Soạn bài – Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội

Soạn bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội trang 78 – 79 SGK ngữ văn lớp 12 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội

Giải đề 1 – Viết bài làm văn số 2 (trang 78 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trả lời:

a) Mở bài:

– Tai nạn giao thông đang là một hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển.

– Nêu vấn đề: Tuổi trẻ học đường cần có suy nghĩ và hành động để giảm thiểu tai nạn giao thông.

b) Thân bài:

* Nguyên nhân dẫn đến Tai nạn giao thông:

– Khách quan: Cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; do thiên tai gây nên…

– Chủ quan:

+ Ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là giới trẻ, trong đó không ít đối tượng là học sinh.

+ Xử lí chưa nghiêm minh, chưa thỏa đáng. Ngoài ra còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong xử lí.

* Hậu quả: gây tử vong, tàn phế, chấn thương sọ não…

+ Theo số liệu thống kê của WHO ( Tổ chức y tế thế giới): Trung bình mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2006, riêng Trung Quốc có tới 89.455 người chết vì các vụ tai nạn giao thông. Ở Việt Nam con số này là 12,300. Năm 2007, WHO đặt Việt Nam vào Quốc gia có tỉ lệ các vụ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới với 33 trường hợp tử vong mỗi ngày.

+ Tai nạn giao thông đang là một quốc nạn, tác động xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống:

  • Tai nạn giao thông ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý.
  • Tai nạn giao thông gây rối loạn an ninh trật tự.
  • Tai nạn giao thông gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế.
  • Tai nạn giao thông làm tiêu tốn thời gian lao động, nhân lực lao động.

Do đó, giảm thiểu tai nạn giao thông là là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội.

* Thanh niên, học sinh cần có hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

– Tuyên truyền cho mọi người biết tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông.

– Tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

– Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông. Cùng giương cao khẩu hiệu “Nói không với phóng nhanh vượt ẩu“, “An toàn là bạn, tai nạn là thù“…

– Thành lập các đội thanh niên tình nguyện xuống đường làm nhiệm vụ.

– Phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan đoàn thể nơi gần nhất những trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

c) Kết bài:

Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông và vai trò của tuổi trẻ học đường trong việc góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Giải đề 2 – Viết bài làm văn số 2 (trang 78 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tất đẹp.

Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.

Trả lời:

a) Mở bài: Nêu vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm của toàn xã hội.

b) Thân bài:

* Thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ:

– Theo số liệu của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, năm 2003 cả nước có trên 21.000 trẻ em lang thang cơ nhỡ, đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh với 8.500 em. Năm 2008, mặc dù đã được các cá nhân, tổ chức thu nhận về những mái ấm tình thương để nuôi dạy nhưng hiện vẫn còn trên 10.000 trẻ em không nơi nương tựa. Con số này không ngừng gia tăng.

– Trẻ em đường phố đối diện với nguy cơ thất học cao và dễ rơi vào tệ nạn xã hội.

– Trẻ em đường phố có nguy cơ phạm tội ngày càng cao; nạn xin ăn tràn lan ảnh hưởng tới văn minh đô thị.

-Trẻ em đang bị bóc lột sức lao động và nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.

* Nguyên nhân:

– Do đói nghèo: Trẻ đường phố thường xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo hoặc gia đình mà bố mẹ không có việc làm, khó khăn về kinh tế và đông con.

– Do tổn thương tình cảm như: bị gia đình ruồng bỏ, từ chối hoặc đánh đập.

– Còn lại là do mồ côi hoặc các trường hợp bố mẹ li hôn.

* Về những mái ấm tình thương:

– Hiện nay, ở nước ta, những mái ấm tình thương đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

– Ý nghĩa: Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm không chỉ của cá nhân mà còn là của toàn xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là giúp cho các em hướng thiện, đưa các em đi đúng với quỹ đạo phát triển tích cực của xã hội. Đây là tình cảm tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… biểu hiện của truyền thống nhân đạo ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

* Các tổ chức cá nhân tiêu biểu:

– Tổ chức: Làng trẻ em SOS; Làng trẻ em Hũa Bỡnh (Từ Dữ); Cô nhi viện Thánh An (Giáo phận Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định); Chùa Kì Quang II (Gò Vấp); Chùa Bồ Đề (Huế)…

– Cá nhân: Mẹ Phạm Ngọc Oanh (Hà Nội) với 800 đứa con tình thương: Anh Phạm Việt Tuấn với mái ấm KOTO (Hà Nội); Thầy Koyama với mái ấm tình thương 37, Nguyễn Trãi, Huế….

* Thái độ trước hiện tượng đó:

– Có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, từ đó nâng cao tình cảm và trách nhiệm đối với hiện tượng ấy. Lên án và kịp thời phát hiện, tố cáo những kẻ bóc lột sức lao động và xâm hại trẻ em.

– Khuyến khích, biểu dương các tổ chức cá nhân tiêu biểu đồng thời lên án, ngăn chặn, xử lí kịp thời những kẻ núp bóng từ thiện để làm việc xấu.

– Nhân rộng: Dùng biện pháp tuyên truyền, kêu gọi các cá nhân, tổ chức, lập đội thanh niên tình nguyện.

c) Kết bài:

– Khẳng định giá trị, ý nghĩa của phong trào.

– Liên hệ bản thân.

Giải đề 3 – Viết bài làm văn số 2 (trang 78 SGK ngữ văn 12 tập 1)

Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Trả lời:

a) Mở bài:

– Tình trạng học tập chạy theo thành tích không chú ý đến thực chất là một vấn nạn trong nhà trường và trong xã hội.

– Cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục đã góp phần điều chỉnh lại mục đích dạy và học trong nhà trường.

– Mỗi học sinh phải có trách nhiệm loại trừ những hiện tượng tiêu cực bằng hành động cụ thể.

b) Thân bài:

Giải thích:

– Nội dung: hướng tới hoạt động dạy và học thuộc các cấp trong nhà trường, định hướng mục đích giảng dạy.

– Mục đích: Dạy để học sinh hiểu biết tri thức thực sự toàn diện không chạy đua theo thành tích, đảm bảo chất lượng dạy, đảm bảo công bằng minh bạch trong đánh giá thi, đánh giá thực chất học sinh. Với hoạt động học tập của học sinh là để củng cố, điều chỉnh lại mục đích học, cách học đã và đang có, tránh học lệch, học tủ, học để đối phó với kì thi, quay cóp trong kiểm tra, thi cử

– Ý nghĩa của cuộc vận động: Nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo cho giáo dục nước nhà lành mạnh, tiến bộ, khắc phục tình trạng lạc hậu, để hội nhập với giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thực trạng:

– Một số học sinh lười học, ham chơi nhưng lại muốn được điểm cao nên xoay xở quay cóp.

– Một số số nhà trường do chạy theo thành tích cho điểm dễ, để cho học sinh quay cóp khi thi.

Biện pháp:

– Quán triệt vấn đề thật chặt chẽ từ trên xuống.

– Cán bộ lãnh đạo là người tiên phong, kiên quyết thực hiện.

– Tuyên truyền sâu rộng cho phong trào.

– Lên án mạnh mẽ các biểu hiện của tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong nhà trường.

– Mỗi giáo viên, học sinh cần thấy được tính cấp thiết của vấn đề và thực hiện nghiêm túc.

c) Kết bài:

* Liên hệ bản thân: Nâng cao chất lượng học tập không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi học sinh cần có sự cố gắng, nghiêm khắc với bản thân.

* Khẳng định giá trị, ý nghĩa của phong trào:

– Ý nghĩa to lớn, thiết thực của cuộc vận động: có tác dụng điều chỉnh mục đích giảng dạy, học tập.

– Chỉ có kiến thức, hiểu biết thực sự – kết quả quá trình học tập, rèn luyện nghiêm túc mới đem lại cho mỗi người giá trị chân thực, đóng góp tích cực cho cuộc vận động và đem lại hiệu quả cho chính mình.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội

Đề 1. Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trả lời:

Nêu vấn đề: Nêu sự cấp bách và tầm quan trọng hàng đầu của việc phải giải quyết vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

– Giao thông là hoạt động không thể thiếu trong đời sống xã hội.

– Tai nạn giao thông là tai nạn do các phương tiện tham gia giao thông gây nên: đường bộ, đường thủy, đường sắt… trong đó phần lớn các vụ tai nạn đường bộ.

a) Nguyên nhân dẫn đến Tai nạn giao thông:

– Khách quan: Cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; do thiên tai gây nên…

– Chủ quan:

+ Ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là giới trẻ, trong đó không ít đối tượng là học sinh.

+ Xử lí chưa nghiêm minh, chưa thỏa đáng. Ngoài ra còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong xử lí.

b) Hậu quả: gây tử vong, tàn phế, chấn thương sọ não…

Theo số liệu thống kê của WHO ( Tổ chức y tế thế giới): Trung bình mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2006, riêng Trung Quốc có tới 89.455 người chết vì các vụ tai nạn giao thông. Ở Việt Nam con số này là 12,300. Năm 2007, WHO đặt Việt Nam vào Quốc gia có tỉ lệ các vụ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới với 33 trường hợp tử vong mỗi ngày.

Tai nạn giao thông đang là một quốc nạn, tác động xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống:

  • Tai nạn giao thông ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý.
  • Tai nạn giao thông gây rối loạn an ninh trật tự.
  • Tai nạn giao thông gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế.
  • Tai nạn giao thông làm tiêu tốn thời gian lao động, nhân lực lao động.

Do đó, giảm thiểu tai nạn giao thông là là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội.

c) Thanh niên, học sinh cần có hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

– Tuyên truyền cho mọi người biết tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông.

– Tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

– Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông. Cùng giương cao khẩu hiệu “Nói không với phóng nhanh vượt ẩu“, “An toàn là bạn, tai nạn là thù“…

– Thành lập các đội thanh niên tình nguyện xuống đường làm nhiệm vụ.

– Phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan đoàn thể nơi gần nhất những trường hợp vi phạm an toàn giao thông.

Đề 2. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tất đẹp.

Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.

Trả lời:

Đặt vấn đề: Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cỡ nhỡ là trách nhiệm của toàn xã hội.

Giải quyết vấn đề:

* Thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ:

– Theo số liệu của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, năm 2003 cả nước có trên 21.000 trẻ em lang thang cơ nhỡ, đông nhất là ở TP.HCM với 8.500 em. Năm 2008, mặc dù đã được các cá nhân, tổ chức thu nhận về những mái ấm tình thương để nuôi dạy nhưng hiện vẫn còn trên 10.000 trẻ em không nơi nương tựa. Con số này không ngừng gia tăng.

– Trẻ em đường phố đối diện với nguy cơ thất học cao và rơi vào tệ nạn xã hội.

– Trẻ em đường phố đang có nguy cơ phạm tội ngày càng tăng; nạn xin ăn tràn lan ảnh hưởng tới văn minh đô thị.

– Trẻ em đang bị bóc lột sức lao động và nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.

* Nguyên nhân:

– Do đói nghèo: Trẻ đường phố thường xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo hoặc gia đình mà bố mẹ không có việc làm, khó khăn về kinh tế và đông con (77% trẻ bỏ nhà ra đi vì gia đình nghèo khổ).

– Do tổn thương tình cảm như: bị gia đình ruồng bỏ, từ chối hoặc đánh đập (23%).

– Còn lại là do mồ côi hoặc các trường hợp bố mẹ li hôn.

* Hiện nay, những “mái ấm tình thương” đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

* Ý nghĩa:

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm không chỉ của cá nhân mà còn là của toàn xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là giúp cho các em hướng thiện, đưa các em đi đúng với quỹ đạo phát triển tích cực của xã hội. Đây là tình cảm tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… biểu hiện của truyền thống nhân đạo ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

* Các tổ chức cá nhân tiêu biểu:

Tổ chức: Làng trẻ em SOS; Làng trẻ em Hòa Bình ( Từ Dũ); Cô nhi viện Thánh An ( Giáo phận Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định); Chùa Kì Quang II ( Gò Vấp); Chùa Bồ Đề (Huế)…

Cá nhân: Mẹ Phạm Ngọc Oanh ( Hà Nội) với 800 đứa con tình thương; Anh Phạm Việt Tuấn với mái ấm KOTO ( Hà Nội); Thầy Koyama với mái ấm tình thương 37, Nguyễn Trãi, Huế…

* Quan điểm và biện pháp nhân rộng:

Quan điểm: Có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng trẻ em lang thang cơ nhỡ từ đó nâng cao tình cảm và trách nhiệm đối với hiện tượng ấy. Lên án và kịp thời phát hiện, tố cáo những kẻ bóc lột sức lao động và xâm hại trẻ em.

Biện pháp nhân rộng:

  • Dùng biện pháp tuyên truyền.
  • Kêu gọi các cá nhân, tổ chức.
  • Quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện.
  • Thành lập đội thanh niên tình nguyện.

Đề 3. Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Trả lời:

1.Tìm hiểu đề

  • Nội dung bình luận: hiện tượng tiêu cực trong thi cử hiện nay…
  • Kiểu bài: nghị luận xã hội với các thao tác bình luận, chứng minh…
  • Tư liệu: trong đời sống xã hội.

2. Lập dàn ý

a) Mở bài: Nêu hiện tượng, trích dẫn đề, phát biểu nhận định chung.

b) Thân bài:

– Phân tích hiện tượng.

+ Hiện tượng tiêu cực trong thi cử trong nhà trường hiện nay là một hiện tượng xấu cần xoá bỏ, nó làm cho học sinh ỷ lại, không tự phát huy năng lực học tập của mình…

+ Hiện tượng lấy tỉ lệ để nâng thành tích của nhà trường.

→ Hãy nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

– Bình luận về hiện tượng:

+ Đánh giá chung về hiện tượng.

+ Phê phán các biểu hiện sai trái: Thái độ học tập gian lận; Phê phán hành vi cố tình vi phạm, làm mất tính công bằng của các kì thi.

c) Kết bài:

– Kêu gọi học sinh có thái độ đúng đắn trong thi cử.

– Phê phán bệnh thành tích trong giáo dục.

Bài văn mẫu tham khảo – Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội

Đề 1. Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Bài viết tham khảo:

 Trong những năm gần đây, có thể nhận thấy tình hình trật tự ATGT ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Tính chất TNGT ngày càng nghiêm trọng hơn.Vậy là thế hệ tuổi trẻ, là thế hệ mai sau của đất nước, chúng ta phải làm thế nào để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đang là nổi lo và vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đó là thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại về nhân lực, trí tuệ, gây tổn thương về tinh thần xã hội, về vật chất, tiền của và cả nỗi đau thể xác, tinh thần dai dẳng. Điều ấy đã và đang đặt ra cho toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ tuổi trẻ hơn bao giờ hết phải nêu cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm để chung sức kiềm chế, đẩy lùi những nguy cơ trên.

Sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông đường bộ và số người chết do tai nạn giao thông.

Sự hiểu biết còn hạn chế về quy định giao thông, về các hành vi lái xe an toàn.

Môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông nghèo nàn.

Những hành động nguy hiểm thường gặp của thanh niên như lạng lách, đua xe máy là nguồn gốc của nhiều tại nan giao thông.

Trong vòng 10 năm qua, số vụ tai nạn giao thông đã tăng gấp 4 lần. Theo điều tra chấn thương liên trường (VMIS), trong năm 2001 có 4.100 trẻ chết do tai nạn giao thông, tương đương với 11 trẻ chết 1 ngày. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em trai gấp 2 lần tỷ lệ này ở trẻ em gái. Trong khi đó có 290.000 trẻ bị thương do tai nạn giao thông cũng trong 2001, tương đương với 794 trẻ/ngày. Tai nạn giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em từ 15 tuổi trở lên.

Bà Isabelle Bardem, Trưởng phòng Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em của UNICEF nói “Tai nạn giao thông có ảnh hưởng nặng nề đối với trẻ Việt Nam. Không chỉ rất nhiều trẻ trực tiếp bị tai nạn giao thông gây tử vong hoặc thương tật nặng nề, còn có biết bao trẻ khác bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cha, mẹ các em bị tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh hoặc tàn tật”. Phần lớn trẻ 0-9 tuổi chết là người đi bộ. Đa số trẻ 10-14 tuổi chết khi đi xe đạp trong khi tất cả các ca tử vong ở đối tượng 15-19 tuổi là người đi xe máy.

Ở cấp quốc gia, vận động để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về luật giao thông và tăng cường nghiêm chỉnh chấp hành luật.

Thực hiện chương trình giáo dục phòng chống thương tích trong trường học giúp học sinh có kỹ năng về giao thông để phòng tránh tai nạn khi đi bộ, đi xe đạp hay xe máy.Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là thanh thiếu niên. Hỗ trợ người dân thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện địa phương. Huấn luyện cho các tuyên truyền viên đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền về phòng chống tai nạn bao gồm cả các tai nan giao thông.Hỗ trợ các xã xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ để trẻ có thể chơi an toàn xa đường giao thông.Tổ chức các cuộc hội thảo cho các cấp lãnh đạo xã về việc thi hành pháp luật bao gồm luật an toàn giao thông.

Để hạn chế tai nạn giao thông không phải còn là vấn đề đơn giản, mà đó đã và đang là vấn đề nóng cho toàn xã hội và đất nước. Vì vậy, với việc giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung, nhà nước cần phải có một sộ biện pháp mạnh với những kẻ không ý thức, những kẻ cố tình gây nạn cho người khác,và đó chính là những kẻ phóng nhanh vượt ẩu làm mối đe dọa cho người tham gia giao thông. Còn đối với giao thông học đường nói riêng chấn chỉnh giao thông học đường, cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông,… mà phải bằng hành động cụ thể.

Trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng cần phải xem xét khi không hoàn thành nhiệm vụ giáo dục các em. Nhà trường cần đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Hàng năm, nếu điều kiện cho phép, các trường chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức học luật và sát hạch cấp giấy phép lái xe tại trường đối với những học sinh đủ tuổi. Cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên: xếp loại đạo đức trung bình đối với học sinh, sinh viên vi phạm giao thông lần một và xếp loại yếu nếu vi phạm lần hai trong cùng một năm học.

Là một học sinh, mỗi chúng ta phải xem xét lại mình đã bao giờ vi phạm lỗi giao thông không, có bao giờ gây tai nạn giao thông không. Tất nhiên là có, không ai chưa bao giờ vi phạm lỗi giao thông dù đó chỉ là một lỗi nhỏ, nhưng qua mỗi lần như vậy chúng ta phải biết nhìn nhận và rút kinh nghiệm để lần sau không tái phạm và mỗi học sinh chúng ta phải tự giác làm đúng các nguyên tắc an toàn giao thông mà nhà trường và xã hội đã chỉ dẫn.Có như thế thì tuổi trẻ học đường đã góp một phần nào trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn nạn mà xã hội và đất nước đang tìm cách khắc phục.

Đề 2. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tất đẹp.

Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.

Bài viết tham khảo:

Hiện nay thực trạng xã hội ở nước ta, tình trạng trẻ em lang thang ngày càng tăng và là một vấn nạn cần được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhà nước ta đã rất cố gắng hết mình, nhưng không dễ gì có thể xóa đi vấn nạn này một cách nhanh chóng được do nhà nước ta không có đủ điều kiện. Vì thế trong xã hội đã xuất hiện một lực lượng mới, một lực lượng cảm thông với tình trạng hiện nay của các em, một lực lượng giàu tâm huyết và đầy tình thương,đó chính là nhiều cá nhân, gia đình & tổ chức có lòng hảo tâm đã thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang, kiếm sống trong thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy,giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

Số phận của những đứa trẻ lang thang, khác với các bạn bè cùng trang lứa, lẽ ra giờ này chúng phải đang được yêu thương, được nâng niu chăm sóc bởi gia đình, cha mẹ; thì giờ đây những đứa trẻ ấy phải lang thang kiếm sống dưới những tiêu cực của xã hội, những lừa lọc, áp bức, xâm hại tới bạn thân, mà quan trọng nhất là xâm hại tới tinh thần, tới tư tưởng.Vì thế các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước đã cùng chung tay lập nên những Mái ấm tình thương, những gia đình không cùng chung huyết thống nhưng lại có chung một tấm lòng, để chăm lo và dạy bảo cho trẻ em lang thang, những mảnh đời bất hạnh có được một cuộc sống hạnh phúc, một tuổi thơ vui tươi và một tương lai tươi sáng.

Tiêu biểu về các tổ chức nhân đạo ở Vịêt Nam là: Làng trẻ em SOS, một gia đình lớn cuả trẻ em lang thang. Nhưng trong số những nhà hảo tâm có đầy đủ điều kiện về vật chất lẫn tấm lòng thì cũng có không ít người không có điều kiện vật chất nhưng lại có tấm lòng như Cổ tích “bà bụt sinh viên” đăng trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 26-9-2008 về nữ SV Nguyễn Hòang Oanh đảm đang, vững vàng với vai trò là chị, là mẹ của 3 em “nuôi” nhỏ mù lòa. Dù chỉ là sinh viên, lo tiền học của bản thân còn không đủ, nhưng Oanh vẫn gắng chăm sóc cho các em, lo cho các em có được một cuộc sống no đủ, được vui chơi, được học hành bằng những mối làm thêm đến tận khuya để có tiền cho các em.Thật đúng là một câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường.

Nhưng do đâu mà trẻ em lang thang trong xã hội ngày một đông? Trẻ em lang thang do nhiều lí do, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do những người mang tiếng là bậc sinh thành, nhưng lại thiếu trách nhiệm, đang tâm bỏ con giữa một xã hội đen tối, không nơi nương tựa, để chúng bị lợi dụng, lầm đường lạc lối.Thật đáng trách cho những kẻ đã quyết định sinh con ra đời thì ít nhất cũng phải mang đến cho chúng một cuộc sống hạnh phúc cho dù là không no đủ.

Nguyên nhân thứ hai có thể do bọn trẻ mồ côi từ nhỏ, không nơi nương tựa, chúng phải sống dựa vào những đứa trẻ lang thang lớn hơn, những băng nhóm đường phố, học theo thói xấu, làm việc xấu để mưu sinh.Và nguyên nhân thứ ba chính là những kẻ có tâm địa độc ác, xấu xa đã lừa gia đình các em, dụ dỗ các em, xem các em như một món hàng đem lại lợi nhuận cho chúng.

Trong cuộc sống có kẻ xấu, người tốt, cũng như có những nhà hảo tâm thì song song đó cũng có những kẻ gian, lừa đảo, chăn dắt các em gọi là “mẹ mìn”.Những người “mẹ” này đã lợi dụng các em, bóc lột sức lao động của các em, bắt các em làm việc quá sức: xin ăn,bán vé số, thậm chí là ăn cắp để kiếm tiền nuôi chúng.Nếu các em không kiếm đủ tiền, thì bị “mẹ” đánh đập dã man, bắt các em nhịn đói. Những kẻ nhẫn tâm hơn nữa thì đánh gãy tay, gãy chân, thậm chí là chặt ngón tay, ngón chân của các em để việc ăn xin đạt “hiệu quả” cao hơn. Những đứa trẻ bị lợi dụng chăn dắt thường xuất thân ở các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, bị những kẻ chăn dắt lường gạt đư vào TP.HCM làm việc kiếm tiền.

Một thực trạng đau lòng khác là nhiều vụ việc khi phát hiện, lại do chính cha, mẹ ruột đẩy các em theo những kẻ chăn dắt để kiếm tiền. Như trường hợp em Hoa (khỏang 6 tuổi) trên báo Phụ nữ,quê ở Nghệ An, mẹ bệnh mất sớm từ lúc hai tuổi.Nhà có bốn chị em, thu nhập hàng ngày trông vào hai công đất trồng sắn và công việc phụ hồ hàng ngày của ba. “Khỏang giữa năm 2008, bác Năm ở TP.HCM ra quê đưa nhà em ba triệu đồng bảo ba cho con vào TP.HCM phụ bác Năm bán hàng.Bác sẽ cho ăn học đến nơi đến chốn. Khi vào TP.HCM, bác Năm Bắt con gọi bằng “mẹ”.Khi đi bán phải mặc đồng phục học sinh để người ta thấy tội nghiệp, mới bán được nhiều. Mỗi ngày làm việc, “mẹ” sẽ giữ dùm 10.000đ, cuối năm sẽ đưa con gửi về quê” – Hoa nói.Thật đáng xấu hổ khi một người lớn khỏe mạnh lại sống bằng số tiền ít ỏi kiếm được của một đứa trẻ, mà không biết tự lao động để nuôi sống bản thân, chỉ biết bóc lột sức lao dộng của các em. Những kẻ có hành vi này cần phải bị xử phạt thật nghiêm minh, để làm gương cho bọn xấu còn lại.

Việc làm của những nhà hảo tâm đối với các em lang thang thật là tuyệt vời. Đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp mà xã hội đang rất cần có ở mỗi công dân. Là một thanh niên sống trong xã hội, chúng ta phải có thái độ tích cực ngăn chặn những hành vi sai phạm của bọn xấu, đồng thời chung tay góp sức giúp các em có một cuộc sống tươi đẹp.Vì trẻ em chính là tương lai của đất nước, là tương lai của chính chúng ta.”Trẻ em hôm nay, đất nứơc ngày mai”, hãy để trẻ được sống trong ấm no hạnh phúc, có thế thì tương lai do chúng xây dựng mới có thể tốt đẹp được.

Giúp đỡ người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ cần có sự chung tay của nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức từ thiện và các cấp, các ngành và cả chính bản thân chúng ta nữa.Chúng ta hãy cùng nhau vận động mọi người xây nên những mái ấm, những gia đình thật lớn, để xã hội không còn cảnh trẻ em lang thang nữa.Hãy dể cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Đề 3. Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Bài viết tham khảo:

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong học tập là một ví dụ. Trước tình hình đó, Bộ Giáo Dục nước ta đã vận động nhân dân “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”

“Tiêu cực” là những biểu hiện không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. “Thành tích” là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng “bệnh thành tích” lại là kết quả của sự “nỗ lực” giả dối, nguỵ tạo. Sự khác nhau căn bản giữa “thành tích” và “bệnh thành tích” chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sụ khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thề là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương .Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ.

Căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhà trường vì muốn đạt chỉ tiêu của bộ đề ra, giáo viên muốn hoàn thành tốt thi đua của nhà trường nên đã lờ đi đạo đức nghề nghiệp mà cho đỉêm ảo. Phụ huynh vì muốn con em mình là học sinh giỏi, học sinh thì muốn lên lớp, có danh hịêu mà không cần phải tốn sức học bài. Vì những lý do đó mà ngày nay mới có hiện tượng chạy theo thành tích mà không cần quan tâm đến chất lượng. Đối với các vị phụ huynh, chắc chắn rằng chẳng ai muốn con mình học kém hay học mà không có chất lượng. Họ là những người đã bỏ ra tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được ăn học đến thành tài. Vì thế, chẳng có lý do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất mà chúng ta đã được biết qua báo chí, để con em họ qua được một kỳ thi, có một tấm bằng đề tìm việc sau này. Có một tấm bằng đi đã, vì đó là tấm bằng được xã hội thừa nhận, rồi sau này khi có điều kiện sẽ cố mà học tiếp một cách chân thực. Như vậy, suy cho cùng, phu huynh và học sinh chính là những người đã tiếp tay, để cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng và nặng hơn.

Đầu năm hai ngàn không trăm lẻ sáu, tại trường trung học cơ sở Trần Phú , huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên đã phát hiện hai mươi sáu học sinh lớp sáu đọc chưa thông, viết chưa thạo nhưng vẫn cứ đựoc lên lớp. Trong những kì thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vất trắng cả sân trường sau buổi thi đã từng được báo chí đề cập tới. Khi biết những thông tin này,bản thân chúng ta có suy nghĩ gì? Cả một thế hệ,cả một tương lai đất nước nay phải để những con người như thế gánh vác thì chẳng có gì kinh khủng hơn. Nếu những con người giữ những chức vụ cao trong xã hội là những người “hữu danh vô thực” thì đó là những hạt sạn của xã hội, là nguyên nhân kéo nước ta chậm lại trên con đường phát triển.

Chúng ta đều hiểu rằng, một xã hội muốn phát triển phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có năng lực thực sự, là nguyên khí của quốc gia. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thinh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục thực sự tốt sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích ấy sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển. Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới đề giành lấy một vi trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên chiến trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối chủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì có một văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không.

Chúng ta cần phải học tập thật tốt, ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức để sau này có thể giúp ích cho xã hội và cho bản thân. Cần phải đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Đó không phải là vịêc quá khó nếu chúng ta cùng có quyết tâm “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status