Giải câu 3 – Luyện Tập Trên Lớp (trang 159 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Giải câu hỏi 3 – Luyện Tập Trên Lớp (Trang 159 SGK ngữ văn lớp 12 tập 1) – Phần soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận trang 158 -162 SGK ngữ văn lớp 12 tập 1.

Đề bài:

Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi về chủ đề “Nhà văn mà tôi hâm mộ” do Câu lạc bộ Văn học của nhà trường tổ chức.

Trả Lời:

Có lẽ như chúng ta đã biết trong nền văn học Việt nam hiện đại, người mà để lại trong lòng độc giả những ấn tượng sâu sắc nhất đó là nhà văn Nam Cao. Ông là một nhà văn lớn của dân tộc, nếu chiến tranh không cướp đi sinh mạng ông thì chắc hẳn ông đã ngày càng mang nhiều vẻ vang cho nền văn học của dân tộc. Chính vì thế mà tôi hâm mộ Nam Cao bởi những quan niệm sống và viết về những con người nông dân dưới xã hội cũ một cách tinh tế và nặng lòng.

Nam Cao (1915 – 1951) là bút danh của nhà văn – nhà báo – liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại Hà Nam (cách thành phố Nam Định chừng hơn 10 km). Học xong thành chung, Nam Cao bôn ba nhiều nơi, nhưng bệnh tật đẩy ông về quê. Từ đó, Nam Cao sống chật vật bằng nghề dạy học và viết văn. Năm 1943, ông vào Hội Văn hoá cứu quốc. Tham gia Tổng khởi nghĩa ở quê hương, ông được cử làm chủ tịch xã. Sau Cách mạng, với tư cách phóng viên – Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến, rồi lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ. Cuối tháng 11 năm 1951, trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm, Nam Cao anh dũng hi sinh tại làng Vũ Đại, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.Ông là cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực (1940 – 1945), là người đi tiên phong trong việc xây dựng nền văn học mới, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ( 1996 ).

Nhìn bề ngoài con người ông, ông là một người ít nói, lạnh lùng nhưng trong thâm tâm ông thì đang sôi sục xung đột gay gắt giữa lòng nhân đạo và thói ích kỷ, giữa tinh thần dũng cảm và thái độ hèn nhát, giữa tính chân thực với sự giả dối, giữa khát vọng cao cả với mong muốn tầm thường. Những điều này được thể hiện rất rõ trên những trang viết của ông. Ông sống ân tình với người nghèo khổ, bị áp bức, khinh miệt. Ông cho rằng: “không có tình thương thì không xứng đáng được gọi là Người”. Vì thế khi viết về đề tài những con người nông dân nghèo khổ bị áp bức bóc lột, ngòi bút Nam Cao lúc nào cũng tràn đầy niềm xót thương, cảm thông…Từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày mà ông đã nêu lên được vấn đề lớn của xã hội và nhiều bài học triết lí sâu sắc khiến người đời nể phục.

Trước cách mạng trong truyện ngắn “ Trăng sáng” ông từng viết: “ Nghệ thuật chỉ là tiếng đau khổ kia cất lên từ kiếp lầm than”. Vậy là từ rất sớm ông đã ý thức được rõ vai trò của người cầm bút là phải bám sát vào cuộc sống hiện thực của nhân dân để phản ánh và đồng cảm với nhân dân trong xã hội. Trong đó, đặc biệt là tác phẩm “Chí Phèo” xứng đáng là kiệt tác. Viết về đề tài này, ông khắc họa bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam xơ xác , bần cùng trong khoảng thời gian 1940 -1945. Ông quan tâm tới tình trạng nghèo đói và quá trình một bộ phận thấp cổ bé họng bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người. Càng hiền lành họ càng bị chà đạp phũ phàng. Viết về những con người nông dân, Nam Cao kết án đanh thép xã hội thực dân phong kiến đã huỷ hoại nhân hình, sói mòn nhân tính của những con người lương thiện. Không “bôi nhọ” nông dân, ông đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện, khẳng định nhiều phẩm chất cao cả của những người bị xã hội dập vùi.

Như vậy xuất phát từ những quan điểm ấy nguồn bút của Nam cao theo sát đời sống khổ ải, bần cùng của người nông dân đương thời. Khi chúng ta đọc lại những trang của ông, ta vẫn bị ám ảnh nặng nề bởi cái khổ cực khốn cùng nhất là viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Dường như cái đói giống như một bệnh lây lan với tốc độ nhanh và khủng khiếp trên những trang viết của ông. Chắc hẳn rằng người đọc hôm nay đã có lúc sợ hãi. Sợ hãi bởi phải đối mặt với những cái đau khổ, rùng rợn. Tôi nghĩ là khi viết những truyện ngắn ấy ông đã sống và cảm nhận đời sống bằng máu thịt để mỗi nhịp tim nhà văn rung lên bắt nhịp cho những cảm xúc vô bờ bến. Tất cả những cái đói, lời chửa rủa trách móc, tiếng khóc thảm thương, sự bế tắc,…Nam cao đã mang cả tấm lòng của mình để đón nhận, quằn quặn và đau đáu viết.

Ông hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khi mới 37 tuổi, khi đó ông chưa biết ông được tôn vinh là nhà văn lớn. Hơn nửa thế kỉ đã qua đi, những tác phẩm của ông ngày càng khẳng định giá trị hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Tôi rất hâm mộ ông, một con người có có tấm lòng chân thành sống hết mình vì nhân dân và cuộc sống hiện thực khắc nghiệt để những trang viết được vẻ vang đến tận ngày hôm nay.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status