Soạn bài – Vận nước (Quốc tộ)

Soạn bài Vận nước (Quốc tộ) trang 138 – 139 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Vận nước (Quốc tộ), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

ĐỌC THÊM VẬN NƯỚC

(Quốc tộ)

PHÁP THUẬN

TIỂU DẪN

Thiền sư Pháp Thuận (915 – 990) họ Đỗ, không rõ tên thật và quê quán, là một nhà sư thuộc thế hệ thứ mười dòng thiền Nam phương do Thiền sư người Thiên Trúc Tì-ni-đa-lưu-chi đến nước ta năm 580 lập ra. Ông từng giữ công việc cố vấn quan trọng dưới triều Tiền Lê.

Tác phẩm của ông hiện còn một bài thơ trả lời Lê Đại Hành hỏi về vận nước. Để hiểu bài thơ, cần hiểu khái niệm “vô vi”. Vô vi nghĩa đen “không làm gì”. Khái niệm vô vi được nhiều trường phái triết học, tôn giáo sử dung. Vô vi là thuật ngữ trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không làm điều trái tự nhiên. Trong bài thơ này, vô vi còn được hiểu theo nghĩa của Nho giáo. Thiên Vệ Linh công sách

Luận ngữ của Khổng Tử có câu: “Vô vi nhi trị giả, kì Thuấn dã dư?” (Vô vi mà thịnh trị, đó là vua Thuấn chăng?). Chu Hi chú giải ý này như sau: “Vộ vi mà thình trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh nên cảm hóa được nhân dân, không phải làm gi hơn”.

VĂN BẢN

Phiên âm

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lí thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Dịch nghĩa

Vận nước (1) như dây mây leo quấn quýt (2)
Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện (3),
[Thì] khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.

Dịch thơ

Vận nước như mây quấn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi trên điện các,
Chốn chốn dứt đao binh.

Theo bản dịch của Đoàn Thang (Thơ văn Lí – Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977)

Hướng dẫn soạn bài – Vận nước (Quốc tộ)

I. Bố cục:

– Hai câu thơ đầu: Suy ngẫm của tác giả về vận nước.

– Hai câu thơ sau: Triết lý “vô vi” của tác giả.

II. Hướng dẫn soạn bài Vận nước (Quốc tộ) chi tiết.

Giải câu 1 (Trang 139 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Tác giả so sánh “Vận nước như dây mây leo quấn quýt” nhằm diễn tả điều gì” (Sự vững bền” Sự dài lâu? Sự phát triển thịnh vượng?)

Trả lời:

Trong câu thơ đầu, nhà thơ đã mượn hình tượng thiên nhiên để nói về vận nước. Nghệ thuật so sánh ở đây được sử dụng hợp lí, làm nổi bật sự bền chặt, thịnh vượng của đất nước. Câu thơ vừa khẳng định tình đoàn kết toàn dân, đồng thời nói lên niềm tin của tác giả vào vận nước.

Giải câu 2 (Trang 139 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Qua hai câu thơ đầu, nêu cảm nhận của anh (chị) về:

– Hoàn cảnh đất nước.

– Tâm trạng tác giả

Trả lời:

Qua hai câu thơ đầu, ta có thể cảm nhận được:

– Hoàn cảnh đất nước: Sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc (loạn mười hai sứ quân và sự xâm lược của nhà Tống năm 981) đất nước ta bắt đầu bước vào thời kì ổn định. Vua Lê Đại Hành muốn xây dựng một vương triều phong kiến hùng cường.

– Tâm trạng: Nhà thơ rất tin tưởng vào tương lai của đất nước.

Giải câu 3 (Trang 139 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Đọc Tiểu dẫn để hiểu nội dung hai chữ vô vi, sau đó thử giải thích vì sao tác giả lại khẳng định “Vô vi trên điện các – Chốn chốn dứt đao binh”.

Trả lời:

Hai câu cuối nói về đường lối trị nước. Tác giả khẳng định: muốn cho đất nước thái bình, người trị quốc phải dùng cái đức của mình để cảm hóa nhân dân. Quan điểm “Đức trị” của nhà thơ được thể hiện tập trung trong hai chữ “vô vi”.

Giải câu 4 (Trang 139 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Theo anh (chị) , hai câu thơ cuối phản ánh truyền thống tốt đẹp gì của dân tộc Việt Nam?

Trả lời:

Hai câu thơ cuối phản ánh truyền thống yêu chuộng hòa bình, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Vận nước (Quốc tộ)

Câu 1. Tác giả so sánh “Vận nước như dây mây leo quấn quýt” nhằm diễn tả điều gì” (Sự vững bền” Sự dài lâu? Sự phát triển thịnh vượng?)

Trả lời:

– dây mây leo quất quýt: thể hiện sự phát triển, sinh sôi nảy nở, lại rất vững bền.

– Phép so sánh ấy nhằm khẳng định sự dài lâu, vững bền, trường tồn và thịnh vượng của vận nước.

Câu 2. Qua hai câu thơ đầu, nêu cảm nhận của anh (chị) về:

– Hoàn cảnh đất nước.

– Tâm trạng tác giả

Trả lời:

– Hoàn cảnh đất nước vô cùng thịnh vượng, thái bình, đời sống nhân dân no ấm.

– Tác giả mang tâm trạng tự hào, ngợi ca vẻ đẹp của đất nước.

Câu 3. Đọc Tiểu dẫn để hiểu nội dung hai chữ vô vi, sau đó thử giải thích vì sao tác giả lại khẳng định “Vô vi trên điện các – Chốn chốn dứt đao binh”.

Trả lời:

– Tác giả khẳng định như thế bởi vì:

→ Vô vi là không làm điều gì trái tự nhiên, điện các ở đây ý chỉ các bậc quân vương, quan lại, những người ở chốn điện các.

→ Những người nắm quyền hành trong tay nếu thuận theo lẽ tự nhiên, lẽ phải, không làm gì sai quấy, trái tự nhiên thì ắt cuộc sống nơi nơi sẽ bình ổn, hòa hảo, không có chiến tranh

Câu 4. Theo anh (chị) , hai câu thơ cuối phản ánh truyền thống tốt đẹp gì của dân tộc Việt Nam?

Trả lời:

– Hai câu thơ cuối phản ánh tinh thần hòa hảo, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status