Soạn bài – Con Hổ có nghĩa

Soạn bài Con Hổ có nghĩa trang 142 – 145 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập  trong bài Con Hổ có nghĩa sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

Soạn bài con hổ có nghĩa sgk ngữ văn 6 tập 1 hình ảnh 1

CON HỔ CÓ NGHĨA(1)

(Truyện trung đại Việt Nam(*))

Bà đỡ(2) Trần là người huyện Đông Triều(3). Một đêm nọ nghe tiếng gõ cửa, bà mở cửa nhìn thì chẳng thấy ai, một lát, có con hổ chợt lao tới cõng bà đi.Ban đầu, bà sợ đến chết khiếp, khi tỉnh, thấy hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng chân trước rẽ lối chạy vào rừng sâu. Tới nơi, hổ thả bà xuống. Thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất, bà cho là hổ định ăn thịt mình, run sợ không dám nhúch nhích.

Lúc sau hổ đực cầm tay bà nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Bà nhìn kĩ bụng hổ cái như có cái gì động đậy, biết ngay là hổ sắp đẻ. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, bà liền hòa với nước suối cho uống, lại xoa bóp bụng hổ. Lát sau, hổ đẻ được. Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mệt mỏi lắm. Rồi hổ đực quỳ xuống bên một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc. Bà đỡ biết hổ tặng mình, cầm lấy. Hổ đực đứng dậy đi, quay nhìn bà, bà theo hổ ra khỏi rừng. Được mấy bước, trời sắp sáng, bà giơ tay nói: “Xin chúa rừng(4) quay về”. Hổ vẫn cúi đầu quẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt(5). Bà đi khá xa, hổ liền gầm lên một tiếng rồi bỏ đi. Bà về đến nhà, cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, đói kém, nhờ có số bạc ấy mà bà mới sống qua được.
(Hình hổ đực tiễn chân bà đỡ ra khỏi rừng)
Người kiếm củi tên mỗ(6) ở huyện Lạng Giang(7), đang bổ củi ở sườn núi, thấy dưới thung lũng(8) phía xa, cây cỏ lay động không ngớt mới vác búa đến xem, thấy một con hổ trán trắng, cúi đầu cào bới đất, nhảy lên, vật xuống, thỉnh thoảng lấy chân móc họng, mở miệng nhe cái răng, máu me, nhớt dãi trào ra. Nhìn kĩ miệng hổ thấy có khúc xương mắc ngang họng, bàn chân hổ thì to, càng móc, khúc xương càng vào sâu.

Bác tiều(9) uống rượu say, mạnh bạo trèo lên cây kêu lên: “Cổ họng ngươi đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho”. Hổ nghe thấy, nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều ra dáng cầu cứu. Bác tiều trèo xuống lấy tay thò vào cổ họng hổ, lấy ra một chiếc xương bò, to như cánh tay. Hổ liếm mép, nhìn bác tiều rồi bỏ đi. Bác tiều nói to: “Nhà ta ở thôn mỗ(10), hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé”. Sau đó, bác tiều ra về. Một đêm nọ, nghe cửa ngoài có tiếng gầm dài mà sắc. Sớm hôm sau, có một con nai chết ở đó. Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi chôn cất, hổ bỗng nhiên đến trước mộ nhảy nhót. Những người đưa đám bỏ chạy cả. Từ xa, nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài(11), gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Từ đó về sau, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.

(Vũ Trinh, Lan Trì kiến văn lục, trong sách Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập I, Nguyễn Đăng Na tuyển chọn và giới thiệu, Hoàng Hưng dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997)

Chú thích

(*) Trong chương trình Ngữ văn 6, có hai truyện: Con hổ có nghĩa, Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng được gọi chung là truyện trung đại Việt Nam. Bởi lẽ, trong lịch sử văn học Việt Nam, thời trung đại (thường được tính từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX), thể loại truyện văn xuôi chữ Hán đã ra đời có nội dung phong phú và thường mang tính chất giáo huấn, có cách viết không giống hẳn với truyện hiện đại. Ở đây vừa có loại truyện hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật) vừa có loại truyện gần với kí (ghi chép sự việc), với sử (ghi chép chuyện thật). Cốt truyện hầu hết còn đơn giản. Nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Riêng truyện Mẹ hiền dạy con (trích Liệt nữ truyện) của Trung Quốc ra đời sớm hơn nhưng cũng tạm xếp vào cụm bào gọi là truyện trung đại, vì cách viết giống nhau.

(1) Nghĩa: lẽ phải, làm khuôn phép cư xử trong quan hệ giữa con người với nhau; theo từng hoàn cảnh, có thể mang nhiều nội dung cụ thể khác nhau như “tình cảm thủy chung”, “tinh thần hi sinh vì sự nghiệp chung”,…; ở đây là “lòng biết ơn”.

(2) Bà đỡ: người phụ nữ làm nghề đỡ đẻ (từ Hán: nữ hộ sinh).

(3) Đông Triều: một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh ở vùng Đông Bắc nước ta.

(4) Chúa rừng: con vật được coi là mạnh nhất ở rừng, có khi gọi là chúa sơn lâm; ở đây chỉ loài hổ.

(5) Tiễn biệt: tiễn người đi xa.

(6) Mỗ: từ phiếm chỉ, dùng trong trường hợp không muốn nêu tên thật. Nói “tên mỗ” giống như ngày nay nói tên A, B,… nào đó.

(7) Lạng Giang: một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang.

(8) Thung lũng: dải đất trũng và kéo dài nằm giữa hai sườn núi.

(9) Tiều: người đốn củi.

(10) Thôn mỗ: cách dùng từ phiếm chỉ giống như “tên mỗ” ở chú thích (6).

(11) Quan tài: cái hòm để đặt người chết vào.

Hướng dẫn soạn bài – Con Hỗ có nghĩa

I. Về thể loại

Truyện trung đại Việt Nam

Trong lịch sử văn học Việt Nam, thời trung đại (thường được tính từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX), thể loại truyện văn xuôi chữ Hán đã ra đời có nội dung phong phú và thường mang tính chất giáo huấn, có cách viết không giống hẳn với truyện hiện đại. Ở đây vừa có loại truyện hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật) vừa có loại truyện gần với kí (ghi chép sự việc), với sử (ghi chép chuyện thật). Cốt truyện hầu hết còn đơn giản. Nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Riêng truyện Mẹ hiền dạy con (trích Liệt nữ truyện) của Trung Quốc ra đời sớm hơn nhưng cũng tạm xếp vào cụm bào gọi là truyện trung đại, vì cách viết giống nhau

II. Tóm tắt sự Con Hổ có nghĩa

Truyện Con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện về loài hổ.

Truyện thứ nhất: Một bà đỡ họ Trần người huyện Đông Triều một đêm nọ được hổ cõng vào rừng. Đến nơi bà thấy một con hổ cái đang sinh nở rất khó khăn bèn giúp hổ cái sinh con trót lọt. Hổ đực mừng rỡ đào lên một cục bạc biếu bà. Nhờ có cục bạc của hổ mà bà sống qua được năm mất mùa đói kém.

Truyện thứ hai: Bác tiều ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi thấy một con hổ bị hóc xương bèn giúp hổ lấy xương ra. Để tạ ơn, hổ biếu bác một con nai. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Từ đó, mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về biếu gia đình bác.

III. Hướng dẫn soạn bài Con Hổ có nghĩa

Giải câu 1 Con Hổ có nghĩa (Trang 145 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu 1. Văn bản này thuộc thể văn gì? Có mấy đoạn? Mỗi đoạn nói gì?

Trả lời:

Văn bản này thuộc thể loại văn xuôi. Truyện có hai đoạn:

– Đoạn một kể chuyện xảy ra giữa hổ và một bà đỡ.

– Đoạn thứ hai kể chuyện con hổ có nghĩa với người tiều phu.

Giải câu 2 Con Hổ có nghĩa (Trang 145 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu 2. Với văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm được sử dụng là biện pháp gì? Tại sao lại dựng lên chuyện “Con hổ có nghĩa” mà không phải là “Con người có nghĩa”?

Trả lời:

Biện pháp nghệ thuật chủ yếu được sử dụng trong Con hổ có nghĩa là biện pháp nhân hoá. Kể chuyện loài hổ có nghĩa là để tạo ra sự so sánh tương phản, nâng cao hiệu quả giáo dục. Con hổ vốn là loài cầm thú rất hung dữ, vậy mà trong cách cư xử còn có nghĩa tình. Con người hơn hẳn loài cầm thú, trong cuộc sống càng phải cư xử có nghĩa hơn.

Giải câu 3 Con Hổ có nghĩa (Trang 145 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu 3. Chuyện gì đã xảy ra giữa bà đỡ Trần (người huyện Đông Triều) với con hổ thứ nhất và giữa bác tiều (ở huyện Lạng Giang) với con hổ thứ hai? Trong mỗi chuyện, chi tiết nào em cho là thú vị? Chuyện con hổ với bác Tiều so với chuyện con hổ với bà đỡ Trần có thêm ý nghĩa gì?

Trả lời:

Con hổ thứ nhất với bà đỡ Trần.

– Các hành động:

+ Gõ cửa cổng bà đỡ

+ Cầm tay bà, nhìn hổ cái nhỏ nước mắt.

+ Mừng rỡ, đùa giỡn với con.

+ Đào cục bạc tặng bà đỡ.

+ Vẫy đuôi, vẻ tiễn biệt, rất chu đáo, có lễ nghi.

Con hổ hết lòng yêu thương vợ con, lo lắng đến mạng sống của cô vợ trong cuộc sinh nở đầy bất trắc. Hổ không nói được, nhưng cử chỉ cầm tay và đỡ rồi nhìn hổ cái là cách thể hiện hay nhất. Hổ đền ơn và cư xử thắm tình ân nhân với bà đỡ.

– Con hổ thứ hai với bác tiều phu:

+ Mắc xương, lấy tay móc họng.

+ Nằm ngục xuống, há miệng nhìn bác tiều phu cầu cứu.

+ Tạ ơn một con nai.

+ Hơn mười năm sau, khi bác tiều chết. Hổ đến trước mộ nhảy nhót, đầu dụi vào quan tài, gầm lên ai oán và chạy quanh quan tài.

Con hổ thứ nhất chỉ trả ơn bà đỡ Trần có một lần, con hổ thứ hai mang ơn nghĩa và trả nghĩa suốt đời, ngay cả khi bác tiều đã mất.

Giải câu 4 Con Hổ có nghĩa (Trang 145 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu 4. Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích điều gì cần có trong cuộc sống con người?

Trả lời:

Truyện Con hổ có nghĩa đề cao cách sống nghĩa tình trong cuộc sống của con người. Làm người phải biết giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, ngược lại, khi được người khác giúp đỡ phải biết ghi nhớ ơn nghĩa, tìm cách báo đáp ơn nghĩa ấy.

Soạn phần luyện tập Con Hổ có nghĩa

Giải câu 1 – Luyện tập Con Hổ có nghĩa (Trang 145 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 1: Em hãy kể về một con chó có nghĩa với chủ. Nếu chưa biết để kể thì hãy nhờ bố mẹ hoặc ai đó kể cho nghe và từ đó viết vài lời cảm nghĩ ?

Trả lời:

Cách đây bốn năm, lúc em mới học lớp hai, ông ngoại cho một con chó nhỏ khoảng vài tháng tuổi, lông màu nâu sẫm. Em đặt tên cho nó là Lắc-ki.

Lúc trưởng thành, Lắc-ki có thân hình rất đẹp: ngực nở, bụng thon, bốn chân cao và mảnh. Chiếc đầu nhỏ, đôi tai nhọn dựng đứng, cặp mắt tinh nhanh. Chiếc mũi đen ướt đánh hơi rất tài. Đã nhiều lần, nó tấn công và giết chết những con chuột cống đáng ghét dám mò vào bếp ăn vụng.

Lắc-ki thông minh lắm. Dường như nó hiểu được tiếng người, hiểu được ý định của chủ. Vì em chăm sóc Lắc-ki từ nhỏ nên nó gắn bó với em hơn cả. Trừ những lúc đi học, còn ở nhà thì em đi đâu, Lắc-ki cũng theo sát như hình với bóng. Nó rất thích chơi trò kéo co với em và phần thắng bao giờ cũng thuộc về nó. Vì Lắc-ki khỏe như vậy nên còn đặt thêm cho nó một biệt danh là Lực sĩ.

Ban ngày, Lắc-ki nằm trước thềm nhà, mõm gác lên hai chân trước, mắt lim dim. Nó chẳng ngủ đâu mà đang trông nhà đấy! Một tiếng động nhẹ, một bóng người thoáng qua … nó đứng phắt lên, dỏng tai nghe ngóng. Tiếng sủa của Lắc-ki lớn và vang. Trông bộ dạng của nó lúc giận dữ, kẻ có ý xấu phải lùi xa. Ban đêm, nó ít ngủ, cứ đi loanh quanh để giữ nhà. Có nó, mọi người rất yên tâm.

Ấy thế nhưng đối với người thân, Lắc-ki lại rất hiền. Nó thích bày tỏ tình cảm bằng cách bắt tay, ngoáy tít cái đuôi hay nằm khoanh dưới chân chờ lệnh. Lòng trung thành của Lắc-ki đã để lại trong em một ấn tượng không thể nào quên.

Mùa hè năm ngoái, vào một buổi chiều, bạn Quốc và bạn Tùng rủ em ra kênh tắm. Con kênh mới đào dẫn nước ngọt tưới mát cho cả một vùng. Từ ngày có dòng kênh này, quê em bốn mùa phủ kín một màu xanh của lúa khoai, cây trái …

Chiếc cầu bắc ngang kênh là nơi bọn con trai chúng em tụ tập vui chơi nô đùa hàng ngày. Chiều hôm ấy, chơi chán trò rồng rắn, trò đánh trận giả … cả đám ùa xuống dòng kênh té nước vào nhau là la hét vang trời. Sau đó, chúng em thách nhau bơi thi xem ai giỏi nhất.

Vốn là dân “không sợ nước” và bơi cũng khá, em nhận lời ngay. Sau tiếng hô bắt đầu của cu Tèo, ba “vận động viên” nhảy ùm xuống kênh, trổ tài bơi lội. Chặng đầu tiên, em vượt lên trước Quốc và Tùng cả đoạn dài. Tính hiếu thắng trỗi dậy, em dồn sức bơi thật nhanh để về đích trước.

Nhưng … Ôi! Sao chân trái của em tự nhiên cứng đờ và đau quá thế này! Em đã bị “chuột rút”. Không thể duỗi chân ra bơi tiếp được nữa nên em vội kêu to nhưng càng kêu, nước càng ộc vào miệng nhiều hơn. Em mất thăng bằng, lạng người đi rồi trôi theo dòng nước. Phen này chắc em chết mất!

Trong cơn hoảng hốt, bỗng ta em quờ vào một vật gì đó mềm và ấm. Rồi hình như có ai đó túm chặt lấy quần em, cố lôi đi. Em định thần nhìn lại thì hóa ra là Lắc-ki, chú chó thân yêu. Nó đã dũng cảm lao xuống cứu em trong cơn nguy hiểm. Vừa lúc đó, Quốc và Tùng cũng đã đến kịp thời. Cả ba dìu em vào bờ. Lắc-ki rùng mình rũ nước rồi mừng rỡ chạy quanh em, cất tiếng sủa vang.

Được nghe chuyện chú chó liều mình cứu chủ, ai cũng khen là con chó có nghĩa. Từ hôm ấy em và tất cả những người thân trong gia đình càng yêu quý Lắc-ki hơn.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài con hổ có nghĩa

Câu 1: Văn bản Con hổ có nghĩa thuộc thể văn gì? Có mấy đoạn? Mỗi đoạn nói gì?

Trả lời:

Văn bản Con hổ có nghĩa thuộc loại truyện trung đại.

* Có thể chia truyện thành hai đoạn:

– Đoạn 1: từ đầu đến “… bà mới sống qua được” -> Truyện con hổ và bà đỡ họ Trần ở huyện Đông Triều.

– Đoạn 2: còn lại -> Truyện con hổ và bác tiều Mỗ ở Lạng Sơn.

Câu 2: Với văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm được sử dụng là biện pháp gì? Tại sao lại dựng lên truyện “Con hổ có nghĩa” mà không phải “con người có nghĩa”?

Trả lời:

* Trong văn bản này, biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm được sử dụng là biện pháp nhân hoá, làm cho hình tượng con hổ trở nên như một con người, không chỉ biết đền ơn đáp nghĩa với người làm ơn cho mình mà còn mang nhiều tính người đáng quý: hết lòng với hổ cái trong lúc sinh đẻ, vui mừng khi có con…

* Nếu người viết dùng con người để nói về cái nghĩa thì chắc chắn ý nghĩa giáo dục của truyện sẽ giảm đi phần sâu sắc. Hổ là một con vật nổi tiếng hung dữ, tàn bạo nhưng nó vẫn có nghĩa thì huống hồ gì con người?

Câu 3: Chuyện gì đã xảy ra giữa bà đỡ họ Trần và con hổ thứ nhất và giữa bác tiều với con hổ thứ hai? Trong mỗi chuyện, chi tiết nào em cho là thú vị? Chuyện con hổ với bác tiều so với chuyện con hổ với bà đỡ họ Trần có thêm ý nghĩa gì?

Trả lời:

* Con hổ thứ nhất với bà đỡ họ Trần:

– Hổ xông đến cõng bà đỡ Trần đến đỡ đẻ cho hổ cái và sau khi được bà đỡ Trần giúp đỡ, đã đền ơn bằng cách tặng bà một cục bạc để bà sống qua năm mất mùa đói kém.

* Con hổ thứ hai với bác tiều:

– Hổ bị hóc xương được bác tiều móc xương cứu sông. Hổ đền ơn đáp nghĩa bác tiều. Bác tiều qua đời, hổ còn đến bên quan tài tỏ lòng thương xót và sau đó, mỗi dịp giỗ bác tiều, hổ lại đem dê hoặc lợn đến tế.

* Trong mỗi truyện, các chi tiết kể chuyện hổ đền ơn con người đều thú vị đốì với người đọc.

* Việc trả nghĩa của con hổ sau có sự nâng cấp so với con hổ trước. Hổ trước đền ơn một lần là xong; hổ sau đền ơn mãi mãi, lúc ân nhân còn sống và cả lúc ân nhân đã chết.

Câu 4: Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích điều gì cần có trong cuộc sống con người?

Trả lời:

Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích ân nghĩa trong đạo làm người.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

 

DMCA.com Protection Status