Giải câu hỏi 1 (Trang 138 SGK ngữ văn lớp 12 tập 2) – Phần soạn bài Diễn đạt trong văn nghị luận trang 136 – 141 SGK ngữ văn lớp 12 tập 2.
Đề bài:
Câu 1. Tìm hiểu các ví dụ sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.
Đề bài: Phân tích nhân vật Trọng Thủy trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
(1) Ở phần đầu truyền thuyết, khi Trọng Thuỷ tìm cách đánh cắp nỏ thần, những âm mưu và tham vọng tăm tối xâm chiếm con người chàng. Sau khi đạt được âm mưu, phần con người trong chàng mới lên tiếng. Giờ đây, chàng phải đối mặt với những mất mát lớn. Chàng mất Mị Châu, người vợ hiền dịu, ngây thơ, hết lòng vì chồng. Đến lúc này chàng mới nhận ra sự tàn khốc của những âm mưu xâm lược mà chàng là kẻ thừa hành và là thủ phạm. Trọng Thuỷ luôn nhìn thấy hình bóng Mị Châu nơi giếng nước vì chàng không muốn tin và không chấp nhận cái chết của nàng, cũng vì thế chàng không thể tha thứ cho bản thân mình. Tuy đã muộn, nhưng trong nỗi ân hận, Trọng Thuỷ đành lựa chọn cái chết để sám hối và mong chuộc lại lỗi lầm, tự trừng phạt và thanh tẩy tội lỗi.
(2) Nếu như từ đầu truyền thuyết, khi Trọng Thuỷ tìm cách đánh cắp nỏ thần, những âm mưu và tham vọng tăm tối xâm chiếm con người chàng thì sau khi âm mưu hoàn tất, phần con người trong chàng mới lên tiếng. Giờ đây, Trọng Thuỷ phải đối mặt với những mất mát lớn. Mất Mị Châu – người vợ hiền dịu, ngây thơ, hết lòng vì chồng, chàng nhận ra sự tàn khốc của những âm mưu xâm lược mà chàng là kẻ thừa hành, hơn thế, chính là thủ phạm. Vì sao Trọng Thuỷ luôn nhìn thấy hình bóng Mị Châu nơi giếng nước? Vì chàng không muốn tin và không chấp nhận rằng: “Nàng đã chết!”. Không thể tha thứ cho bản thân mình, chàng đã lựa chọn cái chết. Cái chết sám hối. Cái chết trong ân hận muộn màn. Cái chết với khao khát được chuộc lại lỗi lầm. Đó chính là cái chết của sự tự trừng phạt. Cái chết ấy có giá trị thanh tẩy những tội lỗi của Trọng Thuỷ.
Yêu cầu:
a) So sánh cách sử dụng kết hợp các kiểu câu của hai đoạn văn và chỉ ra hiệu quả diễn đạt của cách sử dụng này.
b) Vì sao trong một đoạn văn nghị luận nên sử dụng kết hợp nhiều kiểu câu khác nhau?
c) Đoạn văn nào trong hai đoạn văn trên sử dụng phép tu từ cú pháp? Đó là những phép tu từ nào? Phân tích ngắn gọn hiệu quả của những phép tu từ đó trong việc trình bày đề tài và biểu hiện cảm xúc của người viết.
d) Vì sao trong bài văn nghị luận nên sử dụng một số phép tu từ cú pháp? Các phép tu từ cú pháp thường được sử dụng trong văn nghị luận là những phép tu từ nào? Nêu một số ví dụ và phân tích ngắn gọn.
Trả lời:
a) Cách sử dụng, kết hợp các kiểu câu trong hai đoạn văn:
– Đoạn 1 chủ yếu sử dụng kiểu câu trần thuật, có sự kết hợp câu ngắn, câu dài.
– Đoạn 2 sử dụng kết hợp các kiểu: câu đơn, câu ghép, câu ngắn, câu dài, câu nhiều tầng bậc, câu hỏi, câu cảm thán…
b) Việc sử dụng, kết hợp các kiểu câu khác nhau trong một đoạn văn nghị luận khiến cho việc diễn đạt trở nên linh hoạt, lập luận chặt chẽ, có sự hài hoà giữa lí lẽ và cảm xúc, đồng thời tạo cho đoạn văn có nhạc điệu.
c) Đoạn 2 đã sử dụng biện pháp tu từ cú pháp. Đó là câu hỏi tu từ, lặp cú pháp. Sử dụng các biện pháp tu từ này làm cho đoạn văn diễn đạt khắc sâu hơn về ý, biểu hiện rõ hơn thái dộ, tình cảm người viết, lời văn có nhạc điệu.
d) Trong bài văn nghị luận nên sử dụng một số biện pháp tu từ cú pháp vì sử dụng như vậy sẽ kết hợp được nhiều kiểu câu khiến cho việc diễn đạt trở nên linh hoạt, phong phú, có sắc thái tình cảm.
Các biện pháp tu từ cú pháp thường sử dụng trong văn nghị luận:
– Lặp cú pháp: “Trời thu thì xanh ngắt những mấy tầng, cây tre thu lạ thì chỉ còn cần trúc; khói phủ thành tầng trên mặt nước; song cửa để mặ ánh trăng vào; hoa năm nay giấu vào hoa năm ngoái; tiếng ngỗng vang lên trong mơ hồ…” (Lê Trí Viễn – Thu ẩm của Nguyễn Khuyến).
– Câu hỏi tu từ: “Bác nói cùng ai? Hỡi đồng bào cả nước”, lời mở đầu bản tuyên ngôn đã chỉ rõ… Nhưng có phải chỉ nói với đồng bào ta không” (Chế Lan Viên – “Trời cao xanh ngắt sáng tuyên ngôn”).
Ngoài ra còn có thể sử dụng phép liệt kê, song hành…
(HTTPS://BAIVIET.ORG)