X

Soạn bài – Viết bài tập làm văn số 3

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 trang 130 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết bài tập làm văn số 3 sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.

Hướng dẫn soạn bài – Viết bài tập làm văn số 3

Giải câu 1 – Viết bài tập làm văn số 3 (Trang 130 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Chọn một trong bảy đề bài nêu ở mục 1 phần Luyện tập: Xây dựng bài tự sự – kể chuyện đời thường.

a) Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm,…).

b) Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,…).

c) Kể về người bạn mới quen (do cùng hoạt động văn nghệ, thể thao mà quen, tính tình của bạn,…).

d) Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó,…).

đ) Kể về thầy giáo (cô giáo) của em (người quan tâm, lo lắng và động viên em học tập).

g) Kể về một người thân của em (ông bà, bố mẹ, anh chị,…).

Trả lời:

Một số dàn ý bài Viết bài tập làm văn số 3:

Đề 1: Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,..).

a) Mở bài

– Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện:

b) Thân bài

– Kể lại diến biến của câu chuyện.

+ Thời gian địa điểm xảy ra câu chuyện?

+ Tình huống đáng cười trong câu chuyện là gì?

+ Câu chuyện kết thúc ra sao?

– Em rút ra được điều gì từ câu chuyện đó?

c) Kết bài:

Ân tượng mà câu chuyện để lại trong em là gì?

Đề 2. Kể về người bạn mới quen (do cùng hoạt động văn nghệ, thể thao mà quen, hoặc do tính tình của bạn,…).

a) Mở bài

– Giới thiệu khái quát về người bạn.

– Hoàn cảnh gặp gỡ giữa hai người ở đâu? Vào lúc nào?

b) Thân bài

– Kể lại buổi gặp gỡ đó (do tình cờ hay do người khác giới thiệu).

– Đặc điểm hay tính cách của người bạn đó có gì đặc biệt?

– Em thích nét tính cách nào nhất ở người bạn đó?

– Sau khi quen nhau, hai người đã đã cùng thi đua (hay giúp đỡ nhau) như thế nào để cùng có thành tích tốt hơn trong học tập.

c. Kết bài

– Tình bạn mới giúp em như thế nào trong học tập và trong cuộc sống?

– Em suy nghĩ thế nào về tình bạn?

Đề 3: Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó,…).

a) Mở bài

– Cuộc gặp gỡ diễn ra khi nào? ở đâu? Với- ai?

b) Thân bài

– Kể các chi tiết trong buổi gặp gỡ ấy.

+ Mở đầu cuộc gặp gỡ như thế nào?

+ Diễn biến cuộc gặp gỡ ra sao? (các sự việc, không khí, quang cảnh,…).

+ Cuộc gặp gỡ kết thúc trong không khí như thế nào?

– Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ là gì?

c) Kết bài

Cuộc gặp gỡ để lại trong em những ấn tượng gì? Giúp em mở rộng hiểu biết và quan hệ ra sao?

Đề 4: Kể về những đổi mới ở quê em (có điện, có đường, có trường mới, cây trồng,…).

a) Mở bài

– Giới thiệu khái quát về quê em.

b) Thân bài

– Quê em trong quá khứ như thế nào?

– Quê em ngày nay đã đổi mới ra sao?

+ Quang cảnh?

+ Nhịp sông?

+ Tinh thần hăng say lao động?

– Nhìn quê hương đổi mới, cảm giác của em thế nào?

c) Kết bài

Em mong ước như thế nào về quê hương trong tương lai?

Đề 5: Kể về một ngưởi thân của em (ông bà, bố mẹ, anh chị,…)

a) Mở bài

– Giới thiệu sơ lược về người mà em sẽ kể (tên, tính cách,…).

b) Thân bài

– Đặc điểm và tính cách nổi bật của người mà em đang kể là gì?

– Người mà em đang kể đã giúp đỡ bảo ban em như thế nào trong học tập và trong cuộc sống?

– Tình cảm của em và người đó ra sao?

– Có thể kể thêm về một kỉ niệm nào đó đáng nhớ nhất của em và người đó.

c) Kết bài

Niềm hạnh phúc của bản thân khi có được một người ông (bà, cha mẹ, anh chị,..) tốt.

Một số bài làm tham khảo Viết bài tập làm văn số 3

Bài 1. Kể về một kỉ niệm đáng nhớ.

Nhà tôi ở ven một con suối nhỏ nước trong veo. Vào những hôm trời nắng đẹp đứng trên bờ suôi, tôi có thể nhìn thấu xuống tận dưới đáy, ở đó có những viên sỏi trắng tinh và cả những đàn cá trắng tung tăng bơi lội.

Hàng ngày, tôi cùng lũ bạn rủ nhau ra suối, đi men theo mép của con suối bắt ốc, nhặt đá trắng về để chơi đồ hàng. Vui nhất là vào những ngày hè, chúng tôi thường trốn mẹ ra suối tắm. Thực ra, con suối nhỏ nhưng có những đoạn rất sâu có thể ngập đầu người lớn. Và ở trên đó là chiếc cầu của nhà dân bắc qua để lấy lối đi vào nhà.

Như thường lệ, buổi trưa ấy, chờ cho mẹ ngủ say, tôi liền chạy sang nhà mấy thằng bạn cùng xóm rủ ra suối. Buổi trưa trời nắng nóng như lửa đốt, được đắm mình trong dòng nước mát thì còn gì bằng. Bởi vậy, nên vừa nghe tiếng huýt sáo báo hiệu quen thuộc của tôi, mấy thằng cũng vội vã lách cửa sau, nhanh chóng ra chỗ hẹn. Cả lũ chúng tôi chạy thật nhanh vì sợ cha mẹ phát hiện ra, bởi nếu bị bại lộ chắc chắn chẳng được đi, có khi đứa nào đứa nấy sẽ no đòn.

Dòng nước mắt hiện ra trước mắt chúng tôi. Tôi có ý kiến hôm nay sẽ không bơi bình thường như mọi khi nữa mà thi nhảy xa, tức là đứng trên cầu nhảy xuống, ai nhảy xa nhất sẽ là người thắng cuộc. Hùng – thằng gan lì nhất thêm sáng kiến:

– Tớ nghĩ ra trò mới nữa rồi.

– Trò gì vậy?

Cả lũ nhao nhao lên tiếng hỏi.

– Chơi lặn, đứa nào lặn được lâu nhất tuần sau đi học sẽ không phải đeo cặp.

Cả lũ reo hò hưởng ứng nhiệt liệt. Tôi nói:

– Bây giờ sẽ thi lần lượt từng đứa một, những đứa còn lại đứng trên bờ theo dõi bấm giờ.

Và tôi phân công luôn vì Hùng là người đầu têu nên sẽ là người thử sức đầu tiên, cả bọn vỗ tay hưởng ứng. Quả thật trong nhóm Hùng luôn tỏ ra đàn anh hơn cả, hắn không những học giỏi mà mọi trò chơi hắn cũng chẳng bao giờ chịu thua ai.

Hùng chuẩn bị tinh thần xong, tôi hô:

– Một. Hai. Ba. Bắt đầu…

Ùm… Hùng đã nhảy xuống và mất tăm trong dòng nước. Lũ chúng tôi reo hò tán thưởng và bắt đầu bấm giờ: 1, 2, 3, phút trôi qua sang phút qua vẫn chưa thấy Hùng nổi lên. Chúng tôi trầm trồ khen ngợi sự tài ba của Hùng. Sang đến phút thứ 4, tôi cảm thấy nóng ruột bởi bình thường nhiều lắm thì chỉ đến phút thứ ba là chúng tôi đã chẳng thể nào chịu nổi. Thế mà đến giờ vẫn chưa thấy Hùng. Mấy đứa kia cũng bắt đầu lo lắng, chỉ trong nháy mắt chẳng kịp bảo nhau câu nào mấy đứa bơi giỏi liền nhảy xuống. Vừa lúc đó Hùng cũng trồi lên, khuôn mặt tái nhợt, thở lấy thở để, chúng tôi vội vàng dìu vào bờ. Người Hùng lúc này đã gần như lả đi. Phải mười phút sau Hùng mới lên tiếng:

– Chỉ cần một tích tắc nữa thôi là tao đi chầu thuỷ thần chúng mày ạ.

– Sao vậy, mọi ngày mày bơi, lặn giỏi lắm cơ mà.

– Ừ, thì tao vẫn tự tin như vậy, nhưng đúng lúc sắp chịu không nổi định trồi lên thì tao bị vướng vào chùm rễ cây mọc lan từ rừng ra cuốn chặt vào chân, tao cứ định trồi lên thì nó lại kéo tao xuống, may quá đúng lúc nghĩ rằng chết thật rồi thì bỗng dưng chân tao lại giật ra được và cố sức ngoi lên.

Nghe tiếng Hùng hổn hển kể, chúng tôi đứa nào đứa nấy đều khiếp sợ. Chờ cho Hùng đỡ mệt chúng tôi mới dám về nhà và câu chuyện này vẫn mãi là bí mật của lũ chúng tôi. Và đó là kỉ niệm sâu sắc nhất mà tôi nhớ mãi đấy các bạn ạ.

Bài 2. Kể về một người thân của em.

Các cụ ta ngày xưa thường nói, “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò do biết đi”, bé Tún của em năm nay cũng đã gần một tuổi và đang ở giai đoạn tập đi, tập nói.

Bé Tún là người nhỏ nhất nên ai cũng nhường phần hơn cho bé. Em quý Tún lắm, gương mặt bé thật xinh và bụ bẫm. Đôi má bé hồng như hai quả táo đỏ, ai trông thấy cũng muôn thơm một cái. Mỗi khi Tún cười thì nhô lên những chiếc răng trắng tinh. Những sợi tóc mềm mại như sợi tơ tằm được cắt tỉa rất gọn gàng. Đôi mắt Tún tròn, đen lay láy, dưới đôi lông mày hình trăng khuyết đen nhạt. Nụ cười hồn nhiên, thơ ngây của bé làm cho gương mặt của bé càng đáng yêu hơn.

Bé Tún mới lẫm chẫm biết đi nên nó thích đi lắm. Bé thường nhoài ra khỏi lòng mẹ và bám vào bờ tường lần từng bước một. Bé rất sợ bị ngã, nên hai bàn tay bé khi tập đi đều bám rất chặt vào tường. Rồi bé cứ tập đi suốt ngày, ngã lại đứng lên. Có lúc, bé buông tay và đi được vài bước lại ngã xuống đất, nhưng bé đứng dậy và vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi của mình. Mọi người đều theo dõi và thích thú những bước đi lẫm chẫm của bé, ai cũng mong bé có thể đi vững.

Tún rất nhiều đồ chơi, nhưng Tún chỉ thích quả bóng màu hồng và con búp bê. Em thường chơi với Tún, mỗi khi em cho quả bóng lăn ra xa thì Tún lại bò lại chỗ đó để lấy bóng. Nhiều lúc, em cố ý ném quả bóng lồng vào gầm bàn rồi Tún lại chui vào để lấy quả bóng ấy ra chơi tiếp. Tún rất ngoan, ai bảo gì thì làm cái ấy, nếu ai gọi thì Tún lại d… ạ, ai bảo Tún gọi bà thì Tún gọi bà… ơ… nói  ngọng líu, ngọng lô. Giọng nói non nớt của bé mới dễ thương làm sao. Tún tuy ngoan những cũng có ít tật xấu, nào là cắn, làm nũng, ngửa cổ ăn vạ, lúc thì đòi chơi, lúc thì đòi bế, lúc thì khóc nhưng không ai dỗ dành thì Tún lại lấy đồ chơi ra sắp sắp, xếp xếp rồi chơi xếp hình, lắp ghép…

Đùa nghịch chán, bé Tún lại lăn ra ngủ. Mẹ bế bé lên giường, đặt nằm ngay ngắn, nhưng chỉ được một lúc thì bé lại dang rộng tay chân. Đôi mắt khép hờ, đôi môi múm mím như đang bú mẹ trông thật dễ thương. Em rất thích bé Tún khi ngủ, khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu, hồng hào, thỉnh thoảng em lại ghé xuống thơm vào má Tún, hai cái má thơm thơm mùi sữa.

Dường như bé có những giấc mộng đẹp nên khi ngủ, bé cười rất đáng yêu. Mẹ em thường nói rằng, cái dáng nằm này của bé là dễ nuôi, hay ăn chóng lớn. Quả là đúng, hằng ngày bé ăn hết ba bát bột, thế mà còn đòi ăn tiếp.

Cả nhà đều yêu quý Tún, bé luôn luôn đem lại cho cả nhà những trận cười vui, trận cười sảng khoái về hành động và lời nói. Chỉ còn vài tháng nữa là có thể dắt bé đi chơi rồi, em rất thích và mong chóng đến ngày đó.

Bài 3: Kể lại một đêm giao thừa ở nhà em.

Chuông đồng hồ đã điểm mười tiếng. Phút giao thừa gần đến. Cả gia đình tôi đã tụ họp đầy đủ. Không khí chuẩn bị đón giao thừa thật vui và ấm cúng. Đây có lẽ là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong năm đối với mỗi người.

Phòng khách đã được trang hoàng từ chiều. Mọi thứ được bày trí thật đẹp. Góc phía bên trái tủ là một cành đào chúm chím nụ. Những cánh hoa đầu tiên đã hé nở phơn phớt hồng, chen giữa những chồi lá xanh biếc. Góc phía bên phải là một cây quất chi chít quả, có hình dáng như một ngọn tháp. Ông cùng bố loay hoay xếp lại vị trí của cành đào. Rồi treo câu đối tết lên hai bên bàn thờ tổ tiên.

Trong khi đó, ở dưới bếp, mẹ và chị tôi đang sửa soạn mâm cỗ để cúng giao thừa. Trước hết là mâm đựng hoa quả. Nhìn mâm ngũ quả, tôi thầm thán phục sự khéo léo và con mắt thẩm mĩ của mẹ. Hai nải chuối màu vàng ghép lại tựa như vầng trăng khuyết. Trên vầng trăng ấy được đặt một trái bưởi to, vàng rộm, còn nguyên cuống lá xanh. Ba trái cam sành màu đỏ được xếp quanh trái bưởi. Chen giữa là những trái hồng xiêm màu nâu xám và một chùm nho tím mọng. Năm loại quả với năm màu sắc khác nhau được bố trí thật hài hoà. Ngoài mâm ngũ quả, mẹ và chị còn sắp một mâm xôi chè đầy đặn. Xong đâu đấy, mẹ đặt hai mâm lễ lên bàn thờ rồi vào xem chương trình “Gặp nhau cuối năm” với gia đình.

Là thành viên nhí của gia đình, tôi muốn được thể hiện mình. Thấy chị đưa hoa ra cắm, tôi xăng xái soạn cái này, soạn cái kia. Thực chất là tôi đang làm bừa bộn thêm. Nhưng chị tôi không hề quát mắng, thậm chí còn tươi cười nhắc tôi và tự tay xếp lại. Chỉ một lát, chị đã cắm xong một bình hoa thật đẹp đặt lên bàn. Sau đó, chị treo thêm chùm bóng bay xanh đỏ lên cành đào và nhắc tôi bật chùm đèn nháy.

Kim đồng hồ nhích dần tới con số mười hai. Đường phố vẫn nhộn nhịp người qua lại. Họ đang đi chơi xuân và hái lộc đấy. Tiết trời hơi se lạnh làm cho không khí đêm giao thừa thêm đượm sắc xuân. Hương trầm hoà quyện trong hương hoa nồng nàn. Đâu đó, trên những cành cây có tiếng chồi non cựa mình khe khẽ, tí tách, dìu dịu êm êm. Tôi hồi hộp nhìn lên đồng hồ liên tục, đếm từng tiếng tích tắc để điểm thời gian trôi. Lúc này, mọi người đã ngồi quây quần bên chiếc bàn trà. Cả gia đình gương mặt người nào cũng rạng rỡ, háo hức. Còn năm phút,, ba phút,… “Bính boong… bính boong”, tiếng chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng đều đặn. Cùng lúc đó, trên vòm trời, những chùm pháo hoa xanh đỏ, tím vàng nổ ra liên tiếp. Qua màn hình của chiếc tivi, pháo hoa cũng bừng lên từng chùm không ngớt, ông tôi run run thắp nén hương lên bàn thờ. Ông đứng lặng hàng phút. Có lẽ ông đang trò chuyện với tổ tiên để nhờ ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình tôi một năm mới tốt lành, bình an. Khi pháo hoa dứt thì lời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vang lên. Cả nhà ngồi yên lặng, lắng nghe với tâm trạng xúc động. Nhất là ông tôi. Nỗi xúc động xuất hiện trên khuôn mặt đầy nếp nhăn mà rạng rỡ. Nghe xong lời chúc tết, mọi người ngồi quây quần bên mâm cỗ cúng giao thừa. Nắp chai rượu được bật ra. Những li rượu hồng được nâng lên chạm vào nhau tanh tách. Bố tôi trịnh trọng đứng lên, thay mặt cả nhà chúc sức khoẻ ông nội. Bố tôi chúc chị em tôi học giỏi, chúc mẹ trẻ mãi không già. Những lời chúc của mọi người loạt vang lên làm rộn ràng cả căn phòng nhỏ. Bỗng tiếng chuông điện thoại. Đó là tiếng chuông điện thoại của cậu tôi từ xe điện về chúc tết. Một không khí đầm ấm ngập tràn. Ca khúc “Happy new year” cất lên làm cho không khí thêm tưng bừng hơn.

Sau khoảnh khắc giao thừa, bố tôi cùng các chú trong xóm đi chúc từng nhà. Ông và mẹ chuẩn bị lo tiếp khách, còn hai chị em tôi đi hái lộc đầu năm. Ngoài đường, người và xe nườm nượp. Tiếng nhạc nhà ai đó vang lên náo nức: “Xuân, xuân ơi xuân đã về!”… “Tết, tết, tết đến rồi!”… Tôi nhẹ tay ngắt một nhành lộc non, chúc cho cả nhà mạnh khoẻ và ao ước mình học thật giỏi.

Một năm mới bắt đầu.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Vàng Anh: Ở trường học, bạn được dạy một bài học trước, sau đó mới làm bài kiểm tra. Còn ở trường đời, bạn phải làm một bài kiểm tra trước rồi nó mới dạy bạn một bài học. Thế nên, quên cái gọi là điểm số trung bình đi, nó chỉ nói lên được bạn đã học như thế nào ở trường thôi! Còn khi ra đời, chẳng ai quan tâm đến mấy con số đấy đâu.
Leave a Comment