Soạn bài Tựa “Trích diễm thi tập” trang 28 – 30 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tựa “Trích diễm thi tập” – (Hoàng Đức Lương), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
TIỂU DẪN
Trích diễm thi tập (Tuyển tập những bài thơ hay) do Hoàng Đức Lương (chưa rõ năm sinh và năm mất) sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn. Hoàng Đức Lương nguyên quán ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), trú quán ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), thi đỗ tiến sĩ năm Mậu Tuất (1478). Không rõ ông soạn Trích diễm thi tập từ khi nào, chỉ biết bài tựa tập thơ được ông viết năm 1497.
Ở thế kỉ XV, sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược, nhiều nhà văn hóa nước ta đã tiến hành sưu tầm tác phẩm văn thơ của trí thức Việt Nam từ các thời kì trước. Trích diễm thi tập là một trong số các bộ sưu tập ấy. Tuyển tập này bao gồm thơ của các nhà thơ từ thời Trần đến thời Lê thế kỉ XV (cuối tập là thơ của Hoàng Đức Lương). Việc biên soạn Trích diễm thi tập nằm trong trào lưu chung của thời đại phục hưng dân tộc ở thế kỉ XV.
VĂN BẢN
Thơ văn không lưu truyền hết ở đời là vì nhiều lí do:
Đối với thơ văn, cổ nhân ví như khoái chá (3), ví như gấm vóc; khoái chá là vị rất ngon trên đời, gấm vóc là màu rất đẹp trên đời, phàm người có miệng, có mắt, ai cũng quý trọng mà không vứt bỏ khinh thường. Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi. Đấy là lí do thứ nhất làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.
Nước ta từ nhà Lí, nhà Trần dựng nước đến nay, vẫn có tiếng là nước văn hiến, những bậc thi nhân, tài tử đều đem sở trường (4) của mình thổ lộ ra lời nói, lẽ nào không có người hay? Nhưng bậc danh nho làm quan to ở trong quán, các (5), hoặc vì bận việc không rỗi thì giờ để biên tập, còn viên quan nhàn tản chức thấp cùng những người phải lận đận về khoa trường (6), thì đều không để ý đến. Đấy là lí do thứ hai làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.
Thỉnh thoảng, cũng có người thích thơ văn, nhưng lại ngại vì công việc nặng nề, tài lực kém cỏi, nên đều làm được nửa chừng rồi lại bỏ dở. Đấy là lí do thứcba làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.
Sách vở về đời Lí – Trần phần nhiều chỉ thấy công việc nhà chùa là được lưu hành, như thế đâu phải vì lòng tôn sùng Nho học không sâu sắc bằng tôn sùng Phật học, mà chỉ vì chùa không ngăn cấm, cho nên sách được khắc vào ván để truyền mãi lại đời sau, còn như thơ văn, nếu chưa được lệnh vua, không dám khắc ván lưu hành. Đấy là lí do thứ tư làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.
Vì bốn lí do kể trên bó buộc, trải qua mấy triều đại lâu dài, dẫu đến những vật bền như đá, như vàng, lại được quỷ thần phú hộ, cũng còn tan nát trôi chìm. Huống chi bản thảo sót lại, tờ giấy mỏng manh để trong cái níp (7) cái hòm, trải qua mấy lần binh lửa, thì còn giữ mãi thế nào được mà không rách nát tan tành?
Đức Lương này học làm thơ, chỉ trông vào thơ bách gia (8) đời nhà Đường, còn như thơ văn thời Lí – Trần, thì không khảo cứu vào đâu được. Mỗi khi nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát được một vài câu, thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử (9) lúc bấy giờ. Than ôi! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn nhà Đường. Như thế chả đáng thương xót lắm sao!
Tôi không tự lượng sức mình, muốn sửa lại điều lỗi cũ, quên rằng sách cũ không còn bao nhiêu, trách nhiệm nặng nề mà tài hèn sức mọn, tìm quanh hỏi khắp nhưng số thơ thu lượm được cũng chỉ là một hai phần trong số muôn nghìn bài. Tôi còn thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều, chọn lấy bài hay, chia xếp theo từng loại, được 6 quyển, đặt tên sách là Trích diễm. Ở cuối các quyển ấy, mạn phép phụ thêm những bài vụng về do tôi viết, cốt để làm sách dạy trong gia đình. Rồi những người thích bình phẩm thơ ca sẽ đem truyền rộng, may ra tránh được lời chê trách của người đời sau, chẳng khác gì hiện nay ta chê trách người xưa vậy.
Niên hiệu Hồng Đức năm thứ hai mươi tám, mùa xuân, Hoàng Đức Lương người Gia Lâm, đỗ Tiến sĩ Hoa lang, chức tham nghị viết Bài tựa này.
PHẠM TRỌNG ĐIỀM dịch
(Kiến văn tiểu lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.
Có bổ sung thêm bản dịch của Trần Văn Giáp)
Chú thích:
(1) Tựa (nguyên văn là tự): bài viết đặt ở đầu sách do tác giả hoặc người khác được tác giả mời viết. Bài tựa thường nêu những quan điểm của người viết về nhiều vấn đề liên quan đến cuốn sách như lí do và phương pháp làm sách, đặc điểm của sách. Thời xưa, khi phê bình văn học chưa phát triển thì các bài tựa thường thực hiện chức năng phê bình này.
(2) Diễm thi: (Diễm: đẹp, thi: thơ) thơ hay.
(3) Khoái: gỏi; chá: thịt nướng. Đây là những món ăn ngon.
(4) Sở trường: điểm mạnh, điểm giỏi, sự thành thạo.
(5) Quán, các: quán: một loại công sở như Quốc sử quán, sau đổi là Quốc sử viện ; các: một loại công sở khác như Đông các, nơi soạn công văn, giấy tờ cho vua, đồng thời là nơi giảng sách cho các vị vua còn trẻ và con em vua chúa.
(6) Về khoa trường: về việc thi cử.
(7) Níp: dụng cụ đan bằng tre, nứa,… dùng để đựng đồ vật.
(8) Thơ bách gia: thơ của trăm nhà, ý nói thơ của nhiều nhà thơ.
(9) Hiền nhân quân tử: ở đây chỉ những người trí thức có đạo đức.
Hướng dẫn soạn bài – Tựa “Trích diễm thi tập”
I. Bố cục
Trích diễm thi tập được chia làm 2 phần:
+ Phần 1 (từ đầu đến “không rách nát tan tành”): Những lí do khiến văn thơ đời trước không được lưu truyền đầy đủ đến đời sau.
+ Phần 2 (đoạn còn lại): Lí do khiến tác giả muốn biên soạn Trích diễm thi tập và quá trình tiến hành công việc của tác giả.
II. Hướng dẫn soạn bài Tựa “Trích diễm thi tập” – (Hoàng Đức Lương)
Giải câu 1 (Trang 30 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Theo Hoàng Đức Lương, có những nguyên nhân nào khiến sáng tác thơ văn của người xưa không được lưu truyền đầy đủ cho đời sau? Cho biết nghệ thuật lập luận của tác giả.
Trả lời:
a) Trong phần đầu của bài tựa, tác giả trình bày bốn lí do chủ quan khiến thơ văn không lưu truyền hết ở đời:
– Lí do thứ nhất: Chỉ có thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thi ca. Có thể đặt tên cho lí do này là “ít người am hiểu”
– Lí do thứ hai: Người có học thì bận rộn chốn quan trường hoặc lận đận trong khoa cử, ít để ý đến thơ ca. Có thể đặt tên cho lí do này là: “Danh sĩ bận rộn”.
– Lí do thứ ba: Có người quan tâm đến thơ ca nhưng không đủ năng lực và kiên trì, Có thể đặt tên cho lí do này là: “Thiếu người tâm huyết”.
– Lí do thứ tư: Triều đình chưa quan tâm. Có thể đặt tên cho lí do này là: “Chưa có lệnh vua”…
Lí do thuộc về khách quan
– Thời gian làm hủy hoại sách vở: “trải qua triều đại lâu dài … tan nát trôi chìm”.
– Chiến tranh, hỏa hoạn làm sách vở rách nát, mai một: “… trải qua mấy lần binh lửa … rách nát tan tành”.
b) Nghệ thuật lập luận
– Nghệ thuật liên tưởng, so sánh thơ văn như khoái trá, gấm vóc, sắc đẹp ngoài sắc đẹp, …
– Phương pháp lập luận quy nạp.
– Dùng câu hỏi tu từ: Làm sao giữ mãi … được mà không …
– Lập luận chặt chẽ, trình bày luận điểm rõ ràng, mạch lạc và khúc chiết.
Giải câu 2 (Trang 30 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Hoàng Đức Lương đã làm gì để sưu tầm thơ văn của tiền nhân?
Trả lời:
Để hoàn thành “Trích diễm thi tập”, Hoàng Đức Lương đã phải: “tìm quanh hỏi khắp” để sưu tầm thơ ca của những người đi trước. Rồi tác giả “thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều”. Sau đó là công việc biên soạn “chọn lấy bài hay” rồi “chia xếp theo từng loại”. Tác giả đặt tên sách là Trích diễm, gồm 6 quyển. Đây là công việc đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức, người không tâm huyết sẽ không thể làm được.
Giải câu 3 (Trang 30 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Điều gì thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này? Anh (chị) có cảm nghĩ gì về công việc sưu tầm, biên soạn thơ văn của ông?
Trả lời:
Điều gì thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này? Anh (chị) có cảm nghĩ gì về công việc sưu tầm, biên soạn thơ văn do ông tiến hành?
Điều thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này là:
– Niềm tự hào văn hiến dân tộc.
– Ý thức trách nhiệm trước di sản bị thất lạc của cha ông.
– Tinh thần độc lập tự chủ và ý thức tự cường trong văn học.
– Ý muốn lưu truyền văn hóa cho đời sau nghiên cứu, tìm hiểu, gìn giữ và bảo vệ nền văn hóa.
Cảm nghĩ về việc sưu tầm, biên soạn của Hoàng Đức Lương:
– Là công việc hết sức khó khăn, gặp nhiều trở ngại.
– Công việc đó thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.
– Công việc đó có ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần và đáng được trân trọng.
Giải câu 4 (Trang 30 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Anh (chị) cho biết, trước Trích diễm thi tập đã có ý kiến nào nói về văn hiến dân tộc.
Trả lời:
Anh (chị) cho biết một ý kiến xuất hiện trước “Trích diễm thi tập” nói về văn hiến dân tộc.
Trước Hoàng Đức Lương, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng đã từng đề cập đến nền văn hiến của dân tộc:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”
Cả hai ý kiến đều phản ánh ý thức độc lập dân tộc và niềm tự hào về văn hiến dân tộc của nhân dân Việt Nam đang trên đà được khẳng định.
Soạn phần luyện tập bài Tựa “Trích diễm thi tập” – (Hoàng Đức Lương)
Giải câu hỏi – Luyện tập (Trang 30 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Tìm các dẫn chứng chứng tỏ các nhà văn, nhà thơ thời xưa rất tự hào về nền văn hiến dân tộc (Gợi ý: đọc lại phần một của tác phẩm Đại cáo bình Ngô).
Trả lời:
Dẫn chứng chứng tỏ các nhà văn, nhà thơ thời xưa rất tự hào về nền văn hiến dân tộc : Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Đại Việt sử kí (Lê Văn Hưu), Đại Việt sử kí toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Thân Nhân Trung)…
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tựa “Trích diễm thi tập”
Câu 1. Theo Hoàng Đức Lương, có những nguyên nhân nào khiến sáng tác thơ văn của người xưa không được lưu truyền đầy đủ cho đời sau? Cho biết nghệ thuật lập luận của tác giả.
Trả lời:
– Theo tác giả Hoàng Đức Lương, có năm lí do khiến thơ văn của người xưa không được lưu truyền đầy đủ cho đời sau, trong đó có bốn lí do chủ quan và một lí do khách quan.
Bốn lí do chủ quan:
+ Thứ nhất, vẻ đẹp của văn chương không phải ai cũng có thể cảm nhận được (sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được).
+ Thứ hai, những bậc quan lớn không có thời giờ để biên tập, những viên quan chức thấp có thời gian thì lại lận đận về việc thi cử nên không để ý đến việc biên tập thơ văn.
+ Thứ ba, có những người thích thơ văn nhưng lại ngại công việc nặng nề mà tài lực kém cỏi nên bỏ dở giữa chừng.
+ Thứ tư, do chính sách cai quản của các bậc vua chúa, thơ văn phải có lệnh vua mới được lưu hành.
Lí do khách quan: Thời gian và chiến tranh hủy hoại sách vở, khiến những di sản ấy bị thất truyền: “trải qua triều đại lâu dài … tan nát trôi chìm”, “… trải qua mấy lần binh lửa … rách nát tan tành”.
– Tác giả sử dụng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, ý tứ rõ ràng, mỗi đoạn văn bao gồm một ý hoàn chỉnh. Tác giả sử dụng kiểu trình bày tổng phân hợp, trước hết nếu ra luận điểm lớn, sau đó diễn giải bốn lý do và tổng kết lại.
Câu 2. Hoàng Đức Lương đã làm gì để sưu tầm thơ văn của tiền nhân?
Trả lời:
Việc sưu tầm thơ ca vào thời của tác giả là hết sức khó khăn, vất vả. Trước hết, các tịch thư cũ không còn, tác giả phải “nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát”, “hỏi quanh khắp nơi’, “thu lượm thêm thư của các vị hiện đang làm quan trong triều’ rồi phân loại chia quyển
Câu 3. Điều gì thôi thúc Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn tuyển tập thơ này? Anh (chị) có cảm nghĩ gì về công việc sưu tầm, biên soạn thơ văn của ông?
Trả lời:
Hoàng Đức Lương vượt khó khăn để biên soạn Trích diễm thi tập với mong muốn nước ta có một quyển sách riêng của dân tộc để làm căn bản, không cần tìm đến thơ văn nhà Đường xa xôi, đồng thời ông có niềm đam mê với những giá trị đẹp đẽ của thi ca dân tộc.
Công việc biên soạn thơ văn của ông đầy những trắc trở, khó khăn bởi thời gian đã đi qua quá lâu, nhiều tác phẩm thất truyền. Nhưng đây là một công việc cao cả, Hoàng Đức Lương đã rất nhiệt huyết, qua đó thể hiện tinh thần dân tộc, niềm tự hào, sự trân trọng và ý thức ảo tồn di sản văn học dân tộc của ông.
Câu 4. Anh (chị) cho biết, trước Trích diễm thi tập đã có ý kiến nào nói về văn hiến dân tộc.
Trả lời:
Trước Trích diễm thi tập, Nguyễn Trãi trong Đại cáo bình Ngô đã thể hiện ý kiến về văn hiến dân tộc:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”
Soạn phần luyện tập bài Tựa “Trích diễm thi tập” – (Hoàng Đức Lương) trang 30 SGK ngữ văn 10 tập 2
Câu hỏi: Tìm các dẫn chứng chứng tỏ các nhà văn, nhà thơ thời xưa rất tự hào về nền văn hiến dân tộc (Gợi ý: đọc lại phần một của tác phẩm Đại cáo bình Ngô).
Trả lời:
Ngoài bài tựa của Trần Đức Lương, bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, còn nhiều tác phẩm của các tác giả khác như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt (mặc dù chỉ là gián tiếp), Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hiền tài là nguyên khí quốc gia (Bài kí đề danh bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba) của Thân Nhân Trung là những dẫn chứng chứng tỏ các nhà văn. nhà thơ thời xưa rất tự hào về nền văn hiến dân tộc.
Điền hình như một vài câu sau đây trong ‘Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi:
– “Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”
– “Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment