Soạn bài – Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Soạn bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng trang 113 – 116 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

Truyện ngụ ngôn: Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Cố Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng từ xưa vẫn sống với nhau rất thân thiết. Bỗng một hôm, cô Mắt đến than thở với cậu Chân, cậu Tay rằng:

– Bác Tai, hai anh và tôi làm việc mệt nhọc quanh năm, còn lão Miệng chẳng làm gì cả, chỉ ngồi ăn không. Nay chúng ta đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.

Cậu Chân, cậu Tay cũng nói:

– Phải đấy! Chúng ta phải đi nói cho lão Miệng biết để lão tự lo lấy. Chúng ta vất vả nhiều rồi. Nay đã đến lúc lão phải tự mình tìm lấy thức ăn, xem lão có làm nổi không.

Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cùng kéo đến nhà lão Miệng. Đi qua nhà bác Tai, họ thấy bác ta đang ngồi im lặng như nghe ngóng điều gì. Cả ba cùng chạy vào nói:

– Bác Tai ơi, bác có đi với chúng cháu đến nhà lão Miệng không? Chúng cháu đến nói cho lão biết từ nay chúng cháu không làm cho lão ăn nữa. Chúng cháu cũng như bác, lâu nay vất vả nhiều rồi, nay phải nghỉ ngơi mới được.

Bác Tai gật đầu lia lịa:

– Phải, phải… Bác sẽ đi với các cháu!

Bốn người hăm hở(1) đến nhà lão Miệng. Đến nơi họ không chào hỏi gì cả, cậu Chân, cậu Tay nói thẳng(2) với lão:

– Chúng tôi hôm nay đến không phải để thăm hỏi, trò chuyện gì với ông, mà để nói cho ông biết: Từ nay chúng tôi không làm để nuôi ông nữa. Lâu nay, chúng tôi cực khổ, vất vả vì ông nhiều rồi.

Lão Miệng nghe nói, lấy làm ngạc nhiên. Lão nói:

– Có chuyện gì muốn bàn với nhau thì hãy vào nhà đã, làm gì mà nóng thế?

Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay đều lắc đầu mà rằng:

– Không, không phải bàn bạc gì nữa, từ nay trở đi, ông phải lo lấy mà sống. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm gì cả. Xưa nay, chúng tôi có biết cái gì ngọt bùi ngon lành mà làm cho cực!

Nói rồi, cả bọn kéo nhau về.

Từ hôm đó, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay không làm gì nữa. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, cả bọn thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy, vui đùa như trước nữa; cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ(3), thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ không được. Bác Tai trước kia hay đi nghe hò nghe hát, nghe tiếng gì cũng rõ, nay bỗng thấy lúc nào cũng ù ù như xay lúa ở trong. Cả bọn lừ đừ(4) mệt mỏi như thế, cho đến ngày thứ bảy thì không thể chịu được nữa, đành họp nhau lại để bàn. Bác Tai nói với cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay:

– Chúng ta lầm rồi các cháu ạ. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt(5) cả. Lão Miệng không đi làm, nhưng lão có công việc là nhai. Như vậy cũng là làm việc chứ không phải ăn không ngồi rồi(6). Trước kia sống với nhau thân thiết như thế, nay tự dưng chúng ta gây nên chuyện. Lão Miệng có cái ăn thì chúng ta mới khỏe khoắn được. Chúng ta nên đến nói lại với lão, các cháu có đi không?

Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cố gượng dậy đi theo bác Tai đến nhà lão Miệng. Đến nơi, họ thấy lão Miệng cũng nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Còn cậu Chân, cậu Tay thì đi tìm thức ăn. Lão Miệng ăn xong, dần dần tỉnh lại. Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên thấy đỡ mệt nhọc, rồi thấy trong mình khoan khoái(7) như trước. Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị(8) ai cả.

(Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam)

Chú thích:

(1) Hăm hở: dáng bộ hăng hái, muốn thực hiện nhanh ý định.

(2) Nói thẳng: nói trực tiếp, không giấu giếm những điều muốn nói.

(3) Lờ đờ: chậm chạp, thiếu tinh nhanh.

(4) Lừ đừ: chậm chạp, mệt mỏi.

(5) Tê liệt: mất cảm giác và khả năng cử động.

(6) Ăn không ngồi rồi: chỉ ăn, không làm, sống hưởng thụ mà không lao động.

(7) Khoan khoái: có cảm giác dễ chịu, thoải mái.

(8) Tị: so tính, không bằng lòng trước những gì người khác được hưởng.

Hướng dẫn soạn bài – Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

I. Về thể loại

– Truyện ngụ ngôn là thể loại văn xuôi nó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc tạo cho con người nền tảng và những bài học kinh nghiệm đáng quý trong cuộc sống này.

– Cần có những câu chuyện như vậy để làm thức tỉnh những sai lệch của con người.

II. Tóm tắt Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai vì ghen tị với lão Miệng chỉ ăn mà không làm gì cả nên bàn nhau để mặc lão Miệng, không cho lão ăn gì nữa. Mặc lão Miệng tha hồ ngạc nhiên, sửng sốt, sau khi thông báo cho lão Miêng biết, cả bọn kéo nhau ra về.

Một ngày, hai ngày, ba ngày… cả bọn đã thấy mệt mỏi rã rời. Không ai làm nổi việc gì nữa. Đến ngày thứ bảy thì không ai còn chịu nổi. Bác Tai là người nhận ra sai lầm đầu tiên, bèn nói rõ phải trái, rủ cả bọn đến xin lỗi lão Miệng và lại cho lão ăn như xưa. Ăn xong ai nấy đều khoẻ trở lại. Chúng hiểu rằng lão Miệng tuy thế nhưng cũng có công việc của lão, một công việc rất quan trọng, liên quan đến tính mạng của cả bọn.

Từ đó lão Miệng, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai lại sống hoà thuận, ai làm việc nấy, không ai còn ghen tị với ai nữa.

III. Hướng dẫn soạn bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng chi tiết

Giải câu 1 (Trang 116 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Vì sao cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai so bì với lão Miệng?

Trả lời:

Lập luận của cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai xuất phát từ những biểu hiện bề ngoài: Mắt phải nhìn, Tay phải làm, Chân phải đi, Tai phải nghe… Tất cả dường như đều phải phục vụ cho Miệng, và theo họ – Miệng chỉ việc hưởng thụ, chẳng phải làm gì.

Giải câu 2 (Trang 116 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Truyện mượn các bộ phận của cơ thể người để nói chuyện con người. Có thể ví cơ thể người như một tổ chức, một cộng đồng, v.v… mà Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là những cá nhân trong tổ chức, cộng đồng đó. Từ mối quan hệ này, truyện nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người điều gì?

Trả lời:

Truyện mượn các bộ phận của cơ thể người để nói chuyện con người. Có thể ví cơ thể người như một tổ chức, một cộng đồng,… mà Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là những cá nhân trong tổ chức cộng đồng đó. Từ mối quan hệ này, truyện khuyên nhủ con người:

– Mỗi cá nhân không thể tồn tại nếu tách khỏi mối quan hệ mật thiết với cộng đồng. Mỗi cộng đồng đều có tổ chức, mối quan hệ liên đới chặt chẽ, tự quy định chức năng thích hợp.

– Sống trong cộng đồng, cần có tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Soạn phần luyện tập Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Giải câu hỏi – Luyện tập Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng (Trang 116 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu hỏi: Hãy nhắc lại định nghĩa truyện ngụ ngôn và tên gọi của những truyện ngụ ngôn đã học.

Trả lời:

Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

Những truyện ngụ ngôn đã học:

– Ếch ngồi đáy giếng
– Thầy bói xem voi
– Đeo nhạc cho mèo
– Chân, tay, tai, mắt, miệng

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Câu 1: Vì sao cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai so bì với lão Miệng?

Trả lời:

Cô Mắt, Cậu Chân, cậu Tay, bác Tai so bì với lão Miệng vì đến một ngày nọ, họ nhận thấy rằng họ phải “làm việc mệt nhọc quanh năm, còn lão Miệng chẳng làm gì cả, chỉ ngồi ăn không’.

Câu 2. Truyện mượn các bộ phận của cơ thể người để nói chuyện con người. Có thể ví cơ thể người như một tổ chức, một cộng đồng, v.v… mà Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là những cá nhân trong tổ chức, cộng đồng đó. Từ mối quan hệ này, truyện nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người điều gì?

Trả lời:

Câu chuyện kể về sự so bì giữa các bộ phận trong cơ thể con người. Mắt, Chân, Tay, Tai thấy mình cứ phải làm cho lão Miệng ăn thì đồng lòng phản đôi bằng cách bảo nhau cùng nghỉ làm để Miệng không có gì ăn nữa. Nhưng Miệng không được ăn thì Mắt, Chân, Tay cũng mệt mỏi rã rời, cất mình không nổi.

Từ quan hệ không thể tách rời giữa các nhân vật – bộ phận cơ thể người

– Truyện đã khuyên nhủ, răn dạy ta bài học:

– Cá nhân không thể tồn tại nếu tách khỏi cộng đồng. Đây là một phương diện rất quan trọng của mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng.

– Lời khuyên thiết thực và khôn ngoan với người: “Mỗi người vì mọi người”. Mỗi hành động, ứng xử của cá nhân không chỉ đơn giản tác động đến chính cá nhân ấy mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng, tập thể.

Soạn bài luyện tập Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng trang 116 SGK ngữ văn 6 tập 1

Bài 1: Nhắc lại định nghĩa truyện ngụ ngôn và tên gọi những truyện ngụ ngôn đã học.

Trả lời:

Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người bài học nào đó. Những truyện ngụ ngôn đã học:

– Ếch ngồi đáy giếng

– Thầy bói xem voi

– Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status