Soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự trang 123 – 124 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
Hướng dẫn soạn bài – Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự.
I. Hướng dẫn chung
1. Xem lại phần Hướng dẫn chung ở bài Viết bài làm văn số 2 để nắm thật vững: đặc đểm chung của văn tự sự, các yếu tố cấu thành của văn bản tự sự.
2. Ôn lại cách lập dàn ý; cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự.
3. Đọc lại bài làm văn số 2, đối chiếu với những ghi chép trong tiết trả bài để tự rút kinh nghiệm cho bài viết số 3 theo yêu cầu cao hơn là viết bài văn tự sự có một số yếu tố hư cấu.
II. Gợi ý đề bài
Giải câu 1 (Trang 123 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba (mở rộng tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ).
Trả lời:
Họ nhà lau tía chúng tôi đã sống trên bờ Hoàng Giang cả triệu năm rồi. Gia tộc tôi đã trải qua bao nhiêu thế hệ tôi cũng không thể nhớ. Nhưng gia đình tôi thường có thói quen truyền kể cho nhau nghe những “chuyện đời” xáy ra ở trên sông mà các thế hệ cha ông của chúng tôi từng chứng kiến. Bao nhiêu năm đã trôi qua và cũng đã quá già để nhớ về mọi chuyện, thế nhưng tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày bi kịch đến với người thiếu phụ Vũ Nương.
Tôi nhớ ngày ấy tôi vẫn còn trẻ lắm. Tôi thường có thói quen thức rất khuya để khỏa mình trong nước dưới những đêm trăng. Nước sông Hoàng Giang ban đêm rất lặng và dịu mát. Trăng sáng, lại được đùa giỡn với mấy chị cá mương thì thật là thích thú.
Hôm ấy, đang uốn mình trong nước, tôi bỗng giật mình khi chợt nghe có tiếng ai đang nức nở. Tôi nín lặng, tiếng khóc ngày một rõ hơn. Không nghi ngờ gì nữa (tôi nghĩ), chắc có ai đó đang gặp một chuyện gì đó rất đau thương. Tôi quên ngay anh nước và mấy chị cá mương khi bắt đầu nghe giọng một người đàn bà than thở:
– Con lạy trời lạy đất, lạy hà bá dưới lòng sông! Thân con sao khổ quá. Những mong ngày chồng chinh chiến xa về là ngày gia đình đoàn viên sum họp. Vậy mà cái mong ước ấy giờ tan như mây như khói. Bao năm qua con đã phải chịu muôn ngàn cay đắng. Chồng đi chiến trận nơi xa, một mình con tần tảo chăm mẹ già nuôi con nhỏ. Rồi đến khi mẹ già lâm bệnh, con lại chạy đôn chạy đáo lo đủ chuyện thuốc thang mà vẫn không sao cứu được. Mẹ mất đi, con mất một nguồn động viên, quan tâm, chia sẻ. Ngay lúc ấy con đã phải tự nhắn nhủ mình: Phải nuôi hy vọng. Tất cả mọi điều tốt đẹp, con đã dành cho bé Đản thương yêu. Bao hy vọng được mẹ con con nuôi lớn từng ngày, vậy mà giờ đây ông trời lại gây cảnh trớ trêu mà cướp đi của con tất cả. Con còn sống để làm chi…
Tôi nghe những lời than thở mà đau xót cho người phụ nữ. Sống ở bên sông, tôi đã chứng kiến bao điều nhưng chưa bao giờ thấy chuyện nào đau lòng như vậy. Đằng sau những câu nói sầu não đến nát lòng kia hẳn phải là một bi kịch lớn. Tôi băn khoăn lắm nhưng chưa kịp suy đoán điều gì thì người đàn bà kia lại khóc:
– Bé Đản, con yêu! Mẹ thật có lỗi với con khi mẹ bỏ đi giữa lúc này. Nhưng mẹ đâu có thể chọn được một con đường nào khác. Cha đã nghi ngờ sự thủy chung của mẹ con ta. Vậy là bao công lao của chúng ta, cha con đố đi cả. Mẹ không thể sống trong sự ngờ vực của cha con. Mẹ không thể có lỗi với bà và chấp nhận những gì xấu xa mà mình không có. Mẹ có sự thủy chung và trinh tiết. Mẹ phải giữ được sự trong sạch của trong ánh mắt của những người hàng xóm. Mẹ không thể sống. Mẹ sẽ chết để thức tỉnh sự ghen tuông mù quáng của cha con. Đản thương yêu! Mẹ xin lỗi con vì tất cả.
Sau câu nói ấy, mặt nước bắt đầu khua động mạnh. Tôi giật mình và bàng hoàng nhận ra người đàn bà đang dấn thân về phía lòng sông. Yêu thương và oán giận. Nhưng chỉ là một cây lau nhỏ bé, tôi không thể làm được gì hơn. Nước bắt đầu dâng lên đến ngang người rồi đến gần hết cánh tay người phụ nữ. Người đàn bà đau khổ đã quyết trầm mình để giải những oan khiên.
Bờ sông Hoàng Giang vẫn lặng. Gió vẫn thổi mát rượi nhưng trăng đã khuất. Không gian tĩnh mịch đến ghê người khiến tôi vẫn nghe và nghe rất rõ những lời trăng trối cuối cùng của người phụ nữ khốn khổ kia.
– Trương Sinh chàng hỡi! Chàng đã phụ công của thiếp. Như một đứa trẻ thơ nghịch một trò chơi mà không cần suy nghĩ, chàng đã coi thường sự thủy chung của thiếp. Nay tình chồng nghĩa vợ đã chẳng thể dài lâu, thiếp chỉ mong sau cái chết này chàng có thể thấy nỗi đau mà thức tỉnh. Chàng hãy chăm sóc cho con, hãy nuôi dạy để cho nó được nên người.
Con xin lạy ngài hà bá. Con là Vũ Nương. Nay vì bị oan mà phải chọn tìm cái chết để giải mối oan tình. Thân này đã nguyện dâng cho hà bá. Nhưng con chỉ mong nếu thực lòng thủy chung son sắt thì xin cho được giái mối oan tình những mong chàng Trương thức tỉnh. Nhược bằng con đây có chút tư tình thì xin hà bá cứ đầy ải mãi mãi dưới tầng địa ngục.
Mặt sông Hoàng Giang đã lặng thinh. Tôi không còn nghe bất cứ một lời nói hay một âm thanh nào nữa. Vậy là hà bá đã đón người phụ nữ kia đi nhẹ nhàng nhưng chắc chắn không thanh thản.
Cả cuộc đời sống ở bên sông, chứng kiến dòng đời bao thay đổi với cả nỗi buồn lẫn niềm vui. Có những chuyện tôi đã quên, có những chuyện tôi còn nhớ nhưng không có chuyện nào tê tái như cái chết của Vũ Nương. Nghe hết câu chuyện ấy, tôi vừa giận anh chồng, lại vừa thương cho người vợ. Họ yêu thương nhau rồi lại gây những đau đớn cho nhau. Bao năm đã trôi qua, nỗi oan của Vũ Nương cũng đã được chính người chồng kia giải. Thế nhưng cho đến tận hôm nay tôi vẫn không hiểu được con người thật vĩ đại và cao cả biết bao nhưng tại sao vẫn có những lúc họ ích kỷ và nhỏ nhen làm vậy?
Giải câu 2 (Trang 123 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Hãy hoá thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễ biến và kết thúc truyện ngăn Cô bé bán diêm của An-đec-xen (hoặc diễn biến sự việc tương tự, những có kết thúc khác).
Trả lời:
Đêm Giáng sinh năm ấy trời thật lạnh. Đã mấy ngày liền tuyết rơi liên miên, như hối hả điểm trang cho thành phố để đón mừng ngày kỉ niệm Chúa Cứu Thế ra đời. Vậy mà tôi vẫn cùng cô bé lang thang ngoài đường phố. Cô bé muốn bán hết chúng tôi – những bao diêm, cho khách qua đường để mang tiền về cho cha cô kịp lúc giao thừa.
Chiều đã muộn, trong bóng tối và giá lạnh, cô bé vén đầu trần, chân đất cùng chúng tôi lang thang dọc phố mặc cho những bông tuyết rơi đầy trên mái tóc hoe vàng xõa ngang vai. Bạn tôi được cô bé đựng trong chiếc tạp dề cũ kỹ, còn tôi được cô bé cầm trong tay. Cô bé cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đểu rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của cô. Suốt ngày cô chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho chút đỉnh. Bụng đói cật rét, cô bé vẫn lang thang trên đường…
Hé mắt nhìn qua kẻ hở ở vỏ bao, tôi thấy các cửa sổ đã sáng đèn, mùi ngỗng quay nữa chứ, thơm lừng, tỏa ra từ các căn nhà ấm cúng đó. Bé vẫn biết hôm nay là giao thừa nhưng không dám về nhà, chắc bố sẽ đánh đòn vì cả ngày chưa bán được lấy một xu, với lại ở nhà nào có hơn gì, chỉ có mỗi cái mái dột nát mặc cho gió rít. Tôi thương cô bé vô hạn, muốn hét to để mọi người xung quanh biết, Để mua chúng tôi giúp cô bé. Tôi cũng giận mình chỉ là những que diêm câm lặng. Đói, mệt và giá lạnh cô bé cùng chúng tôi ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà, một cái xây lùi lại chút. Cô bé thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc tôi thấy cô bé rét buốt hơn. Ôm chúng tôi vào lòng, cô bé thì thầm tâm sự: “Diêm ơi, tôi nhớ lại năm xưa, khi bà nội-hiền hậu của tôi còn sống, tôi cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng thần chết đã đến cướp bà tôi đi mất, gia sản tiêu tán và gia đình tôi đã phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân leo quanh, nơi tôi đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn luôn nghe những lòi mắc nhiếc, chửi rủa”. Nghe những lòi thì thầm của cô bé tôi xót xa vô cùng mà chẳng thể làm gì được. Tôi chỉ biết an ủi và bảo vệ cô bé: “ Cô hãy bật diêm mà sưởi, ít ra chúng tôi cũng có thể giúp cô đỡ lạnh”. Cuối cùng cô bé cũng nghe chúng tôi đánh liều lấy một trong số chúng tôi quẹt lửa. Anh bạn diêm của tôi bén thật là nhạy. Hình như anh cũng rất thương cô bé nên muốn đem sức sống của mình giúp bé sưởi ấm. Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biếc đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt. Cô bé hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà! ánh sáng kỳ diệu làm sao! Cô bé thì thầm: “Tôi tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng. Thật là dễ chịu. Chà! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!”. Đôi bàn tay cô bé hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, cái ngón cái nóng bỏng lên. Cô bé vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, “ Ôi lò sưởi biến mất rồi”. Cô bé ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha cô bé đã giao cho bán diêm; đêm nay, về nhà thế nào cũng bị cha mắng. “Quẹt diêm mà sưởi ấm nữa đi, cô bé ơi!” .Tôi lại thì thầm. Cô bé quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Cô bé reo lên nho nhỏ: “Một tấm rèm bằng vải đẹp quá. Bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn bày toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay kìa! Nó nhảy ra khỏi dĩa và mang cả dao ăn, phóng sết, cắm trên lưng, tiến về phía mình ư? Rồi… que diêm vụt tắt; trước mặt cô bé chỉ còn là những bức tường dầy đặc và lạnh lẽo. Thực tế đã thay thế cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, mà chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xoá, gió bấc vi vu và mất người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của cô bé bán diêm. Lần này không đợi tôi nhắc cô bé quẹt que diêm thứ ba. Cô bé reo lên thích thú “Một cây thông Noel! Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây mà mình đã được thấy năm ngoái qua cửa kính một nhà buôn giàu có. Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng nữa kìa”. Tôi thấy cô bé đưa tay như với vẻ phía cây… nhưng diêm tắt.
– Chắc hẳn có ai vừa chết. Cô bé nói nhỏ, vì bà, người hiền hậu độc nhất đó, đã mất từ lâu, trước đây thường nói rằng: “Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hổn bay lên trời với thượng đế”. Cô bé quẹt một que diêm nữa vào tường, một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh.
– Bà ơi! Cô bé reo lên, cho cháu đi với! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây Noel ban nãy, nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này; trước kia, khi bà chưa về với thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao! Dạo ấy bà đã từng nhủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn cháu sẽ được gặp lại bà; Bà ơi! Cháu van bà, bà xin với Thượng đế chí nhân cho cháu vé với bà. Chắc Người không từ chối đâu.
Diêm lại tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biết mất. Cô bé quẹt gần hết những que diêm còn lại trong bao. Tôi nằm trong số những que diêm còn lại nên chứng kiến tất cả. Chắc cô bé muốn níu bà lại! Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Chắc chưa bao giờ cô bé thấy bà to lớn và đẹp lão như thế này. Tôi có cảm giác bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa. Họ đã vẻ với Thượng đế.
Sáng hôm sau, tôi thấy tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra hỏi nhà. ở xó tường cô bé có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Cô é đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa. Nhưng cô bé mang theo những giấc mơ đẹp. Đó là điều kì diệu cô bé đã trong thấy, nhất là cảnh huy oàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm. hương đế đã đến với cô bé, giải thoát cô bé khỏi cõi đòi khổ đau và lòng người lạnh giá. Tôi đã không có may mắn như các bạn diêm khác của tôi là sưởi ấm cô bé và mang đến cho cô nhũng giấc mơ đẹp. Nhưng tôi được chứng kiến những niềm vui nhỏ bé, giản dị của cô. Tôi thầm chúc cô bé hạnh phúc bên bà. Cũng cầu mong không bao giờ phải chứng kiến một câu chuyện như thế nữa.
Giải câu 3 (Trang 123 SGK ngữ văn 10 tập 1)
“Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cầu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sới chọi trong lang. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới…”.
Dựa theo những lời tâm sự trên, anh (chị) hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất, kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi.
Trả lời:
Oanh Liệt là tên tôi, cái tên mà trước đây cậu chủ đã tặng cho tôi nhờ những trận đấu bất bại của tôi trên các sới chọi gà trong làng. Cái tên đó trước đây quí giá bao nhiêu, tôi tự hào và kiêu hãnh bao nhiêu, thì giờ đây, mỗi khi nghĩ đến tôi lại càng thấy buồn và thất vọng bấy nhiêu… Bởi đơn giản một lẽ là, say mê một trò chơi nào rồi cũng đến lúc chán, cậu chủ tôi cũng vậy, cậu đã bỏ tôi để chạy theo những cuộc vui mới, nơi mang lại cho cậu chủ những cảm giác mới lạ, và thế giới đó không có tôi…
Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê rất yên bình, cảnh đồng ruộng luỹ tre đã rất quen thuộc với tôi, tôi cùng bố mẹ và các em sống rất hạnh phúc bên nhau cho đến khi tôi gặp cậu, cái ngày định mệnh đó đã thay đổi cả cuộc đời tôi sau này…
Hôm đó, bố mẹ dẫn tôi và các em ra phía bờ sông sau làng chơi, vì lần đầu được đi chơi xa, lại mãi lo ngắm cảnh lạ đẹp mắt mà khi nhận ra, tôi biết mình đã lạc… Hốt hoảng, tôi chạy khắp nơi chiếp chiếp gọi nhưng không thấy ai trả lời, vừa đói vừa mệt, khản giọng, tôi yếu ớt gọi những tiếng cuối cùng rồi thiếp đi trong ánh hoàng hôn cuối ngày, khi tỉnh giấc, tôi nhận ra mình đang nằm trong một cái tổ rơm ấm áp, xung quanh tôi là bao nhiêu cô gà, chú gà đang tò mò đáp trả ánh nhìn của tôi… “két..” Cánh cửa chuồng mở ra, tôi giật mình nhìn tới hướng đó, ánh sáng tràn vào làm tôi chói mắt, chỉ kịp nhìn thấy một bóng người gầy gầy đang tiến lại phía mình, một bàn tay nhỏ chụp lấy tôi, tôi run run người, bàn tay còn lại đưa lên vuốt lấy người tôi, tôi mở mắt ngước nhìn gương mặt đối diện mình, đó là một cậu trai khoảng chừng 15 tuổi, cậu nhìn tôi ấm áp lắm, chính ánh nhìn đó đã làm tôi tin cậu ngay… Kể từ đó, tôi và cậu chủ bầu bạn sớm hôm, cậu luyện tập tôi trở thành một chú gà khoẻ nhất đàn, cơ bắp trên người tôi nổi lên săn chắc, mấy chú gà choi ghen tỵ với tôi cũng vì lẽ đó…
Một hôm, cậu bế tôi đến một hội trong làng, từ xa tôi đã nghe thấy tiếng hò hét inh ỏi, dường như đám đông đó đang cổ vũ cho một trò chơi thú vị nào đó, cậu bế tôi chạy vào xem… Tôi nhìn vào, thì ra là chọi gà, tôi có nghe cậu chủ nhắc đến trò này, nghe đâu là rất thú vị, cậu chủ đặt tôi xuống đất, vỗ vỗ tay vào người tôi rồi cậu cùng lũ bạn hò hét, tôi biết chắc là mình sẽ không làm cậu chủ thất vọng nên cũng đã lấy hết bình sinh mà lao vào, không dễ như tôi nghĩ, đối phương là một kẻ rất mạnh và dày dạn kinh nghiệm, hắn lao vào tôi và tấn công tới tấp, lúc đầu tôi còn sợ, tôi mất đà té lăn ra, cậu chủ thấy thế liền vỗ nhẹ vào đầu bảo tôi cố lên, gương mặt cậu tràn đầy hi vọng, tôi như khoẻ hẳn ra, đứng dậy, tôi vươn đôi cánh vững chắc và lao vào hắn, tôi quyết liệt tấn công, hắn dường như cũng đã đuối sức, tôi dồn sức đá nhát cuối cùng vào ức của hắn, hắn lăn ra đất thất bại…. Cậu chủ vui mừng nhấc bỗng tôi lên, một cảm giác thật tuyệt, lần đầu tiên tôi cảm thấy cậu chủ cười vui như vậy, cậu đặt cho tôi tên Oanh Liệt vì cậu bảo tôi đã chiến đấu rất dũng cảm, tôi kiêu hãnh cất tiếng gáy thật to, mặc cho thời gian có trôi đi, mặc cho mọi điều có thay đổi, tôi chỉ muốn giữ mãi niềm hạnh phúc ngày hôm nay, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình sống thật có ích… Từ đó về sau, cậu chủ mang tôi đến với mọi nơi trong làng, từ làng trên xóm dưới, không nơi đâu mà không nghe danh tôi, tôi trở thành tay đá cừ khôi bậc nhất nhì làng, cậu chủ ngày càng yêu tôi hơn, những tháng ngày đó, tôi sẽ không bao giờ quên được…
Nhưng tôi cũng biết, đâu có niềm vui nào là mãi mãi, và niềm vui của tôi cũng nào có ngoại lệ, khi tôi nhận ra, cậu chủ đã dường quên mất trò đá gà ngày nào, quên mất Oanh Liệt ngày nào, cậu thờ ơ với tôi, cả mấy tuần rồi không thấy cậu đâu, tôi lân la dò la thì biết được, cậu đã chạy theo lũ bạn trong làng đến với thế giới của biết bao trò chơi mới, nơi mà người ta gọi là Internet, ngày nào cậu cũng ra đó chơi, tôi đối với cậu giờ chỉ là quá khứ, đá gà với cậu lại càng là một thú vui xa vời… Tôi buồn, cô đơn và cả thất vọng, cái tên Oanh Liệt giờ với tôi cũng vô nghĩa wa’, bây giờ nào có ai cần tới tôi, còn có ai nhắc đến Oanh Liệt này đâu… Thế là tôi quyết định rời xa cậu chủ, đi đâu cũng được, nhưng tôi chắc chắn sẽ không quay lại đây, cái thế giới này đã không còn là giang sơn của tôi nữa rồi…
Lang thang cho đến cuối ngày, tôi lạc đến một dòng sông nào đó rất xa nơi cậu chủ sống, cảnh vật nơi đây quen lắm, rồi kí ức tìm về trong tôi, tôi nhớ lại gia đình mình, nhớ lại bố mẹ của tôi, nhớ lại mấy đứa em bé bỏng ngày nào của tôi… và nhớ lại cả ngày đầu tiên tôi gặp cậu chủ… Nhìn qua phía bên kia sông, tôi chỉ thấy thấp thoáng một hàng tre xanh rì rào… có phải đó là nơi tôi đến chăng…
Giải câu 4 (Trang 123 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay (tham khảo đề 2, phần Luyện tập, trong bài Lập dàn ý bài văn tự sự – trang 46)
Trả lời:
Một anh thợ học việc trong lò rèn suốt ngày ca thán về những khó khăn anh ta gặp phải trong cuộc sống. Anh ta cho rằng cuộc sống này quá u ám và ngột ngạt đến mức không thể chịu đựng nổi.
Một hôm, ông chủ lò rèn đã lớn tuổi bảo anh ta ra chợ mua về một ít muối. Khi anh thợ học việc đem muối về, ông chủ lấy ra một ly nước và bảo anh hãy bốc một nắm muối cho vào ly rồi uống.
– Anh thấy thế nào? – Ông chủ hỏi.
– Vị mặn chát! – Anh thợ thốt lên.
Ông chủ gật đầu đồng tình rồi bảo anh ta mang một nắm muối tương tự đi theo ông. Hai người lặng lẽ đến bên một bờ hồ gần đó. Ông chủ bảo anh thợ lấy nắm muối thả xuống hồ nước. Khi người thợ khuấy nắm muối vào nước hồ, ông chủ bảo anh ta:
– Giờ anh uống thử nước trong hồ xem sao.
Anh thợ làm theo lời ông chủ.
– Vị thế nào? – Ông hỏi sau khi chàng trai đã uống xong một ngụm nước hồ.
– Mát lắm ạ! – Chàng thợ học việc nhận xét.
– Thế anh có nếm thấy vị mặn chát của nắm muối không?
– Không ạ!
Ông chủ nhẹ vỗ vai chàng trai, hiền từ nhìn vào mắt anh và nói:
– Những phiền muộn cũng giống như những hạt muối mặn chát vậy. Ai trong chúng ta cũng đều gặp những điều không vừa lòng trong cuộc sống. Tuy nhiên, số lượng những đắng cay mỗi người cảm nhận được tùy thuộc vào nơi mà họ đặt nỗi phiền muộn ấy vào. Thế nên khi nào anh đau khổ, điều duy nhất anh nên làm là mở rộng nhận thức của anh về sự việc. Đừng tự biến mình thành cái cốc nước bé nhỏ để nỗi đau khổ ấy tạo thành vị mặn chát mà hãy trở thành hồ nước để hòa tan nỗi phiền muộn, sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự
Đề 1: Cây lau chứng kiến việc Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết lại câu chuyện đó theo ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba.
Gợi ý:
Dàn ý:
Mở bài: Giới thiệu bối cảnh của câu chuyện
Thân bài: Kể lại câu chuyện theo ngôi kể thứ nhất của cây lau
– Sự kiện 1: Nàng Vũ Nương ngồi than thở bên bờ Hoàng Giang về số phận oan khuất.
– Sự kiện 2: Nàng Vũ Nương vì quá quẫn bách, không còn cách minh oan nào khác nên nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn.
– Tâm trạng đau buồn của cây lau khi chứng kiến cảnh tượng đó mà không thể ngăn cản.
Kết bài: Kết thúc câu chuyện.
Đề 2: Hãy hóa thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đéc-xen.
Gợi ý:
Dàn ý:
Mở bài: Giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh diễn ra câu chuyện)
Thân bài: Kể lại câu chuyện theo lời của những que diêm.
– Hoàn cảnh tội nghiệp của cô bé bán diêm, chỉ có những que diêm làm bạn trong đêm lạnh giá.
– Cô bé bán diêm gọi người thứ nhất trong chúng tôi (đốt que diêm thứ nhất).
– Cô bé bán diêm gọi người thứ hai trong chúng tôi (đốt que diêm thứ hai).
– Cô bé bán diêm gọi người thứ ba trong chúng tôi (đốt que diêm thứ ba).
– Cô bé bán diêm đã chết vì giá lạnh trong đêm mùa đông đó.
Kết bài: Suy nghĩ, sự đau buồn của những que diêm khi chứng kiến số phận của cô bé bán diêm.
Đề 3: “Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sợi chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới…”.
Gợi ý:
Dựa theo những lời tâm sự trên, anh chi hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất, kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi.
Dàn ý:
Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh câu chuyện.
Thân bài: Kể lại các sự kiện của câu chuyện theo ngôi kể của con gà chọi.
– Tôi đã từng được cậu chủ yêu thương, cưng chiều, đưa tôi đi chinh chiến trong những trận đấu chọi trong làng.
– Đến một ngày, có nhiều trò chơi mới khác xuất hiện, cậu chủ theo bạn bè ra ngoài chơi và để tôi ở nhà.
– Cậu chủ đã quên tôi, để tôi ở trong chuồng, không còn đưa tôi đến những trận đấu trong làng nữa.
– Tâm trạng của tôi thật sự rất buồn và nhớ những ngày mà tôi cùng cậu chủ chinh chiến khắp nơi.
Kết bài: Kết lại câu chuyện.
Đề 4: Sáng tác một truyện ngắn có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay (tham khảo đề 2, phần Luyện tập, trang 46 SGK)
Gợi ý:
Dàn ý: bài văn viết về câu chuyện đôi bạn giúp nhau vượt khó, học giỏi.
Mở bài: Giới thiệu câu chuyện
→ Em được chứng kiến câu chuyện ấy vào hoàn cảnh nào, ở đâu.
→ Đôi bạn trong câu chuyện là những ai.
Thân bài: Những sự việc, chi tiết chính
– Kể về hoàn cảnh khó khăn của đôi bạn.
– Kể về việc hai người bạn đã giúp nhau vượt qua khó khăn để học giỏi.
Kết bài: Kết thúc câu chuyện
– Câu chuyện đôi bạn giúp nhau vượt khó là minh chứng cho tình bạn đáng quý.
– Bài học rút ra: Phải luôn biết cố gắng không ngừng, cũng phải biết giúp đỡ những người xung quanh mình.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment