Giải câu 2 (Trang 154 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Giải câu hỏi 2 (Trang 154 SGK ngữ văn 7 tập 1) – Phần soạn bài Luyện nói: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học trang 154 SGK ngữ văn lớp 7 tập 1.

Đề bài:

Phát biểu cảm nghĩ về bài Rằm tháng giêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trả lời:

Mở bài: Giới thiệu chung tác phẩm.

Thân bài:

* Cảnh thiên nhiên :

Cảnh bát ngát, mênh mông và thật nên thơ.

– Hình ảnh trăng “lồng lộng”, lung linh.

– Mây trời hòa trộn vào nhau. Sông, nước, trời, thiên nhiên kết hợp một sắc “xuân”, lại cả ánh trăng nữa, cảnh thật đẹp và huyền ảo.

– Từ “xuân” được lặp lại ba lần làm nổi bật sức sống mãnh liệt của đất trời.

* Con người và việc quân :

– Trong không gian đẹp ấy, con người hiện lên với việc dân việc nước. Bác và các chiến sĩ có tấm lòng yêu nước, phải bàn bạc việc quân trong đêm để tránh sự theo dõi của quân địch.

– Kết thúc bài thơ lại là hình ảnh thiên nhiên tuyệt vời, ánh trăng “ngân đầy thuyền”. Hình ảnh đẹp, thơ mộng như vậy làm ta thật khâm phục tâm hồn tinh tế, tình yêu thiên nhiên của Bác.

Kết bài: Tổng kết lại bài thơ về 2 nội dung chính : thiên nhiên và con người.

Tham khảo thêm bài văn mẫu Rằm tháng giêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài văn mẫu 1:

Rằm tháng Giêng năm 1948, trên chiếc thuyền neo đậu giữa một dòng sông ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch cùng Trung ương Đảng và Chính phủ mở cuộc họp tổng kết về tình hình quân sự thời kì đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1948). Cuộc họp tan thì đêm đã khuya. Trăng rằm tỏa sáng khắp mặt đất bao la. Cảnh sông núi trong đêm càng trở nên đẹp đẽ và thơ mộng. Cảm hứng dâng cao, Bác đã ứng khẩu làm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, tựa là Nguyên tiêu:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân sang xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Sau đó, nhà thơ Xuân Thủy dịch bài thơ ra tiếng Việt dưới thể lục bát, với tên là Rằm tháng Giêng. Bản dịch giữ được gần hết ý thơ trong nguyên tác với nội dung thể hiện tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước thiết tha của Bác Hồ.

Nếu trong bài Cảnh khuya, Bác tả cảnh trăng đẹp chốn rừng sâu thì ở bài này, Bác tả cảnh trăng trên sông nước:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng bát ngát khắp bầu trời, mặt đất trong đêm Nguyên tiêu. Khung cảnh mênh mông, tưởng như sông nước tiếp liền với bầu trời: Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân. Vạn vật ăm ắp sức xuân: sông xuân, nước xuân và trời xuân nối tiếp, giao hòa, tạo nên một vũ trụ căng đầy sức sống, làm náo nức lòng người. Điệp từ xuân được lặp lại nhiều lần với ý tạo vật cùng lòng người đều phơi phới khí thế tươi vui.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Trên một chiếc thuyền thu nhỏ giữa chốn mịt mù khói sóng (yên ba thâm xứ), Bác cùng Chính phủ và Trung ương Đảng luận bàn việc quân, việc nước. Công việc trọng đại đến chừng nào, nhất là trong hoàn cảnh buổi đầu kháng chiến đầy thiếu thốn, gian khổ. Tuy vậy, gian khổ không làm vơi đi cảm xúc, thi hứng trong lòng Bác. Buổi họp kết thúc vào lúc nửa đêm. Trăng tròn vành vạnh treo giữa trời (nguyệt chính viên) đang tỏa sáng. Cảnh sông nước trong đêm lại càng thêm thơ mộng. Dòng sông trở thành dòng sông tẳng và con thuyền cũng dường như trở đầy ắp ánh tẳng (trăng ngân đầy thuyền). Trước đêm trăng đẹp, tâm hồn Bác lâng lâng. Bác thả hồn hòa nhập với thiên nhiên mà Bác vốn coi là một người bạn tri âm, tri kỉ. Trong lòng Bác dâng trào một niềm vui, niềm tin vào thắng lợi của Cách mạng, của kháng chiến. Hình ảnh con thuyền trở đầy ánh trăng lướt nhẹ trên dòng sông trăng là một hình ảnh lãng mạn có ya nghĩa tượng trưng sâu sắc. Phải có một phong thái ung dung tự tại và niềm lạc quan mãnh liệt vào tương lai thì nhà thơ mới sáng tạo ra được hình tượng nghệ thuật độc đáo trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

Bài thơ Rằm tháng Giêng với âm hưởng khỏe khoắn, tươi vui đã đem lại cho người đọc cảm xúc thanh cao, trong sáng. Bài thơ là dẫn chứng tiêu biểu chứng minh Bác Hồ vừa là một lãnh tụ cách mạng tài ba, vừa là một nghệ sĩ có trái tim vô cùng nhạy cảm.

Bài văn mẫu 2:

Rằm tháng Giêng là một trong bài thơ hay và đặc sắc nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh được viết năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1948). Giữa cảnh núi rừng về đêm, những người chiến sĩ dường như đã trở nên mỏi mệt, Bác đã tả cảnh đẹp bao la ấy bằng những tình yêu nước tha thiết của Bác ở ngay trong rằm tháng Giêng:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Giữa núi rừng bao la, từ cảnh đẹp của chốn rừng xanh nước biếc, Bác đã có những vần thơ tả cảnh cảnh. Nếu như ở trong Cảnh khuya Bác làm bạn với ánh trăng, với non nước thì trong Rằm tháng Giêng, Bác lại được hòa mình vào chốn khung cảnh núi rừng:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Trong đêm Nguyên Tiêu, Bác đã khắc tả hình ảnh vầng trăng tròn đầy, lan tỏa ra khắp cánh rừng già, tưởng chừng đang ngủ quên thì bây giờ lại như bừng tỉnh giấc bởi vầng trăng già. Sông xuân nước biếc, cảnh rừng già đang từng thức giấc, một bầu trời xuân, một dòng sông xanh, cánh rừng già không chỉ mang một màu u ám, mà ngược lại, cảnh sắc khung trời của mùa xuân đã tô điểm thêm cho màu trời, màu của trời xuân, tạo nên một mối quan hệ làm nao nức lòng người giữa con người và cảnh vật thiên nhiên nơi đây, đây không chỉ là sự tương tác giữa người với thiên nhiên mà bây giờ, con người với thiên nhiên đang hòa làm một. Điệp từ xuân đã được tác giả nhấn mạnh để có thể làm lên dụng ý của tác giả. Nhưng dù cảnh có đẹp đến đâu, thì Bác vẫn không thể nào quên được việc nước, việc quân – đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn Dân:

Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Chỉ trên một con thuyền nhỏ, nhưng lại chứa nhiều việc lớn, Bác cùng với Chính phủ và Trung ương Đảng đã bàn luận việc nước, việc quân, dù còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng những con người ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, đơn sơ ấy vẫn đang giữ vừng niềm tin, niềm tin vào một con đường, một lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Buổi họp được kết thúc vào lúc nửa đêm, tâm hồn của Bác và các những chiến sỹ lại hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, khiến cho dòng sông và con thuyền được chở đầy ánh trăng, phải chăng tâm hồn những người chiến sĩ, những người con của đất nước cũng đang được ánh trăng lấp đầy. Phải chăng người bạn tri kỷ của Bác – ánh trăng lại luôn nhớ về người bạn tri âm tri kỷ của mình. Trăng luôn đồng hành với Bác, không chỉ trong những cảnh đêm thanh vắng, những đêm Bác mất ngủ mà trăng còn luôn đồng hành khi Bác ở trong tù – một nơi lạnh lẽo và cũng rất đơn độc.

Nhưng với phong thái của một người chiến sĩ cách mạng và một tâm hồn phong phú, ung dung tụ tại, hình ảnh ánh trăng, những hình ảnh, những lỗi lo lắng của Bác như đã được hòa quyện vào nhau. Trái tim của người nghệ sĩ, người chiến sĩ cách mạng như đã bị rung động, đã bị thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên của nơi đây, một nơi thấm đậm tình cảm và tình yêu quê hương đất nước phong phú.

Bài thơ kép lại nhưng những âm hưởng tươi mới, tâm hồn yêu cái đẹp và muốn hưởng thụ cái đẹp của thiên nhiên, để con người có thể đắm mình trong những vẻ đẹp ngây ngất thì sẽ còn mãi – một vẻ đẹp thanh cao, một trái tim luôn thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước.

Bài văn mẫu 3:

“Rằm tháng giêng” là một trong những bài thơ hay nằm trong chùm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được Người sáng tác ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã để lại trong em nhiều ấn tượng đẹp đẽ về khung cảnh thiên nhiên Việt Bắc cũng như tâm hồn, tình cảm của Người.

Đọc bài thơ, trước hết em vô cùng thích thú vì được chiêm ngưỡng khung cảnh đêm rằm tháng giêng trên sông qua ngòi bút tài hoa của Hồ Chí Minh:

“ Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên”

( Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân)

Câu mở đầu bài thơ đã khắc hoạ cảnh đêm rằm thật đẹp. Ba chữ: “ Nguyệt chính viên” giúp em hình dung một khung cảnh tràn ngập ánh trăng, trên bầu trời vầng trăng đang độ tròn nhất, sáng nhất. Thật tiếc, bản dịch thơ của Xuân Thuỷ mới chỉ gợi tả được một không gian chan chứa ánh trăng chứ chưa gợi tả hết được vẻ tròn đầy, sáng trong của vầng trăng đêm rằm. Không chỉ vẽ ra trước mắt người đọc cảnh đêm trăng huyền ảo, Hồ Chí Minh còn vẽ ra trước mắt ta một không gian đầy ắp sắc xuân qua câu thơ:

“ Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên”

Các hình ảnh: “ Xuân giang” “ Xuân thuỷ” “ Xuân thiên” được đặt liền nhau gợi một không gian vừa cao, vừa xa, vừa rộng làm em có cảm giác dòng sông, mặt nước như tiếp liền bầu trời. Từ “Xuân” lặp lại ba lần trong cùng một dòng thơ gợi sức sống mùa xuân tràn ngập không gian, đầy ắp vũ trụ. Cảnh vừa thực lại vừa hư ảo làm em càng thấy say mê, thích thú. Nhưng thật tiếc làm sao! Lại một lần nữa, câu thơ dịch của Xuân Thuỷ đã bỏ bớt đi một từ: “ Xuân”nên phần nào làm giảm đi vẻ đẹp của câu thơ trong nguyên tác.

Đọc hai câu thơ đầu bài thơ: “Rằm tháng giêng” em chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài : “ Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh :

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
( Cảnh khuya)

Cũng vẫn là cảnh đêm trăng song mỗi bài mang một vẻ đẹp riêng. ở bài: “ Cảnh khuya” là cảnh trăng trên rừng có âm thanh trong trẻo, vang xa của tiếng suối, có bóng trăng đan cài vào bóng cây, bóng hoa tạo thành một bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét. Còn ở bài: “Rằm tháng giêng” là cảnh đêm trăng nơi sông nước với không gian bát ngát khí xuân và lai láng ánh trăng. Cả hai bài thơ đều là những bức hoạ tài tình dưới ngòi bút tài hoa của Bác, đem đến cho em nhiều rung cảm sâu xa.

Em yêu thích bài thơ: “Rằm tháng giêng” không chỉ vì bài thơ tái hiện một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp làm mê luyến lòng người mà qua bài thơ em càng hiểu rõ hơn về tâm hồn tình cảm cao đẹp của Bác. Thấp thoáng trong bài thơ là hình ảnh một vị lãnh tụ luôn trăn trở cho vận mệnh nước nhà:

“Yên ba thâm sứ đàm quân sự”
( Giữa dòng bàn bạc việc quân)

Trước mắt em hiện ra hình ảnh một chiếc thuyền đang bồng bềnh giữa sông nước mịt mờ khói sóng . Trên thuyền, Bác và các cán bộ đang bàn bạc những công việc liên quan đến vận mệnh đất nước và đường lối kháng chiến. Đọc tới đây, em bỗng nhớ tới câu thơ của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường( Trung Quốc):

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”

Người xưa nhìn thấy khói sóng thì cảm thấy buồn, sầu, trống vắng, cô đơn còn Bác, ở nơi khói sóng, Người đang thao thức lo “nỗi nước nhà”. Nỗi niềm lo lắng cho dân cho nước ấy của Bác khiến em vô cùng xúc động, em lại càng thêm kính trọng và biết ơn Người.

Bên cạnh đó, em cũng đồng cảm với tình yêu thiên nhiên và khâm phục phong thái ung dung, lạc quan của Bác. Mặc dù cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn, gian khổ, mặc dù bận bịu biết bao công việc của đất nước vậy mà Bác vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và sáng tạo nên những dòng thơ đầy thi vị:

“ Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền”
( Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)

Hình ảnh: “ Nguyệt mãn thuyền” là hình ảnh đẹp đầy lãng mạn, thể hiện trí tưởng tượng và liên tưởng vô cùng phong phú, độc đáo. Phải là một người có trái tim nhạy cảm, yêu thiên nhiên, có tâm hồn nghệ sĩ mới tạo nên hình ảnh thơ tuyệt đẹp đến thế! Đọc tới đây, em bỗng tưởng tượng ra hình ảnh một con thuyền ăm ắp ánh trăng đang nhẹ nhàng trôi trên dòng sông xuân. ánh trăng tràn ngập khoang thuyền làm em liên tưởng tới khoang thuyền đầy ắp những chiến công rực rỡ mà quân và dân ta vừa thu được trong chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông trước đó. Câu thơ đẹp và phơi phới niềm vui, niềm lạc quan bất tận khiến em càng đọc càng cảm thấy say mê và cảm phục Bác. Em lại nhớ tới câu thơ của nhà thơ Trương Kế:

“ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
( Nửa đêm tiếng chuông chùa văng vẳng đến thuyền khách)
( Phong kiều dạ bạc- Trương Kế)

Con thuyền của nhà thơ Trương Kế dừng lại trên bến, hoàn toàn im ắng, tĩnh lặng trong màn sương khuya và ánh trăng tàn. Cảnh vật đượm nỗi u buồn. Hình ảnh con người khuất lẫn trong không gian mênh mang với nỗi buồn vương vấn. Còn con thuyền của Bác, trong mịt mù khói sóng vẫn dào dạt niềm vui, niềm tin vào sự thắng lợi của Cách mạng. Hình ảnh thơ đầy sáng tạo đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn Bác: yêu thiên nhiên hòa quện với lòng yêu nước thiết tha, sâu nặng. Đó cũng là sự kết hợp hài hòa giữa tâm hồn nghệ sĩ với phẩm chất người chiến sĩ.

Yêu thích nội dung bài thơ “Rằm tháng giêng” bao nhiêu em lại càng ngưỡng mộ tài năng nghệ thuật của Bác được thể hiện trong bài bấy nhiêu. “Rằm tháng giêng” là bài thơ tiểu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Một phong cách độc đáo bởi có sự kết hợp hài hoà giữa cổ điển và hiện đại. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, bút pháp miêu tả cổ điển và những thi liệu cổ, bài thơ không chỉ tái hiện một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, phảng phất hương vị Đường thi mà còn gửi gắm tâm hồn, tình cảm, phong thái của người Cách mạng.

Bài thơ đã khép lại song dư âm bài thơ như vẫn văng vẳng trong em. Đọc bài thơ, em càng thấy yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, em càng thêm yêu quý và biết ơn Bác Hồ.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status