Lý thuyết Bài mở đầu Trang 5 – 8 SGK Công nghệ lớp 10

Tóm tắt lý thuyết bài Bài mở đầu (Trang 5, 6, 7, 8 SGK Công nghệ lớp 10) cần nhớ:

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

– Nước ta nằm ở vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp sinh trưởng, phát triển nhiều loại vật nuôi, cây trồng.

– Những điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp:

  • Gần hai phần ba dân số sống bằng nghề nông.
  • Nhân dân cần cù, chăm chỉ.

– Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có những đóng góp đáng kể trong nền kinh tế quốc dân.

  1. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đóng góp một phần không nhỏ vào cơ cấu tổng sản phẩm trong nước.
  2. Ngành nông, lâm, ngư nghiệp sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
  3. Ngành nông, lâm, ngư nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa và xuất khẩu.
  4. Hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp còn chiếm trên 50% tổng số lao động tham gia vào các ngành kinh tế.

II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY

1. Thành tựu

a) Thành tựu nổi bật nhất là sản xuất lương thực tăng liên tục.

b) Thành tựu thứ hai là bước đầu đã hình thành một số ngành sản xuất hàng hóa với các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

c) Một số sản phẩm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

2. Hạn chế

– Năng suất và chất lượng sản phẩm còn thấp.

– Hệ thống giống cây trồng, vật nuôi; cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP Ở NƯỚC TA

Trong thời gian tới, ngành nông, lâm, ngư nghiệp nước ta cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau đây:

1. Tăng cường sản xuất lương thực để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

2. Đầu tư phát triển chăn nuôi để đưa ngành này thành ngành sản xuất chính.

3. Xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng nhanh và bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái – đủ lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu nhưng không gây ô nhiễm môi trường.

4. Áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực chọn, tạo giống vật nuôi, cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

5. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status