Soạn bài – Treo biển

Soạn bài Treo biển trang 123 – 126 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Treo biển sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.

Truyện cười Treo biển

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng:

“Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI”

Biển vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo:

– Nhà này xưa quen bán cá ươn(1) hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá “tươi”?

Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay chữ “tươi” đi.

Hôm sau, có người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

– Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao, mà phải đề là “ở đây”?

Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay hai chữ “ở đây” đi.

Cách vài hôm, lại có người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:

– Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”?

Nhà hàng nghe nói lại bỏ ngay hai chữ “có bán” đi. Thành ra biển chỉ còn có mỗi một chữ “cá”. Anh ta nghĩ trong bụng chắc từ bây giờ không cón ai bắt bẻ(2) gì nữa.

Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển, nói:

– Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa?

Thế là nhà hàng cất nốt cái biển!

(Theo Trương Chính)

Chú thích:

(1) Cá ươn: cá không còn tươi, đã có mùi hôi.

(2) Bắt bẻ: vặn hỏi, gây khó khăn cho người bị hỏi.

Hướng dẫn soạn bài – Treo biển

I. Về thể loại

Truyện cười là loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.

II. Tóm tắt

Một cửa hàng bán cá đề biển: “Ở đây có bán cá tươi”. Cứ nghe người đi qua bình phẩm, nhà hàng lại cất bớt đi một hai chữ, từ “Ở đây có bán cá tươi”, đến “Ở đây có bán cá”, rồi “Có bán cá”. Còn một chữ “Cá”cuối cùng, thế mà vẫn có người đến góp ý. Thế là nhà hàng bèn cất nốt cả tấm biển.

III. Hướng dẫn soạn bài Treo biển chi tiết và giải bài tập SGK

Giải câu 1 (Trang 125 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Nội dung tấm biển đề treo ở cửa hàng (“Ở đây có bán cá tươi”) có mấy yếu tố? Vai trò của từng yếu tố?

Trả lời:

Nội dung tấm biển nhà hàng đã treo lên có bốn yếu tố:

– “Ở đây”: xác định vị trí cửa hàng.

– “Có bán”: chỉ hoạt động kinh doanh của nhà hàng (bán chứ không mua, thu gom)

– “Cá”: chỉ mặt hàng đang kinh doanh.

– “Tươi”: chỉ chất lượng, chủng loại mặt hàng, phân biệt với chủng loại khác (cá khô chẳng hạn).

Giải câu 2 (Trang 125 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Có mấy người “góp ý” về cái biển đề ở cửa hàng bán cá? Em có nhận xét gì về từng ý kiến?

Trả lời:

Có bốn người góp ý về tấm biển:

– Người thứ nhất bình phẩm chữ “tươi” (Nhà này xưa nay quen bán cá ươn?)

+ Ý kiến này không thoả đáng. Như trên đã phân tích, chữ tươi ở đây ngoài ý nghĩa chỉ phẩm chất (tươi) còn có ý nghĩa chỉ chủng loại (không phải cá khô), nên chữ tươi là cần thiết.

– Người thứ hai bình phẩm hai chữ “ở đây” (Chẳng lẽ ra hàng hoa mua cá).

+ Ý kiến này thoạt nghe có vẻ có lí. Tuy nhiên, trong nghệ thuật quảng cáo, hai chữ “ở đây”không thừa. Chúng có ý nghĩa tác động, tạo sự chú ý cho khách hàng.

– Người thứ ba bàn về hai chữ “có bán”.

+ Có ý kiến cho rằng ý kiến này đúng một nửa (để chữ bán, bỏ chữ có). Chữ bán đúng là rất cần thiết, nó chỉ tính chất kinh doanh (bán chứ không mua). Tuy nhiên, cũng như hai chữ “ở đây”, chữ có cũng không thừa. Nó có ý nghĩa khẳng định, nhấn mạnh hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Nếu bỏ chữ có, tấm biển vẫn đủ ý nhưng sức tác động trong quảng cáo sẽ nhẹ đi rất nhiều (so sánh ở đây bán cá và ở đây có bán cá).

– Người cuối cùng bàn về chữ “cá”.

+ Ý kiến này vô lí nhất. Ai bán bất cứ mặt hàng gì, bằng cách này hay cách khác, cũng đều phải quảng cáo cho mặt hàng của mình. Không quảng cáo, ai biết nhà hàng có bán không mà đến mua, dù cá vẫn cứ bày ra đấy. Rất có thể đây cũng là cách chơi khăm của người láng giềng. Thấy anh hàng xóm ai bảo cũng nghe, không cần suy xét phải trái, anh ta bèn đưa ra lời góp ý phi lí nhất trong số các lời góp ý của mọi người. Thế mà anh chủ cửa hàng vẫn cứ nghe theo.

Giải câu 3 (Trang 125 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Đọc truyện này, những chi tiết nào làm em cười? Khi nào cái đáng cười bộc lộ rõ nhất? Vì sao?

Trả lời:

Như vậy, cả bốn yếu tố trong tấm biển, ở mức độ này hay mức độ khác đều cần thiết, thậm chí có những yếu tố không thể lược bỏ đi được (bán, cá, tươi ). Tiếng cười bật ra vì nhà hàng treo biển mà không hiểu ý nghĩa công việc mình đã làm, chỉ nghe người ta nói mà không cần suy xét, răm rắp làm theo, rốt cuộc là lãng phí tiền của, công sức mà không được việc gì, lại còn bị mọi người cười chê.

Giải câu 4 (Trang 125 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Hãy nêu ý nghĩa của truyện.

Trả lời:

Treo biển thuộc loại truyện cười nhằm phê phán những cái xấu, cái đáng cười ngay trong quần chúng nhân dân. Ở đây là tính chất thụ động, ba phải của chủ cửa hàng. Treo biển lên để quảng cáo là một công việc rất có ý nghĩa nhưng chính người chủ cửa hàng bán cá cũng không nhận thức được ý nghĩa đó, không có chủ kiến của mình, rốt cuộc treo lên rồi lại cất đi chỉ vì những ý kiến vô thưởng vô phạt. Việc làm khi đó vừa tốn công, phí sức lại vừa đáng chê cười.

Truyện cho ta bài học bổ ích: khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ trước sau. Cũng có thể lắng nghe góp ý của người khác nhưng phải cẩn trọng suy xét đúng sai, phải có chủ kiến khi làm việc kẻo phí công vô ích, bị thiên hạ cười chê mà vẫn không mang lại kết quả việc làm như mong muốn.

Soạn bài phần luyện tập Treo biển

Giải câu hỏi Luyện tập (Trang 125 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Nếu nhà hàng bán cá trong truyện nhờ em làm lại cái biển, em sẽ “tiếp thu” hoặc phản bác những “góp ý” của bốn người như thế nào hoặc sẽ làm lại cái biển ra sao? Qua truyện này, có thể rút ra bài học gì về cách dùng từ?

Trả lời:

Nên giữ nguyên tấm biển quảng cáo để nội dung được trọn vẹn. Nếu có sửa thì chỉ nên bỏ bớt chữ “Ở đây”.

Qua truyện này, có thể rút ra bài học về cách dùng từ: từ dùng phải có nghĩa, có lượng thông tin cần thiết, không dùng từ thừa. Từ trong biển quảng cáo phải ngắn gọn, rõ ràng, đáp ứng được mục đích, nội dung quảng cáo.

Tham khảo bài soạn Treo biển theo cách khác

Câu 1. Nội dung tấm biển đề treo ở cửa hàng (“Ở đây có bán cá tươi”) có mấy yếu tố? Vai trò của từng yếu tố?

Trả lời:

Nội dung tấm biển treo ở cửa hàng (“Ớ đây có bán cá tươi”) có bốn yếu tố:

– “Ở đây”: thông báo địa điểm cửa hàng.

– “Có bán”: thông báo hoạt động của cửa hàng.

– “Cá”: thông báo loại mặt hàng.

– “Tươi”: thông báo chất lượng mặt hàng.

Bốn yếu tố, bôn nội dung đó là cần thiết cho một tấm biển quảng cáo bằng ngôn ngữ.

Câu 2. Có mấy người “góp ý” về cái biển đề ở cửa hàng bán cá? Em có nhận xét gì về từng ý kiến?

Trả lời:

Có bốn vị khách “góp ý” về tấm biển ở cửa hàng bán cá:

– Ý kiến thứ nhất đề nghị bỏ chữ “tươi”

– Ý kiến thứ hai đề nghị bỏ chữ “ở đây”

– Ý kiến thứ ba đề nghị bỏ chữ “có bán”

– Ý kiến thứ tư đề nghị bỏ nốt chữ “cá”.

Cả bốn ý kiến đều mang tính cá nhân, chủ quan và nguỵ biện.

– Nếu bỏ chữ “tươi”, là làm mất đi sự khẳng định chất lượng cao của sản phẩm nhà hàng, tuy nhiên cũng còn có thể được chấp nhận.

– Đến ý kiến thứ hai đòi bỏ từ chỉ địa điểm “ở đây” mà nhà hàng cũng nghe theo thì đã khiến nội dung biển có phần tôi nghĩa và thiếu lịch sự đối với khách hàng.

– Khi bỏ đi cả chữ “có bán” chỉ để lại một từ “cá” là hết sức vô lí. Nó làm cho nội dung cái biển trở nên cụt lủn, tốì nghĩa.

– Đến ý kiến cuối cùng, đề nghị cất nốt biển đi vì “ai đi tới gần dây đều chẳng ngửi thấy mùi cá tanh lộn lên mà còn phải để từ “cá”. Nhà hàng lại nhắm mắt nghe theo không dùng biển nữa.

Câu 3. Đọc truyện này, những chi tiết nào làm em cười? Khi nào cái đáng cười bộc lộ rõ nhất? Vì sao?

Trả lời:

Những chi tiết làm ta cười là mỗi lần có người góp ý thì nhà hàng không cần suy nghĩ, “nghe nói, bỏ ngay”. Ta cười vì sự không suy xét, ngẫm nghĩ của chủ nhà hàng, vì nhà hàng không hiểu những điều viết trên biển quảng cáo có ý nghĩa gì và treo biến quảng cáo để làm gì.

Nhưng cái cười bộc lộ rõ nhất ở cuối truyện. Ớ trên cái biển bị bắt bẻ đến nỗi chỉ còn chữ “cá”. Người qua đường vẫn còn có người góp ý, chữ “cá” và tấm biển treo vẫn là thừa, chủ hàng cất luôn cái biển, thì ta bật cười, tiếng cười vang lên to nhất. Ta cười vì từng góp ý thấy có vẻ có lí nhưng cứ theo đó mà hành động thì kết quả cuối cùng lại thành phi lí. Ta cười to vì người nghe góp ý không biết suy xét, hoàn toàn mất hết chủ kiến.

Câu 4. Hãy nêu ý nghĩa của truyện.

Trả lời:

– Treo biển là một truyện hài hước, tạo nên một tiếng cười vui vẻ, phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét khi nghe những ý kiến khác.

– Khi được người khác góp ý không nên vội vàng hành động theo ngay khi chưa suy xét kĩ. Làm việc gì cũng phải có ý thức, có chủ kiến, biết tiếp thu có chọn lọc ý kiến của người khác.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status