cho đất nước. Theo ông, điều quan trọng nhất của nhà nho là hoạt động thực tiễn chứ không phải nếp sống uốn mình theo dư luận. Ông thích hát nói vì đó là môn nghệ thuật ông say mê từ nhỏ. Vì thế khi về hưu ông vẫn đi hát vì không muốn tỏ ra mình là một bậc phi phàm, khác đời như các thánh nhân.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học

Đề 1. Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực của đoạn trích Vào thủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự – Lê Hữu Trác).

Trả lời:

Các ý cần trình bày:

– Bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:

+ Quang cảnh nơi phủ chúa hiện lên cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần thâm nghiêm. Quang cảnh nói lên uy quyền tột bậc của nhà chúa.

+ Cách sinh hoạt đầy kiểu cách

– Thái độ phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả, đồng thơi thấy được sự suy tàn của giai cấp thống trị Lê – Trịnh thế kỉ XVIII đang tới gần.

a) Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả và đoạn trích.

– Đưa ra nhận xét chung về giá trị hiện thực của đoạn trích

b) Thân bài

– Bức tranh hiện thực sinh động về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:

+ Quang cảnh nơi phủ chúa hiện thực lên cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần thâm nghiêm. Quang cảnh nói lên uy quyền tột bậc của nhà chú.

+ Cung cách sinh hoạt quyền quý đầy kiểu cách ở phủ chúa

+ Bức chân dung Trịnh Cán: vây quanh cậu bé bao nhiêu là vật dụng (gấm vóc lụa là, vàng, ngọc, sập, nến, đèn, hương hoa, màn trướng,…); người hầu hạ, cung tần, mĩ nữ đứng gần hoặc chực ở xa.

=> Bức tranh nơi phủ chúa: xa hoa lộng lẫy nhưng thiếu sinh khí

– Tâm trạng, suy nghĩ của tác giả khi vào phủ chữa bệnh cho Thế tử.

– Thái độ và dự cảm của tác giả:

+ Thái độ coi thường danh lợi

+ Phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả

+ Đồng thời dự cảm được sự suy tàn đang tới gần của giai cấp thống trị Lê – Trịnh thế kỉ XVIII.

c) Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị hiện thực mà tác giả nói lên trong đoạn trích.

– Ý kiến cá nhân.

Đề 2. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương.

Trả lời:

Gợi ý:

– Giới thiệu về hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.

– Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương.

– Qua bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt nam thời xưa được thể hiện nổi bật ở những phẩm chất:

+ Người phụ nữ chịu nhiều gian nan, vất vả:

Ở bài Bánh trôi nước là thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, thậm chí là cuộc sống của mình. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa.

Ở bài Tự tình là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình.

Ở bài Thương vợ là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.

+ Người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương

Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ còn hiện lên nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.

Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.

a) Mở bài:

– Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.

– Tiêu biểu nhất qua các bài thơ: Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương

b) Thân bài

* Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương nói chung

– Đây là đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam

– Hoàn cảnh sáng tác các bài thơ này

– Khái quát nội dung của từng bài

* Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa được thể hiện nổi bật những phẩm chất sau:

– Những phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương:

+ Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương: hình ảnh người phụ nữ  đẹp “vừa trắng lại vừa tròn” và luôn giữ “tấm lòng son”; nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.

+ Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.

– Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả:

+ “Bánh trôi nước”: thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ, không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, cuộc sống của mình

=>Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa.

+ “Thương vợ” là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.

+ Bài “Tự tình II” là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình, những điều rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa đối với những người phụ nữ.

=> Những người phụ xưa đều chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay và sự cam chịu.

=> Họ đại diện cho vẻ đẹp cho nhân cách, tâm hồn của những người phụ nữ Việt Nam xưa.

c) Kết bài:

– Tổng kết chung nhất về những người phụ nữ qua các tác phẩm đó

– Nêu cảm nghĩ của bản thân.

Đề 3. Nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát (hoặc Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ).

Trả lời:

Gợi ý:

Về nhân cách nhà nho trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Nguyễn Công Trứ

– Vẻ đẹp nhân cách nhà nho trong bài thơ này được thể hiện chủ yếu ở tầm nhìn xa trông rộng của Cao Bá Quát.

– Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ chính là ở chỗ đã nhận ra tính chất vpo nghĩa của lối học khoa cử, của con đường theo công danh lối cũ. Từ chuyện đi trên cát mà liên tưởng đến chuyện lợi danh đến chốn quan trường là một liên tưởng sáng tạo độc đáo nhưng cũng rất logic.

– Nhìn thấy con đường danh lợi đầy chông gai, gian nan ấy, tuy chưa thể tìm ra một con đường nào khác, song Cao Bá Quát đã thấy không thể cứ đi trên bãi cát danh lợi đó mãi được.

a) Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Khái quan nhân cách nhà nho chân chính.

b) Thân bài:

– Tầm nhìn xa rộng của Cao Bá Quát.

– Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ:

+ Nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ.

+ Phân tích hình ảnh người đi trên bãi cát: Đi một bước như luì một bước: nỗi vất vả khó nhọc; Không gian đường xa, bị bao vây bởi núi sông, biển; Thời gian: mặt trời lặn vẫn còn đi; Nước mắt rơi → khó nhọc, gian truân.

=> Từ chuyện đi trên cát mà liên tưởng đến chuyện lợi danh, đến chốn quan trường là một sự liên tưởng sáng tạo mà lô-gíc.

+ Người đi trên cát sa lầy vào trong cát chẳng khác nào cái mồi công danh, bổng lộc lôi kéo con người, làm cho con người mê muội.

– Thực tế: những trăn trở của người đi trên cát: hiện tâm trạng băn khoăn, dây dứt giữa việc đi tiếp hay dừng lại?; “Anh đứng làm chi trên bãi cát?..” câu hỏi mệnh lệnh cho bản thân → phải thoát ra khỏi bãi cát danh lợi đầy nhọc nhằn chông gai mà vô nghĩa.

=> Nhìn thấy con đường danh lợi đầy nhọc nhằn, đầy chông gai, tuy chưa thể tìm ra một con đường đi nào khác, song Cao Bá Quát đã thấy không thể cứ đi trên bãi cát danh lợi đó mãi được.

– Vẻ đẹp nhân cách nhà nho trong:

+ Nguyễn Công Trứ phô trương sự ngang tàng, sự phá cách trong lối sống của ông, lối sống ít phù hợp với khuôn khổ của đạo Nho.

+ Khi làm quan, thực hiện các chức phận, ông luôn tỏ ra thẳng thắn, thậm chí dám kiến nghị, góp ý cả cho vua). => Phong cách ngạo nghễ như vậy vì ông có tài năng và tận tâm với sự nghiệp. Không hề luồn cúi để vinh thân phì gia.

+ Sau khi từ quan, cách ông nghỉ và chơi cũng rất ngông, rất khác thường. => Ông có quyền ngất ngưởng vì ông về hưu trong danh dự, sau khi đã cống hiến rất nhiều cho đất nước

c) Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

Bài văn mẫu tham khảo – Viết bài làm văn số 2: Nghị luận văn học

Đề 1. Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực của đoạn trích Vào thủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự – Lê Hữu Trác).

Bài viết tham khảo:

“Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

   Bọn vua chúa phong kiến đa số là những tên cướp ngày. Chúng cướp của nhân dân một cách công khai bằng đủ thủ đoạn tàn ác để vinh thân phì gia, để hưởng thụ cuộc sống. Lên Hữu Trác, một danh y lỗi lạc, một văn nhân tài ba của nước ta ở thế kỉ XVIII đã một phần nào nói lên được thực trạng này qua tác phẩm Thượng kinh kí sự. Trong kí sự này, đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh có một giá trị hiện thực sâu sắc khi phản ánh được cuộc sống xa hoa, giàu sang, quyền uy tột bậc của nhà chúa.

Thượng kinh kí sự nguyên văn bằng chữ Hán, được Lê Hữu Trác viết năm 1782, nội dung ghi lại những điều mà tác giả tai nghe mắt thấy trong những lần được vời ra kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh Sâm. Qua những trang viết sinh động và sắc sảo, tác giả đã phản ánh chân thực cuộc sống xa hoa của tầng lớp vua chúa phòng kiến, đồng thời kín đáo bày tỏ thái độ thờ ơ, coi thường danh lợi của mình. Lê Hữu Trác sử dụng người trần thuật ngôi thứ nhất,trực tiếp tiếp cận cung cách sinh hoạt xa hoa của chúa Trịnh. Nhà văn quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, thuật việc khéo léo.

Mở đầu bài kí là Khung cảnh giàu sang, đẹp đẽ hiếm có cùa phủ chúa Trịnh được tác giả miêu tả trực tiếp qua quan sát và miêu tả gián tiếp qua ấn tượng mà nó gây ra trong lòng tác giả: Tôi ngẩng đầu lên: đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thấm, gió đưa thoang thoảng mùi hương… Tôi nghĩ bụng: Mình vốn con quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết Chỉ có những việc trong phủ chúa là mình chỉ mới nghe nói thôi. Bước chân đến đây mới hay cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường!

Quang cảnh và cung cách sinh hoạt trong phủ chúa được ghi lại khá tỉ mỉ qua con mắt quan sát của một thầy thuốc lần đầu tiên bước chân vào thế giới mới lạ. Không gian nghệ thuật của tác phẩm ngày càng được mở rộng hơn theo bước chân, và cách nhìn của nhân vật xưng “tôi” .Bức tranh toàn cảnh về phủ chúa Trịnh không chỉ có bề rộng mà còn có chiều sâu, với một sức gợi mạnh mẽ.

Tuy được mời nhưng vị danh y cũng chỉ được đưa vào phủ bằng lối cửa sau, mỗi bước đều có người của phủ chúa đi theo. Trên đường đi, ông để ý ghi nhận từng sự vật: Đi được vài trăm bước, qua mấy lần cửa mới đến cái điếm “Hậu mã quân túc trực”. Điếm làm bên cái hồ, có những cái cây lặ lùng và những hòn đá kì lạ. Trong điếm cột và bao lơn lượn vòng, kiểu cách thật là xinh đẹp.

Càng vào sâu bên trong, sự ngạc nhiên của tác giả càng lớn:

Qua dãy hành lang phía tây, đến một cái nhà lớn thật là cao và rộng. Hai bên là hai cái kiệu để vua chúa đi. Đổ nghi trượng đều sơn son thiếp vàng. Ở giữa đặt một cái sập thếp vàng. Trên sập mắc một cái võng điều. Trước sập và hai bên, bày bàn ghế, những đổ đạc nhân gian chưa từng thấy… Lại qua một cửa nữa, đến một cái lầu cao và rộng. Ở đây, cột đều sơn son thếp vàng. Đúng là cảnh lầu son gác tía, cung bạc lầu vàng mà dân chúng chĩ có thể thấy trong truyện thần tiên hoặc trong tưởng tượng mà thôi.

   Khung cảnh trong phủ chúa đã được Lê Hữu Trác khái quát qua mấy câu thơ tức cảnh:

Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặt,

Cả trời Nam sang nhất là đây!

Lầu từng gác vẽ tung mây,

Rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào.

   Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa lại càng khác xa chốn dân gian. Lần đầu tiên trong đời, với tư cách là khách mời, tác giả được dùng cơm bằng mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ … Không một lời bình luận, tác giả để các chi tiết tự toát lên ý nghĩa hiện thực sâu xa của nó. Thời kì này, chế độ phong kiến lâm vào tình trạng khủng hoảng, rối ren. Vua Lê nhu nhược chỉ còn đóng vai trò bù nhìn, mọi quyền lực chính trị đều rơi vào tay chúa Trịnh, mà chúa Trịnh thì lộng hành, ăn chơi xa xí, hoang dâm vô độ. Trong khi đó, dân chúng sống lầm than cơ cực, tiếng oán thán vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm. Quyền lợi của vua chúa không còn đồng nghĩa với quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Vì thế mà người người bất bình. Phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình nổi lên ò khắp nơi. Do có nhận thức đúng đắn vể bản chất của triều đình phong kiến đương thời nên Lê Hữu Trác dứt khoát quay lưng trước con đường hoạn lộ đầy cám dỗ của danh lợi, phú quý nhưng vinh liền nhục và cũng đầy hiểm hóc.

Đoạn văn miêu tả nơi cung cấm khá tỉ mỉ, vừa có giá trị hiện thực sắc sảo vừa ngầm chứa thái độ giễu cợt nhẹ nhàng của tác giả: Đi qua độ năm, sáu lẩn trướng gấm như vậy, đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cải sập thếp vàng. Một người ngồi trên sập độ năm, sáu tuổi, mặc áo lụa đỏ. Có mấy người đứng hầu hai bên. Giữa phòng là một cây nến to cắm trên một cải giả bằng đổng. Bên sập đặt một cái ghế rồng sơn son thếp vàng, trên ghế bày nệm gấm. Một cái màn là che ngang sân. Ở trong có mấy người cung nhân đang đứng xúm xít Đèn sáp chiếu sáng, làm nổi màu mặt phấn và màu áo đỏ.

Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt Xem chừng Thánh thượng thường thường vẫn ngồi trên ghế rồng này, nay người rút lui vào màn để tồi xem mạch Đông cung cho thật kĩ:

Qua hình dáng và bệnh tình của Đông cung thế tử được tác giả miêu tả khá kĩ, người đọc cớ thể liên tưởng đến tình trạng suy thoái của triều đình phong kiến Việt Nam thời đó: … thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi. vả lại, bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò. Đó là vì nguyên khỉ đã hao mòn, thương tổn quá mức. Quả là chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm nay đã già cỗi, lạc hậu và khó bề cứu chữa.

Vốn là một người thông minh, Lê Hữu Trác đắn đo rất kĩ trong cách chữa bệnh cho thế tử. Ý kiến của các thầy thuốc trong cung ông nghe ch? để tham khảo. Từ thực trạng bệnh tình và thể lực của thế tử, ông phân tích, cân nhắc thiệt hơn rồi tìm ra cách chữa phù hợp nhất: Tôi thấy thánh thể gầy, mạch lại tế, sác. Thế là âm dương đều bị tổn hại, nay phải dùng thuốc thật bổ để bổi dưỡng tì và thận, cốt giữ cái căn bản tiên thiên và làm nguồn gốc cho cái hậu thiên. Chính khí ở trong mà thắng thì bệnh ở ngoài sẽ tự nó tiêu dần, không trị bệnh mà bệnh sẽ mất.

Điều thú vị hơn cả là nếu suy ngẫm kĩ, chúng ta sẽ thấy nội dung tờ khải của danh y Lê Hữu Trác nói về cách chữa bệnh cho thế tử nhưng lại chứa đựng một nhận xét cực kì chính xác về thực trạng của triều đình phong kiến đương thời và đưa ra phương thức chữa trị những căn bệnh trầm kha của nó: Chầu mạch, thấy sáu mạch tế, sác và vô lực, hữu quan yếu, hữu xích lại càng yếu hơn. Ấy là tì âm hư, vị hỏa quá thịnh, không giữ được khí dương, nên âm hoả đi càn. Vì vậy( bên ngoài thấy cổ trướng, đó là tượng trưng ngoài thì phù, bên trong thì trống. Nên bổ tì thổ thì yên…

Danh y Lê Hữu Trác thừa sáng suốt để kê một phương thuốc hoà hoãn cho thế tử vì sợ nếu mình làm kết quả ngay thì sẽ bị danh lợi nó ràng buộc, không làm sao về núi được nữa. Là một bậc chân Nho, ông tỏ ra nắm rất vững lẽ xuất xử của người quân tử. Quyết định lánh xa vòng danh lợi của ông trong hoàn cảnh ấy là vô cùng đúng đắn.

Lê Hữu Trác tổ chức điểm nhìn trần thuật linh hoạt. Có đoạn sự việc được kể theo quan sát của nhân vật xưng tôi. Có đoạn nhà văn để cho nhân vật quan truyền chỉ miêu tả,giới thiệu. Người đọc có cảm tưởng không chỉ có Lê Hữu Trác dẫn ta vào phủ chúa để tự do quan sát ngắm nhìn mà cả những kẻ hầu cận chúa cũng đưa ta thâm nhập, khám phá sự thật ở “Đông cung”. Những đoạn nhân vật tôi độc thoại toát lên cái nhìn sắc sảo và sự cảm nhận tinh tế. Những đoạn kể tả, cho thấy nhân vật tôi bao quát được một không gian rộng lớn, nắm bắt được thần thái, bản chất của sự vật hiện tượng. Trong tư cách một người thầy thuốc quê mùa, nhân vật tôi luôn tỏ ra là một người hoà nhã kính nhường, ham học hỏi y thuật của đồng nghiệp . Sự đối lập về vị thế so với các vị lương y của sáu cung hai viện,không khiến nhân vật tôi trở nên nhỏ bé, trái lại càng tôn cao hơn nhân cách và tài năng của nhân vật này . Vẻ đông đúc của lương y nơi triều đình tự phơi bày hết sự thực ở phú chúa đang tồn tại một hệ thống quan lại bất tài, ăn bám .

Các nhà nho xưa ít khi nói về mình. Nhưng trong đoạn trích này,tác giả đã không ngần ngại để cái “Tôi” đóng một vai trò quan trọng. “Vào phủ chúa Trịnh” thể hiện trực tiếp cái tôi cá nhân người cầm bút. Qua đoạn trích ta thấy tác giả Lê Hữu Trác là một thầy thuốc giàu kinh nghiệm. Bên cạnh tài năng ông còn là một thầy thuốc có lương tâm và đức độ. Lê Hữu Trác xem nghề thuốc vô cùng thiêng liêng cao quí,người làm thuốc phải nối tiếp lòng trung của cha ông mình,phải luôn giữ đức cho trong, giữ lòng cho sạch . Lê Hữu Trác yêu thích tự do, nếp sống thanh đạm. Vượt lên trên những danh lợi tầm thường ông trở về hành đạo cứu đời với quan niệm : “Thiện tâm cốt ở cứu người. Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu/ Biết vui, nghèo cũng hơn giàu/ Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn”.

“Vào phủ chúa Trịnh” trở thành một quá trình tiếp cận sự thật đời sống xa hoa vương giả hơn là thăm bệnh,chữa bệnh. Thăm bệnh, chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán tưởng chỉ như một cái cớ, một dịp may giúp người viết kí hoàn thiện bức tranh về cuộc sống thâm nghiêm, giàu sang đầy uy quyền. Đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh mang giá trị hiện thực sâu sắc. Bằng tài quan sát tinh tế và ngòi bút ghi chép chi tiết, chân thực, tác giả đã vẽ lại một bức tranh sinh động về cuộc sông xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh, đồng thời cũng bộc lộ thái độ coi thường lợi danh của mình. Đối với ông thì không có gì quý bằng cuộc sống tự do nơi non xanh nước biếc chốn quê nhà, được đem hết tài năng, nhiệt huyết cống hiến cho y thuật và cứu nhân độ thế. Cuộc sống nơi cung vua, phủ chúa dẫu giàu sang phú quý tột bậc nhưng rốt cục cũng chỉ là vào luồn ra cúi, cá chậu chim lồng mà thôi.

Đề 2. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương.

Trả lời:

Bài viết tham khảo:

Văn thơ trung đại Việt Nam, nhất là các tác phẩm viết bằng chữ Nôm nói nhiều đến tình yêu và số phận người phụ nữ trong cuộc đời. Hồ Xuân Hương và Tú Xương, qua “Bánh trôi nước”, “Tự tình” – Bài II, “Thương vợ” đã làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa với bao ấn tượng sâu xa, với bao cảm thương man mác.

Bài thơ “Bánh trôi nước” có hai lớp nghĩa: tả thực chiếc bánh trôi, một món ăn dân tộc và tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp của người con gái quê ta. Chữ “trắng” và chữ “tròn”, hình ảnh nhân hoá “thân em” đã thể hiện vẻ đẹp khiêm nhường, dịu dàng, trinh trắng và duyên dáng của “em”. Tuy tình yêu và số phận bị phụ thuộc vào lễ giáo phong kiến, và đạo tam tòng, vào “tay kẻ nặn”, dù “rắn nát”, dù vất vả, lận đận, long đong, trải qua “bảy nổi ba chìm”, nhưng em vẫn kiên trinh, sắt son. Hình ảnh ẩn dụ “tấm lòng son” và hai tiếng “vẫn giữ” đã ngợi ca đức hạnh kiên nhẫn, lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ ngày xưa trong mọi gia đình Việt Nam. “Bánh trôi nước” là bức chân dung nghệ thuật với hai gam màu “trắng” và “son” tuyệt đẹp:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

   Chùm thơ “Tự tình” ba bài của Bà chúa thơ Nôm, đặc biệt biệt bài thơ thứ hai, đã nói lên một cách cảm động về bi kịch tình duyên của người phụ nữ phận hẩm duyên ôi!

Người phụ nữ ấy thao thức giữa đêm khuya, một mình một bóng đang lắng nghe tiếng trống dồn “văng vẳng” từ một chòi canh xa đưa lại. Thao thức vì cô đơn, vì lẻ bóng. Rượu và trăng cũng không làm vợi đi bao nỗi buồn chồng chất, đang đè nát cõi lòng. “Chén rượu hương đưa” cứ ngỡ có thể làm say để quên đi bao nỗi buồn chứa chất tâm hồn, cố uống cho say, nhưng “say lại tỉnh” để mà thêm buồn; buồn cho tình duyên lẽ mọn! Trơ trọi ngắm “vầng trăng bóng xế”, ngắm mãi ngắm hoài mà trăng kia vẫn “khuyết chưa tròn”, Hạnh phúc mà nàng mong đợi chỉ là “Một tháng đôi lần có cũng không!”. Số phận và bi kịch ấy thật đáng thương!

Trong bi kịch tình duyên, người đàn bà lẽ mọn cố vùng vẫy bươn ra nhưng thoát sao được. Dù có “xiên ngang mặt đất”, dù có “đâm toạc chân mây”, nhưng đám rêu kia, mấy hòn đá nọ cũng không thể nào thay đổi được cảnh ngộ đáng buồn, đáng thương, đáng tủi, đáng hận:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”.

   Phép đảo ngữ trong hai câu thơ không chỉ làm nổi bật cái dữ dội tiềm ẩn của thiên nhiên mà còn tô đậm sự phản kháng duyên số, phản kháng đến tuyệt vọng của người đàn bà “lấy chồng chung”.

Thời gian chẳng mang lại hạnh phúc cho nàng. Mùa xuân cũng chẳng đem lại niềm vui gì cho nàng, mà nỗi chán ngán, đau khổ cứ chồng chất mãi thêm. Mùa xuân đi qua rồi mùa xuân lại trở lại, tuổi mỗi ngày một cao, nhan sắc ngày một phai tàn, nhưng tình yêu và hạnh phúc chỉ được “san sẻ tí con con” mà thôi! Thật đáng thương! Thật tội nghiệp. Tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường cũng chẳng mang lại cho nàng chút hạnh phúc nào! Hai câu kết đã cực tả nỗi đau khổ trong bi kịch tình yêu của Hồ Xuân Hương:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

   “Tự tình” — Bài II không chỉ nói lên nỗi đau khổ cô đơn mà còn thể hiện niềm khao khát tình yêu hạnh phúc của người đàn bà trong cảnh ngộ “lấy chồng chung”, Giá trị nhân bản của bài thơ thật sâu sắc.

Tú Xương có bài “Văn tế sống vợ”; ông còn có bài “Thương vợ” Cảm hứng chủ đạo là tình thương, lòng quý trọng, biết ơn của ông đối với người vợ hiền thục của mình.

Bà Tú là hiện thân cho bao đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Bà buôn bán tần tảo ở mom sông suốt quanh năm, không có một ngày ngơi nghỉ. Một gánh nặng gia đình được bà “nuôi đủ”:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng”.

   Nhờ sự đảm đang, tháo vát của vợ mà ông Tú tuy “ăn lương vợ” nhưng khá phong lưu:

“Cho hay công nợ âu là thế,

Mà vẫn phong lưu suốt cả đời.

Tiền bạc phó cho con mụ kiếm,

Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi”

(Tự cười mình)

   Hình ảnh “thân cò” là một sáng tạo của Tú Xương để nói vể sự làm ăn vất vả, khó nhọc của bà Tú. Cặp từ láy: “lặn lội” và “eo sèo” đã cực tả nỗi gieo neo, đức tính chịu thương chịu khó của người vợ, người mẹ trong gia đình đông con:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

   Bà Tú còn là hiện thân của đức hi sinh thầm lặng. Bà cam chịu, kiên nhẫn về duyên phận. Các thành ngữ “một duyên hai nợ”, “\”năm nắng mười mưa” kết hợp với các từ ngữ “âu đành phận”, “dám quản công” cho thấy đức hạnh, tâm hồn của bà Tú thật cao quý. Bà đã sống hết mình vì cuộc sống và hạnh phúc của chồng con:

“Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công”

   Hai câu kết là lời nhiếc của bà Tú cũng là lời tự trách mình của nhà thơ:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không”.

   “Không” là không giàu sang phú quý, không được “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” như các bà nghè khác. “Không” là không được sống trong cảnh vinh thân phì gia “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” như vợ của các thầy kí, thầy phán khác thời bấy giờ.

Tú Xương tuy tự trách mình, nhưng ông đã nói lên tất cả tấm lòng quý trọng và biết ơn đối với người vợ hiền thục thương yêu.

Hình ảnh bà Tú trong bài thơ “Thương vợ” là hình ảnh của một người phụ nữ Việt Nam với bao phẩm chất tốt đẹp như đảm đang, tần tảo, chịu thương chịu khó và giàu đức hi sinh.

Qua các bài thơ “Bánh trôi nước”, “Tự tình” – Bài II, “Thương vợ” người đọc thấy được phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, càng biết ơn và tự hào về người mẹ, người chị, người vợ trong mỗi gia đình chúng ta. Đúng như Huy Cận đã viết:

“Chị em tôi toả nắng vàng lịch sử,

Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”.

Đề 3. Nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát (hoặc Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ).

Bài viết tham khảo:

 Ta vẫn thường nghe: “Tài cao phận thấp, chí khí uất”. Dường như cái tài năng vẫn chưa đủ để con người ta tỏa sáng những còn bởi một chữ “phận”. Đó cũng chính là bi kịch cuộc đời của một con người tài hoa bậc nhất Cao Bá Quát. Ông hiện ra là một nhà nho giỏi, đức độ với một tâm hồn văn chương và cốt cách thanh cao. Được nhân dân tôn lên hàng thánh – thánh Quát. Vậy nhưng đương thời Chu Thẩn lại phải trải qua biết bao khổ ải, gian truân của một chế độ phong kiến thối nát suy tàn. Những nỗi niềm xót xa, phẫn uất của một đấng nam nhi đã được ông gửi gắm kín đáo trong tác phẩm Sa hành đoản ca.

Là một nhà nho chân chính, Cao Bá Quát vốn chịu ảnh hưởng rất lớn của quan niệm “chí làm trai”. Cũng như Nguyễn Công Trứ và bao bậc trượng phu đương thời, ông luôn tâm niệm va khao khát lập nên công danh sự nghiệp vẻ vang hiển hách cho đời, coi đó là lý tưởng sống, là trách nhiệm trọn đời và là món nợ phải trả – “nợ tang bồng”. Ông vố đã sớm được coi như một tài năng xuất chúng khi mới chỉ ít tuổi và càng trưởng thành, ông lại càng chứng tỏ rõ khí phách hiên ngang và hoài bão lớn lao của mình. Tuy nhiên đứng trước một xã hội phong kiến bảo thủ, trì trệ và khủng hoảng, con người ấy đã không thể thỏa mãn khát vọng của mình.

Bãi cát dài lại bãi cát dài,

Đi một bước như lùi một bước.

   “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là một khúc ca ngắn, vậy mà bản thân nó lại vẽ nên một con đường rất dài. Bức tranh sa mạc mênh mông cát trắng với bóng người nhỏ bé đang bước đi từng bước khó nhọc. Đi mà như lùi, vậy ra đi mà thực ra không đi. Đó là một hình ảnh rất thực và cũng bao hàm ý nghĩa ẩn dụ. Đây thực ra là con đường thi cử của chính tác giả, cái tủi nhục của bãi cát cũng là cái nhọc nhằn ông đang phải gánh chịu vì con đường ấy – khó nhọc mà xa vời. Đối với trí thức nho sĩ ngày xưa, con đường học – thi – làm quan ấy đầy gian nan vất vả, càng khó khăn hơn trong những buổi cuối của nho học và đây cũng là cách duy nhất để họ thực hiện chí làm trai lập công danh của mình. Suốt những năm từ lúc 14 tuổi cho đến khi 31 tuổi, Cao Bá Quát đã vào Huế đi thi không biết bao nhiêu lần nhưng lần nào ông cũng bị đánh hỏng. Không phải vì ông không có tài mà vì lẽ cái tính cách ngông nghênh của ông vốn đã quá nổi tiếng và không được lòng các vị quan triều thần. Đến đây lời thơ như những tiếng thở dài của chính tác giả, ta thấy được trướng nhất là sự chán ngán của Chu Thần trước thời cuộc. Bản thân ông ngày càng nhận thức được sự lạc hậu, thoái hóa của chế độ học hành thi cử truyền thống trong cái chuyển mình của thời thế.

Mặt trời đã lặn chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.

   “Mặt trời lặn” là hình ảnh chuyển giao của thời gian, khi thiên nhiên đã chìm dần vào giấc nghỉ ngơi, thì đối lập với nó là hình ảnh người lữ khách “chưa dừng được”. Vì sao chưa dừng được? Bởi lữ đường còn dài mà đích thì chẳng thấy đâu. Con đường cuộc đời ông đi mãi mà ông vẫn chưa tìm được cho mình chỗ đứng trong xã họi, chưa thỏa mãn ý chí lập nên công danh. Vậy nên bản thân ông không cho phép mình dừng lại. Nếu ở câu đầu mở ra là sự rộng lớn của không gian thì đến lúc này, Cao Bá Quát lại nói đến sự chảy trôi liên tục của thời gian, tất cả những yếu tố thiên nhiên vũ trụ ấy dường như đều là lực cản đường, cản trở những bước đi vốn đã đầy khó nhọc trên cát. Do đó, ông thấy mình trơ trọi cô đơn trước bãi cát hoang vu ấy và tự khóc cho số phận dai dẳng của mình. Có thể những giọt nước mắt ấy ban đầu chỉ đơn thuần do tác động của ngoại cảnh (gió, cát, bụi) nhưng chúng trở nên đắng hơn, mặn hơn và xót xa hơn bởi tâm sự của tác giả. Để rồi từ đây, những cung bậc cảm xúc của Chu Thần được đưa lên một vị trí mới:

Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối giận khôn vơi.

   Chu Thần đang giận ai hay giận cái gì vậy? Ông đang giận chính bản thân ông bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, ta có thể hiểu: trước những cảnh đời khổ cực của nhân dân và thời thế thay đổi, ông dù một lòng trung quân ái quốc, hết mực thương dân nhưng vẫn chưa thể làm để đem tài năng ra giúp dân giúp nước. Ngay cả Nguyễn Công Trứ “ngất ngưởng” là thế mà con luôn tâm niệm “nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chúng”. Vậy nên ông tự trách bản thân vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ với giang sơn xã tắc: “Không có lấy một sách lược gì làm cho đời được thái bình, thẹn mình là nhà nho mà lại tầm thường đến thế”. Tâm sự này của ông khiến ta cảm thấy trân trọng một con người có tấm lòng đức độ và tâm hồn thanh cao trong thơ văn: “Nhất sinh đê thủ bái mao hoa”.

Thứ hai, ông vô cùng hổ thẹn vì dù đã đeo đuổi con đường thi cử rất lâu mà vẫn chưa có được chức danh xứng đáng, vẫn chưa đạt được công danh để cho người đời thán phục. Thế nên lòng người càng trở nên bế tắc, oán hận và bi phẫn. Ông đã từng dùng hình ảnh tượng trưng để nói lên khí chất cao vời của mình”

“Ta ngẩng đầu lên nhìn tận ngoài trời

Những muốn vịn mây mà lên cao mãi.”

   Ông mong muốn có được phép thần tiên kì diệu để có tiếp tục đi trên con đường chông gai mặc cho đói khát, mệt mỏi hay buồn ngủ. Hy vọng có thể mau chóng tìm ra cho mình một cái đích rõ ràng.

Cách hiểu cuối cùng rất sâu sắc: đó chính là sự thoát li khỏi thực tại tầm thường. Đến như Nguyễn Công Trứ lỗi lạc là thế mà còn tìm kiếm lối thoát bằng cách cáo quan ở ẩn. Ở đây, Cao Bá Quát giá như bản thân có thể nhắm mắt làm ngơ, mặc cho sự đời biến đổi và mong muốn vất bỏ phiền muộn. Nhưng không! Với lý tưởng cao cả, chí khí ngoan cường, Chu Thần không thể thực hiện điều trái với đạo lý của bản thân. Do đó, cái “giận khôn vơi” ở đây, càng chiếu soi, làm tỏ hiện cho ta thấy được một Chu Thần với nhân cách cao cả, quý giá biết bao. Ông không muốn trốn tránh khó khăn nhưng luôn biết đối đầu và khắc phục khó khăn. Thật là nhân cách đáng ngưỡng mộ.

Những câu thơ tiếp theo lại đem đến cho người đọc về cái nhìn của Cao Bá Quát trước cảnh xã hội mưu cầu danh lợi:

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất cả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?

   Con đường danh lợi cũng là một thứ rất đường đời thật gập ghềnh, trắc trở. Công danh được ví như một thứ rượu cám dỗ đời người, khiến con người phải bon chen, phải gạt đi mọi giá trị đạo đức luân lí đểm thảm hại chạy theo vật chất. Học hành, độ đạt rồi vào chốn quan trường để phú quý vinh hoa, con đường lập thân, sự nghiêp ấy sao quá đỗi tầm thường. Lòng nhủ phải làm cái gì đó lớn lao hơn, cao cả hơn. Nhưng tiếc thay, chẳng mấy kẻ thắng được cái sức lôi cuốn của tiền tài. Họ chẳng khác nào những con thiêu thân, lao đầu vào nơi có ánh sáng và đông không kể. Qua đây, Cao Bá Quát cho thấy được điểm nhìn tuyệt vời của mình. Đó là cái nhìn bao quát thực tại bình thường, vượt ra cả không gian và vượt lên trên thời gian. Những suy nghĩ ấy đã đi trước thời cuộc của ông và minh chứng cho trí tuệ uyên bác vượt bậc của danh sĩ họ Cao. Cũng có thể thấy được thái độ khinh miệt, chán ghét của ông với lối quan niệm của các sĩ tử bấy giờ và ông tự hào là kẻ tỉnh hiếm hoi giữa rừng người say ấy. Song đáng buồn thay, ông vẫn đang đi theo con đường này. Trong tâm trí đang tự hỏi mình “tỉnh” hay “say”? Để rồi lại trút tiếng thở dài vô vọng:

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều đâu ít.

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía Nam núi Nam, sóng dào dạt.

   Tiếng thở dài chán ngán, mệt mỏi của Cao Bá Quát khi gặp phải sự bế tắc, lòng luôn thao thức câu hỏi: “tính sao đây?”. Khó khăn tiếp nối khó khăn, nhìn bốn bể, đâu đâu cũng chỉ thấy những trắc trở, gian lao muôn trùng. Lúc này, Chu Thần đã bị đẩy vào “đường cùng”. Dường như, trongong đang có sự đấu tranh quyết liệt, ông dậm chân tại chỗ. Cao Bá Quát không muốn đi tiếp vì biết đường gian khổ mà vô định. Nhưng có một tiếng gọi vang lên từ tấm lòng thương dân sâu sắc, đó là cái nợ nước nhà chưa thể trả, nợ công danh cuộc đời. Vì không còn một con đường nào khác cho bất cứ một ai, kể ra những người có chí lớn vượt ra ngoài sự nghiêp công danh. Bi kịch của Chu Thần không chỉ là của riêng Chu Thần, nhưng còn là bi kịch của thời đại, một thời đại sắp đi đến phút cáo chung.

Anh đứng làm chi trên bãi cát?

   Câu hỏi vang lên vô vọng giữa bãi cát mênh mông. Nhưng có vẻ kín đáo trả lời cho mâu thuân nội tâm của Cao Bá Quát. Một lần nữa, ông khẳng định tính chất vô nghĩa của con đường “bãi cát” ấy để làm tiền đề cho cái nhìn của mình: cái nhìn sáng suốt và đầy đạo đức: từ bỏ cái cũ lỗi thời để đến với cái mới. Đến đây, ta chợt nhớ đến triết lí của Lỗ Tấn: “Trên thế gian làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Quả thật vậy, câu hỏi tu từ: “Anh đứng làm chi trên bãi cát?” như là lời thúc giục, là tiếng gọi lên đường, khai phá lối đi mới tiến bộ. Đó cũng là nguyên nhân chính và động cơ thúc đẩy Chu Thần đứng ra lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa Mỹ Lương, chống lại triều đình nhà Nguyễn – việc làm để lại tiếng danh muôn đời và khiến thế hệ sau nể phục khôn nguôi.

“Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là bài thơ ngắn mà dài, hiện thực mà đầy tượng trưng, trữ tình mà đầy bi phẫn với ý thơ hàm súc, đa nghĩa. Ẩn chứ trong tác phẩm là những suy nghĩ kín đáo của tác giả, là tâm tình da diết với đất nước, là khí phách hiên ngang của chí làm trai, là trí tuệ thông thái, là cái nhìn vượt thời gian, là ước muốn cải cách xã hội và cũng là nhân cách cao đẹp của nhà nho chân chính Cao Bá Quát.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status