Giải câu hỏi Luyện tập – Đặc điểm của văn bản biểu cảm (Trang 87 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Giải câu hỏi Luyện tập – Đặc điểm của văn bản biểu cảm (Trang 87 SGK ngữ văn 7 tập 1) – Phần soạn bài Đặc điểm của văn bản biểu cảm trang 84 – 87 SGK ngữ văn lớp 7 tập 1.

Đề bài:

Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:

HOA HỌC TRÒ 

Phượng cứ nở.Phượng cứ rơi.Bao giờ cũng có hoa phượng rơi, bao giờ cũng có hoa phượng nở.Nghỉ hè đã đến.Học sinh sửa soạn về nhà.Nhà chưa về, cái vui gia đình đâu chửa thấy, chỉ thấy xa trường, rời bạn, buồn xiết bao!Những cuộc tình duyên giữa bạn bè, đến lúc rẽ chia, cũng rẽ chia dưới màu hoa phượng; dù hữu tâm, dù vô tình, người nào cũng có sắc hoa phượng nằm ở trong hồn.Phượng xui ta nhớ cái gì đâu.Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt..Nhớ một trưa hè gà gáy khan… Nhớ một thành xưa son uể oải…

…Thôi học trò đã về hết, hoặc hoa phượng ở lại một mình.Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường.Hè đang thịnh, mọi nơi đều buồn bã, trường ngủ, cây cối cũng ngủ.Chỉ có hoa phượng thức để làm vui cho cảnh trường.Hoa phượng thức, nhưng thỉnh thoảng cũng mệt nhọc, muốn lim dim.Gió qua, hoa giật mình, một cơn hoa rụng.

Cứ như thế, hoa – học – trò thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút và xa bạn học sinh !Hoa phượng rơi, rơi… Hoa phượng mưa.Hoa phượng khóc.Trường tẻ ngắt, không tiếng trống, không tiếng người.Hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ.Ba tháng trời đằng đẵng.Hoa phượng đẹp với ai, khi học sinh đã đi cả rồi!

(Theo Xuân Diệu)

Câu hỏi: 

a) Bài văn thể hiện tình cảm gì? Việc miêu tả hoa phượng đóng vai trò gì trong bài văn biểu cảm này? Vì sao tác giả gọi hoa phượng là hoa – học – trò?

b) Hãy tìm mạch ý của bài văn.

c) Bài văn này biểu cảm trực tiếp hay gián tiếp?

Trả lời:

a) Bằng hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: hoa phượng, Xuân Diệu đã thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế cảm xúc của tuổi học trò trong những ngày hè chia li. Những trạng thái cảm xúc được biểu hiện ở ba đoạn văn mang sắc thái khác nhau, từ bối rối, xuyến xao buồn nhớ đến những khoảnh khắc trống trải, xa vắng và nỗi niềm cô đơn, bâng khuâng nhung nhớ, dỗi hờn. Tất cả đều được tác giả gửi gắm qua hình ảnh hoa phượng, gợi lên từ hoa phượng, hoá thân vào hoa phượng mà thổ lộ tâm tình.

b) Mạch ý của bài văn gồm 3 đoạn.

– Đoạn 1: Phượng khơi dậy bao nỗi niềm chia xa trong lòng người.

– Đoạn 2: Phượng thức đợi một mình khi học trò đã về xa.

– Đoạn 3: Phượng khóc vì thời gian đợi chờ dài đằng đẵng.

=> Xuyên suốt cả bài văn đó là nỗi niềm hoa phượng.

c) Bài văn này vừa dùng hình thức biểu cảm trực tiếp, vừa dùng hình thức biểu cảm gián tiếp.

– Gián tiếp: Dùng hoa phượng để nói lên nỗi niềm của lòng người.

– Trực tiếp: Có những câu trực tiếp thể hiện cảm xúc của tác giả: “Nhớ người sắp xa còn đứng trước mặt… Nhớ một trưa hè gà gáy khan…” “Thấy xa trường rồi bạn buồn xiết bao”.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status