X

Soạn bài – Văn bản tổng kết

Soạn bài Văn bản tổng kết trang 173 – 177 SGK ngữ văn lớp 12 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Văn bản tổng kết, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Văn bản tổng kết

I. TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN BẢN TỔNG KẾT

Giải câu hỏi (Trang 173 SGK ngữ văn 12 tập 2)

Trong cuộc sống, sau mỗi một công việc, người ta thường nhìn nhận, đánh giá kết quả của công việc ấy. Trong học tập, nghiên cứu, nhiều khi ta cũng cần tổng kết những nội dung cơ bản sau mỗi phần, mỗi chương. Trường hợp đầu cần viết văn bản tổng kết hoạt động thực tiễn, trường hợp sau cần viết văn bản tổng kết tri thức.

Anh (chị) hãy nêu một số văn bản tổng kết thuộc hai loại trên mà mình được biết.

Trả lời:

– Mục đích, ý nghĩa của văn bản tổng kết là nhìn nhận, đánh giá kết quả công việc nhằm rút kinh nghiệm.

– Văn bản tổng kết gồm 2 loại:

+ Tổng kết hoạt động thực tiễn như: văn bản tổng kết năm học; văn bản tổng kết nhiệm kỳ của Đoàn TN …

+ Tổng kết tri thức như: Tổng kết văn học dân gian Việt Nam; Tổng kết Tiếng Việt …

II. CÁCH VIẾT VĂN BẢN TỔNG KẾT

Giải câu 1 (Trang 173 SGK ngữ văn 12 tập 2)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

ĐỘI THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN SỐ 2

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2007

TỔNG KẾT ĐỢT HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN TẠI CÁC TRUNG TÂM ĐIỀU DƯỠNG THƯƠNG BINH, BỆNH BINH NẶNG VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho sinh viên sư phạm, mùa hè năm 2007, Đội thanh niên tình nguyện số 2 thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã triển khai hoạt động tại các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng và người có công với nước.

1. Tổ chức

a) Địa điểm hoạt động

– Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng tỉnh Bắc Ninh (Thuận Thành, Bắc Ninh).

– Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh và người có công với nước tỉnh Bắc Giang (Tân Yên, Bắc Giang)

– Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng Duy Tiên (Duy Tiên, Hà Nam)

b) Số lượng: 3 nhóm, gồm 50 sinh viên tình nguyện.

c) Thời gian: Từ 12 – 7 – 2007 đến 30 – 7 – 2007.

2. Kết quả hoạt động

a) Hoạt động chăm sóc thương bệnh, bệnh binh

– Tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần; tạo không khí vui vẻ, ấm cúng, góp phần giảm bớt nỗi cô đơn và sự đau đớn của thương binh, bệnh binh.

– Phối hợp thực hiện chế độ dinh dưỡng cho thương binh, bệnh binh bằng việc tham gia nấu ăn, vệ sinh phòng ăn cho thương binh, bệnh binh.

b) Hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao

– Thường xuyên tổ chức hoặc kết hợp tổ chức các cuộc giao lưu văn hoá, văn nghệ với thương binh, bệnh binh và Ban lãnh đạo các trung tâm.

– Tổ chức giải thi đấu thể thao, hội thi hát ka-ra-ô-kê cho thương binh, bệnh binh, các cán bộ làm việc tại trung tâm và sinh viên tình nguyện.

c) Vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan

– Quét vôi, làm cỏ, trồng cỏ tại khuôn viên, vườn hoa của các trung tâm.

– Cải tạo, trồng, chăm sóc các vườn thuốc nam; làm biển ghi tên các cây thuốc.

– Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của các trung tâm.

d) Hoạt động tổ chức ôn tập văn hoá và sinh hoạt hè cho con em thương binh, bệnh binh

– Tổ chức ôn tập văn hoá vào dịp hè cho gần 100 học sinh là con em thương binh, bệnh binh tại các trung tâm ở mọi trình độ và tất cả các môn học.

– Tổ chức sinh hoạt hè, sinh hoạt tập thể thường xuyên cho trẻ em tại các trung tâm.

e) Hoạt động tặng quà thương binh, bệnh binh

– Bổ sung vào thư viện của các trung tâm nhiều cuốn sách có giá trị, với những nội dung phù hợp với thương binh, bệnh binh.

– Cùng với lãnh đạo Nhà trường tổ chức thăm hỏi và tặng quà các trung tâm nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27 – 7.

3) Đánh giá chung

Đợt hoạt động của Đội thanh niên tình nguyện số 2 thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Có được thành công này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Đoàn trường, sự giúp đỡ và hợp tác nhiệt tình của các trung tâm; đặc biệt là nhờ sự nỗ lực phấn đấu hăng say và đầy sáng tạo của toàn thể đội viên. Những kinh nghiệm thiết thực thu được cũng sẽ là những bài học bổ ích cho các đợt hoạt động tình nguyện sau này.

BAN CHỈ HUY ĐỘI
ĐỘI TRƯỞNG
(Đã kí)

Câu hỏi:

a) Văn bản trên thuộc loại văn bản tổng kết nào và thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

b) Qua các đề mục và nội dung của văn bản trên, anh (chị) hãy cho biết mục đích, yêu cầu, bố cục và những nội dung chính của một văn bản tổng kết hoạt động thực tiễn.

Trả lời:

a)

– Văn bản trên là văn bản tổng kết hoạt động thực tiễn

– Thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính

b)

– Mục đích: nhìn nhận, đánh giá trung thực, khách quan kết quả và rút ra bài học kinh nghiệm sau khi kết thúc một hoạt động.

– Yêu cầu: chính xác, khách quan

– Bố cục: thường có 3 phần:

+ Phần đầu:

Quốc hiệu, tiêu ngữ, tên tổ chức, cơ quan ban hành văn bản.

Địa điểm, thời gian viết văn bản.

Tiêu đề.

+ Phần nội dung:

Nêu mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công việc.

Lần lượt tường trình và đánh giá các công việc cụ thể.

Rút kinh nghiệm hoặc kiến nghị.

+ Phần cuối:

Nơi nhận.

Người viết kí tên.

Giải câu 2 (Trang 175 SGK ngữ văn 12 tập 2)

Hãy đọc bài Tổng kết phần Tiếng Việt: hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (chú ý mục I – Nội dung cơ bản cần nắm vững) và trả lời các câu hỏi sau:

a) Bài tổng kết trên thuộc loại văn bản tổng kết nào và thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

b) Bài tổng kết trên nhằm mục đích gì? Có những nội dung nào?

Trả lời:

a)

– Loại văn bản tổng kết tri thức.

– Diễn đạt bằng phong cách ngôn ngữ khoa học.

b)

– Mục đích: Hệ thống hóa kiến thức.

– Nội dung gồm: Tóm tắt những kiến thức, kỹ năng cơ bản.

Giải câu 3 (Trang 175 SGK ngữ văn 12 tập 2)

Qua việc tìm hiểu hai loại văn bản tổng kết, anh (chị) hãy cho biết:

a) Mục đích, yêu cầu và nội dung của văn bản tổng kết.

b) Phong cách ngôn ngữ của văn bản tổng kết.

Trả lời:

– Văn bản tổng kết yêu cầu: nội dung tổng kết xác thực, khách quan. Văn bản tổng kết đòi hỏi người viết sử dụng thành thạo phương thức thuyết minh, nghị luận.

– Nội dung:

+ Văn bản tổng kết hoạt động thực tiễn có các nội dung: mục đích, yêu cầu, những hoạt động chính, bài học kinh nghiệm,…

+ Văn bản tổng kết tri thức lần lượt trình bày khái quát các tri thức và thành tựu nghiên cứu đã đạt được.

– Tùy theo yêu cầu và nội dung, văn bản tổng kết có thể thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính hoặc phong cách ngôn ngữ khoa học.

LUYỆN TẬP

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 176 SGK ngữ văn 12 tập 2)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.

TỔNG KẾT THÀNH TÍCH CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ PHONG TRÀO THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN CỦA CHI ĐOÀN LỚP 11A NĂM HỌC 2006 – 2007

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA CHI ĐOÀN

[…]

II. CÔNG TÁC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG

1. Ngay từ đầu năm học 2006 – 2007, được sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đoàn cấp trên, Ban Chấp hành Chi đoàn lớp 11A đã tổ chức cho đoàn viên trong Chi đoàn tham gia các cuộc thi tìm hiểu điều lệ Đoàn, giúp đoàn viên hiểu rõ hơn về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với phong trào chung của toàn trường.

2….

3….

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHONG TRÀO THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN

1. Tình nguyện phấn đấu trong học tập:… Kết quả:…

2. Tình nguyện tham gia phong trào chống tệ nạn xã hội:… Kết quả:…

3. Tình nguyện chung sức cùng cộng đồng tham gia công tác xã hội:… Kết quả:…

IV. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐOÀN

1. Vào đầu năm học, được sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đoàn cấp trên, Ban Chấp hành Chi đoàn khóa trước đã tổ chức một cách nghiêm túc Đại hội Chi đoàn lớp 11A, bầu ra được một Ban Chấp hành Chi đoàn khóa 2006 – 2007, gồm ba đoàn viên xứng đáng với sự tín nhiệm của tập thể và đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới.

2….

3….

Trong năm học 2006 – 2007, Chi đoàn lớp 11A đã đạt được một số thành tích nêu trên. Đề nghị Đoàn cấp trên xem xét khen thưởng cho Chi đoàn để thúc đẩy phong trào trong những năm học sau.

BCH CHI ĐOÀN LỚP 11A
BÍ THƯ
(Đã kí)

Câu hỏi:

a) Văn bản trên đã đạt được những yêu cầu nào của một văn bản tổng kết? (Chú ý bố cục và cách diễn đạt ở các đoạn trích nguyên văn của văn bản.)

b) Trong văn bản có một số phần bị lược bớt (được đánh dấu bằng dấu ba chấm). Anh (chị) đoán xem trong các phần bị lược đi ấy, tác giả dẫn ra những sự việc, số liệu gì?

c) Đối chiếu với yêu cầu của một văn bản tổng kết nói chung, văn bản trên thiếu nội dung nào?

Trả lời:

a) Văn bản đã cho đạt được những yêu cầu:

– Bố cục đầy đủ 3 phần.

– Nội dung cụ thể, diễn đạt ngắn gọn, chính xác, nhận xét, kết luận đúng mực.

b) Những sự việc, số liệu trong phần bị lược bớt là:

Phần 1:

Những thuận lợi, khó khăn

Nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu

Phần II; III; IV

Những công việc, những thành tích đạt được

Những việc chưa làm được

Những số liệu minh họa

c) Những nội dung còn thiếu:

Tên cơ quan ban hành văn bản

Địa điểm, thời gian

Bài học rút ra.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 177 SGK ngữ văn 12 tập 2)

Anh (chị) hãy viết một bài tổng kết phần Văn học (hoặc Tiếng Việt, Làm văn) thuộc chương trình Ngữ văn lớp 12.

Trả lời:

Người viết cần hoàn thành một số nội dung sau:

– Tổng số văn bản (số bài) đã học.

– Phân loại theo đặc điểm riêng:

+ Theo thể loại: có bao nhiều văn bản là truyện ngắn? Bao nhiêu văn bản thơ?

+ Theo thời kì lịch sử: bao nhiêu tác phẩm ra đời trong kháng chiến chống Pháp? Chống Mĩ? (được học và đọc thêm).

(Nếu là Tiếng Việt, Tập làm văn cần phân loại theo nhóm bài).

– Những đặc điểm chính về nội dung và nghệ thuật của nhóm tác phẩm.

– Lập bảng thống kê các tác phẩm (bài) đã học (phụ lục).

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Trinh:
Leave a Comment