Soạn bài – Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, trang 47 – 54 SGK ngữ văn lớp 12 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, NGÔI SAO SÁNG TRONG VĂN NGHỆ CỦA DÂN TỘC

PHẠM VĂN ĐỒNG

TIỂU DẪN

Phạm Văn Đồng (1906 – 2000), một nhà cách mạng lớn của nước ta trong thế kỉ XX, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngài. Là người tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng từ khi chưa đầy hai mươi tuổi, ông đã từng bị thực dân Pháp bắt, kết án tù và đày ra Côn Đảo từ năm 1929 đến năm 1936. Đầu những năm 40 của thế kỉ XX, ông cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ xây dụng căn cứ địa cách mạng ở vùng biên giới Việt Trung. Tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, ông được bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phạm Văn Đồng có nhiều cống hiến to lớn trong việc xây dựng và quản lí nhà nước Việt Nam. Ông là Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự các hội nghị có ý nghĩa lịch sử như Hội nghị Phông-te-nơ-blô (1946), Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (1954). Ông từng đảm nhiệm các cương vị: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trương Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng (1955 – 1981), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 – 1987). Ông là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (1951 – 1986).

Phạm Văn Đồng còn là một nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luận văn hoá văn nghệ lớn Trong vai trò của một người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến mặt trận vàn hoá văn nghệ ở nước ta. Không chỉ đưa ra những ý kiến có ý nghĩa chỉ đạo đường lối phát triển của nền văn học nghệ thuật mới, Phạm Văn Đồng còn có nhiều bài nói, bài viết sâu sắc mới mẻ, đầy hào hứng về tiếng Việt và về các danh nhân văn hoá Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh,…

Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong Văn nghệ của dân tộc của ông được viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (3 – 7 – 1888).

VĂN BẢN

Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này.

Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm!

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta.

Nguyễn Đình Chiểu vốn là một nhà nho, nhưng sinh trưởng ở đất Đồng Nai hào phóng, lại sống giữa lúc nước nhà lâm nguy, vua nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại!

“Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã!”. Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương anh dũng. Cảnh đất nước cũng như cảnh riêng càng long đong, đen tối, thì khí tiết của người chí sĩ yêu nước càng cao cả, rạng rỡ:

Sự đòi thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương!

 Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì một nghĩa lớn. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu đánh thắng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng:

Học theo ngòi bút chí công

Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân thu!

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy tháng gian bút chẳng tà.

 Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức. Và Nguyễn Đình Chiểu trọng chức trách của mình chừng nào thì càng khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa chừng nấy:

Thấy nay cũng nhóm văn chương

Vóc dê da cọp khôn lường thực hư!

 Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời. Quân của triều đình dưới sự chỉ huy của một danh tướng lúc bấy giờ, Nguyễn Tri Phương, đã đánh thua ở Sài Gòn, Tự Đức vội vã đầu hàng, năm 1862 cắt ba tỉnh miền Đông, năm 1867 cắt ba tỉnh miền Tây cho giặc. Mặc dầu nước nhà gặp cảnh hiểm nghèo và khổ nhục như vậy các tầng lớp nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ, nhân dân lao động và các bậc sĩ phu đều kiên quyết vùng dậy đánh giặc cứu nước. “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh!”. Phong trào bắt đầu dấy lên ở miền Đông, sau lan rộng khắp nơi ở “Lục tỉnh”, biến thành cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn, nhiều nơi, nhiều lúc sôi nổi và mạnh mẽ lạ thường, khiến cả kẻ thù cũng không tiếc lời tỏ lòng khâm phục (theo nhiều sách của người Pháp trong cuộc viết về cuộc chiến tranh xâm lược Nam Bộ): Khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công, Thủ khoa Huân ở Mĩ Tho, Phan Liêm và Phan Tôn ở Bến Tre, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Đỗ Thừa Lương và Đỗ Thừa Tự ở Cần Thơ, Nguyễn Văn Bường và Quản Hớn ở Hóc Môn, Bà Điểm v.v… Làm sao sưu tầm tài liệu về những trang sử oanh liệt này, về biết bao cuộc chiến đấu anh dũng ở khắp nơi, về biết bao chiến công của biết bao anh hùng liệt sĩ, để đánh giá đúng tầm rộng lớn và sức mạnh của phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ, một phong trào bắt nguồn từ lòng căm thù vô hạn của quần chúng nhân dân đối với giặc ngoại xâm, nguyện hi sinh tất cả và chiến đấu đến cùng để cứu nước, cứu dân. Chúng ta hãy nghe một đôi đoạn trong một bài hịch phổ biến lúc bấy giờ:

Bớ các làng ơi, chớ thấy chín trùng hoà nghị mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha, cho rằng ba tỉnh giao hoà mà cái diệc cừu thù đành lơ lảng!

Bớ các làng ơi, chớ thấy đồn dưới Gò Công thất thủ mà trở mặt hại nhau, chớ nghe bão trên Bến Nghé phân cư mà đành lòng theo mọi!

Hỡi ơi, oán nhường ấy, hận nhường ấy, cừu thù nhường ấy, làm sao trả đặng mới ưng! Công bấy lâu, nghiệp bấy lâu, lao khổ bấy lâu, bao đanh bô qua sao phải?

Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô song của dân tộc Việt Nam ta ở Nam Bộ lúc bấy giờ, ruột gan chúng ta đau như cắt xé. Giá như triều đình lúc bấy giờ không phải ở trong tay bọn vua chúa nhà Nguyễn phản bội và đầu hàng mà ở trong tay những người kế tục sự nghiệp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, kế tục sự nghiệp yêu nước và anh dung của Nguyễn Huệ, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều, nhất là đã được lãnh đạo thống nhất và kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi, đồng thời phong trào ấy chắc được sự ủng hộ kiên quyết của cả nước, như vậy đất Đồng Nai anh dũng từ đó đã trở nên bức thành đồng ngăn chặn bọn cướp nước phương Tây xâm phạm đất nước chúng ta ở Nam Bộ, và do đó, đã bảo vệ vẹn toàn độc lập và thống nhất của Tổ quốc!

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước.

Chúng ta hãy đọc lại nhiều đoạn trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:

Hỡi ôi!

Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ.

[…]

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ…

Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc… muôn kiếp nguyện được trả thù kia…”.

Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ!

Trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn có những đoá hoa, những hòn ngọc rất đẹp, như bài Xúc cảnh:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa xuân đâu hỡi có hay không?

Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,

Ngày xế non nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung!

Phong trào kháng Pháp khắp nơi sôi nổi và mạnh mẽ lúc bấy giờ ở Nam Bộ, làm nảy nở nhiều nhà văn, nhà thơ, tài năng xuất chúng, bản lĩnh phi thường, mà tác phẩm là những bông hoa của một thời buổi oanh liệt và đau thương: Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp,… Thật rất khó chọn một bài để thí dụ trong rất nhiều bài đều hay, đều có ý nghĩa và hương vị. Xin trích mấy câu trong bài thơ của Nguyễn Tư Giản tiền Nguyễn Thông về Bình Thuận (nguyên văn chữ Hán, dưới đây là văn dịch):

Bao giờ Bến Nghé lại trong,

Cho dòng sông Nhị vang lừng khải ca?

Cưỡi thuyền lên tận Ngân Hà,

Biến xanh ra ngắm, trâng ngà sáng soi.

Cảnh tình nghĩ lại chua vui,

Núi sông còn gánh hai vai nặng nề

 Bây giờ xin nói về Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa! Tất nhiên những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây, vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng. Lại thêm Nguyễn Đình Chiểu suốt đời sống trong lòng của quần chúng nhân dân, giữa lúc nhân tình thế thái là sự mỉa mai đối với triết lí Khổng – Mạnh. Chính Nguyễn Đình Chiểu phải viết câu: “Trượng phu có chí ngang tàng!” không thể tự trói mình trong khuôn khổ của đạo lí cổ truyền. Cho nên các nhân vật của Lục Vân Tiên: Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng,… là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn. Họ là những nhân vật của một thuở đã qua, điều đó không cần phải nói. Nhưng họ là những con người có ruột gan, xương thịt. Họ sống trong một xã hội cũng như biết bao xã hội từ xưa đến nay – có người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian, có nhiều đau khổ, bất công – họ đã đấu tranh không khoan nhượng chống mọi gian dối, bất công và họ đã thắng. Họ là những tấm gương dũng cảm. Vì những lẽ đó họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú.

Về văn chương của Lục Vân Tiên, phải để ý đây là một chuyện “kể”, chuyện “nói”. Tác giả cố ý viết một lối văn:nôm na”, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Có người hay hạch những chỗ lời văn không hay lắm; ở đây phải nhớ rằng Nguyễn Đình Chiểu vì mù nên chỉ có thể đọc cho người khác viết, và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản! Lại thêm, đến nay chẳng ai biết nguyên bản ấy là bản nào! Và hiện nay mấy bản sao mà người ta có thể căn cứ đều có chỗ khác nhau! Dẫu sao đôi chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật là hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tôi không nhớ tôi đọc Lục Vân Tiên lúc nào, song đến nay tôi còn thuộc lòng nhiều vần thơ rất hay:

Kim Liên ơi hỡi Kim Liên,

Đẩy xe cho cho qua miền Hà Khê.

 Vân Tiên đầu đội kim khôi,

Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô.

Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên.

Tóm lại Nguyễn Đình Chiểu là một người chí sĩ yêu nước. một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.

Nhân kỉ niệm ngày mất của Nguyển Đình Chiểu (ngày 3 tháng 7 năm 1888), trong lòng chúng ta, chúng ta hãy đốt một nén hương để tưởng nhớ người con quang vinh của dân tộc!

(Tạp chí Văn học, tháng 7 – 1963)

Hướng dẫn soạn bài – Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

I. Tác giả

Phạm Văn Đồng (1906 – 2000), một nhà cách mạng lớn của đất nước ta trong thế kỉ XX, quê ông ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Là nhà chính trị, nhà ngoại giao, đồng thời cũng là giáo dục tâm huyết, nhà lí luận văn hóa, văn nghệ lớn, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

– Cuộc đời:

+ Tham gia cách mạng từ rất sớm.

+ Tham gia chính phủ lâm thời năm 1945.

+ Giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hàng ghế Trung ương Đảng.

– Con người: Là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, tâm huyết với mặt trận văn hóa dân tộc.

II. Tác phẩm

– Hoàn cảnh sáng tác: Được viết trong dịp kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu và được đăng trên Tạp chí Văn học, số 7 – 1963.

– Nội dung: Đây là bài viết có phát hiện mới mẻ và những định hướng nghiên cứu đúng đắn về nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm đã nhìn nhận cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong mối liên hệ khăng khít với hoàn cảnh của Tổ quốc lúc bấy giờ và với thời đại hiện nay. Từ đó phát hiện ra những điều mới mẻ giúp ta điều chỉnh lại cách nhìn về nhà thơ yêu nước lớn ở miền Nam, để càng thêm yêu quý có người và tác phẩm của nhà thơ lớn đó.

III. Hướng dẫn soạn chi tiết bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

Giải câu 1 (Trang 53 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Tìm những luận điểm chính của bài viết. Anh/chị thấy cách sắp xếp các luận điểm đó có gì khác với trật tự thông thường?

Trả lời:

* Những luận điểm chính của bài viết:

Phần mở đầu: Tác giả nêu luận điểm trung tâm của bài văn: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc phải được tìm hiêu và đề cao hơn nữa.

Phần thân bài: Trình bày những nét đặc sắc về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

– Luận điểm 1: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước.

– Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.

– Luận điểm 3: Giá trị nghệ thuật của tác phẩm Lục Vân Tiên.

Phần kết bài: Tác giả khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng.

* Cách sắp xếp các luận điểm như vật là phù hợp với nội dung của bài viết. Cách sắp xếp luận điểm ở trong tác phẩm khác với trật tự thông thường ở chỗ tác giả nói về con người cũng như tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu sau đó mới trình bày những nét đặc sắc trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.

Giải câu 2 (Trang 53 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Theo tác giả, vì sao văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như “những vì sao có ánh sáng khác thường”, “con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy”?

Trả lời:

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như “những vì sao có ánh sáng khác thường”, “con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy”. Đây là cách nhìn mới mẻ của tác giả:

– “Ánh sáng khác thường chính” là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

– “Con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy” tức là phải kiên trì, nghiên cứu thì mới khám phá được vẻ đẹp ấy.

→ Cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề có ý nghĩa định hướng cho việc nghiên cứu, tiếp cận thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: cần có cái nhìn nhận sâu sắc, khoa học, hợp lí.

Giải câu 3 (Trang 54 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Tác giả đã giúp chúng ta nhận xét những “ánh sáng khác thường” nào của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam, qua:

– Cuộc sống và quan niệm sáng tác của nhà thơ;

– Thơ văn mà ông sáng tác để phục vụ cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc;

– Truyện Lục Vân Tiên?

Trả lời:

Tác giả đã giúp chúng ta nhận ra những “ánh sáng khác thường” của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam qua:

* Cuộc sống và quan niệm sáng tác của nhà thơ:

– Cuộc sống:

+ Là nhà nho, sinh trưởng ở Đồng Nai.

+ Bị mù, viết thơ và phục vụ kháng chiến.

+ Là một nhà thơ có tâm hồn trong sáng và cao quý trong thời kì khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc.

→ Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương anh dũng.

– Quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu: thơ văn mang tính chiến đấu, giàu tính biểu cảm: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

* Thơ văn mà ông sáng tác để phục vụ cuộc chiến đấu chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc:

Được tập trung thể hiện qua luận điểm: “Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí của chúng ta… suốt hai mươi năm trời”

+ Tái hiện lịch sử của nước ta suốt 20 năm tính từ 1860 – đây là thời kì đau thương mà anh dũng.

+ Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu trong đó phần lớn là những bài văn tế ca ngợi những anh hùng suốt thời đại tận trung với nước và than khóc những liệt sĩ đã chọn con đường cứu nước cho nhân dân.

* Truyện Lục Vân Tiên

– Nội dung: Là một bản trường ca chính nghĩa, những đạo đức quý trọng ở đời, ca ngợi trung nghĩa.

– Nghệ thuật: đây là một chuyện “kể”, chuyện “nói”, lối văn “nôm na”, dễ nhớ, dễ thuộc, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian.

– Hạn chế tác phẩm: lời văn không hay cho lắm. Nguyên nhân:

+ Chủ quan: vì nhà thơ bị mù, phảo cho người khác chép lại và không thể sửa lại, duyệt lại văn bản.

+ Khách quan: do hiện tượng tam sao thất bản.

Giải câu 4 (Trang 54 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Vì sao tác giả cho rằng ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu phải sáng tỏ hơn nữa không chỉ trong thời ấy, mà cả trong thời đại hiện nay?

Trả lời:

Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ phải sáng hơn nữa không chỉ trong thời ấy mà cả trong thời đại hiện nay bởi đến nay vẫn còn nhiều người vẫn chưa hiểu hết giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ có tác dụng to lớn đối với nhân ta thời kì ấy mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Giải câu 5 (Trang 54 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Có thể thấy bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Vì sao?.

Trả lời:

Bài văn nghị luận không khô khan mà trái lại có sức hấp dẫn bởi:

– Tác động đến lí trí người nghe ở lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng xác đáng.

– Tác động đến tình cảm người nghe, ngôn từ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh, sử dụng biện pháp tu từ, so sánh, tăng tiến, giọng điệu hùng hồn, tha thiết.

Soạn phần luyện tập bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

Giải câu hỏi – Luyện tập (Trang 54 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu vẫn không xa lạ với giới trẻ ngày nay, và việc học những tác phẩm như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông ở nhà trường là rất bổ ích.

Anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề trên.

Trả lời:

Các ý chính cần phải trình bày:

* Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu không xa lạ với giới trẻ ngày nay, bởi nó ghi lại bức tranh chân thực đời sống xã hội và con người đồng thời gửi gắm tình cảm chân thành, cảm xúc mãnh liệt của người đấu tranh hết mình vì lẽ phải và tự do của dân tộc.

– Cuộc đời và quan niệm sáng tác.

– Văn thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.

– Truyện Lục Vân Tiên.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ngày nay và giá trị của nó:

– Đây là một bài tương đối khó đối với học sinh bởi có nhiều câu văn dài, sử dụng nhiều điển tích, điển cố, sử dụng cách nói mộc mạc của nhân dân Nam Bộ.

– Tuy nhiên Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc vẫn là một tác phẩm vô giá:

+ Là trang sử vẻ vang của nhân dân Nam Bộ trong buổi đầu kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược.

+ Là bài ca về những người anh hùng nông dân thất thế nhưng họ vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.

+ Ghi lại cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của nhân dân ta, tự hào về truyền thống anh hùng dân tộc.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

Câu 1. Tìm những luận điểm chính của bài viết. Anh/chị thấy cách sắp xếp các luận điểm đó có gì khác với trật tự thông thường?

Trả lời:

Những luận điểm chính của bài viết là:

1. Đặt vấn đề: Tác giả nêu luận điển xuất phát: Phải có cái nhìn đúng về văn chương Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông ” Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thấy càng sáng, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”

2. Giải quyết vấn đề: Tác giả nêu các luận điểm bổ sung để chứng minh cho luận điểm xuất phát

  • Tóm tắt cuộc đời và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.
  • Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu (tiêu biểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).
  • “Truyện Lục Vân Tiên” – tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Đình Chiểu (cả nội dung và nghệ thụât).

3. Kết thúc vấn đề: (Luận điểm kết luận, mục đích của bài viết)

  • Đánh giá đúng vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc theo cách nhìn mới mẻ đã nêu ở phần đầu: Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao đại vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng.

Cách sắp xếp các luận điểm có sự khác biệt, khi tác giả nghị luận về tấm lòng con người của tác giả, sau đó mới đi qua các tác phẩm chính của Nguyễn Đình Chiểu. Điều đó sẽ giúp người đọc hiểu hơn về cuộc đời và con người của Nguyễn Đình Chiểu, thấy hết những giá trị cơ bản trong cuộc đời và thơ văn của ông.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như “những vì sao có ánh sáng khác thường”, “con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy”?

Trả lời:

Tác giả cho rằng văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như “những vì sao có ánh sáng khác thường”, “con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy” vì:

  • “Những vì sao có ánh sáng khác thường”: ánh sáng đẹp nhưng lạ, ta chưa quen nhìn nên khó phát hiện ra vẻ đẹp ấy. Cái ánh sáng khác thường ở đây chính là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dân dã của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, vẻ đẹp của loại văn chương hướng về đại chúng gắn bó máu thịt với nhân dân, phục vụ cuộc sống của người dân, mang tính nhân dân sâu sắc.
  • “Con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy” có nghĩa là phải dày công kiên trì nghiên cứu thì mới khám phá được.  Lâu nay chúng ta đã quen với văn chương trau chuốt, gọt giũa, lời lẽ hoa mỹ với hình tượng hùng vĩ, tráng lệ, phi thường…  điều đó là không thoả đáng và không đúng với hoàn cảnh sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu (mù loà), nên đã không thấy hết được những vẻ đẹp và đánh giá đúng về ông.

=> Cách nhìn của tác giả ở đây không chỉ mới mẻ, khoa học mà còn có ý nghĩa phương pháp luận trong sự điều chỉnh và định hướng cho việc tiếp cận nghiên cứu, nhà thơ như Nguyễn Đình Chiểu. Cách nhìn ấy đã định hướng cho bài viết có cái nhìn sâu sắc và thấy những giá trị bền vững về con người, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 3. Tác giả đã giúp chúng ta nhận xét những “ánh sáng khác thường” nào của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam, qua:

– Cuộc sống và quan niệm sáng tác của nhà thơ;

– Thơ văn mà ông sáng tác để phục vụ cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc;

– Truyện Lục Vân Tiên?

Trả lời:

Về cuộc sống và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu:

Đó là một cuộc đời đẹp, đầy nghị lực, dù gặp nhiều khó khăn và bất hạnh, nhưng vẫn đứng thẳng, vẫn ngẩng cao đầu mà sống, không phải vì mình mà vì dân, vì nước. Tỏ thái độ bất khuất, bất hợp tác quyết liệt trước sự mua chuộc của thực dân Pháp. Cùng với cuộc sống đẹp là quan niệm sáng tác đúng đắn và tiến bộ:

Chở bao nhiêu thuyền không khẳm
 Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!

=> Đó là thơ văn chiến đấu, đốii với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức, và ông đã làm đúng thiên chức đó.

Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta:

Những bài văn tế mà tiêu biểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, những bài điếu như Ngư Tiều y vấn đấp… Đó là những tác phẩm sôi sục lòng căm thù và dạt dào lòng yêu nước với những hình tượng cao đẹp của người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc, những lãnh tụ của nghĩa quân, những tấm gương bất khuất cao độ trước kẻ thù.

Về truyện Lục Vân Tiên:

  • Nội dung: Khẳng định những giá trị bền vững của tác phẩm: ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quí trọng ở đời, ca ngợi những con người trung nghĩa. Tinh thần đấu tranh không khoan nhựơng chống lại cái xấu, cái ác, cái giả dối bất công trong tác phẩm cũng chính là xuất phát từ quan niệm sống và nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu mà ra.
  • Nghệ thuật: Tác giả nhấn mạnh đây là một truyện kể, truyện nói, thông cảm với điều kiện, hoàn cảnh sáng tác của nhà thơ (mù loà) để nhận ra những giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm. Lối văn nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Dẫu sao đôi chỗ sơ sót về văn chương không hề làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật hấp dẫn từ đầu đến cuối.

Câu 4. Vì sao tác giả cho rằng ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu phải sáng tỏ hơn nữa không chỉ trong thời ấy, mà cả trong thời đại hiện nay?

Trả lời:

Hiện nay, vẫn còn nhiều người đọc chưa hiểu hết giá trị văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, có ý kiến cho rằng thơ ông nôm na, khô khan, thô ráp. Vì vậy, “Phải sáng tỏ hơn nữa trong thời đại hiện nay” để khôi phục lại giá trị đích thực của nhà thơ yêu nước miền Nam từng có tác dụng to lớn và sâu rộng trong nhân dân ta, không chỉ trong thời bấy giờ mà ngay cả trong cuộc sống hiện nay.

Câu 5. Có thể thấy bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Vì sao?.

Trả lời:

Bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Bởi vì:

  • Cách nghị luận thuyết phục, chặt chẽ và xúc động, thiết tha, với nhiều hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc, ghi dấu ấn trong lòng người đọc.
  • Cách nhìn mới mẻ, có giá trị phát hiện của tác giả đã lôi cuốn người đọc vào bài viết của mình.
  • Đặc biệt, tấm lòng của người viết đối với cuộc đời cao đẹp và thơ văn có giá trị đích thực của Nguyễn Đình Chiểu. Đó cũng là tấm lòng gắn bó sâu sắc của tác giả, đối với vận mệnh đất nước và cuộc sống của nhân dân ta lúc bấy giờ. Chính tấm lòng này đã làm nên chất văn cho bài viết. Qua bài viết, ta thấy được ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu – một người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, nêu cao tấm gương của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Soạn phần luyện tập bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng) trang 54 SGK ngữ văn 12 tập 1

Câu hỏi: Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu vẫn không xa lạ với giới trẻ ngày nay, và việc học những tác phẩm như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông ở nhà trường là rất bổ ích.

Anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề trên.

Trả lời:

Nguyễn Đình Chiểu-một nhà thơ mù sống ở Nam bộ ,đã ra đi vào cuối thế kỉ XIX(1888), ông để lại những tác phẩm bất hủ ,vượt thời gian, đặt biệt là bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ,Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên một bức tượng đài về người nông dân nghĩa sĩ đánh Tây .

Ai đã và đang học tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đều có những nhận thức sâu sắc về lòng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu .Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là cuộc đời của một chiến sĩ suốt đời phấn đấu ,hi sinh vì nghĩa lớn .Cho dù bị mù cả hai mắt ,không trực tiêp cầm súng để đánh giặc giết Tây nhưng ông đã cầm bút và coi văn chương là một vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù . Ngòi bút của ông đã “làm sống lại”một thời kì “khổ nhục nhưng vĩ đại”,tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại ,cổ vũ mạnh mẽ cuộc chiến đấu ngoại xâm bằng những hình tượng văn học “sinh động và não nùng “,tiêu biểu nhất là tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ,lần đầu tiên trong văn học nước nhà ,người nông dân chân lấm tay bùn xuất hiện với tư thế là một nghĩa sĩ ,và đây là “khúc ca những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”.

Là chứng nhân lịch sử của cuộc chiến đấu nhưng không chứng kiến bằng mắt mà bằng sự cảm nhận cả trái tim của người nông dân yêu nước ,Nguyễn Đình Chiểu đã vẻ nên một bức tranh sống động ,khí thế của một thời đại,trong tình thế “súng giặc đất rền ;lòng dân trời tỏ”.Trong tác phẩm, hình ảnh nhân dân Nam bộ nỗi dậy đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân thực là xúc động .Họ là những con người bình thường ,giản dị “cui cút lam ăn, toan lo nghèo khó ,chỉ biết ruộng ,trâu …việc cuốc,việc cày ,việc bừa việc cấy…” .Còn “tập khiên tập súng ,tập mác ,tập cờ mắt chưa từng ngó” ; thấy kẻ thù đi lại nghêng ngang thì ghét cay ghét đắng:“bữa thấy bong bong che trắng lốp muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói đen xì muốn ra cắn cổ”.

Một loạt hình ảnh chân thực nhất ,xúc động nhất hiện ra trong từng con chữ , người đọc như thấy rõ mồn một những con người nghèo nàn,yêu nước ,hiền hoà, giàu đức hy sinh . Với giới trẻ ngày nay ,khi chúng ta đọc Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ,nhiều người cho rằng họ là những người “tầm thường”, “quê mùa”,nhưng từ trong cái vỏ tưởng chừng “tầm thường”, “quê mùa” đó đã rực sáng một trái tim yêu nước ví đại .Khi lâm trận, những người nông dân áo vải ,xông vào trận địa ,họ như những chiến binh anh hùng và dũng cảm nhất “kẻ đâm ngang ,người chém ngược ,làm cho mã tà ma ní hồn linh;bọn hè trước ,lũ đón sau,trối kệ tàu sắt ,tàu đồng ,súng nổ”.Dù nghèo khổ ,lạc hậu nhưng nhân dân Nam bộ sẵn sàng hy sinh tất cả để chống lại kẻ thù, cho dù chúng là ai ,hiện đại thế nào… Bằng tấm lòng yêu nước ,họ đã chiến đấu quyết liệt và sẵn sàng hi sinh ,vì tổ quốc,vì đất nước,dân tộc.

Đọc bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, ai cũng phải ngạc nhiên và thán phục sát đất cái tinh thần yêu nước của nhân dân Nam bộ ,nghèo vật chất nhưng không nghèo tinh thần .Vũ khí mà họ chiến đấu chỉ là những vật dụng hết sức thô sơ và đơn giản nhưng bằng nghị lực phi thường họ sẵn sàng xả thân vì chính nghĩa.

Với trái tim yêu nước và ngòi bút nhân nghĩa,Nguyễn Đình Chiểu đã “ca ngợi những người nông dân thất thế nhưng vẫn hiên ngang” .Thơ văn ông là tiếng khóc ,là nước mắt não nùng của cả dân tộc khóc cho những người quên mình vì đại nghĩa ,”sống đánh gặc thác cũng đánh giặc,linh hồn theo giúp cơ binh muôn kiếp nguyện trả thù kia”.

Giọng văn mạnh mẽ, lời lẽ hùng hồn ,từ ngữ giản dị ,mộc mạc và gần gũi ,tác phẩm đã đi vào lòng người và để lại những ấn tượng mạnh mẽ. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc-một bài văn tế có thể xếp vào hàng văn tế hay nhất trong văn học trung đại Việt Nam. Đó là một tác phẩm bất hủ ,vượt thời gian ,luôn đồng hành với dòng chảy của văn học .Tuổi trẻ ngày nay ,nếu ta biết cách để đón nhận nó thì đây là bài học rất bổ ích về lòng yêu nước.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status