Soạn bài – Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp theo)

Soạn bài Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp theo) trang 105 – 108 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp theo), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp theo)

II. Các phương tiện diễn đạt và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận

1. Các phương tiện diễn đạt

Qua việc tìm hiểu các trích đoạn văn bản chính luận ở tiết học trước, có thể rút ra một số nhận xét về các phương tiện diễn đạt của phong cách ngôn ngữ chính luận như sau:

a) Về từ ngữ

Văn bản chính luận sử dụng ngôn ngữ thông thường nhưng có khá nhiều từ ngữ chính trị : độc lập, đồng bào, bình đẳng, tự do, quyền lợi, phát xít, thực dân, kháng chiến, thống nhất, công bằng, dân chủ, đa số, thiểu số,…

Nhiều từ ngữ chính trị có nguồn gốc từ văn bản chính luận, nhưng được dùng rộng khắp trong sinh hoạt chính trị nên chúng đã thấm vào lớp từ thông dụng, đến mức người dân dùng quen thuộc, không còn quan niệm đó là từ ngữ lí luận nữa. Ví dụ: đa số, thiểu số, phát xít, dân chủ, bình đẳng, tự do,…

b) Về ngữ pháp

Câu văn trong văn bản chính luận thường là câu có kết cấu chuẩn mực, gắn với những phán đoán logic trong một hệ thống lập luận, cấu trước liên kết với câu sau, câu sau nối tiếp câu trước trong một mạch suy luận. Ví dụ (xem them các đoạn trích ở tiết trước):

– […] Đó là những lẻ phải không ai chối cãi được.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

– […] Có thể nói là quân Pháp ở Đông Dương đã không kháng chiến và công cuộc kháng chiến ở Đông Dương là công cuộc duy nhất của nhân dân ta.

(Trường Chinh, Cao trào chống Nhật, cứu nước)

– […] Xuân mới, thế và lực mới, chúng ta tự tin đi tới!

(Việt Nam đi tới, báo Quân đội nhân dân, số Tết 2004)

Các văn bản chính luận thường dùng những câu phức hợp có những từ ngữ liên kết như: do vậy, bởi thế, cho nên, vì lẽ đó…; tuy… nhưng; dù … nhưng… để phục vụ cho lập luận được chặt chẽ.

c) Về biện pháp tu từ

Ngôn ngữ chính luận không phải lúc nào cũng mang tính công thức, ước lệ, khô khan. Ngược lại, nó có thể rất sinh động do sử dụng khá nhiều các biện pháp tu từ.

Ví dụ:

– Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

– […] Khắp non sông Việt nam đang bừng dậy một sinh khí mới. Sinh khí ấy đang biểu hiện trên khuôn mặt từng người dân, trong từng thôn bản, ngõ phố, trên từng cánh đồng, công trường, trong từng viện nghiên cứu, trên cá chốt tiền tiêu đầu sóng ngọn gió,…

(Việt Nam đi tới, theo báo Quân đội nhân dân, số Tết 2004)

– Đất nước đang căng tràn sức xuân trong ý chí và khát vọng vươn tới của 80 triệu người con đất Việt, Nguồn sinh lực mới được kết tụ và nhân lên trong xuân Giáp Thân đang hứa hẹn tạo ra một sức băng lướt mới trên con đường dài xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(Việt Nam đi tới, theo báo Quân đội nhân dân, số Tết 2004)

Tuy vậy, việc dùng các biện pháp tu từ chỉ giúp cho lí lẽ, lập luận thêm hấp dân vì đích của văn bản chính luận là thuyết phục người đọc, người nghe bằng lí lẽ và lập luận.

Ở dạng nói (khẩu ngữ), ngôn ngữ chính luận chú trọng đến cách phát âm, người nói phải diễn đạt sao cho khúc chiết, rõ ràng, mạch lạc. Trong trường hợp cần thiết (ví dụ: hô hào, kêu gọi hoặc tranh biện) thì ngữ điệu đóng một vai trò quan trọng để thu hút người nghe. Những diễn giả tài năng sử dụng giọng điệu như một phương tiện quan trọng để thuyết phục thính giả.

2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận

Từ những nhận xét về ngôn ngữ chính luận nói trên, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ chính luận gồm:

a) Tính công khai về quan điểm chính trị

Tuy đề tài của văn bản chính luận là những vấn đề thời sự trong cuộc sống, nhưng ngôn từ chính luận không chỉ có chức năng thông tin một cách khách quan mà phải thể hiện đường lối, quan điểm, thái độ chính trị của người viết (hay nói) một cách công khai, dứt khoát, không che giấu, úp mở.

Chẳng hạn ở bài bình luận thời sự Cao trào chống Nhật, cứu nước, ngay từ những dòng đầu tiên, tác giả đã khẳng định kẻ thù của cách mạng lúc đó là phát xít Nhật, và ta phải phát động cao trào chống Nhật, không còn hi vọng mơ hồ rằng người Pháp sẽ là đồng minh chống Nhật (lúc đó thực dân Pháp ở Đông Dương là lực lượng đồng mình chống phát xít). Thái độ chính trị thể hiện rõ ràng qua lời lẽ phê phán nghiêm khắc : hạ sũngin hàng, nhằm biên giới cắm đầu chạy, bỏ ta chạy,… và cả trong kết luận: Có thể nói là quân Pháp ở Đông Dương đã không kháng chiến và công cuộc kháng chiến ở Đông Dương là công cuộc duy nhất của nhân dân ta.

Từ ngữ sử dụng trong văn bản chính luận phải được cân nhắc kĩ càng, đặc biệt là những từ ngữ thể hiện lập trường, quan điểm chính trị. (Xem Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến,…). Người viết tránh dùng những từ ngữ mơ hồ, không thể hiện thái độ chính trị rõ ràng, dứt khoát, tránh những câu nhiều ý làm người đọc lẫn lộn quan điểm, lập trường, chính kiến.

b) Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận

Nói chung, trừ nhưng lời phát biểu đơn lẽ, phong cách chính luận thể hiện tính chặt chẽ của hệ thống lập luận. Có thể thấy cách diễn đạt có giá trị lập luận, thiên về khẳng định trong văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những luận cứ được mọi người thừa nhận, tác giả khẳng định : “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, tiếp đó, tác giả đưa ra những luận chứng lịch sử để đi đến luận điểm khẳng định quyền độc lập của nước Việt Nam. Đó là một hệ thống luận điểm chặt chẽ, trong đó từng ý, từng câu, từng đoạn được phối hợp với nhau một cách hài hòa, mạch lạc. Ta hiểu vì sao văn chính luận thường dùng nhiều từ ngữ liên kết như: để, mà, với, và, tuy, nhưng, do đó mà, bởi vậy,…

c) Tính truyền cảm, thuyết phục

Ngôn ngữ chính luận là công cụ để trình bày, thuyết phục, tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc (người nghe).

Ngoài giá trị lập luận, văn bản chính luận còn thể hiện giá trị ở giọng văn hùng hồn, tha thiết, bộc lộ nhiệt tình của người viết. Đặc biệt, trong những cuộc tranh luận, diễn thuyết thì ngữ điệu, giọng nói được coi là phương tiện quan trọng hỗ trợ cho lí lẽ, ngôn từ.

Viết văn chính luận cũng như trình bày, diễn thuyết trước công chúng là cả một nghệ thuật – nghệ thuật hùng biện – thể hiện cá tính sáng tác tạo của người trình bày. Vì vậy, trong các tác phẩm chính luận đã hình thành những phong cách khác nhau. Có thể thấy văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, dễ hiểu mà thấm thía sâu sắc, mộc mạc mà khúc chiết, hùng hồn ; văn chính luận của Phạm Văn Đồng gãy gọn, đanh thép ; văn chính luận của Trường Chinh nhiều tầng bậc mà sáng tỏ, mạch lạc,…

Tóm lại, ngôn ngữ chính luận ở nước ta rất phát triển và đã hình thành một phong cách ngôn ngữ độc lập với ba đặc trưng chủ yếu : tính công khai về quan điểm chính trị ; tính chặt chẽ trogn diễn đạt và suy luận ; tính truyền cảm, thuyết phục.

Cái đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận thể hiện tính chất trung gian giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ khoa học. Phong cách ngôn ngữ chính luận có ảnh hưởng đến các phong cách ngôn ngữ khác và góp phần vào sự phát triển của tiếng Việt.

Luyện tập

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 108 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Chỉ ra biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận sau:

Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuồng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chông thực dân pháp cứu nước.

(Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)

Trả lời:

Biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận là:

– Điệp ngữ: Ai có… dùng ….

– Liệt kê: súng, gươm, cuốc, thuồng, gậy gộc (Cách liệt kê giáng bậc, từ lớn đến nhỏ, từ vũ khí đến dụng cụ thô sơ).

– Ngắt đoạn câu phối hợp với các phép tu từ trên tạo cho đoạn văn có giọng điệu dứt khoát và mạnh mẽ.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 108 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Viết một đề cương bài nói để chứng minh cho câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước tới đài vinh quan để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

(Hồ Chí Minh, Thư gửi các học sinh)

Trả lời:

Có thể nêu một số ý sau để chứng minh câu nói của Hồ CHí Minh:

a) Luận cứ: Ở thời điểm nào thì thanh niên cũng gánh vác nhiệm vụ quan trọng của đất nước, thanh niên là rường cột của nước nhà, là người chủ tương lai của đất nước. Thanh niên có sức khỏe, có ý chí, có khát khao dấn thân và cống hiến, có sáng tạo. Đó là những phẩm chất làm nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

b) Các luận chứng:

– Thế hệ thanh niên trong cuộc Cách mạng tháng Tám đã gánh vác sứ mệnh thiêng liêng giải phóng dân tộc như thế nào?

– Thế hệ thanh niên trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đã anh dũng chiến đấu, chịu muôn vàn gian khó và thậm chí nhiều người đã hi sinh cho nền độc lập của nước nhà.

– Thế hệ thanh niên ngày nay đã làm được gì để góp sức vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, hội nhập với thế giới.

c) Thanh niên (trong đó phần lớn là học sinh) cần xác định nhiệm vụ là phải học tập để xây dựng đát nước sánh vai với các nước văn minh, tiến bộ.

Giải câu 3 – Luyện tập (Trang 108 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Viết một đoạn văn để chứng minh nhận định sau: Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những người thân, yêu nơi chôn nhau cắt rốn với những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên.

Trả lời:

Có thể dựa vào các ý sau để viết đoạn văn:

– Tình cảm yêu nước không phải tự nhiên sinh ra là đã có sẵn hoặc không phải do nhận thức lí trí, trừu tượng mà có.

– Tình yêu nước ở mỗi người bắt đầu từ những tình cảm nhỏ bé: đó là tình yêu với những người thân yêu, ruột thịt (ông bà, cha mẹ, anh chị, …); tình yêu đối với làng quê, những con phố nhỏ, nơi chôn rau cắt rốn.

– Tình cảm “nhỏ bé” đó phát triển đến độ sâu sắc, thiết tha trở thành một thứ tình cảm tình thiêng liêng, luôn thường trực trong mỗi con người.

– Yêu nước phải gắn với ý thức về nghĩa vụ bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Đó là cơ sở tạo nên tình cảm lớn: Lòng yêu nước.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status