Soạn bài – Ông đồ

Soạn bài Ông đồ trang 8 – 10 SGK ngữ văn lớp 8 tập 2, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Ông đồ sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ(1) già
Bày mực tàu(2) giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

soan bai - ong do - ngu van lop 8 tap 2

Tranh “Ông đồ” của Bùi Xuân Phái

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc(3) ngợi khen tài
“Hoa tay(4) thảo(5) những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên(6) sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

(Vũ Đình Liên (*), trong Thi nhân Việt Nam , Sđd)

Chú thích:

(*) Vũ Đình Liên (1913 – 1996), quê gốc ở Hải Dương nhưng chủ yếu sống ở Hà Nội, là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới. Thơ ông thường mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ. Ngoài sáng tác thơ, ông còn nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy văn học.

Ông đồ là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ giàu thương cảm của Vũ Đình Liên. Tuy sáng tác thơ không nhiều nhưng chỉ với bài Ông đồ, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào Thơ mới.

(1) Ông đồ: người dạy học chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt làm quan thì thường làm nghề dạy học, gọi là ông đồ, thầy đồ. Mỗi dịp Tết đến, ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà. Nhưng từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày Tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời. Từ đó, hình ảnh ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên).

(2) Mực tàu: thỏi mực đen mài với nước làm mực để viết chữ Hán, chữ Nôm hoặc để vẽ bằng bút lông.

(3) Tấm tắc: luôn miệng nói ra những tiếng tỏ ý khen ngợi, khâm phục.

(4) Hoa tay: đường vân xoáy tròn ở đầu ngón tay, được coi là dấu hiệu của tài hoa.

(5) Thảo: viết tháu, viết nhanh (nghĩa trong văn bản).

(6) Nghiên: dụng cụ làm bằng chất liệu cứng và có lòng trũng để mài và đựng mực tàu.

Hướng dẫn soạn bài – Ông đồ

I. Bố cục

Chia làm 3 phần:

– Phần 1 (hai khổ thơ đầu): hình ảnh ông đồ có tài có tâm được mọi người chú ý.

– Phần 2 (hai khổ 3, 4): tâm trạng của ông đồ khi dần rơi vào quên lãng.

– Phần 3 (khổ thơ cuối): Sự tiếc nuối, cảm thương cho lớp người xưa cũ của tác giả.

II. Hướng dẫn soạn bài Ông đồ

Giải câu 1 (Trang 10 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông ở khổ 3, 4. Hãy so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó. Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?

Trả lời:

– Hình ảnh ông đồ cho chữ ngày Tết trong hai khổ thơ đầu: hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu trưng của những giá trị truyền thống.

+ Gắn với Tết và mùa xuân (hoa đào nở).

+ Hình ảnh song hành mực tàu, giấy đỏ, phố đông người .

+ Tài hoa và tấm lòng của người thảo chữ.

+ Nhiều người thuê viết, ngợi khen tài.

-> Hình ảnh ông đồ đẹp có tài và có tâm. Ông mang lại niềm vui cho mọi người bằng tấm lòng và tài năng của mình.

– Hình ảnh ông đồ lạc thời, cô đơn trong khổ thơ 3 và 4.

+ Mỗi năm mỗi vắng: ông đồ mờ nhạt dần theo thời gian, không được mọi người chú ý nữa.

+ Giấy đỏ buồn, mực sầu – chính là tâm trạng của ông đồ.

+ Hình ảnh ông đồ bị mọi người lãng quên (ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay).

+ Hình ảnh lá vàng, mưa bụi: cảnh lạnh lẽo buồn thảm tô đậm tâm trạng buồn xót xa của ông đồ.

– Hình ảnh đối lập của khổ 1,2 với khổ 3,4 là sự đối lập về cảnh và tâm trạng, gợi cho người đọc những suy ngẫm, xót thương cho ông đồ.Ông đồ dần bị đưa vào quên lãng khi không ai còn nhận ra giá trị từ những điều ông tạo ra.

-> Ông đồ ban đầu là trung tâm của sự chú ý dần dần bị quên lãng. Tâm trạng xót xa, buồn đau của ông đồ trước sự vô tình, ơ hờ của mọi người.

Giải câu 2 (Trang 10 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Tâm tư nhà thơ thể hiện qua bài thơ như thế nào?

Trả lời:

– Tâm trạng của tác giả được thể hiện ngầm ẩn sau những lớp hình ảnh mang tính ẩn dụ, biểu trưng.

+ Tác giả tạo ra cảnh đối lập về hình ảnh ông đồ nhằm gợi lên trong lòng người đọc niềm thương cảm về vị trí của ông đồ.

– Tác giả bộc lộ trực tiếp tâm trạng, sự xót thương của mình ở cuối bài (những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?).

-> Sự thương cảm, xót xa của tác giả không chỉ dành cho ông đồ mà còn dành cho lớp người cũ bị quên lãng. Đó cũng chính là sự hòa niệm những giá trị tinh thần đẹp truyền thống bị mai một.

Giải câu 3 (Trang 10 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Bài thơ hay ở những điểm nào? (gợi ý: cách dựng hai cảnh cùng miêu tả ông đồ ngồi viết thuê ngày Tết bên phố nhưng rất khác nhau gợi sự so sánh những chi tiết miêu tả đầy gợi cảm, sử dụng thể thơ năm chữ và ngôn ngữ giản dị mà cô đọng, nhiều dư vị,…)

Trả lời:

Bài thơ hay và hấp dẫn ở việc tạo ra những đối lập về hình ảnh, tâm trạng, cảm xúc đối xứng trong bố cục của bài thơ.

– Tác giả dựng cảnh tương phản:

+ Ban đầu cảnh cho chữ đông vui tấp nập.

+ Càng về sau cảnh buồn bã, lạnh nhạt, hiu quạnh.

+ Một bên nét chữ như rồng bay phượng múa.

+ Một bên giấy đỏ buồn, mực sầu, cảnh hiu quạnh.

– Cái kết đầu cuối tương ứng:

+ Vẫn là cảnh ngày tết, không gian mùa xuân có hoa đào nở.

+ Ông đồ mờ nhạt dần, cuối cùng thì không thấy nữa.

+ “ông đồ xưa” không còn tồn tại nữa.

– Tác giả tái hiện lại những hoài niệm về thời “vàng son xưa cũ” của một thế hệ nhà Nho đẹp nhưng dần phai mờ.

– Ngôn ngữ bình dị, trong sáng nhưng hàm súc, đầy dư vị.

-> Tác giả tái hiện được vẻ đẹp của cảnh cho chữ, hình tượng ông đồ xưa với bàn tay tài hoa- giá trị tinh thần truyền thống đẹp- đang dần mai một trong đời sống. Sự nuối tiếc, hoài cổ cảnh cũ người xưa.

Giải câu 4 (Trang 10 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Phân tích để làm rõ cái hay của những câu thơ sau:

– Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu…

– Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.

Theo em, những câu thơ đó là tả cảnh hay tả tình?

Trả lời:

Những câu thơ trên tả cảnh những ngụ tình:

+ Hình ảnh đẹp nhưng gợi ra sự tàn lụi, u uất.

+ Tâm trạng của ông đồ buồn thảm, bẽ bàng như chính những đồ vật gắn với nghề của ông ( giấy đỏ, mực tàu).

+ Biện pháp nhân hóa làm cho giấy, mực – tưởng như vô tri bỗng nhiên trở nên sinh động, mang tâm trạng sầu bi như con người.

+ Hình ảnh thiên thiên: lá vàng, mưa bụi càng tô đậm hơn sự hiu quạnh, lạnh lẽo của không gian cũng như sự vô tình, hờ hững quên lãng của người đời.

-> Là những câu thơ đẹp, hoài cổ, ghi lại dấu ấn và mang lại cho người đọc nhiều dư vị về cảnh cũ người xưa, những nét đẹp về văn hóa tinh thần “vang bóng một thời”.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Ông đồ

Câu 1. Phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông ở khổ 3, 4. Hãy so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa hai hình ảnh đó. Sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?

Trả lời:

– Trong 2 khổ thơ đầu: hình ảnh ông Đồ viết chữ nho ngày Tết là một hình ảnh đẹp. Đấy là cái thời đắc ý của ông. Ông xuất hiện cùng với “hoa đào”, “mực tàu”, “giấy đỏ”. Ông đem lại niềm vui cho nhiều người khi viết câu đối tết. Bao nhiêu người nhờ ông, tấm tắc khen ngợi ông.

– Khổ 3+4: vẫn diễn tả không gian ấy, thời gian ấy, nhưng không khí khác: vắng vẻ theo từng năm, đến giờ thì hâu như không còn “người thuê viết”. Giấy cũng buồn, mực cũng sầu. Ông đồ vẫn có mặt, nhưng người ta không ai nhận ra ông, không chú ý vào ông nữa. Ông gần như bị lãng quên.

-> Sự khác nhau gợi cho người đọc cảm xúc thương cảm ông đồ, ông đang bị gạt ra rìa cuộc sống, ông đang bị lãng quên cùng với thú chơi câu đối một thời. Hai câu thơ: “lá vàng rơi trên giấy – ngoài giời mưa bụi bay” không chỉ là hai câu thơ tả cảnh mà còn là hai câu thơ tả tâm trạng, tả cảnh ngộ của ông đồ. Lá vàng rơi – biểu hiện của sự tàn úa, lại kèm mưa bụi bay. Lạnh lẽo và buồn thảm.

Câu 2. Tâm tư nhà thơ thể hiện qua bài thơ như thế nào?

Trả lời:

Nỗi lòng của tác giả đối với ông đồ:

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.

-> Kết cấu đầu cuối tương ứng -> Cảnh thiên nhiên tươi đẹp còn ông đồ vắng bóng bị dòng đời, thời gian quên lãng.

Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?

-> Câu hỏi tu từ -> Nỗi niềm thương tiếc của tác giả đối với ông đồ, với giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Câu 3. Bài thơ hay ở những điểm nào? (gợi ý: cách dựng hai cảnh cùng miêu tả ông đồ ngồi viết thuê ngày Tết bên phố nhưng rất khác nhau gợi sự so sánh những chi tiết miêu tả đầy gợi cảm, sử dụng thể thơ năm chữ và ngôn ngữ giản dị mà cô đọng, nhiều dư vị,…)

Trả lời:

Không chỉ hay ở nội dung hoài niệm, bài thơ còn hay ở nghệ thuật:

– Cách dựng cảnh tương phản: một bên tấp nập đông vui, một bên buồn bã hiu hắt. Một bên nét chữ như phượng múa rồng bay, bên kia giấy buồn không thắm, mực đọng nghiên sầu.

– Kết cấu đầu cuối tương ứng. Cũng là thời gian ngày áp tết, cũng là không gian mùa xuân, cũng vẫn là hoa đào nở. Nhưng hình ảnh ông đồ cứ nhạt nhòa dần. Cuối cùng thì không thấy hình ảnh ông đồ nữa.

– Bài thơ làm theo thể năm chữ. Lời lẽ dung dị, không có gì tân kì. Những hình ảnh thơ gợi cảm, sinh động và nhuốm đầy tâm trạng.

Câu 4. Phân tích để làm rõ cái hay của những câu thơ sau:

– Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu…

– Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.

Theo em, những câu thơ đó là tả cảnh hay tả tình?

Trả lời:

Những câu thơ “Giấy đỏ buồn không thắm – Mực đọng trong nghiên sầu – Lá vàng rơi trên giấy – Ngoài giời mưa bụi bay” là những câu thơ tả cảnh ngụ tình. Tác giả dùng biện pháp nhân hóa làm cho giấy – mực, những vật vô tri vô giác cũng biết sầu buồn. Nỗi cô đơn hắt hiu của con người khi bị bỏ quên. Cảnh vật tàn tạ, thiên nhiên cũng buồn theo nỗi buồn của con người.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status