Soạn bài – Kể chuyện đã nghe, đã đọc (Tuần 26)

Soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 79 – 80 SGK tiếng việt lớp 4 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc (Tuần 26), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Giải câu 1 (Trang 79 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Kể lại một câu chuyện nói về lòng dũng cảm mà em đã được nghe hoặc được đọc.

Trả lời:

Bài tham khảo 1:

Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe sau đây có tựa đề là “ở lại với chiến khu”. Chuyện kể về các chiến sĩ nhỏ tuổi xin được ở lại chiến khu, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Chuyện xảy ra như sau: Tối hôm ấy, ông Trung đoàn trưởng đến lán của các em nhỏ. Nhìn khắp các chú bé một lượt, ông nhỏ nhẹ nói: – Các em ạ! Hoàn cảnh ở chiến khu hiện nay rất khó khăn, sắp tới sẽ còn khó khăn hơn. Tuổi nhỏ của các em khó lòng vượt qua được. Vì thế, em nào muốn trở về với gia đình thì trung đoàn sẽ cho các em về. Các em nghĩ sao? Nghe Trung đoàn trưởng nói vậy, các bạn nhỏ lặng người đi. Ai cũng cảm thấy cổ họng mình tắc nghẹn. Lượm – một bạn nhỏ bước đến bên đống lửa đang cháy rực, giọng bạn rung lên: – Em xin được ở lại. Thà chết ở chiến khu chứ nhất định em không về ở chung, ở lộn với bọn Tây cướp nước và bọn Việt gian bán nước. Cả đội nhao nhao theo: – Chúng em xin ở lại. Thấy được quyết tâm và tình cảm tha thiết của các em muốn ở lại, ông Trung đoàn trưởng ứa nước mắt nói trong sự xúc động: – Nếu các em đều xin ở lại, anh sẽ về báo cáo lại với ban chỉ huy nguyện vọng của các em. Chuyện là vậy đấy. Các bạn nhỏ của chúng ta thật dũng cảm, không sợ gian khổ hi sinh sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho đất nước cho quê hương, thật đáng khâm phục.

Bài tham khảo 2:

Những năm giặc Mĩ ném bom miền Bắc, gia đình tôi sơ tán về một vùng quê, ở nhờ nhà một bạn nhỏ tên là Mến. Cùng tuổi với nhau nên tôi với Mến nhanh chóng kết thành đôi bạn thân thiết. Mĩ ngừng ném bom, tôi và gia đình về lại thị xã. Xa Mến, tôi nhớ lắm!

Hai năm sau, bố tôi đón Mến ra chơi. Tôi dẫn Mến đi thăm khắp nơi. Cái gì Mến cũng thấy lạ, ở thị xã có nhiều đường phố, nhà ngói san sát, cái cao, cái thấp, chẳng giống những ngôi nhà mái rạ, vách đất ở quê. Ban ngày, trên đường người và xe đi lại nườm nượp. Ban đêm, đèn điện lấp lánh như sao sa, thích ơi là thích!

Chỗ vui nhất là công viên, ở đây, bên cạnh vườn hoa có cầu trượt, đu quay và có cả một cái hồ lớn. Mến bảo hồ rộng thế này mà không trồng sen như ao làng của Mến. Nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tôi và Mến nhắc lại những kỉ niệm ngày trước, hai đứa bơi thuyền thúng ra giữa đầm để hái hoa sen. Sương đêm đọng trong lòng lá sen xanh, lóng lánh như những viên pha lê dưới ánh mặt trời buổi sớm.

Bỗng nhiên có tiếng kêu thất thanh làm cho chúng tôi phải ngừng câu chuyện:

– Cứu với! Cứu người chết đuối!

Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì Mến đã nhảy ùm xuống nước. Giữa hồ, một cậu bé đang vùng vẫy chới với. Trên bờ hồ, mấy chú bé hoảng hốt kêu la.

Mến bơi rất nhanh. Chỉ một loáng, Mến đã đến bên đứa bé, khéo léo nắm được tóc vừa đẩy lên vừa dịu vào bờ. Mọi người xúm lại khen Mến dũng cảm.

Về đến nhà, sợ bố lo nên tôi không dám kể cho bố nghe việc đó. Lúc chia tay Mến, tôi quyến luyến mãi. Tôi thấy Mến rất đáng khâm phục! Sau khi Mến về quê, tôi mới nói cho bố biết chuyện. Bố bảo:

– Người dân ở làng quê là như thế đấy, con ạ! Lúc đất nước có chiến tranh họ sẵn lòng sẻ nhà sẻ cửa cho chúng ta. Cứu người, họ không hề ngần ngại.

Tôi thấy lời nhận xét của bố rất đúng. Bạn Mến của tôi là một người nhà quê đáng yêu như thế!

Bài tham khảo 3:

Lòng dũng cảm là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay, và ngày nay tinh thần đó vẫn được gìn giữ và phát huy. Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm đó chính là tấm gương của anh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An đã hy sinh thân mình để cứu bốn bạn giữa dòng nước xoáy.

Không chỉ có gia đình em mà tất cả mọi người khi xem ti vi và đọc báo đều khâm phục trước tinh thần dũng cảm của anh Nguyễn Văn Nam, một học sinh lớp mười hai tại huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An, thêm vào đó là sự xót thương trước sự ra đi của anh.

Hôm đó là ngày 30/4 cả nước được nghỉ nhân kỉ niệm ngày “Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước” trong khi anh Nam đang đi bắt chim thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh của một bạn ở gần bờ sông, anh vội chạy ra thì thấy những cánh tay đang chới với giữa dòng nước xoáy. Không chút do dự anh đã lao xuống dòng nước để cứu người, có tất cả bốn bạn, sau khi đưa được ba bạn vào bờ anh tiếp tục quay trở lại để cứu bạn cuối cùng, khi vào gần đến bờ do đã kiệt sức anh đã dùng hết sức đẩy mạnh bạn đó vào để ba bạn trên bờ kéo lên còn bản thân anh đã bị dòng nước cuốn trôi đi mất, thấy vậy các bạn vội đi gọi người cứu nhưng không kịp, và phải mất một thời gian sau đó, gia đình và lực lượng công an mới tìm thấy thi thể của anh. Những bức ảnh được đưa lên báo hay trên ti vi ta thấy được nỗi đau, sự mất mát hằn sâu trên khuôn mặt của gia đình anh Nam, tất cả mọi người đều đau xót và cảm động. Vẫn còn đó là ước mơ và hoài bão của anh với hy vọng thi đỗ vào một trường đại học, để làm rạng danh gia đình – bố mẹ và bà của anh vừa khóc vừa kể với các nhà báo, nhưng anh đã ra đi trong sự vinh quang với một hành động cao đẹp của mình để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và tất cả mọi người.

Anh Nguyễn Văn Nam là một tấm gương tiêu biểu cho lòng dũng cảm, anh được nhà trường và Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tại nơi anh theo học tuyên dương và khen thưởng về hành động của mình. Hành động của anh như một sự thức tỉnh đối với những ai có thái độ sống thờ ơ, vô cảm đối với những người xung quanh, chỉ biết lo cho bản thân mình.

Anh Nguyễn Văn Nam xứng đáng là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm để chúng ta học tập và noi theo, nó thể hiện một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một đạo lý làm người mà mỗi chúng ta cần phải có.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Đề bài: Kể lại một câu chuyện nói về lòng dũng cảm mà em đã được nghe hoặc được đọc.

Trả lời:

Cù Chính Lan là một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Quê hương anh bị giặc Pháp tàn phá, bắn giết gây nhiều thiệt hại về của về người. Anh rất căm thù chúng và quyết tiêu diệt chúng để góp phần đánh đuổi chúng ra khỏi đất nước mình.

Một lần anh được phân công đi đánh xe tăng địch ở đường số 6. Đoàn xe của chúng đã bị diệt gần hết, chỉ còn một chiếc cuối cùng đang tìm đường tẩu thoát. Anh nói với đồng đội:

– Phải đánh bằng được chiếc xe này!

Nói xong, anh băng lên chạy theo xe bất chấp đạn của địch đang bắn lại như mưa. Anh luồn lách tới gần rồi nhanh nhẹn trèo lên xe địch, bị trượt ngã xuống anh lại leo lên và ném vào thùng xe hai trái lựu đạn, nhưng hai trái lựu đạn này lại bị địch hất trả ra ngoài.

Hết lựu đạn của mình, anh lấy lựu đạn của đồng đội rồi chạy tắt qua rừng, đón đầu chiếc xe tăng đang rút chạy. Lần này là lần thứ năm anh lại nhảy lên xe. Tay trái anh cố mở nắp xe. Tay phải anh cầm lựu đạn và lấy răng cắn chốt. Chờ cho quả lựu đạn đã bắt đầu xì khói, anh mới ném vào thùng xe rồi nhảy vội xuống.

Một tiếng nổ vang lên. Các tên giặc trong xe chết ngay. Chiếc xe sững lại và bốc cháy.

Sau trận đó, anh được thưởng huân chương và được phong là Anh hùng quân đội.

Anh Cù Chính Lan đúng là một chiến sĩ quân đội dũng cảm, kiên cường.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status