Giải câu 1 – Nội dung ôn tập (Trang 100 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Giải câu hỏi 1 – Nội dung ôn tập (Trang 100 SGK ngữ văn 10 tập 1) – Phần soạn bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam trang 100 – 103 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1.

Đề bài:

Trình bày các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian (minh hoạ bằng các tác phẩm, đoạn trích đã học).

Trả lời:

– Tính truyền miệng:

Thực chất của quá trình truyền miệng là sự ghi nhớ theo kiểu nhập tâm và phổ biến bằng miệng cho người khác. Văn học dân gian khi được phổ biến lại, đã thông qua lăng kính chủ quan (bộ não người) nên thường được sáng tạo thêm. Văn học dân gian thường được truyền miệng theo không gian (từ vùng này qua vùng khác), hoặc theo thời gian (từ đời trước đến đời sau).

Quá trình truyền miệng thường được thực hiện thông qua diễn xướng – tức là hình thức trình bày tác phẩm một cách tổng hợp (nói, hát, kể).

– Tính tập thể:

Tập thể là tất cả mọi người, ai cũng có thể tham gia sáng tác. Nhưng quá trình này, lúc đầu do một người khởi xướng lên, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận. Sau đó những người khác (địa phương khác, thời đại khác. tham gia sửa chữa, bổ sung cho tác phẩm biến đổi dần. Quá trình bổ sung này thường làm cho tác phẩm phong phú hơn, hoàn thiện hơn.

Mỗi cá nhân tham gia vào quá trình sáng tác này ở những thời điểm khác nhau. Nhưng vì truyền miệng nên lâu ngày, người ta không nhớ được và cũng không cần nhớ ai là tác giả. Tác phẩm dân gian vì thế đã trở thành của chung, ai cũng có thể tùy ý thêm bớt, sửa chữa.

– Tính thực hành:

Sinh hoạt cộng đồng là những sinh hoạt chung của nhiều người như lao động tập thể, vui chơi ca hát tập thể, hội hè… Trong những sinh hoạt này, tác phẩm văn học dân gian thường đóng vai trò phối hợp hoạt động, tạo nhịp điệu cho hoạt động (những bài hò : hò chèo thuyền, hò đánh cá,…).

Không những thế, văn học dân gian còn gây không khí để kích thích hoạt động, gợi cảm hứng cho người trong cuộc (ví dụ những câu chuyện cười được kể trong lao động giúp tạo ra sự sảng khoái, giảm bớt sự mệt nhọc trong công việc).

Ví dụ: 

Bài ca lao động: Hò sông Mã, hò giã gạo,…
Bài ca nghi lễ: Hát mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường,..

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status