X

Soạn bài – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) – Phần 1: Tác giả

Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trang 56 – 59 SGK ngữ văn lớp 11 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) – Phần 1: Tác giả, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

PHẦN MỘT: TÁC GIẢ

I. CUỘC ĐỜI

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) nhà Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại quê mẹ – làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong gia đình nhà nho, cha là Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên – Huế), vào Gia Định làm thư lại tại dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt. ở đây, ông lấy bà Trương Thị Thiệt làm vợ thứ, sinh ra Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học, chuẩn bị thi tiếp tại quê cha, nhưng lúc sắp vào trường thi thì nhận được tin mẹ mất, phải bỏ thi trở về Nam chịu tang (1849). Dọc đường về, Nguyễn Đình Chiểu bị đau mắt nặng rồi bị mù. Không khuất phục trước số phận oan nghiệt, Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, và tiếng thơ Đồ Chiểu cũng bắt đầu vang khắp miền Lục tỉnh.

Khi giặc Pháp đánh vào Gia Định (1859), người trí thức yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đứng vững trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc và sáng tác những vần thơ cháy bỏng căm hờn, sôi sục ý chí chiến đấu. Nam Kì mất, ông ở lại Ba Tri (Bến Tre). Thực dân Pháp tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, nhưng ông khảng khái khước từ tất cả, giữ trọn tấm lòng thuỷ chung son sắt với nước với dân cho đến hơi thở cuối cùng.

II. SỰ NGHIỆP THƠ VĂN

  1. Những tác phẩm chính

Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ đầu tiên ở Nam Kì sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm. Cuộc đời sáng tác của ông chia làm hai giai đoạn, trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược. Ở giai đoạn đầu, ông viết hai truyện thơ dài: Truyện Lục Vân Tiên và Dương Từ – Hà Mậu, đều nhằm mục đích truyền bá đạo lí làm người. Đến giai đoạn sau, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là lá cờ đầu của văn thơ yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX với những tác phẩm xuất sắc về cả nội dung tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật như Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Thơ điếu Trương Định, Thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận trong Lục tỉnh, Ngư Tiều y thuật vấn đáp (còn gọi là Ngư Tiều uẩn đáp nho y diễn ca, một truyện thơ dài).

Bằng ngòi bút, Nguyễn Đình Chiểu đã suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho đạo đức, chính nghĩa, cho độc lập tự do của dân tộc:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

(Dương Từ – Hà Mậu)

  1. Nội dung thơ văn

– Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa: Nguyễn Đình Chiểu viết Truyện Lục Vân Tiên nhằm mục đích truyền dạy những bài học về đạo làm người chân chính. Đạo lí làm người của Nguyễn Đình Chiểu mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho, nhưng lại rất đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc. Những mẫu người lí tưởng trong tác phẩm là những con người sống nhân hậu, thuỷ chung, biết giữ gìn nhân cách thẳng ngay, cao cả, dám đấu tranh và có đủ sức mạnh để chiến thắng những thế lực bạo tàn, cứu nhân độ thế, như lời của Lục Vân Tiên: “Tôi xin ra sức anh hào – Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”.

– Lòng yêu nước, thương dân: Khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nổ ra, từ trên đỉnh cao của tư tưởng, tình cảm thời đại là lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác những tác phẩm đáp ứng xuất sắc yêu cầu của cuộc chiến đấu giữ nước buổi ấy. Thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta, đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì Tồ quốc. Ông tố cáo tội ác giặc xâm lăng gây bao thảm hoạ cho nhân dân (Chạy giặc,Văn tế nghĩa sĩ trận trong Lục tỉnh), ông lên án những kẻ sẵn sàng “đổi hình tóc râu” (Ngư Tiều y thuật vấn đáp) để thờ phụng kẻ thù. Ông ngợi ca những sĩ phu yêu nước như Trương Định, Phan Tòng vẫn nặng lòng với hai chữ trung quân nhưng vì đại nghĩa của dân tộc, đã dám chống lại chiếu chỉ nhà vua, phất cao cờ nghĩa, cùng nhân dân chiến đấu đến hơi thở cuối cùng: “ Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tủ chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền; theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại” (văn tế Trương Định). Dưới ngọn cờ đó là đông đảo những người nông dân nghèo khổ, suốt đời “cui cút làm ăn”, bởi “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”, đánh giặc với ý chí: “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh… Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen…” Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngay cả trong thất bại, dân tộc này vẫn không bao giờ chịu khom lưng, uốn gối trước kẻ thù. Kì Nhân Sư, người thầy thuốc giỏi trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp, dẫu không thể làm gì để cứu vãn tình thế đất nước, vẫn biểu thị tấm lòng kiên trung bất khuất bằng cách tự xông đôi mắt mình cho mù chứ không chịu phụng sự quân giặc để lại cho đời bài học nhân sinh cao cả: “Dù đui mà giữ đạo nhà – Còn hơn có mặt ông cha không thờ”.

  1. Nghệ thuật thơ văn

Về nghệ thuật, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có nhiều đóng góp quan trọng, nhất là văn chương trữ tình đạo đức. Vẻ đẹp của thơ văn ông không phát lộ rực rỡ ở bề ngoài mà tiềm ẩn trong tầng sâu của cảm xúc, suy ngẫm. Bút pháp trữ tình xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt thành, đầy tình yêu thương con người của nhà thơ, bao giờ cũng nồng đậm hơi thở cuộc sống, tự nó đã tạo nên sức rung động mãnh liệt sâu xa. Đặc biệt, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu còn rất đậm đà sắc thái Nam Bộ. Mỗi người dân Nam Bộ đều có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông, từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, bình dị đến tâm hồn nồng nhiệt, chất phác, cách cư xử khoáng đạt, hồn nhiên… Lối thơ thiên về kể trong các truyện của ông cũng mang màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian Nam Bộ.

Đó là những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị thẩm mĩ đặc sắc của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Truyện Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,… xứng đáng là những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam cuối thời trung đại.

Đã hơn một thế kỉ trôi qua, tiếng thơ Đồ Chiểu vẫn ngân vang giữa cuộc đời. Tên tuổi nhà thơ mù xứ Đồng Nai vẫn rực sáng bầu trời văn nghệ dân tộc bởi nhân cách cao đẹp và những cống hiến lớn lao của ông cho văn học nước nhà.

Hướng dẫn soạn bài – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) – Phần 1: Tác giả

I. Tác giả

  • Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) tự là Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ra huyện Bình Dương – tỉnh Gia Định nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Xuất thân trong một gia đình nhà nho, ông là một người có tấm lòng yêu nước thương dân cả cuộc đời của ông đều có gắng đóng góp cho đất nước
  • Năm 1833, Nguyễn Đình Chiểu được cha đưa ra Huế ăn học.
  • Năm 1849, ra Huế thi thì được tin mẹ mất. Ông trở về chịu tang mẹ, ông vừa ốm nặng vừa thương khó mẹ nên bị mù cả hai mắt. Ông về quê dạy học và chuyển sang học thuốc.
  • Năm 1859, giặc Pháp tràn vào sông Bến Nghé, Nguyễn Đình Chiểu về Cần Giuộc, rồi Bến Tre. Đó là thời gian ông viết Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Ông luôn giữ thái độ kiên trung, không hợp tác với giặc.

II. Sự nghiệp thơ văn

Những tác phẩm chính :Chia làm 2 giai đoạn

  • Trước khi pháp xâm lược: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu.
  • Sau khi pháp xâm lược: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Ngư Tiều y thuật vấn đáp,…

– Nội dung thơ văn:

  • Đề cao lí tưởng đạo đức tư tưởng nhân nghĩa.
  • Thể hiện lòng yêu nước thương dân.

– Nghệ thuật thơ văn:

  • Văn chương trữ tình đạo đức.
  • Thơ văn của ông mang đậm chất Nam Bộ.

III. Hướng dẫn soạn chi tiết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) – Phần 1: Tác giả

Giải câu 1 (Trang 59 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Anh (chị) cảm nhận sâu sắc điều gì qua cuộc đời nhà thơ?

Trả lời:

Những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:

– Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại quê mẹ – làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh), xuất thân trong một gia đình nhà nho.

– Năm 1843, ông đỗ tú tài.

– Năm 1846 ông ra Huế học, chuẩn bị thi tiếp thì nhận được tin mẹ mất, ông phải bỏ thi về chịu tang mẹ. Dọc đường về, ông bị đau mắt nặng rồi bị mù.

– Về lại quê hương Gia Định, ông mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và làm thơ.

– Giặc Pháp dụ dỗ, nhưng ông vẫn giữ tấm lòng son sắt thủy chung với đất nước, nhân dân.

=> Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một gương giàu nghị lực, giàu lòng yêu nước và bất khuất, kiên cường trước kẻ thù xâm lược.

Giải câu 2 (Trang 59 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

– Dựa vào những đoạn trích đã học về Truyện Lục Vân Tiên (ở lớp 9 và lớp 11), hãy cho biết lí tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng chủ yếu trên cơ sở tình cảm nào.

– Nêu nội dung trữ tình yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và đánh giá tác động tích cực của những sáng tác đó đối với cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đương thời.

– Theo anh (chị), sắc thái Nam Bộ độc đáo của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu biểu hiện ở những điểm nào?

Trả lời:

– Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho, nhưng lại rất đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc. Đó là những con người sống nhân hậu, thủy chung, biết giữ gìn nhân cách thẳng ngay, cao cả, dám đấu tranh và có đủ sức mạnh để chiến thắng những thế lực bạo tàn, cứu nhân độ thế.

– Nội dung trữ tình yêu nước thương dân trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu: Khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nổ ra, từ trên đỉnh cao của tư tưởng, tình cảm thời đại là lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác những tác phẩm xuất sắc đáp ứng yêu cầu cuả cuộc chiến giữ nước buổi ấy. Thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta, đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì tổ quốc.

=> Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời. Nó có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân ta.

– Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông. Mỗi người Nam Bộ có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông từ lời ăn tiếng nói, ở sự mộc mạc, chất phác đến tâm hồn nồng nhiệt, chất phác, cách cư xử khoáng đạt hồn nhiên.

Giải câu 3* (Trang 59 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, anh (chị) cảm nhận được điều gì gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa hai nhà thơ này? Hãy trình bày ý kiến của mình.

Trả lời:

Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Trãi có những điểm gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi cũng lấy nền tảng của sự nhân nghĩa là quyền lợi của nhân dân. Nhưng đến Nguyễn Đình Chiểu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự ở rộng đến nhân dân, gần gũi thực sự với nhân dân.

Soạn phần luyện tập bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) – Phần 1: Tác giả

Giải câu hỏi – Luyện tập (Trang 59 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Căn cứ vào những kiến thức đã học về Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông anh (chị) suy nghĩ như thế nào về nhận định của nhà thơ Xuân Diệu: “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu”?

Trả lời:

Nhận định trên của Xuân Diệu đã khái quát rất rõ về tình cảm, tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu đối với nhân dân. Tấm lòng yêu nước thương dân trong ông chính là một điều khiến ông luôn lo nghĩ trong lòng. Khi viết về nhân dân, ông luôn dùng cả một tấm lòng nhiệt thành, trân trọng và nâng nui nhất. Bởi ở họ luôn có sự đơn sơ, mộc mạc, bình dị. Tác giả tìm thấy được vẻ đẹp đó, khẳng định và ngợi ca những nét đẹp của họ.

Nguyễn Đinh Chiểu không chỉ yêu thương, trân trọng những người dân lao động hiền lành, chất phát mà ông còn luôn ca ngợi tinh thân yêu nước sâu sắc và nồng cháy trong họ. Để từ đó ông luôn ca ngợi, luôn dành sự ưu ái, kính mến trong lòng và trong các tác phẩm của ông.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) – Phần 1: Tác giả

Câu 1. Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Anh (chị) cảm nhận sâu sắc điều gì qua cuộc đời nhà thơ?

Trả lời:

Những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:

  • Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) tự là Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ra huyện Bình Dương – tỉnh Gia Định nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
  • Xuất thân trong một gia đình nhà nho, ông là một người có tấm lòng yêu nước thương dân cả cuộc đời của ông đều có gắng đóng góp cho đất nước
  • Năm 1833, Nguyễn Đình Chiểu được cha đưa ra Huế ăn học.
  • Năm 1849, ra Huế thi thì được tin mẹ mất. Ông trở về chịu tang mẹ, ông vừa ốm nặng vừa thương khó mẹ nên bị mù cả hai mắt. Ông về quê dạy học và chuyển sang học thuốc.
  • Năm 1859, giặc Pháp tràn vào sông Bến Nghé, Nguyễn Đình Chiểu về Cần Giuộc, rồi Bến Tre. Đó là thời gian ông viết Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Ông luôn giữ thái độ kiên trung, không hợp tác với giặc.

Cuộc đời của ông dù gặp phải nhiều sóng gió,thử thách nhưng ông luôn vượt qua mọi hoàn cảnh để sống có ý nghĩa: dạy học, chữa bệnh cứu người… Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng cao đẹp về nhân cách, nghị lực và ý chí, về lòng yêu nước, thương dân và thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thủ. Thơ văn ông là một bài ca đạo đức, nhân nghĩa, là tiếng nói yêu nước cất lên từ cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, là thành tựu nghệ thuật xuất sắc mang đậm sắc thái Nam Bộ.

Câu 2. Tìm hiểu giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

– Dựa vào những đoạn trích đã học về Truyện Lục Vân Tiên (ở lớp 9 và lớp 11), hãy cho biết lí tưởng đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng chủ yếu trên cơ sở tình cảm nào.

– Nêu nội dung trữ tình yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và đánh giá tác động tích cực của những sáng tác đó đối với cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đương thời.

– Theo anh (chị), sắc thái Nam Bộ độc đáo của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu biểu hiện ở những điểm nào?

Trả lời:

Lí tưởng đạo đức:

  • Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho yêu nước nên tình thần đạo đức và nhân nghĩa mang màu sắc Nho giáo. Tuy nhiên nét riêng đó chính là phong cách gần gũi, giản dị, dân dã nên được đông đảo người dân đón nhận. Lí tưởng đạo đức đó là

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

  • Trung, hiếu, tiết hạnh là những chuẩn mực đạo đức, lễ nghĩa của đạo Nho. Trang nam nhi phải trung với vua, hiếu thảo với cha mẹ, phụ nữ phải có tứ đức. Nhưng sống và sáng tác trong thời đại phong ba bão táo, lại có những tư tưởng gần gũi, gắn bó với nhân dân nên tinh thần nhân nghĩa của ông đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc.
  • Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên nhằm truyền đạo đức làm người chân chính qua những tấm gương: lòng thương cha, kính mẹ của Lục Vân Tiên, tình yêu chung thủy của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Tử Trực, ông Tiều, ông Ngư.. những con người nhân hậu, thủy chung, dám đấu tranh.
  • Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Thơ văn yêu nước của ông là tiếng khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau, đồng thời hết lòng ngợi ca những sĩ phu như Trương Định đã một lòng vì nước, vì dân. Ông dựng bức tượng đài bất tử về những người dân ấp, dân lân: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngay cả lúc bờ cõi đã chia đất khác, Nguyễn Đình Chiểu vẫn nuôi giữ một niềm tin vào ngày mai: “Một trận mưa nhuần rửa núi sông” (Xúc cảnh), vẫn kiên trì một thái độ bất khuất trước kẻ thù: “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt – Lòng đạo xin tròn một tấm gương” (Ngư tiều y thuật vấn đáp)

Lòng yêu nước, thương dân:

  • Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu được sáng tác trong hoàn cảnh đất nước đau thương, giặc Pháp xâm lược, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.
  • Thơ văn ông ghi lại chân thực một thời đại đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân. Đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh cho Tổ Quốc:

“Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan,
Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ”.

“Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương”.

  • Ông còn tố cáo tội ác xâm lăng gây bao thảm họa cho nhân dân. Ông khóc than cho đất nước gặp buổi đau thương. Ông căm uất chửi thẳng vào mặt kẻ thù. Ông dựng lên bức tượng đài bất tử về người nông dân nghĩa sĩ.
  • Như vậy, các tác phẩm đã ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta, đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng, nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời, có tác dụng động viên, khích lệ không nhỏ tình thần và ý chí cứu nước của nhân dân.

Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

  • Thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông: Lời ăn tiếng nói mộc mạc, bình dị, tâm hồn nồng hậu, chất phác. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét rất riêng của người dân Nam Bộ trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam.
  • Các sáng tác thiên về chất chuyện kể, mang màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian Nam Bộ.
  • Có nhiều đóng góp, nhất là văn chương trữ tình đạo đức. Bút pháp trữ tình xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt thành, đầy tình yêu thương, nồng đậm hơi thở của cuộc sống.

Câu 3*. Với những kiến thức đã học về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu, anh (chị) cảm nhận được điều gì gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa giữa hai nhà thơ này? Hãy trình bày ý kiến của mình.

Trả lời:

Đối với Nguyễn Trãi:

  • Nhân nghĩa, trong quan điểm của Nguyễn Trãi, trước hết được gắn chặt với tư tưởng vì dân và an dân: “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, “dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội”, “đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân”(1). Như vậy, nhân nghĩa chính là yêu nước, thương dân, là đánh giặc cứu nước, cứu dân. Nguyễn Trãi đã coi “an dân” là mục đích của nhân nghĩa và “trừ bạo” là đối tượng, là phương tiện của nhân nghĩa.
  • Có một khía cạnh rất đáng quý trong tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi, đó là tư tưởng trọng dân, biết ơn dân. “Dân chúng” vẫn luôn được ông nhắc tới và chú ý đề cao ngay cả sau khi kháng chiến đã thành công, đất nước đã giành được độc lập và bước vào xây dựng cuộc sống mới.  Do đó, ông đã nhận thấy rất rõ những đức tính cao quý của nhân dân, hiểu được nguyện vọng tha thiết của nhân dân, thấy rõ được sức mạnh vĩ đại của nhân dân trong sáng tạo lịch sử.
  • Đặc biệt, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn biểu hiện ở lòng thương người, ở sự khoan dung độ lượng, thậm chí đối với cả kẻ thù.
  • Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn tiến xa hơn một bước nữa, đó là ý tưởng xây dựng một đất nước thái bình, bên trên vua thánh tôi hiền, bên dưới không còn tiếng giận oán sầu.

Đối với Nguyễn Đình Chiểu:

  • Nhân nghĩa là đạo đức của nhân dân, là gốc rễ để trau dồi rèn dũa con người. Tư tưởng cao đep ấy được Nguyễn Đình Chiểu chuyển tải vào trong truyện thơ rất gần gũi với nhân dân nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Như vậy, phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân, gần gũi thực sự với nhân dân. Đó thực sự là một bước tiến dài của tư tưởng.
  • Ông ca ngợi những đạo lí truyền thống của dân tộc, trung hiếu với vua, đặc biệt ông còn đề cao chữ tiết hạnh:

Trai thời trung hiếu làm đầu
 Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. 

Soạn phần luyện tập bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) – Phần 1: Tác giả (trang 59 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Câu hỏi: Căn cứ vào những kiến thức đã học về Nguyễn Đình Chiểu và các tác phẩm của ông anh (chị) suy nghĩ như thế nào về nhận định của nhà thơ Xuân Diệu: “ Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu”?

Trả lời:

Giải thích ý kiến của Xuân Diệu về Nguyễn Đình Chiểu: “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu” 

  • Khẳng định đặc điểm cơ bản nhất trong tâm hồn của Nguyễn Đình Chiểu chính là sự ưu ái, kính mến của ông đối với những người dân lao động.
  • Tình cảm ấy xuất phát từ một trái tim giàu lòng yêu thương, luôn gắn bó cuộc đời, sự nghiệp văn học của mình, hướng tới đấu tranh vì quyền lợi cho những con người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng chính ông cũng phát hiện ra bản chất tốt đẹp và sự lương thiện ẩn đằng sau vẻ ngoài nhọc nhằn, lam lũ của họ

=> Chính điều ấy đã làm nên sự đặc biệt và sức sống bền bỉ cho các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Thơ văn của ông có sức lay động mãnh liệt tới hàng triệu trái tim cũng là vì thế.

Biểu hiện của đặc điểm tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu qua cuộc đời và sự nghiệp văn học của ông:

  • Cuộc đời: Nguyễn Đình Chiều là một người con của mảnh đất Gia Định, từ nhỏ ông đã hiểu học, thông minh nhưng số phận nghiệt ngã khiến ông bị mù sau một trận ốm rồi đau mắt nặng. Không đầu hàng số phận, Nguyễn Đình Chiểu trở về quê mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Cuộc đời ông gắn bó với nhân dân, nhất là những người dân nghèo. Con người ấy không màng tới danh lợi, cũng không dễ dàng khuất phục trước kẻ thù. Ông dũng cảm đứng lên đấu tranh với các thế lực kẻ thù, đứng về phía nhân dân mà lên án chúng. Trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của Pháp, Nguyễn Đình Chiểu vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắt với nước, với dân cho đến hơi thở cuối cùng

=> Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng về nhân cách, nghị lực, ý chí, về lòng yêu nước, thương dân và thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thù.

  • Sự nghiệp văn học: Thơ ông tập trung khắc họa hình ảnh của những người dân lao động nhỏ bé, bình thường (ông Ngư, ông tiều, ông quán, những người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc,…). Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa và lòng yêu nước thương dân là hai nội dung chính trong các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.

=> Ông gửi gắm trong thơ của mình khao khát về một cuộc sống hạnh phúc, một xã hội ông băng và niềm tin vào bản chất tốt đẹp, lương thiện của người dân lao động nghèo. Ông yêu quý và trân trọng họ bởi chính những điều bình dị, chân chất ấy.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Vàng Anh: Ở trường học, bạn được dạy một bài học trước, sau đó mới làm bài kiểm tra. Còn ở trường đời, bạn phải làm một bài kiểm tra trước rồi nó mới dạy bạn một bài học. Thế nên, quên cái gọi là điểm số trung bình đi, nó chỉ nói lên được bạn đã học như thế nào ở trường thôi! Còn khi ra đời, chẳng ai quan tâm đến mấy con số đấy đâu.
Leave a Comment