Soạn bài – Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận

Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận trang 174 – 177 SGK ngữ văn lớp 12 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận

I. Luyện Tập Trên Lớp

Giải câu 1 – Luyện tập trên lớp (trang 174 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Hãy nhắc lại các thao tác lập luận mà anh (chị) đã học cùng những đặc trưng cơ bản của từng thao tác.

Trả Lời:

Các thao tác lập luận đã học là chứng minh, giải thích, phân tích, so sánh, bác bỏ và bình luận.

Đặc trưng cơ bản:

– Chứng minh là dùng dẫn chứng để làm cho người ta tin.

– Giải thích là dùng lí lẽ để làm cho người ta biết.

– Phân tích là tách nhỏ thành nhiều bộ phận, chi tiết để làm cho người ta hiểu biết một cách cặn kẽ, thấu đáo.

– So sánh là làm cho người ta nhận rõ giá trị của sự vật, hiện tượng, tư tưởng bằng cách đối chiếu với một sự vật, hiện tượng, tư tưởng khác.

– Bác bỏ là nhằm phủ nhận.

– Bình luận là thuyết phục người khác nghe theo sự đánh giá và bàn bạc của người viết, người nói.

Giải câu 2 – Luyện tập trên lớp (trang 174 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Trong đoạn trích dưới đây, tác giả đã vận dụng kết hợp những thao tác lập luận nào?

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự đo dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bạc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

Trả Lời:

Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng thao tác chứng minh là chủ yếu. Bằng thực tế lịch sử hơn 80 năm đô hộ nước ta, tác giả chứng minh bọn thực dân Pháp đã phản bội chà đạp lên bằng những thành tựu về tư tưởng và văn minh nhân loại: độc lập, tự do, bình đẳng.

Giải câu 3 – Luyện tập trên lớp (trang 175 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Viết một bài văn nghị luận (vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau) bày tỏ ý kiến về một vấn đề đang đặt ra trong đời sống văn hoá – tinh thần của con người.

Trả Lời:

Gợi ý làm bài

a. Mở bài

Nêu lên vấn đề cần nghị luận.

b. Thân bài

Những hành vi không đúng khi tham gia giao thông (Chứng minh và phân tích).
Đi xe hành ngang.
Nghe tiếng còi cũng lơ.
Đùa nghịch khi tham gia giao thông…
Suy nghĩ về những biểu hiện trên (Bình luận).
Bản thân thấy thế nào về những việc trên?
Bản thân tham gia giao thông như thế nào?
Thực hiện và chấp hành luật lệ tốt.
Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông (Chứng minh).
Có ý thức chấp hành luật lệ.
Vận động mọi người thực hiện.

c. Kết bài

Khái quát lại vấn đề.

II. Luyện Tập Ở Nhà

Giải câu 1 – Luyện tập ở nhà (trang 176 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Sưu tầm những bài (đoạn) văn hay, trong đó tác giả đã sử dụng kết hợp thành công nhiều thao tác lập luận khác nhau.

Trả Lời:

Các bài văn Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn), Bàn về phép học (Nguyễn Thiếp)… Có sử dụng kết hợp thành công nhiều tao tác lập luận khác nhau.

Giải câu 2 – Luyện tập ở nhà (trang 176 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Viết một văn bản nghị luận ngắn, trong đó vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau để trình bày quan điểm, ý kiến của anh (chị) về:

– Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học);

– Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận;

– Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

Trả Lời:

Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học).

a. Mở bài

Khái quát về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Khái quát về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đó.

b. Thân bài

Nét đặc đó nằm ở phương diện nội dung hay nghệ thuật? Đó là nét đặc sắc gì?
Đặc điểm đó đặc sắc ở điểm nào? (Gợi ra một sự liên tưởng mới, sâu sắc / mang một ý nghĩa mới, sâu sắc hơn / tạo hiệu quả nghệ thuật độc đáo,…Cần lưu ý đặt đặc điểm đó trong mối quan hệ với những kiến thức phổ biến về tác phẩm để làm rõ nét đặc sắc, độc đáo).
Giá trị của nét đặc sắc mà bản thân mới phát hiện (gợi những hướng khai thác mới về tác phẩm / góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm sâu sắc hơn,…).

c. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa của nét đặc sắc mà em mới phát hiện.

Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận.

a. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận.

b. Thân bài

Khái quát những vấn đề về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đã được dư luận tiếp nhận; những ý kiến đánh giá của dư luận về tác phẩm.
Những suy nghĩ, đánh giá của bản thân về tác phẩm:
Phân tích, cảm nhận,…về một nét hay của tác phẩm (về nội dung tư tưởng hoặc nghệ thuật).
Trao đổi về một ý kiến (đánh giá sai) về tác phẩm.
Trao đổi về một vấn đề về nội dung, tư tưởng mà mà tác phẩm đề cập đến nhưng bản thân còn thấy chưa thỏa đáng.

c. Kết bài

Nêu cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm văn học mới ra đời đó.

Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

a. Mở bài

Giới thiệu về nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

b. Thân bài

Khái quát về nội dung của nội dung kiến thức đó, những vấn đề còn tồn tại là gì? (Có chỗ nào chưa rõ? Chưa sâu? Còn gợi nhiều thắc mắc?,…).
Vai trò của việc làm rõ, tìm hiểu sâu nội dung ấy.
Ý kiến đề xuất của bản thân là gì?
Đặt câu hỏi để người nghe góp ý giải quyết.
Nêu ý kiến mang tính giải pháp của bản thân về vấn đề.

c. Kết bài

Khẳng định lại tầm quan trọng của việc tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn nội dung kiến thức đó.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận

I. Luyện Tập Trên Lớp

Câu 1. Hãy nhắc lại các thao tác lập luận mà anh (chị) đã học cùng những đặc trưng cơ bản của từng thao tác.

Trả Lời:

Các thao tác lập luận đã học:

– Chứng minh là dùng dẫn chứng và lí lẽ để người đọc (người nghe) tin một vấn đề nào đó trong đời sống hoặc trong văn học.

– Giải thích là dùng lí lẽ và dẫn chứng để giúp người đọc (người nghe) hiểu một vấn đề nào đó trong đời sống hoặc trong văn học.

– Phân tích là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố, bộ phận để xem xét rồi khái quát, phát hiện bản chất của đối tượng. Chia tách vấn đề để tìm hiểu giúp ta biết cặn kẽ, thấu đáo.

– So sánh nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật hoặc các mặt trong cùng một sự vật, hiện tượng… để chỉ ra những nét giống nhau hoặc khác nhau giữa chúng.Từ đó, thấy được đặc điểm và giá trị của mỗi sự vật, hiện tượng được so sánh.

– Bác bỏ là dùng lí lẽ và dẫn chứng để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác,… Từ đó, nêu ý kiến của mình để thuyết phục người nghe, (người đọc).

– Bình luận là đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, sự đánh giá, bàn bạc của mình về một hiện tượng, vấn đề.

Câu 2. Trong đoạn trích dưới đây, tác giả đã vận dụng kết hợp những thao tác lập luận nào?

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự đo dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bạc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

Trả Lời:

Các thao tác được sử dụng trong đoạn văn :

– Thao tác bác bỏ: Thế mà…hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.-> bác bỏ luận điệu xảo trá của Pháp về chính sách khai hóa và bảo hộ Đông Dương

– Để làm rõ ý đã bác bỏ, người viết đã dùng dẫn chứng để chứng minh: Tác giả đưa ra những bằng chứng về tội ác của Pháp:

+Về chính trị

+ Về kinh tế

-> Tăng cường lời tố cáo tội ác.

+ Phân tích các biểu hiện về các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục.

+ Thao tác bình luận: *Hiệu quả: Nhằm làm tăng tính thuyết phục cho vấn đ

Câu 3. Viết một bài văn nghị luận (vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau) bày tỏ ý kiến về một vấn đề đang đặt ra trong đời sống văn hoá – tinh thần của con người.

Trả Lời:

Nghị luận về vấn đề “Sống đẹp”

– Giải thích: Sống đẹp là gì?

– Phân tích chứng minh:

+ Lấy cuộc đời, việc làm của nhân vật trong các tác phẩm văn học

+ Trên thực tế

– Phân tích:

+ Những biểu hiện, việc làm thể hiện lối sống đẹp.

+ Phê phán và bác bỏ những việc làm sai trái hiện nay

– Phân tích: lợi ích của sống đẹp.

– Làm thế nào để có lối sống đẹp.

– Nhận xét đánh giá về sống đẹp.Những biểu hiện sai trái với sống đẹp, từ đó định hướng lối sống cho mọi người.

II. Luyện Tập Ở Nhà

Câu 1. Sưu tầm những bài (đoạn) văn hay, trong đó tác giả đã sử dụng kết hợp thành công nhiều thao tác lập luận khác nhau.

Trả Lời:

Bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh (Ngữ văn 11), Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng (Ngữ văn 12).

Câu 2. Viết một văn bản nghị luận ngắn, trong đó vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau để trình bày quan điểm, ý kiến của anh (chị) về:

– Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học)

– Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận

– Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

Trả Lời:

Tham Khảo: Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận

Trong nền văn học đương đại, có rất nhiều nhà văn mới cũng như tác phẩm mới ra đời. Có những tác phẩm ra đời nhận được nhiều lời khen nhưng cũng có những tác phẩm bị chê thậm tệ. Không chỉ vậy, có những tác phẩm còn gây tranh cãi không chỉ giới phê bình mà còn ở cả người đọc. Cánh đồng bất tận của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư là một trong những truyện đương đại gây tranh cãi nhiều nhất.

Nội dung truyện Cánh đồng bất tận kể về cuộc đời bất hạnh của gia đình Nương và Điền. Mẹ của hai chị em vì một sai lần lầm lỡ ăn nằm với tên bán vải. chị em Nương Điền vô tình trông thấy nên mặc cảm trước ánh nhìn của các con, người mẹ phải bỏ đi. Người cha được tin trở về oán hận người mẹ mà đốt nhà đốt cửa. Kể từ giờ phút ấy, cha con Nương bắt đầu cuộc sống du mục suốt cánh đồng này qua cánh đồng khác. Họ đi chăn vịt, chị em Nương Điền sống trong thế giới của vịt không được đến trường, không có tình thường yêu của cha mẹ. Người cha hận thù nên đi đến đâu cũng tìm cách ruồng bỏ những người phụ nữ mà anh ta gặp. Một cô gái điếm tên Sương, trong một lần bị đánh ghen đã được cha con Nương cứu giúp, chị tuy là gái điếm nhưng chị thấy cay sống mũi khi bị cha của Nương coi thường, chị hi sinh thân mình để cứu lấy đàn vịt nhà Nương. Sau tất cả, thằng Điền cũng bỏ đi tìm chị Sương, Nương bị bọn du côn hãm hiếp trước mặt cha mình. Cô gái nhỏ nghĩ mình sẽ có con, nhưng Nương sẽ chấp nhận. Đứa trẻ ấy sẽ được sinh ra, lớn lên và được tới trường.

Bàn về nội dung và ý nghĩa của truyện ngắn này, có rất nhiều nhà phê bình chê tác phẩm chưa đạt được đến một tác phẩm tư tưởng. Trong số đó có Bùi Công Thuấn cho rằng: “… Bối cảnh xã hội, đồng bằng, sông nước Nam Bộ đã bị Nguyễn Ngọc Tư cắt xén hết bản chất hiện thực, để chỉ còn lại một vùng hoang dã như thời mông muội, ở đó không có đạo lý, không có luật pháp, không có tình người. Nhân vật hiện lên trần trụi, hiện sinh. Con người hành xử theo bản năng nhiều hơn là ý thức xã hội”. Không những thế ông còn cho rằng tác phẩm có cốt truyện gần giống với tác phẩm Dòng sông tật nguyền. Trong tác phẩm có rất nhiều yếu tố sex, những cái nhìn trần trụi. Bùi Công Thuấn cho rằng tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thuộc dạng yếu kém, là cái nhìn cực đoan về xã hội.

Tuy nhiên, tác phẩm này được khen nhiều hơn là chê. Đã có rất nhiều người khen ngợi tác phẩm tiêu biểu như Nguyễn Hữu Thỉnh. Đặc biệt đa số bạn đọc thấy rằng tác phẩm rất hay, lối viết của Nguyễn Ngọc Tư không những hồn nhiên, chân chất mà còn rất hấp dẫn lôi cuốn. Những câu văn trữ tình mượt mà gợi lên sự man mác buồn trong lòng người đọc. Tác giả thiên truyện muốn gửi gắm đến bạn đọc về triết lý nhân sinh ở đời, về luật nhân quả, về nữ quyền, về giá trị sống, khát khao sống của con người. Lỗi lầm chỉ được hóa giải bằng sự khoan dung tha thứ chứ không phải hận thù. Cái kết không có hậu khi Nương bị bọn du côn hãm hiếp nhưng lại có nhiều ý nghĩa. Nương không bỏ cái thai mà thằng du côn kia để lại cho mình, Nương không coi nó là vết nhơ nữa. Nương sẽ có con và đứa trẻ ấy sẽ sống trong tình thương của mẹ và được đến trường.

Có thể nói càng nhiều tranh cãi thì càng chứng tỏ Cánh đồng bất tận là một tác phẩm hay, hấp dẫn. Mặc dù có nhiều khen chê nhưng đa số bạn đọc cùng giới phê bình đều nhận thấy cách viết truyện hấp dẫn lôi cuốn của tác giả và ý nghĩa của thiên truyện vô cùng sâu sắc.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status