Soạn bài – Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội trang 14 – 17 SGK ngữ văn lớp 11 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Giải đề 1 – Viết bài làm văn số 1 (trang 14 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

Trả lời:

a) Mở bài

– Tấm cám tuy là câu chuyện cổ tích đã cách chúng ta khá lâu nhưng vấn đề xã hội đặt ra trong câu chuyện ấy đến giờ vẫn còn nguyên giá trị giáo dục con người….. Bạn nên dẫn ra nội dung câu chuyện, từ đó cho thấy cuộc đấu tranh giữa thiện bao giờ cái thiện cũng giành chiến thắng.

b) Thân bài

– Trong xã hội xưa: Nạn nhân của cái xấu thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt: cô bé mồ côi, những người có ngoại hình xấu xí nhưng có tấm lòng nhân hậu. Truyện Tấm Cám cũng ko ngoại lệ, Tấm là 1 cô bé từ nhỏ đã phải chịu sự thiệt thòi vì mất mẹ từ nhỏ, người cha lấy vợ lẽ đã có một người con riêng ….

+ Cái ác luôn tàn nhẫn, nhiều thủ đoạn, đã chà đạp lên cái thiện như thế nào? (Mẹ con Cám giết Tấm mấy lần? Vì sao?)

+ Cái thiện không đơn độc mà luôn được sự giúp đỡ của mọi người. (Tấm được Bụt giúp đỡ)

+ Cái thiện đã vùng lên đấu tranh với cái ác ra sao? (Từ thụ động chỉ biết trông chờ vào Bụt, đến chủ động, Tấm tự đấu tranh giành hạnh phúc; phản ứng từ yếu ớt đến mạnh mẽ, quyết liệt như thế nào?)

– Trong xã hội nay:

+ Cái thiện và ác vẫn luôn song hành, bởi cuộc đời luôn có những bất công.

+ Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.

+ Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.

→ Dù là xã hội xưa hay nay thì phần thắng cuối cùng cũng nghiêng về cái THIỆN, và cái ÁC luôn bị tiêu diệt. Những người sống ác độc luôn phải chịu những hậu quả nặng nề.

– Quy luật: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”

c) Kết bài

– Liên hệ bản thân rút ra bài học:

+ Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người.

+ Cần xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.

+ Kiên quyết đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong xã hội.

Giải đề 2 – Viết bài làm văn số 1 (trang 14 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

Trả lời:

a) Mở bài: Dẫn dắt và trích dẫn câu nói.

Bạn có thể làm theo mẫu:

4000 năm lịch sử, 4000 năm dựng nước và giữ nước, 4000 năm ấy đủ để ghi lại những dấu ấn của những người con của dân tộc- những con người làm nên đất nước – “hiền khí của quốc gia”. Thật vậy, Thân Nhân Trung đã từng viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

b) Thân bài

– Giải thích câu nói của Thân Nhân Trung:

+ Hiểu theo nghĩa hiển ngôn của từng từ thì hiền là ăn ở tốt với mọi người (phải đạo), hết lòng làm trọn bổn phận của mình đối với người khác; tài là khả năng đặc biệt làm một việc nào đó. Hiểu rộng ra theo nghĩa hàm ngôn thì hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.

+ Nguyên khí là khí ban đầu tạo ra sự sống của vạn vật. Hiểu rộng ra, nguyên khí là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của xã hội, đất nước.

– Khẳng định ý kiếm của Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là hoàn toàn đúng đắn, chứng minh bằng cách đưa ra những dẫn chứng lịch sử :

+ Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ … (kèm các sự kiện cụ thể)

+ Ở những thế kỉ trước và nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước và khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới.

– Nguyên khí thịnh thì nước mạnh hay chính là những con người này chính là nền tảng của đất nước, là con người làm nên lịch sử 4000 năm. (Trích dẫn ví dụ về các cuộc chiến của nhân dân ta)

– Nguyên khí yếu: thời kì suy vong của các chính quyền Trịnh Nguyễn, An Dương Vương vì chủ quan khinh địch mà lâm vào cảnh nước mất nhà tan,…

c) Kết bài

– Bài học rút ra từ tư tưởng của Thân Nhân Trung:

+ Thời nào thì “Hiền tài” cũng “là nguyên khí của quốc gia”. Vì vậy, phải biết quý trọng nhân tài, phải có những chính sách đãi ngộ đối với họ, nhất là trong thời kì mở cửa, nạn chảy máu chất xám không phải là hiếm như ngày nay.

+ Ở những cấp nhỏ hơn: cơ quan, đơn vị nào biết trọng dụng người tài thì có thể thúc đẩy công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn.

+ Nhà nước ta hiện nay cũng coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đồng thời vẫn tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi người hiền tài có điều kiện được cống hiến hết mình cho đất nước.

Giải đề 3 – Viết bài làm văn số 1 (trang 14 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.

Trả lời:

a) Mở bài

– Từ xưa đến nay, việc học luôn luôn được đề cao. Việc học là một quá trình liên tục, lâu dài, gắn bó với con người trong suốt cuộc đời.

– Nếu chỉ học kiến thức mà không vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống thì việc học chẳng mang lại cho ta những kết quả như ta mong muốn.

– Việc học bao giờ cũng phải đi đôi với hành.

b) Thân bài

* Giải thích khái niệm:

– Học là gì? Học ở đây được hiểu là một quá trình thu nhận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại hoặc tự mình tìm hiếu tiếp nhận kiến thức trong sách báo, truyền hình,…

– Hành là gì? Hành là thực hành. Lấy những điều đã học áp dụng để kiểm nghiệm thành kĩ năng.

– Thế nào là học đi đôi với hành? Nghĩa là sau khi tiếp thu được những kiến thức do người khác truyền lại hoặc tự mình học hỏi thì đem những cái đã học được vào thực tế để kiểm tra độ đúng hay sai, để làm sinh động nó.

* Bàn bạc, nhận xét, đánh giá:

– Những con đường học để tiếp thu kiến thức:

+ Tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

+ Tiếp thu kiến thức qua việc dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, anh em…

+ Tiếp thu kiến thức qua con đường tự học: học trong sách vở, tài liệu, ti vi. học trong cuộc sống,…

– Mục đích của việc học:

+ Quá trình học nhằm đến một mục đích chung, đó là làm phong phú những hiểu biết của mình. Giúp mình mở rộng hơn, hiểu sâu hơn những kiến thức của nhân loại.

+ Nhằm trang bị cho chúng ta những kiến thức, kĩ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, để từ đó ta vận dụng vào lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất, … góp phần đưa xã hội ngày một phát triển.

+ Nhằm phát triển nhân cách một cách toàn diện.

– Phương châm “Học đi đôi với hành” là hoàn toàn đúng, vì:

+ Trong mối quan hệ giữa học với hành, học dóng vai trò quyết định. Vì nếu không học được những kiến thức cho mình, thì lấy đâu ra kiến thức để vận dụng vào thực tế cuộc sống mà kiểm nghiệm xem nó đúng hay sai, tốt hay chưa tốt.

+ Nếu chỉ biết học lí thuyết mà không biết đến thực hành thì những lí thuyết ta học cùng chẳng có tác dụng là bao trong cuộc sống. Ví dụ: Một sinh viên học để ra làm một bác sĩ phẫu thuật, nếu chỉ học lí thuyết mà không được thực hành thì khi tốt nghiệp ra trường liệu tay nghề sẽ ra sao? Hay một kĩ sư nông nghiệp mà chỉ suốt ngày gắn với lí thuyết chẳng thực hành bao giờ, liệu lí thuyết đã học ấy có tác dụng dụng như thế nào đối với việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt của đất nước.

→ Chúng ta không được học lí thuyết suông mà phải biết áp dụng những lí thuyết đó vào cuộc sống. Chúng ta phải biến những kiến thức đã học thành những tri thức phục vụ cuộc sống. Để thực hiện được điều đó, trước hết chúng ta phải học lí thuyết thật chắc, thật giỏi.

* Mở rộng, nâng cao vấn đề:

– Ngày nay, việc học đi đôi với hành đã được đề cao, được quan tâm một cách nghiêm túc.

– Nhưng vẫn còn những trường hợp học sinh, sinh viên được học lý thuyết nhưng ít được thực hành. Ví dụ, ở một số trường phổ thông, học lí thuyết về môn Hoá, môn Lí, chưa thể có 100% học sinh được trực tiếp làm thí nghiệm, ở các trường học nghề, các máy móc dùng để thực hành có khi đã cũ kỉ, lạc hậu so với thực tại. Như vậy, hành chẳng có tác dụng.

– Cần phê phán những quan điểm sai lầm:

+ Học mà không thực hành: Con người sẽ trở nên viển vông không thực tế Khi đó sẽ nhìn vấn đề một cách phiến diện. Ví dụ: Trong xã hội phong kiến Việt Nam, lối học thông dụng là “tầm chương trích cú”. Cuối cùng những kẻ sĩ được đào tạo chỉ biết sách vở, thiếu thực tiễn. Từ đó làm cho xă hội bị trì trệ, kém phát triển.

+ Nếu hành mà không học thì số thiếu đi kiến thức cơ bản. Mọi thành quả trong lao động chỉ dựa vào những kinh nghiệm của cá nhân. Nhất định thành công ấy sẽ không tiếp tục, không bền vững.

c) Kết bài

– “Học đi đôi với hành” là một phương châm học tập khoa học, rất quan trọng trong xã hội ngày nay.

– Phải biết kết hợp vừa học lí thuyết, vừa biết thực hành nhuần nhuyễn những điều đã học. Điều đó giúp chúng ta rèn luyện mình trở thành người có ích cho xã hội.

– Bản thân phải biết “học đi đôi với hành” đế trở thành người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Đề 1. Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

Trả lời:

1. Mở bài

– Giới thiệu về Truyện cổ tích:  gửi gắm những ước mơ khát vọng.

– Giới thiệu truyện Tấm Cám.

– Đưa ra vấn đề.

2. Thân bài

a) Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong tác phẩm “Tấm Cám”.

* Trước khi Tấm thành hoàng hậu.

+ Hoàn cảnh của Tấm: Mồ côi mẹ, cha mất sớm, ở mẹ con Cám, bị mẹ con.

+ Mẹ con Cám luôn bắt nạt Tấm: tước đoạt mọi quyền lợi cả về vật  chất lẫn tinh thần của Tấm.

+ Cuộc đấu tranh thiện ác: Tấm thụ động, chưa biết đấu tranh.

* Sau khi Tấm trở thành hoàng hậu: Lừa giết Tấm, giết cả những kiếp hóa thân của Tấm.

+ Nhận xét:

– Mẹ con Cám là đại diện cho cái ác, => cái ác càng lúc càng lộ liễu, tàn nhẫn, nhiều thủ đoạn.

– Tấm là đại diện cho cái thiện.

=> Cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, hãm hại.

* Hành trình trỗi dậy của Tấm:

+ Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, chỉ biết trông chờ vào Bụt.

+ Về sau, Tấm tự vươn lên, tự đấu tranh để giành hạnh phúc: phân tích ý nghĩa những lần hoá thân của Tấm.

=> Khó khăn, gian khổ.

* Kết quả:

+ Thiện thắng ác.

+ Kẻ xấu bị trừng phạt, người tốt hưởng hạnh phúc.

b) Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội xưa và nay:

+ Trong xã hội xưa:

– Cái ác thường có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện.

– Cái thiện không đơn độc mà luôn được sự giúp đỡ của mọi người.

– Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó cái thiện có thể phải trải qua nhiều thử thách, nhưng kết quả cuối cùng cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cái ác luôn bị trừng phạt.

– Ví dụ thêm qua các truyện cổ tích khác: Thạch Sanh, Sọ Dừa,…

+ Trong xã hội ngày nay:

– Cái thiện và cái ác vẫn song song tồn tại.

+ Cái ác: những việc làm xấu xa, tổn hại đến tính mạng, nhân phẩm, danh dự của người khác, thói tiêu cực: lười biếng, gian lận, dối trá, lừa lọc,…

+ Cái thiện: những người hiền lành, lương thiện, sống chan hoà vì cộng đồng, những phẩm chất tốt đẹp,…

– Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xãhội vẫn còn mãi như một quy luật tất yếu.

– Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.

– Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.

c) Liên hệ bản thân rút ra bài học:

– Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người.

– Ý thức của mỗi người trong việc chống lại cái xấu, tiêu cực.

+ Tư tưởng: luôn đứng về lẽ phải.

+ Hành động: bảo vệ cái tốt, bài trừ những cái xấu.

+ Tuyên truyền những bài học đạo đức về thiện và ác.

3. Kết bài

– Cần xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.

– Kiên quyết đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong xã hội.

Đề 2. Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

Trả lời:

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu vấn đề “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

2. Thân bài

a) Giải thích câu nói “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

– Hiền tài: là người có tài và người đó phải có đức. Hiền tài là người tài giỏi, là người có tài cao, học rộng, hiểu biết sâu xa,….

– Nguyên khí: là sức mạnh vật chất, tinh thần, tiềm tàng của con người. là sức mạnh tiểm ẩn và quyết tâm của con người sẽ quyết định thành tích của người đó.

b) Ý nghĩa của câu nói “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

– Những người học rộng tài cao là khí chất ban đầu, làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước.

– Hiền tài có vai trò quan trọng trong sự thịnh suy của đất nước.

– Những người tài giỏi là nhân tố quan trọng để xây dựng đất nước.

c) Những việc người xưa đã làm để thể hiện sự coi trọng nhân tài

– Đề cao danh tiếng, phong chức tước, đề cao ở bảng vàng,….

– Khắc bia để lưu tên.

– Khuyến khích noi gương người tài, ngăn ngừa kẻ xấu.

– Học tập người tài những điều hay.

d) Bài học từ câu nói “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

– Phải biết quý trọng nhân tài.

– Những người tài giỏi luôn là người có vai trò quan trọng đối với sự thịnh suy của đất nước.

– Phát huy quan điểm của nhà nước, giáo dục là quốc sách, trọng dụng nhân tài.

e) Bài học cho mỗi cá nhân trong việc học tập và làm việc để phục vụ đất nước.

3. Kết bài:

– Nêu cảm nghĩ về câu nói “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

– Câu nói “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là một câu nói hết sức có ý nghĩa và luôn đúng trong mọi thời đại.

Đề 3. Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.

Trả lời:

a) Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần bàn luận và câu tục ngữ “Học đi đôi với hành”.

– Suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành (chặt chẽ, mật thiết).

b) Thân bài:

Giải thích ý nghĩa của “Học và hành”:

– Học là gì?

+ Học là lãnh hội, tiếp thu kiến thức, lý thuyết từ thầy cô, trường lớp, tiếp thu những điều hay, có ích trong cuộc sống và xã hội.

+ Học còn là nền tảng cho việc áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả .

+ Nhân bất học bất tri lí: người không học là người không có kiến thức, con người đó sẽ không tồn tại được trong xã hội và sẽ bị đắm chìm trong sự ngu dốt.

– Hành là gì?

+ Hành là vận dụng những điều học được vào thực tế , hành còn là mục đích của việc học.

+ Việc thực hành giúp ta nắm chắc kiến thức hơn, nhớ lâu hơn và hiểu sâu hơn những điều được học.

– Vì sao cần phải học đi đôi với hành?

+ Có học lí thuyết mà không thực hành thì sẽ không hiểu được vấn đề, gây hậu quả lãng phí.

+ Còn hành mà không học lí thuyết thì sẽ không đạt được kết quả cao.Vô tình trở thành kẻ phá hoại.

=> Tác dụng của việc “học đi đôi với hành”.

– Từ đó nêu ra phương pháp học đúng đắn: kết hợp giữa học và hành.

– Khẳng định được trong xã hội hiện đại ngày nay, việc học luôn phải đi đôi với hành vì nếu chúng không đi đôi với nhau thì công việc của chúng ta sẽ không đạt kết quả tốt.

c) Kết bài

Khẳng định phương pháp học đi đôi với hành luôn đúng ở mọi thời đại. Thực hiện việc học và hành sao cho hiệu quả.

Bài văn mẫu tham khảo – Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Đề 1. Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

Bài viết tham khảo:

   Từ xưa đến nay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt với kẻ xấu vô cùng gian nan, phức tạp. Đặc biệt, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong bản thân mỗi con người lại càng phức tạp, gian nan. Xong, kể cả trong xã hội xưa và nay, không phải lúc nào cái thiện cũng chiến thắng cái ác, chính vì vậy mà nhân dân xưa đã đưa những mơ ước, nguyện vọng, lý tưởng xã hội của mình thông qua chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiện vào những câu truyện cổ tích, tiểu biểu là câu truyện “Tấm Cám”.

Từ khi con người hình thành tri thức, cái thiện và cái ác đã luôn cùng song hành với nhau trong xã hội. Cái thiện là tất cả những gì có vai trò tích cực, có tác động thuận lợi trong đời sống của con người và toàn xã hội. Cái ác là tất cả những gì gây trở ngại và có hại cho con người và xã hội. Cái thiện và cái ác là hai mặt đối lập nhau nhưng lại là một chỉnh thể.

Bản chất mậu thuẫn và xung đột trong cậu chuyện “Tấm Cám” tập trung ở hai tuyến: Tấm và mẹ con Cám. Đầu Truyện mâu thuẫn và xung đột đầu tiên được đưa ra là mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền. Ý nghĩa xã hội được phản ánh rõ nhất qua cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa các lực lượng đối lập trong xã hội, xuất hiện muộn hơn.

Sớm mồ côi cha mẹ, Tấm sống trong sự ghẻ lạnh của dì ghẻ và Cám. Hằng ngày, Tấm phải làm mọi công việc nhà: “phải làm việc lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, với bèo; đêm lại còn xay lúa mà không hết việc” chỉ để nhận lấy những trận đòn roi từ bà dì ghẻ. Còn Cám thì ” được ăn trắng mặt trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng”. Khác nhau nhưng chưa đến độ mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn giữa Tấm và Cám dần lộ ra khi Cám lừa chị trút hết tép vào giỏ rồi nhanh chạy về nhà để nhận cái yếm đỏ, còn Tấm thì “ngồi bưng mặt khóc” vì cảm thấy bất công. Kế đến, từ sự việc con cá bóng bị mẹ con Cám bắt ăn thịt, Tấm cũng “oà lên khóc” vì thấy bị thua thiệt, đến việc đi xem hội, Tấm không được sắm sửa quần áo đẹp đã đành, đằng này bà dì ghẻ còn cản trở Tấm bằng cách “bắt cô phải nhặt xong mớ gạo thóc đã được trộn lẫn với nhau”, cô Tấm lại một lần nữa “ngồi khóc một mình”. Rồi cả việc so sánh Cám như “chuông khánh”, còn Tấm là “mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”, “bĩu môi” khi thấy Tấm xuất hiện ở đám hội, “ngạc nhiên và hằn học” nhìn Tấm lên kiệu về cung. Tấm sung sướng bao nhiêu thì mẹ con Cám càng uất hận bấy nhiêu.Tất cả đã phần nào thể hiện được sự mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám, mâu thuẫn sau cao hơn mâu thuẫn trước, từ mâu thuẫn nhỏ đến mâu thuẫn gay gắt, không thể dung hoà. Và sự mâu thuẫn chỉ được giải quyết bẳng sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hoà mâu thuẫn.

Sự ganh ghét như loài sau bọ đục khoét vào sâu trong tư tưởng biến thành ngọn lửa uất hận, khiến cho lương tâm và lý trí ngày cần thối rữa, cho đến khi sự tàn ác lấn áp tất cả. Gặp được dịp may hiếm có, Tấm về nhà giỗ cha. Mẹ com Cám lập kế giết chết Tấm hòng cướp đi hạnh phúc mà cô đang có.

Truớc lúc chết, mỗi lần Tấm gặp khó khăn, dẫu cho có cảm thấy bất công, bị thua thiệt hay tủi phận, thì cô đều tỏ ra yếu đuối, chỉ biết khóc và nhờ vào sự phù trợ của ông Bụt. Bụt hiện ra, đền bù những thua thiệt, mất mát của Tấm và thường là sự đền bù to lớn, tốt đẹp hơn. Ở phuơng diện ý nghĩa xã hội, sự giúp đỡ của Bụt thể hiện tình cảm, thái độ của tác giả dân gian, tức đa số nhân dân lao động đối với Tấm , cũng như đối với những người hiền lành, nghèo khổ và có phẩm chất tốt đẹp như Tấm. Mặt khác, có thể nói Bụt đóng vai trò tạo thêm sức mạnh cho Tấm để đi đến thắng lợi. Nhưng ông Bụt giúp Tấm được bao nhiêu thì lại bị cướp đi hết bấy nhiêu và cuối cùng cướp luôn cả mạng sống của Tấm mà ông Bụt cũng bó tay, bất lực. Có lẽ cô quá yếu đuối, yếu đuối đến mức không giữ nỗi hạnh phúc của mình, để cho người khác cướp mất. Nếu không muốn nói đó là sự nhu nhược ko dám nói lên tiếng nói cho riêng mình, một hiện tượng không những phổ biến trong xã hội PK xưa mà cả trong xã hội hiện nay. Trong cuộc sống, hạnh phúc thực sự chỉ có thể do bản thân mình tự đấu tranh tranh mà có, bởi ai ai cũng muốn hưởng hạnh phúc, mà cái hạnh phúc ấy thì lại quá ít ổi để có thể chia sẽ. Vậy tại sao cô không thể đứng dậy đấu tranh cho bản thân mình. Vì thế cho nên, ở giai đoạn hậu thân, Tấm phải tự mình đảm nhiệm phần việc mà ông Bụt đã không giúp và không thể giúp. Khi còn sống, Tấm hiền dịu, ngây thơ, nhân hậu bao nhiêu thì sau khi chết cô lại đáo để và quyết liệt bấy nhiêu (tiếng chim vàng anh, tiếng kếu của khung cửi và hành động trả thù mẹ con Cám cuối cùng chứng tỏ điều này).

Phần mẹ con Cám, cái giá của việc cướp đi một sinh mạng là rất nặng nề, nặng đến mức… thậm chí có thể huỷ hoại chính mình. Một khi đã giết người vì lợi ích cá nhân mình, bọn họ đã tự đeo cho mình cái mặt mạ của quỷ dữ không bao có thể tháo bỏ, huống chi họ không những giết Tấm 1 lần, mà là nhiều lần chỉ nhầm bảo vệ cái hạnh phúc giả tạo mà họ đã cướp mất từ tay Tấm. Chính vì vậy họ phải gánh lấy cái giá nặng nề của kẻ giết người. Những kẻ thủ ác đã gặp báo ứng.

Bất kể nơi nào cái thiện tồn tại thì ở đó mầm móng cái ác luôn rình rập. Chúng luôn tác động, bài trừ, gạt bỏ nhau nhưng lại là tiền đề tồn tại cho nhau. Không nơi nào tồn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẵng có một xã hội với tất cả những công dân xấu cả. Cái tốt cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lập lại chúng. Hơn nữa, không có quan niện thiện, ác nào là vĩnh viễn đối với mọi thời đại, đúng với mọi giai cấp, mọi hoàn cảnh cụ thể.

Thử đặt trừơng hợp ngược lại, nếu mẹ con Cám là đại diện cho cái ác lại được sống hạnh phúc cùng nhà vua đến cuối đời thì sao? Lúc ấy bốn chữ “công bằng” và “hoà bình” là đều không thể có được trong xã hội này. Khi ấy trẻ con đến trường, cái mà chúng học được chỉ là lòng thù hận, sự ích kỷ và đố kỵ Thử tưởng tượng một ngày nọ bạn bước ra đường, vô tình bạn thấy một bà cô vấp ngã và tất cả mọi người chung quanh bạn vẫn dững dưng bước đi. Tưởng tượng sẽ ra sao khi bạn phải đến viện bảo tàng để đọc được cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của H.Way mà lúc này nó bị xem là tư tưởng phát-xit. Sẽ ra sao khi mà khắp nơi điều có trộm cướp, lừa gạt và những điều đó bị mọi người lờ đi, thờ ơ không đếm xỉa. Trái Đất này sẽ trở thành nơi lạnh nhất trong vũ trụ, vì bởi lẽ “nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi sự lạnh nhạt bao trùm”.

Và hãy thử tưởng tượng xã hội sẽ ra sao khi mà ở đó chỉ toàn là người tốt? Một ngày nọ, trên đường phố, chủ các chiếc xe đều nhường nhau chạy trước. Một chủ tiệm vàng trông thấy một người lao công đang thu gôm rác cực khổ, liền tặng cho ông ta mấy chỉ vàng. Ông chủ các công ty đứng ở cổng hỏi thăm từng nhân viên rồi tặng vài tháng lương cho những người có hoàng cảnh hơi túng thiếu. Ở các khu phố, người ta đến gọi cửa từng nhà tặng sách giáo khoa trong khi trên Tivi đang đưa tin sách đang lên giá.

Liệu những sự giúp đỡ ấy có thật sự cần thiết không? Người xưa có câu: “Có gian nan mới thử sức người” . Những sự giúp đỡ không đúng lúc ấy không những không giúp ích gì nhiều mà ngược lại còn tập cho họ thối ỷ lại vào người khác, không tự cố gắng. Một xã hội như vậy sẽ ngày một lạc hậu, không thể tiến bộ, phát triển được. Cái ác là cái đáng ghê tởm cần gạt ra khỏi đời sống cá nhân và xã hội. Tuy nhiên cái ác không phải là cái đối lập tuyệt đối của cái thiền. Chúng có sự thống nhất giữa các mặt đối lập.

Ranh giới thiện ác chỉ cách nhau một sợi chỉ nhỏ. Trong học tập của học sinh, cuộc đấu tranh chống những biểu hiện của cái xấu cái ác như: lười biếng, dối trá và gian lận,… cũng rất khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải chăm lo rèn luyện đạo đức, có ý thức quan tâm đến những người xung quanh, đấu tranh chốn glại cái ác. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tiếp thu công KH và CN hiện đại nâng cao về nhận thức, về chính trị xạ hội. Tích cực lao động cần cù sáng tạo. Sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Qua câu truyện “Tấm Cám”, ta thấy được cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay, cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và như thể là một chân lý, người ở hiền thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.

Đề 2. Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

Bài viết tham khảo:

 “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Đó là nhận định đúng đắn của Thân Nhân Trung trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba-1442.

Từ xưa ông cha ta đã từng quan niệm nguyên khí của quốc gia vừa là khát vọng, vừa là sức sống của dân tộc. Nhân tài đóng vai trò trong sáng tạo ra các giá trị văn hóa, các công nghệ hiện đại. Có thể nói đó là yếu tố cốt lõi làm nên sự sống còn của mỗi quốc gia. Vậy hiền tài chính là phần cốt lõi, bản chất ban đầu để làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước.

Quốc gia có hiền tài và biết sử dụng hiền tài thì sẽ phát triển vững mạnh. Thịnh suy của mỗi triều đại, quốc gia không thể tách rời khỏi yếu tố con người. Các triều đại Trung Hoa như nhà Hán có Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà giúp sức đã đánh bại Hạng Vũ thống nhất Trung Hoa. Ở nước ta cũng có triều Trần có các danh tướng như Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, đã khắc ghi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc qua 3 lần chống Nguyên Mông. Nhưng đến triều Hồ rồi triều Nguyễn mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không đưa đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm vì không có nhân tài phò trợ.

Lịch sử nhân loại, việc dùng người mỗi thời khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử, thời thế và vai trò, nhiệm vụ. Người có tài thật là hiếm, cần phải biết tìm, biết trân trọng. Người có học vấn thường có khả năng phán đoán và nhận định tốt hơn người thường. Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển hiệu quả hơn nhờ tầng lớp trí thức, hoà đồng với nhân dân, xả thân vì nghiệp lớn. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi với bản hùng văn lịch sử “Bình Ngô đại cáo” là minh chứng cho sự sáng suốt của các bậc tiền nhân biết chú trọng và sử dụng tri thức trong các cuộc chiến.

Cố nhân đã dạy: “Quốc gia hưng vong,thất phu hữu trách” nghĩa là 1 người dân thường ắt cũng phải chịu trách nhiệm trước sự hưng vong của đất nước. Trí thức lại càng phải hơn thế! Ngày nay, tiếp nối truyền thống của cha ông, trí thức cần được rèn luyện để trở thành nhân tài có trách nhiệm cống hiến tài năng vào cho đất nước. Tri thức thời nay là tầng lớp tinh hoa của xã hội, tạo ra các giá trị tinh thần, tôn trọng chân lý và được nâng lên tầm cao mới của xã hội và phù hợp với thời đại toàn cầu hóa của nền tri thức nước nhà. Vậy nên, các vua thời xưa đã hết sức để khuyến khích, tìm kiếm nhân tài. Ban mũ áo, tước vị, cho vinh quy bái tổ và khắc lên đá để lưu danh ngàn đời. Văn Miếu Quốc Tử Giám là một minh chứng sống động cho điều ấy.

Chúng ta tin vào sức năng động tự thân của dân tộc, sự sáng tạo và bền bỉ của giới trí thức như ngọn lửa bùng lên để những người có trọng trách biết suy nghĩ, trọng dụng đội ngũ trí thức,nhất là các bậc trí thức lão thành có kinh nghiệm cho tiến trình xây dựng đất nước. Ở các nước tiên tiến, họ bỏ tiền mua bảo hiểm y tế, nhà cửa, kể cả đôi chân cầu thủ hay vòng một của người đẹp. Còn đối với quốc gia thì càng có nhiều nhân tài thì đất nước ấy càng tỏa sáng. Nước ta tuy là một nước nhỏ nhưng cũng không ít nhân tài. Người Việt có mặt ở các lĩnh vực khoa học và đứng đầu ở những nơi mang tầm cỡ thế giới.

Ngẫm về tình hình hiện tại của đất nước, dễ dàng nhận thấy những nhân tài hay nhận đc ưu đãi là du học, nhưng liệu bao nhiêu trong số họ sẽ trở về nước, hay sẽ ở lại cống hiến cho nước sở tại? Nhìn xa hơn, hiền tài phải được hướng tới lớp người trẻ tuổi bởi vì họ mới là lớp người có khả năng tiếp thu cái mới,sáng tạo hơn. Cần tạo môi trường cho họ làm việc,phát huy năng lực, đãi ngộ xứng đáng cho thành quả họ mang lại. Để chiêu dụ nhân tài, các nơi thường đưa ra các tiêu chí về học hàm học vị, nhưng thực chất của các học hàm học vị đó ra sao thì không ai kiểm chứng được. Họ vấp phải một môi trường làm việc cũ kỹ, không phát huy được năng lực của bản thân. Họ không muốn bị biến thành một công chức sáng vác ô đi, tối vác về. Họ lại ra đi! Vì tiền bạc, chức vụ không phải là cái mà nhân tài bận tâm.Nếu chúng ta hiểu một cách sâu xa chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” không cần phải đốt đuốc lên mới thấy được người có thực tài mà chỉ cần có kế sách cụ thể, thực sự trân trọng tài năng, mời gọi nhân tài để rồi khơi dậy họ.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Đó không chỉ là một triết lí đúng của cố nhân mà còn chính xác đối với thời nay. Vì vậy mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường cần có biện pháp giáo dục để thế hệ trẻ phát huy hết tiềm năng phục vụ cho đất nước. Trước kia, bây giờ và sau này hiền tài luôn là nguyên khí của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên. Ngày nay có thể hiểu hiền tài không chỉ là trí thức, mà là tất cả những ai có năng lực và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc!

Đề 3. Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.

Bài viết tham khảo:

Trải qua quá trình sống không ngừng phần đấu từ xưa cho đến nay, nhân dân ta đã luôn rút ra được những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Những kinh nghiệm này phần lớn đều được nhân dân ta đúc kết lại qua những mối quan hệ tương quan của hai khía cạnh, hai vấn đề cụ thể từ lao động sản xuất: đó là mối quan hệ giữa học và hành được thể hiện qua phương châm sau: “Học đi đôi với hành”.

Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu xem “học” là gì. “Học” là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè, tự học qua sách vở và thực tế đời sống. Học để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết về nhiều mặt để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình góp phần hưu ích vào việc xây dựng sự nghiệp riêng và sự nghiệp chung. Người xưa nói: “ngọc không mài, không thành đồ vật tốt; người không học, không biết rõ đạo”. Đạo là lẽ đối xử hằng ngày giữa mọi người. Muốn thế thì “Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tú thư, Ngũ kinh, chư sử”.

Còn “hành” là gì? “Hành” là quá trình vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc hàng ngày. Ví dụ những người thầy thuốc đem những hiểu biết tiếp thu được trong suốt quá trình đào tạo ở trường đại học để vận dụng vào việc chữa bệnh cho nhân dân. Những kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng thiết kế và thi công bao công trình như nhà máy, bệnh viện, trường học, công viên … phục vụ con người. Anh công nhân trong xưởng máy vận dụng lý thuyết để cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật và đồng ruộng để có được những vụ mùa bội thu … Đó là “hành”. Theo Nguyễn Thiếp, muốn học để có thành tựu thì phải biết “học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người, xin chớ bỏ qua”.

   “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

   Vậy tại sao học phải đi đôi với hành? “Học để hành” có nghĩa là “học” để “làm” cho tốt. Thực tế cho thấy có học có hơn. Ông cha ta ngày xưa đã nói “làm” cho tốt. Thực tế cho thấy có học có hơn. Ông cha ta ngày xưa đã nói: “Nhân bất học, bất tri lí” (Không học thì không biết đâu là phải). Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho quá trình làm việc hiệu quả cao hơn, tốt hơn. Nếu được học lý thuyết dù cao siêu đến đâu mà không đem ra vận dụng thì việc học ấy chỉ tốn thời gian vô ích. Bao công sức, tiền bạc bỏ ra mà kết quả chẳng có gì đáng kể. Một bác sĩ chỉ học lý thuyết, không thực hành vào công việc thì sẽ gây ra những hậu quả ảnh hưởng xấu đến tính mạng con người. Một kỹ sư chưa thực hành lần nào thì khi xây nhà sẽ không kiên cố, căn nhà có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào.

“Học mới chỉ có mắt, hành mới có chân. Có mắt có chân mới tiến được. Có biết mới làm, có làm mới biết. Nhưng cái biết trong làm mới là cái biết sâu sắc nhất, thiết thực nhất”.

Ngược lại, “hành mà không học” thì hành không trôi chảy. Nếu ta chỉ làm việc theo thói quen, theo kinh nghiệm mà không có lý thuyết soi sáng thì sẽ tiến triển chậm chạp và chất lượng không cao. Cách làm việc như trên chỉ thích hợp với các công việc thủ công đơn giản, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp có liên quan đến khoa học kỹ thuật như hiện nay thì cung cách ấy đã quá lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong công việc, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên nghành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng bằng mọi cách. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của thời đại.

Do đó, chúng ta phải đánh giá đúng mức mối liên quan giữa “học” và “hành”. “Học” và “hành” phải đi đôi, có tác động hai chiều với nhau. “Học” hướng dẫn “hành”, “hành” bổ sung, nâng cao và làm cho việc “học” thêm hoàn thiện. Có “học” mà không có “hành” thì chỉ là mớ lý thuyết suông. Trái lại, chỉ chú trọng “hành” mà không chịu học hỏi thì làm việc gì cũng khó khăn. “Học” và “hành” là hai mặt của một quá trình, không thể xem nhẹ mặt này hay mặt khác. Theo Nguyễn Thiếp, nếu “người ta đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, không còn biết đến tam cương, ngũ thường” thì “nước mất, nhà tan đều do những điều tệ hại ấy”.

Tóm lại, học phải đi đôi với hành: giữa học và hành có mối quan hệ với nhau chặt chẽ. Học đóng vai trò chủ đạo soi sáng cho hành. Hành giúp con người vận dụng, củng cố, bổ sung và hoàn chỉnh lý thuyết đã được học vào thực tế cuộc sống. Có như vậy thì hiệu quả học tập và lao động sản xuất mới được nâng cao, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status