Soạn bài Bắc Sơn trang 159 – 167 SGK ngữ văn lớp 9 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài vở kịch Bắc Sơn (Trích hồi bốn – Nguyễn Huy Tưởng), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
BẮC SƠN
(Trích hồi bốn)
Một cảnh nhà vào hạng phong lưu của người Tày.
Có cửa thông sang một căng buồng. Đêm, trong nhà thắp đèn.
LỚP I
Tóm tắt: Cuộc đối thoại giữa Thơm và Ngọc, trước khi Ngọc cùng đồng bọn lùng bắt Thái và Cửu – hai người cách mạng đang trốn tránh, sau khi cuộc khởi nghĩa bị giặc Pháp đàn áp. Mặc dù Ngọc cố quanh co, lừa dối, nhưng Thơm vẫn nghi ngờ và đã dần nhận ra bộ mặt phản động của y. Cô càng đau xót, ân hận khi nghĩ đến cái chết của cha và em trai, tình cảnh điên dại bỏ nhà đi lang thang của mẹ.
LỚP II
THƠM – THÁI – CỬU
CỬU (thất sắc(1)) – Nhầm rồi! Thôi hỏng! (Chĩa súng định bắn)
THÁI (gữ lại) – Đừng bắn. Cửu! (Cửu rụt súng lại, định quay ra, luống cuống). Đừng ra vội, Cửu! (bước lại gần Thơm) Cô Thơm…
THƠM (xua tay) – Hai ông…
THÁI (bảo Cửu) – Anh cứ yên. Cô Thơm không làm gì đâu. (bảo Thơm) Xin cô đừng nói gì.
THƠM (gật đầu se sẽ) – Vâng… Hai ông đi đâu? (một vài tiếng súng ở gần) Tôi sợ quá!
THÁI – Cô cứ yên tâm. (tươi cười) Cô có định bắt tôi không?
THƠM – Không, không đời nào. Nhưng tại sao ông lại vào đây? Ông định bắt Ngọc phải không?
THÁI – Không.
THƠM – Tôi cứ lo cho hai ông. Tưởng các ông chạy được xa rồi. (Có tiếng người rầm rầm bên ngoài. Tiếng chó sủa râm ran.)
CỬU (thất vọng và cảm động, lời nói đầy hối hận) – Anh Thái!
THÁI – Anh cứ yên. (cười) Chết là cùng chứ gì.
THƠM (thành thực) – Chết nỗi, hai ông bị chúng nó đuổi phải không? Làm thế nào bây giờ? Ngọc nó cũng vừa mới đi, chắc… Tôi không báo hai ông đâu. (thấy Cửu hoài nghi) Tôi chết thì chết, chứ không báo hai ông đâu. Nhưng làm thế nào để hai ông đi được bây giờ? (luống luống)
(tiếng người rầm rầm càng gần, chó sủa ran ran. Tiếng gậy gộc.)
CỬU – Tôi giết anh rồi!
THÁI – Phàn nàn vô ích! Đừng cuống mới được. Để tôi ra xem (định chạy ra cửa).
THƠM (ngăn lại) – Ông đừng ra, chết nỗi! Ông đừng nói nữa, nó nghe tiếng. Để tôi ra hơn, ông đừng ra! (Nàng rón rén ra).
CỬU (hoài nghi) – Không được! (định theo ra)
THÁI – Tôi biết cô Thơm. Anh đừng nghi dòng máu cụ Phương. Tôi tin như thế. Nghe giọng nói thì biết là thật hay không thật chứ.
CỬU- Tôi không tin. Vợ Việt gian cũng là Việt gian.
THƠM (hốt hoảng chạy vào) – Nó khám nhà bà Lục mấy nhà bác Chui. Làm thế nào, hai ông? (cuống quýt gần như khóc) Có cả Tây. Ngọc cũng đi vào đấy. Tôi lo quá… (nghẹn ngào)
THÁI (bảo Cửu) – Chúng ta bắt tay nhau một lần cuối cùng rồi đi. Ở đây liên lụy đến cô Thơm, không tiện.
CỬU – Thì ra tôi giết anh à? Lẽ nào!
(Tiếng chân đi, tiếng gậy lộc cộc càng gần).
THƠM – Hai ông đừng nói nữa. Ngọc nó về. (Thái và Cửu định ra.) Hai ông đừng đi đâu, hãy tạm vào đây, may ra… (chỉ vào buồng).
(Có tiếng người đi vào. Thái và Cửu ngơ ngác, Thơm ngoan ngoãn và mau lẹ, thân mật như một người em gái kéo hai người đẩy vào trong buồng và nói: “Có lối thông ra ngoài đấy, khép cửa buồng lại”.)
LỚP III
THƠM – NGỌC
Thơm ngồi trên ghế gục đầu xuống thúng khâu.
NGỌC – (vào, đến lay vợ) – Chết nỗi, gục xuống đấy mà ngủ à?
THƠM (rũ rượi và buồn bã) – Đã về đấy à?
NGỌC – Sao mặt mũi bơ phờ thế kia? Sao không vào buồng mà ngủ?
THƠM – Từ lúc anh thằng Sáng(2) đi, tôi có ngủ được đâu. Buồn chết ra. Cứ nghĩ đến chú, đến mé thì không làm sao ngủ được. Còn có anh thằng Sáng, thì lúc nãy, tôi lại thế. Tôi nói anh thằng Sáng chả ra cái gì. Tôi nghĩ tôi chán quá. Từ lúc anh thằng Sáng đi, tôi cứ đứng ngồi không yên. Không biết anh thằng Sáng có chấp trách(3) không?
NGỌC – Cứ biết cho như thế, tôi cũng hả. Thôi, thế là được rồi!
THƠM – Anh thằng Sáng có còn phải đi nữa không? (có tiếng rầm rầm ở ngoài) Cái gì thế?
NGỌC – Các ông ấy đợi ở đằng sau nhà.
THƠM (nói to) – Đằng sau nhà! Ở chỗ buồng đi ra ấy à?
NGỌC – Ừ, thì làm sao?
THƠM (cuống quýt) – Sao lại đợi ở đấy? Sao không mời các ông ấy lên chơi cả cho vui có được không?
NGỌC – Thôi được, họ thích thế. Lại đi ngay ấy mà.
THƠM – Lại đi ngay à? Thế còn anh thằng Sáng?
NGỌC (đĩ thõa) – Tôi ở nhà nhớ?
THƠM – Tùy đấy, tôi biết đâu với công việc của ănh thàng Sáng mà… Thôi đi đi, không anh em người ta…
NGỌC (lấy điếu thông điếu) – Người ta làm sao? Bảo người ta cười phải không? ( đánh diêm hút thuốc say sưa, nhìn vợ ngáp dài)
THƠM – Cười thì mặc người ta, sợ gì? (vui vẻ)
NGỌC – Ừ, cứ vui như thế mới được. Trông mặt rầu rầu, lắm lúc đến ghét. Thì ta cứ vui đi nào. Thôi thì chẳng may chú(4) mấy(5) thằng Sáng đã như thế, mình thương thì cứ thương trong bụng, rồi còn tính việc làm ăn, chứ cha con, chị em đứt ruột ra được ấy chứ lị. Nhưng một vừa hai phải thôi, chứ buồn suốt đời được à?
THƠM (xa xăm) – Vâng!
NGỌC – Lại nghĩ cái gì thế?
THƠM – Không, có nghĩ gì đâu. Chỉ thương anh thằng Sáng vất vả, lo nghĩ nhiều, ngày đã thế, đêm lại chẳng được nghỉ ngơi, người cứ hốc hác đi, rồi thì đến mang bệnh, mang tật ấy chứ lị. Rồi bây giờ lại đi chứ ở gì đấy…
NGỌC – Đêm nay muốn tôi ở nhà hay đi nào?
THƠM – Tôi biết thế nào mà bảo.
NGỌC – Tôi ở nhà nhớ?
THƠM – Ai biết được, cứ ỡm ờ làm gì?
(Có tiếng gọi: “Có đi không, bác Ngọc? Bảo tạt qua nhà một tí mà ngồi từ bấy đến giờ! Vợ ấy thì còn chết!”)
NGỌC (cười, nhìn vợ) – Nói đùa đấy chứ, cũng phải đi đây. Đi cho xong đi, cho “nó” khỏi cự(6) mình. Còn hai cái thằng ấy thì còn ăn không ngon, ngủ không yên.
THƠM – Hai thằng nào?
NGỌC (lúng túng) – Hai cái thằng tướng cướp… Bắt được hai thằng ấy thì cũng được vài ngàn đồng. Chia cho tất cả anh em một nửa, mình lấy một nửa. Cái nhà này, thế là lấy xong rồi. Đẹp đấy chứ! Tậu được mấy mẫu ruộng nữa; làm thế nào chạy được cái hàm cửu phẩm, thế mà hơn làm nho(7) kia đấy. Chẳng tiếc nữa. Về làng chúng nó còn đỡ khinh. Rồi em xem, thế nào tôi cũng trị cho được cái thằng Tốn mới nghe. Nó lại muốn mua tranh ruộng của mình à? Rồi nó xem. Cái ruộng nó tậu được, nó lại phải nhả ra cho mình, mà còn lạy không xong kia. Thời buổi này mà nó dám trêu vào mình thì nó thật dại hơn con chó. Khoe tiền, rồi khóc vì tiền cho mà xem.
THƠM – Thì làm gì cứ phải thâm thù thế?
NGỌC – Thâm thù gì đâu, nhưng phải cho nó biết tay mình. Mình không là quan mà nó phải nể, thế mới thích. Lại làm thế nào khao được một chuyến, cho chúng nó biết tay, thế mới lại càng thích.
THƠM – Đấy nhớ, cứ đổ tội cho vợ tiêu. Khao, thì là ai tiêu?
NGỌC – Ai đổ tội? Thôi, có đi ngủ thì đi đi! Trông sút đi đấy. Tôi thì tôi phải đi mới được. (để đáp lại một sự bứt rứt trong lòng) Đằng nào thì chúng nó cũng bị bắt, mình chả bắt thì cũnng người khác bắt, bắt sớm lại đỡ khổ, dân lại được yên ổn làm ăn, thế lại hơn. (vui vẻ) Nhớ làm cơm cho các ông ấy đánh chén đấy. Những lũ khỉ, đi suốt đêm thế này, ngày mai giá ngủ bù thì phải, lại rủ nhau xóc đĩa…(8)
THƠM – Thôi, tôi van anh thằng Sáng. Mai thì ở nhà mà ngủ cho nó lại sức. Người đã gớm chết ra thế kia!
NGỌC (nhìn vợ) – Sao độ này lại mặc áo vá thế kia? Có lấy tiền không?
THƠM – Thôi, có thì cho mà không thì thôi. Tôi cũng chả cần nữa. Già rồi còn gì!
NGỌC (cười, ngắm vợ) – Già nhỉ!
[…]THƠM (nhìn trộm chồng, sốt ruột) – Thế nào, có đi không?
NGỌC (cau trán) – Đi bây giờ đây. Nhưng nghĩ xem chúng nó lẩn vào đâu mà mất tích chóng thế được. (lại hút thuốc, trầm ngâm) Không biết nó đi đâu. Ở xóm này, khám hết rồi, thế là không có rồi. Chắc là nó còn ở đấy, lúc nãy mình trông nhầm nó chạy về đây thì phải. Nhất định là nó còn ở đấy, phải, nhất định. Cứ vây cho đến sáng rồi xông vào, có hai thằng chứ có vạn gì mà không bắt nổi. Không bắt nổi thì tiêu tên tuổi. Lại để cho thằng Sĩ nó bắt được thì rồi “nó” còn tin mình gì nữa. Nhất định là nó còn ở đấy, chưa đi được đâu. Người chứ có phải là thánh đâu. (gật đầu) Dò đúng đến thế mà để xổng thì tự tử đi cho rồi.
THƠM – Tính gì mà tính kĩ thế?
NGỌC – Tính gì, tính tiền chứ còn tính gì? Thôi, tôi đi đây! (cầm đèn bấm và gậy định ra, lại trở vào) Giữ hộ tôi mấy trăm này.
THƠM – Cứ cầm đi có được không?
NGỌC – Thôi, lão lí cứ đòi vay. Đem đi mà không cho nó vay thì không tiện, mà cho nó vay thì đời nào nó trả mình. Tôi không có cái lối cho vay suông như thế. Đã được cửu phẩm(9) thì thôi tiền đi là phải. Mình cứ cầm đằng chuôi là hơn hết. (trao tiền cho vợ) Em như cũng hết tiền rồi?
THƠM (cầm lấy) – Anh thằng Sáng thật chỉ ăn người.
(Có tiếng gọi: “Có đi không nho Ngọc? Quan hỏi đấy”)
NGỌC (sấp ngửa) – Thôi, ở nhà nhớ! Đi ngủ đi! Mà cửa ngõ chẳng đóng gì thế là thế nào? Có đứa nào vào thì làm sao? Có ngày thì mất hết. Thôi, tôi đi đây (chạy ra).
(Nguyễn Huy Tưởng(*), Bắc Sơn, kịch(**),
NXB Văn học, Hà Nội, 1971)
Chú thích:
(*) Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nọi, viết văn từ trước 1945. Sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đề cao tinh thần dân tộc và giàu cảm hứng lịch sử. Từ sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn chủ chốt của nền văn học Cách mạng, có nhiều đóng góp trong việc phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến với những tác phẩm đậm chất anh hùng và không khí lịch sử. Nguyễn Huy Tưởng còn viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Kịch Bắc Sơn được sáng tác và đưa lên sân khấu đầu năm 1946, trong không khí sôi sục của những năm đầu kháng chiến. Vở kịch lấy bối cảnh là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (1940 – 1941) và chuyện kịch tập trung vào gia đình cụ Phương, một nông dân dân tộc Tày ở Bắc Sơn. Cụ Phương và Sáng – con trai cụ – hăng hái tham gia chiến đấu, còn bà cụ Phương và Thơm – con gái – cùng chồng là Ngọc sợ hãi lẩn tránh. Cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi bước đầu, tổ chức Đảng cử ông giáo Thái là cán bộ Đảng đến giúp củng cố phong trào. Quân Pháp, do có Ngọc dẫn đường đã kéo vào chiếm lại được Vũ Lăng, đàn áp dã man quần chúng cách mạng và truy lùng những cán bộ lãnh đạo. Quân khởi nghĩa phải rút vào rừng. Cụ Phương khi tìm vào rừng để đưa đường cho lực lượng cách mạng, bị giặc Pháp bắn, đã hi sinh. Trước cái chết của cha và em trai, lại dần nhận ra bộ mặt phản động của Ngọc, Thơm đau xót, ân hận. Thái cùng một đồng chí là Cửu bị giặc truy lùng vô tình chạy nhầm vào nhà thơm. Thơm nhanh trí che giấu và cứu thoát hai người. Bằng hành động ấy, Thơm đã dứt khoát đứng hẳn sang hàng ngũ cách mạng. Biết tin Ngọc dẫn đường cho quân Pháp lên đánh quân du kích, Thơm luồn rừng đi suốt đêm đến báo cho họ kịp thời đối phó. Lúc quay về, Thơm gặp Ngọc, bị y bắn, nhưng chính Ngọc lại trúng đạn của quân Pháp và chết.
Bắc Sơn là tác phẩm kịch đầu tiên thể hiện thành công một sự kiện cách mạng và những nhân vật mới của thời đại: quần chúng và người chiến sĩ cách mạng. Vở kịch được đánh giá là sự khởi đầu cho nền kịch cách mạng trên sân khấu nước nhà.
Kịch Bắc Sơn gồm năm hồi. Đoạn trích đưa vào sách giáo khoa là hai lớp của hồi bốn, thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm của Thơm và hành động cứu hai người cán bộ cách mạng của cô (văn bản có lược bỏ một đoạn ở lớp III cho gọn).
(**) Kịch: là một trong ba loại hình cơ bản của nghệ thuật ngôn từ gồm tự sự, trữ tình, kịch. Nếu tự sự chủ yếu sử dụng phương thức kể và tả, qua lời người kể chuyện để tái hiện đời sống; trữ tình dùng phương thức biểu cảm và bằng lời của cái tôi trữ tình để biểu hiện tình cảm, thái độ trước hiện thực, thì kịch lại dùng ngôn ngữ trực tiếp (đối thoại, độc thoại) và cử chỉ, hành động của nhân vật để thể hiện những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống. Phần văn bản của kịch gọi là kịch bản. Kịch có thể đọc, nhưng chỉ được thể hiện đầy đủ trong vở diễn trên sân khấu. Vì thế, kịch chủ yếu thuộc loại hình nghệ thuật sân khấu.
Kịch bao gồm nhiều thể loại. Phân chia theo phương thức tổ chức và diễn xuất của ngôn ngữ thì có kịch hát, kịch thơ, kịch nói. Trong sân khấu truyền thống của Việt Nam, chèo, tuồng, là những thể loại kịch hát (ca kịch), kết hợp với múa. Kịch nói có nguồn gốc từ phương Tây, được du nhập vào nước ta từ đầu thế kỉ XX. Về mặt nội dung, người ta chia thành bi kịch, hài kịch và chính kịch (còn gọi là kịch).
Vở kịch thường được chia thành các hồi (kịch ngắn thường chỉ có một hồi). Mỗi hồi thể hiện một biến cố hay sự kiện trong cốt truyện kịch, thường được phân định bằng mở màn và hạ màn trên sân khấu. Sự kiện trong một hồi thường được diễn ra ở trong một địa điểm và không thay đổi bài trí sân khấu (nhưng cũng có trường hợp thay đổi địa điểm và bài trí). Lớp là một bộ phận của hồi kịch mà thành phần nhân vật trên sân khấu không thay đổi. Khi thành phần nhân vật thay đổi thì kịch chuyển sang lớp khác.
(1) Thất sắc: thay đổi sắc mặt một cách đột ngột, từ bình thường trở thành tái đi, vì sợ hãi hoặc quá mệt mỏi.
(2) Anh thằng Sáng: cách gọi của những người trong gia đình Thơm với Ngọc – chồng của Thơm (Sáng là em trai của Thơm).
(3) Chấp trách: để tâm trách móc.
(4) Chú: ở đây là từ để gọi bố (cách gọi này không phổ biến).
(5) Mấy: với, và.
(6) Cự: bày tỏ sự không hài lòng, hoặc phản đối bằng lời lẽ gay gắt.
(7) Nho: ở đây chỉ nhân viên bậc thấp, giúp việc giấy tờ cho thừa phái và lục sự (thư lại ở bậc trung) trong các phủ huyện thời trước.
(8) Xóc đĩa: lối chơi cờ bạc thời trước, dùng bốn đồng tiền xóc mạnh trong một cái đĩa úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng xấp mấy đồng ngửa thì được.
(9) Cửu phẩm: bậc thấp nhất (thứ chín) trong các phẩm hàm mà triều đình phong kiến ban thưởng cho quan lại và nhân viên trong bộ máy chính quyền hoặc cho những người giàu, có thế lực.
Hướng dẫn soạn bài – Bắc Sơn
I. Tóm tắt
Vở kịch Bắc Sơn là câu chuyện về xung đột căng thẳng giữa lực lượng cách mạng và kẻ thù thông qua những cuộc thoại giữa nhân vật Thơm với các nhân vật khác như Cửu, Thái, Ngọc (chồng Thơm). Tgiả khẳng định sự chiến thắng của cách mạng và chính nghĩa thông qua hành động và diễn biến tâm lý của nhân vật Thơm trong vở kịch.
II. Bố cục:
– Lớp I: Lời tóm tắt, giới thiệu tình huống truyện của tác giả.
– Lớp II: Cuộc đối thoại giữa Thơm và hai người cán bộ cách mạng là Cửu và Thái.
– Lớp III: Cuộc đối thoại giữa Thơm và Ngọc.
III. Hướng dẫn soạn chi tiết bài Bắc Sơn – Nguyễn Huy Tưởng
Giải câu 1 (Trang 166 SGK ngữ văn 9 tập 2)
Thuật lại diễn biến sự việc và hành động trong các lớp kịch trích ở hồi bốn.
Trả lời:
Hồi bốn, các sự việc diễn ra chủ yếu ở gia đình Thơm – Ngọc. Trước cái chết của cha, Thơm dần dần nhận ra bộ mặt phản bội của Ngọc. Cô vô cùng đau xót, ân hận. Thái và Cửu bị giặc truy bắt đã chạy nhầm vào nhà Thơm, được Thơm che giấu và cứu thoát.
Giải câu 2 (Trang 166 SGK ngữ văn 9 tập 2)
Trong các lớp kịch này, tác giả đã xây dựng được một tình huống bất ngờ, gay cấn. Đó là tình huống nào? Tình huống ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện xung đột và phát triển hành động kịch?
Trả lời:
Tình huống kịch bất ngờ, gay cấn trong hồi bốn: Ngọc dẫn bọn lính đi lùng bắt cán bộ và du kích. Thái và Cửu bị Ngọc và đồng bọn đuổi bắt lại chạy đúng vào nhà Ngọc. Tình huống ấy buộc Thơm phải có sự lựa chọn: hoặc là để cho Ngọc bắt cán bộ, hoặc là che giấu họ ngay trong nhà. Bằng việc che giấu cho hai người, Thơm đã đứng hẳn về phía cách mạng.
Tình huống kịch: sự xuất hiện của hai người cán bộ cách mạng ở Lớp II đã đẩy mâu thuẫn kịch phát triển theo một chiều hướng khác. Trong hoàn cảnh bị địch truy bắt, lòng tin của những người cán bộ cách mạng đối với quần chúng nhân dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan đến sinh mệnh của mỗi người, rộng hơn nữa là liên quan đến sự thành bại của cách mạng.
Giải câu 3 (Trang 166 SGK ngữ văn 9 tập 2)
Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Thơm. (Chú ý: hoàn cảnh nhân vật, tâm trạng và thái độ của Thơm với chồng, hành động của cô cứu Thái, Cửu.)
Nhân vật Thơm đã có biến chuyển như thế nào trong các lớp kịch này? Ý nghĩa của sự biến chuyển ấy?
Trả lời:
Khi Thơm thấy hai người cán bộ cách mạng, cô không hề hoảng hốt mà chủ yếu là bất ngờ. Ngay sau đó, cô đã quyết định phải bảo vệ cán bộ cách mạng. Cô nhanh trí đẩy họ vào buồng trong – nơi mà theo phong tục của nhiều dân tộc thiểu số là cấm kị đối với người lạ. Chính điều đó đã tránh được sự nghi ngờ của Ngọc.
Lúc đầu, Thơm giả bộ ngọt ngào với chồng, lại còn tỏ ra ân hận về những lời nói không phải với chồng trước đó để Ngọc không nghi ngờ gì.
Sau đó lại cố tình nói to lên để hai cán bộ cách mạng không đi ra ngoài theo lối vườn sau – nơi đã bị đồng bọn của Ngọc đứng sẵn ở đó.
Cuối cùng, Thơm tìm cách đẩy chồng đi để nhanh chóng giải thoát cho hai người cán bộ. Tuy như vậy là mâu thuẫn với ý định ban đầu giữ chồng ở nhà của Thơm, nhưng may mắn là Ngọc không có nghi ngờ gì cả.
⇒ Sự chuyển biến trong hồi bốn của Thơm thể hiện sự nhanh trí và có phần gan dạ của cô, nó còn thể hiện lòng tin với Đảng, với cách mạng và tình yêu đất nước của nhân vât. Đồng thời nó cho thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng.
Giải câu 4 (Trang 166 SGK ngữ văn 9 tập 2)
Phân tích các nhân vật Ngọc, Thái Cửu. Chú ý những điểm sau:
– Bằng những thủ pháp nào tác giả để cho nhân vật Ngọc bộc lộ bản chất của y, và đó là bản chất gì?
– Những nét nổi rõ tính cách của Thái, của Cửu là gì?
Trả lời:
Ngọc đã bộc lộ đầy đủ bản chất của một tên Việt gian bán nước. Vốn chỉ là nhà nho địa vị thâp kém hắn đã nuôi tham vong về địa vị và tiền bạc. Khởi nghĩa nổ ra, hắn làm tay sai cho giặc, dẫn quân Pháp về đánh căn cứ khởi nghĩa, sau đó lại ra sức truy lùng những người cách mạng. Bản chất xấu xa của Ngọc dẫu được che giấu nhưng vẫn dần hiện ra.
Trong hổi bốn, Thái và Cửu bị giặc truy đuổi, lại chạy nhầm vào chính nhà tên Ngọc. Thái đã hết sức bình tĩnh, sáng suốt, đồng thời rất tin tưởng vào sự ủng hộ của quần chúng, ngay cả khi đó là vợ của một tên Việt gian. Trong khi đó, Cửu có phần nôn nóng, thiếu chín chắn anh nghi ngờ Thơm, thậm chí còn định bắn cô.
Giải câu 5 (Trang 167 SGK ngữ văn 9 tập 2)
Nhận xét về nghệ thuật viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng trong các lớp kịch này, chú ý các phương diện xây dựng tình huống, tổ chức đối thoại, biểu hiện tâm lí và tính cách nhân vật.
Trả lời:
Nghệ thuật viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng thành công ở tạo dựng tình huống kịch bộc lộ xung đột, tổ chức đối thoại, thể hiện tậm lí và tính cách nhân vật.
Soạn phần luyện tập bài Bắc Sơn (Trích hồi bốn – Nguyễn Huy Tưởng)
Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 167 SGK ngữ văn 9 tập 2)
Chia mỗi nhóm bốn em, tập đọc phân vai theo các nhân vật trong trích đoạn kịch này.
Trả lời:
Học sinh tự chia nhóm và tập đọc phân vai theo các nhân vật trong trích đoạn kịch này.
Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 167 SGK ngữ văn 9 tập 2)
Đọc kĩ lại chú thích (**) về kịch ở bài này, vận dụng để xác định thể loại của những vở kịch mà em đã học hoặc được xem.
Trả lời:
Tên vở kịch | Thể loại |
---|---|
Bắc Sơn | Chính kịch |
Tôi và chúng ta | Chính kịch |
Romeo và Juliet | Bi kịch |
Chèo Quan Âm Thị Kính | Kịch hát |
Quan lớn về làng | Kịch hát |
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Bắc Sơn
Câu 1. Thuật lại diễn biến sự việc và hành động trong các lớp kịch trích ở hồi bốn.
Trả lời:
Các sự việc trong hồi kịch này diễn ra chủ yếu ở gia đình Thơm – Ngọc. Trước cái chết của cha, Thơm dần dần nhận ra bộ mặt phản bội của Ngọc. Cô vô cùng đau xót, ân hận. Thái và Cửu bị giặc truy bắt đã chạy nhầm vào nhà Thơm, được Thơm che giấu và cứu thoát.
Câu 2. Trong các lớp kịch này, tác giả đã xây dựng được một tình huống bất ngờ, gay cấn. Đó là tình huống nào? Tình huống ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện xung đột và phát triển hành động kịch?
Trả lời:
Tình huống bất ngờ, gay cấn : Thái và Cửu bị Ngọc truy đuổi chạy đúng vào nhà Thơm (Ngọc). Tình huống này bộc lộ rõ xung đột kịch và có tác dụng thúc đẩy hành động kịch: Buộc nhân vật Thơm phải có chuyển biến thái độ, dứt khoát đứng về phía cách mạng…
Câu 3. Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Thơm. (Chú ý: hoàn cảnh nhân vật, tâm trạng và thái độ của Thơm với chồng, hành động của cô cứu Thái, Cửu.)
Nhân vật Thơm đã có biến chuyển như thế nào trong các lớp kịch này? Ý nghĩa của sự biến chuyển ấy?
Trả lời:
Tâm trạng và hoàn cảnh nhân vật Thơm:
– Hoàn cảnh: Cha, em trai đã hi sinh, mẹ thì hóa điên bỏ đi. Còn người thân duy nhất là chồng mình (Ngọc), Ngọc đang dần lộ bộ mặt Việt gian.
– Tâm trạng: Thơm day dứt, ân hận bao nhiêu về cái chết của cha, em và mẹ thì nỗi nghi ngờ chồng lại chồng chất bấy nhiêu mặc dù Ngọc rất chiều cô.
– Thái độ với chồng: Băn khoăn, nghi ngờ chồng, tìm cách dò xét, cố níu chút hi vọng về chồng.
– Hành động: Che giấu Thái, Cửu – hai chiến sĩ cách mạng ngày trong buồng mình. Khôn ngoan, che mắt Ngọc để bảo vệ chiến sĩ cách mạng.
Một tình huống bất ngờ xảy ra với Thơm, buộc cô phải lựa chọn thái độ dứt khoát: Đặt nhân vật vào hoàn cảnh căng thẳng, gay cấn, tác giả đã làm bộc lộ đời sống nội tâm với nỗi day dứt, đau xót và ân hận của Thơm, để rồi nhân vật đã hành động dứt khoát, đứng hẳn về phía cách mạng.
Câu 4. Phân tích các nhân vật Ngọc, Thái Cửu. Chú ý những điểm sau:
– Bằng những thủ pháp nào tác giả để cho nhân vật Ngọc bộc lộ bản chất của y, và đó là bản chất gì?
– Những nét nổi rõ tính cách của Thái, của Cửu là gì?
Trả lời:
* Nhân vật Ngọc:
Tên Việt gian bán nước. Mang tham vọng ngoi lên để thỏa mãn lòng ham muốn địa vị và tiền bạc mà chịu làm tay sai cho giặc, ra sức truy lùng cách mạng, che giấu bản thân trước Thơm, ngày càng dấn thân vào con đường phản động.
* Nhân vật Thái và Cửu:
Thái dày dặn kinh nghiệm, tinh tế trong hành xử (chạy nhầm vào nhà Ngọc nhưng vẫn bình tĩnh, sáng suốt). Cửu hăng hái, nóng nảy, thiếu chín chắn (nghi ngờ Thơm, thậm chí còn định bắn cô).
Câu 5. Nhận xét về nghệ thuật viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng trong các lớp kịch này, chú ý các phương diện xây dựng tình huống, tổ chức đối thoại, biểu hiện tâm lí và tính cách nhân vật.
Trả lời:
Những nét chung đáng chú ý trong thành công nghệ thuật của các lớp kịch này.
– Thể hiện xung đột: xung đột cơ bản của vở kịch đến hồi bốn đã bộc lộ gay gắt trong sự đối đầu giữa Ngọc với Thái, Cửu, trong hoàn cảnh cuộc khởi nghĩa bị đàn áp và Ngọc cùng đồng bọn đang truy lùng những người cách mạng. Đồng thời xung đột kịch cũng diễn ra trong nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng nhân vật để đi tới bước ngoặt quan trọng.
– Xây dựng tình huống: tình huống éo le, bất ngờ, bộc lộ rõ xung đột và thúc đẩy hành động kịch phát triển.
– Ngôn ngữ đối thoại: tác giả đã tổ chức được các đối thoại với những nhịp điệu, giọng điệu khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn của hành động kịch, (đối thoại giữa Thái, Cửu với Thơm của lớp II có nhịp điệu căng thẳng gấp gáp, giọng lo lắng, hồi hộp). Đối thoại đã bộc lộ nội tâm và tính cách nhân vật (đặc biệt ở lớp III).
Soạn phần luyện tập bài Bắc Sơn trang 167 SGK ngữ văn 9 tập 2
Bài 1. Chia mỗi nhóm bốn em, tập đọc phân vai theo các nhân vật trong trích đoạn kịch này.
Trả lời:
Học sinh chia nhóm và tập đọc.
Bài 2. Đọc kĩ lại chú thích (**) về kịch ở bài này, vận dụng để xác định thể loại của những vở kịch mà em đã học hoặc được xem.
Trả lời:
Tên vở kịch | Thể loại |
---|---|
Bắc Sơn | Chính kịch |
Tôi và chúng ta | Chính kịch |
Romeo và Juliet | Bi kịch |
Chèo Quan Âm Thị Kính | Kịch hát |
Quan lớn về làng | Kịch hát |
(HTTPS://BAIVIET.ORG)