Soạn bài Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học trang 16 – 17 SGK ngữ văn lớp 12 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
Hướng dẫn soạn bài – Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học
Giải đề 1 (Trang 16 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Trong một bức thư luận bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.
Trả lời:
Bài làm cần có các nội dung sau:
– Phân tích lí giải hai loại văn chương: “Chỉ chuyên chú ở văn chương” và loại “Chuyên chú ở con người”.
+ Thế nào là văn chương “Chỉ chuyên chú ở văn chương”?
Đó là loại văn chương chỉ biết có nó, tức là coi hình thức nghệ thuật là trên hết, nhà văn khi sáng tác chỉ chăm lo cái đẹp của hình thức, không mấy chú ý đến nội dung tư tưởng và không quan tâm đến đời sống, vận mệnh con người, không có trách nhiệm đối với xã hội.
+ Thế nào là văn chương “chuyên chú ở con người”?
Đó là loại văn chương quan tâm trước hết đến cuộc sống con người vì con người, coi giá trị chủ yếu của văn chương ở chỗ nó có ích cho cuộc đời.
– Nêu ý kiến về quan niệm của Nguyễn Văn siêu:
+ Vì sao loại đáng thờ là loại “Chuyên chú ở con người” chứ không phải loại “Chuyên chú ở văn chương”?
NVS muốn nói đến chân giá trị của văn chương . Nếu văn chương không quan tâm đến con người thì văn chương sẽ tự đánh mất mình. Áng văn hay phải là áng văn tâm huyết của người cầm bút. Cái tâm thường nuôi dưỡng, phát huy cái tài.
– Liên hệ đến các nhà văn có cùng quan điểm như NVS.
Giải đề 2 (Trang 16 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
Trả lời:
Gợi ý:
– Giải thích khái niệm “Phong cách”: là khái niệm dùng để chỉ những lối sống, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động… tạo nên cái riêng của một người hay một loại người nào đó.
– Trong văn học, phong cách chỉ những nét độc đáo của riêng mỗi nhà văn thể hiện trong văn học.
– Phong cách được thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật.
+ Về nội dung: bao gồm những quan niệm về cuộc sống con người, việc lựa chọn đề tài, xây dựng chủ đề…
+ Về nghệ thuật: phương thức biểu hiện, lựa chọn thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, lựa chọn ngôn ngữ…
– Những nhà văn, nhà thơ có tài năng thực sự mới có thể định hình phong cách riêng của mình.
– Giữa phong cách của mỗi tác giả có mối quan hệ chặt chẽ tới bản thân cá tính mỗi tác giả. Trong văn học, phong cách được thể hiện sinh động như một thực thể bộc lộ những quan niệm cá nhân về văn học.
Giải đề 3 (Trang 16 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.
Trả lời:
Cần nêu được một số ý sau:
– Giải thích ý kiến của La Bơ – ruy – e: đưa ra quan niệm về tiêu chí đánh giá một tác phẩm văn học, đó là dựa vào giá trị giáo dục của tác phẩm đó.
– Giá trị giáo dục của tác phẩm văn học: “nâng cao tinh thần”, “gợi những tình cảm cao quý và can đảm”.
-> Hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học
Đề 1. Trong một bức thư luận bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.
Trả lời:
Gợi ý:
a) Thể loại bài viết: nghị luận văn học.
b) Đề bài yêu cầu bàn luận về vấn đề sứ mệnh của văn chương. Có hai khuynh hướng văn chương phổ biến: loại văn chương coi trọng nghệ thuật đơn thuần, nhấn mạnh tính nghệ thuật mà coi nhẹ vai trò phản ánh và cải tạo cuộc sống; một loại văn chương lấy cuộc sống con người làm đối tượng phụng sự. Nguyễn Văn Siêu, một nhà phê bình văn học cổ đánh giá cao loại văn chương thứ hai (đáng thờ).
– Lí giải:
+ Văn chương chuyên chú ở văn chương: Đó là loại văn chương chỉ biết có nó, tức là coi hình thức nghệ thuật là trên hết, nhà văn khi sáng tác chỉ chăm lo cái đẹp của hình thức, không mấy chú ý đến nội dung tư tưởng và không quan tâm đến đời sống, vận mệnh con người.
+ Văn chương chuyên chú ở con người: Đó là loại văn chương quan tâm trước hết đến cuộc sống con người vì con người, coi giá trị chủ yếu của văn chương ở chỗ nó có ích cho cuộc đời.
– Vì sao loại đáng thờ là loại “Chuyên chú ở con người” chứ không phải loại “Chuyên chú ở văn chương”?
Tác giả muốn nói đến chân giá trị của văn chương . Nếu văn chương không quan tâm đến con người thì văn chương sẽ tự đánh mất mình. Áng văn hay phải là áng văn tâm huyết của người cầm bút. Cái tâm thường nuôi dưỡng, phát huy cái tài.
– Bình luận, chứng minh: những tác phẩm lớn từ xưa đến nay chưa bao giờ thoát ly cuộc sống con người. Các tác phẩm đó đều lấy hiện thực của đất nước, dân tộc, nhân loại để phản ánh và đấu tranh cho những quyền lợi của dân tộc, của nhân dân. Ví dụ:
+ Hịch tướng sĩ (Trần Quôc Tuấn) thuyết phục các tướng sĩ bỏ việc vui chơi, chăm lo việc quân cơ, đánh giặc giữ nước.
+ Bài Cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) phản ánh, tổng kết, ngợi ca cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống lại xâm lăng của giặc Minh và tuyên bố chủ nghĩa của dân tộc ta, khai sinh một đất nước – một triều đại mới
+ Truyện Kiều (Nguyễn Du) là tiếng kêu đứt ruột, cũng là tiếng nói đấu tranh cho quyền sống của những con người bị áp bức nói chung trong xã hội phong kiến.
Những tác phẩm ấy chưa bao giờ rời xa quyền lợi của nhân dân, của dân tộc và sự tiến bộ của nhân loại.
– Tuy nhiên, nghệ thuật chuyên chú ở con người không có nghĩa là không coi trọng tính nghệ thuật, cần phải đảm bảo tính nghệ thuật mới thì mới có giá trị, có sức thuyết phục cao.
Đề 2. Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
Trả lời:
Gợi ý:
a) Thể loại bài viết: Nghị luận văn học.
b) Nội dung: Đề yêu cầu bàn về phong cách văn chương. Theo bài học (tuần 15) phong cách được định nghĩa là nét riêng, độc đáo của nhà văn, được biểu hiện qua góc nhìn, cách nhìn, cách khám phá của mỗi nhà văn. Theo Buy – phông, đó chính là con người nhà văn, không thể lẫn với con người nào khác.
– Lí giải: phong cách là gì? Phong cách chính là nét độc đáo và phần đóng góp riêng của nhà văn cho đời sống văn học.
– Phong cách bao gồm cả phương diện nội dung và nghệ thuật:
+ Độc đáo về nội dung thể hiện ở quan niệm về cuộc sống và con người từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, cách lí giải những vấn đề về cuộc sống và con người … .
+ Độc đáo về nghệ thuật thể hiện ở phương thức biểu hiện, ở việc lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ … .
=> Buy – phông đã nhấn mạnh cá tính của mỗi nhà văn trong sáng tạo văn học.
– Học sinh tự chứng minh qua phong cách của một số nhà văn lớn: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Tuân…
Đề 3. Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.
Trả lời:
a) Thể loại bài viết: Nghị luận văn học.
b) Nội dung: Tiêu chí để đánh giá một tác phẩm hay, theo La Bơ-ruy-e, là giá trị giáo dục của tác phẩm đó.
– Giải thích nhận định: Tiêu chí để đánh giá một tác phẩm hay, theo La Bơ-ruy-e, là giá trị giáo dục của tác phẩm đó.
– Giá trị giáo dục của tác phẩm:
+ Nâng cao tinh thần
+ Gợi ra những tình cảm cao quý và can đảm.
– Học sinh tự tìm dẫn chứng phù hợp ở các tác phẩm đã học để chứng minh cho nhận định.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment