Soạn bài Truyện Kiều (Phần 1: Tác giả) trang 92 – 96 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Truyện Kiều (Phần 1: Tác giả), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
TRUYỆN KIỀU
NGUYỄN DU
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
Hiểu được ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội và các nhân tố thuộc cuộc đời riêng đối với sự sáng tác của Nguyễn Du; nắm vững những điểm chính trong sự nghiệp sáng tác và những đặc trưng cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn ông.
Nắm được một số đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều qua các đoạn trích.
Phần một: TÁC GIẢ
I- CUỘC ĐỜI
Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Thăng Long, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Tổ tiên Nguyễn Du vốn từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn nam (nay thuộc Hà Tây) sau di cư vào xã Nghi Xuân, huyện Tiên Điền (nay là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708-1775) và mẹ là Trần Thị Tần (1740-1778), quê Bắc Ninh. Vợ Nguyễn Du là con gái Đoàn Nguyễn Thục, quê ở Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận truyền thống văn hóa của nhiều vùng quê khác nhau. Đó là một tiền đề thuận lợi cho sự tổng hợp nghệ thuật của nhà đại thi hào dân tộc.
Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống tại Thăng Long trong một gia đình phong kiến quyền quý. Thân phụ ông đã có lúc giữ chức Tể tướng trong triều đình Lê-Trịnh. Nhưng mới 10 tuổi đã mồ côi cha, năm 13 tuổi, mồ côi mẹ, Nguyễn Du đến sống với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản (1734-1786). Nguyễn Khản từng làm quan tới chức Tham tụng, nổi tiếng phong lưu một thời, thân với chúa Trịnh Sâm và là người rất mê hát xướng. Trong thời gian này Nguyễn Du có nhiều điều kiện thuận lợi để dùi mài kinh sử, có dịp hiểu biết về cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến – những điều đó đã để lại dấu ấn trong sáng tác văn học của ông sau này.
Sự xuất hiện khá đậm nét hình tượng những người ca nhi, kĩ nữ với tiếng đàn giọng hát và thân phận đau khổ của họ trong sáng tác của Nguyễn Du rất có thể là sự ám ảnh từ những gì ông đã chứng kiến trong gia đình người anh. Năm 1783, Nguyễn Du thi hương đỗ tam trường (tú tài) và được tập ấm (1) nhận một chức quan võ nhỏ ở Thái Nguyên. Nhưng cuộc đời yên ả không kéo dài được bao lâu. Do nhiều biến cố lịch sử, từ năm 1789, Nguyễn Du đã rơi vào cuộc sống đầy khó khăn gian khổ hơn chục năm trước khi ra làm quan cho nhà Nguyễn. Những trải nghiệm trong môi trường quý tộc và cuộc sống phong trần đem lại cho Nguyễn Du một vốn sống thực tế phong phú, đã thôi thúc ông suy ngẫm nhiều về xã hội, về thân phận con người, tạo tiền đề quan trọng cho sự hình thành tài năng và bản lĩnh sáng tạo văn chương. Hơn mười năm lăn lộn chật vật ở các vùng nông thôn khác nhau cũng là dịp Nguyễn Du học hỏi, nắm vững ngôn ngữ nghệ thuật dân gian: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Tiếng hát nơi thôn dã giúp ta biết ngôn ngữ trong nghề trồng dâu trồng gai). Đây là vốn hiểu biết rất cần thiết cho sự hình thành phong cách ngôn ngữ của các sáng tác bằng chữ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều.
Sau nhiều năm sống hết sức khó khăn chật vật ở các vùng quê khác nhau, đến năm 1802, Nguyễn Du đã ra làm quan cho nhà Nguyễn. Hoạn lộ của Nguyễn Du khá thuận lợi. Năm 1802, ông nhậm chức Tri huyện tại huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), sau đổi sang Tri phủ Thường Tín (nay thuộc Hà Tây). Từ năm 1805 đến năm 1809, ông được thăng chức Đông Các điện học sĩ, năm 1809, được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Năm 1813, ông được thăng Cần Chánh điện học sĩ và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc. Sang Trung Quốc Nguyễn Du trực tiếp tiếp xúc với một nền văn hóa mà từ nhỏ ông đã quen thuộc qua nhiều sử sách và thơ văn. Chuyến đi sứ để lại những dấu ấn sâu đậm trong thơ văn, đặc biệt góp phần nâng tầm khái quát của những tư tưởng về xã hội và thân phận con người trong sáng tác của ông. Năm 1820, Nguyễn Du lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc nhưng lần này chưa kịp lên đường thì ông đã mất vào ngày 10 tháng 8 năm Chanh Thin (18-9-1820).
Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỉ niệm trọng thể nhân dịp 300 năm năm sinh của ông.
Chú thích:
(1) Tập ấm: (tập: truyền lại đời sau, ấm: nhờ ơn người trước để lại mà con cháu được phong tặng chức tước hoặc miễn cho một trách nhiệm nào đó) con cháu được thừa hưởng chức vụ nào đó của cha. Nguyễn Du được một viên võ quan họ Hà ở Thái Nguyên nhận làm con nuôi, vì ông họ Hà không có con nên khi chết, Nguyễn Du được tập ấm chức vụ đó.
II- SỰ NGHIỆP VĂN HỌC
1. Các sáng tác chính
a) Sáng tác bằng chữ Hán: Hiện nay giới nghiên cứu đã sưu tầm được 249 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du viết vào các thời kì khác nhau:
– Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi ra làm quan nhà Nguyễn.
– Nam trung tạp ngâm (các bài thơ ngâm khi ở phương Nam) có 40 bài viết thòi gian làm quan ở Huế và Quảng Bình, những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh, quê hương ông.
– Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của ông. Các bài thơ trong Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm tuy biểu hiện một tâm trạng buồn đau, day dứt những đã cho thấy rõ khuynh hướng quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về xã hội của tác giả. Trong Bắc hành tạp lục, những điểm đặc sắc của tư tưởng, tình cảm Nguyễn Du được thể hiện rõ ràng hơn. Thơ Nguyễn Du viết khi đi sứ Trung Quốc có ba nhóm đáng chú ý:
– Ca ngợi, đồng cảm với các nhân cách cao thượng và phê phán những nhân vật phản diện;
– Phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người;
– Cảm thông với những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội, bị đoạn đày hắt hủi. Xét về đề tài và cảm hứng sáng tác, có nhiều điểm tương đồng giữa Truyện Kiều và các bài thơ chữ Hán trong Bắc hành tạp lục.
b) Sáng tác bằng chữ Nôm: Nguyễn Du có Đoạn trường tân thanh (còn gọi là Truyện Kiều) và Văn chiêu hồn.
Truyện Kiều được sáng tác trên cơ sở cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện. Tuy nhiên, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới, với cảm hứng mới, nhận thức lí giải nhân vật theo cách của riêng ông, với thể loại truyện thơ khác hẳn Kim Vân Kiều truyện là tác phẩm tự sự văn xuôi. Trên một nền tảng nhân đạo chủ nghĩa vững chãi, với tài năng điêu luyện, với sự lựa chọn thể loại truyện thơ kết hợp nhuần nhuyễn cả chất tự sự và chất trữ tình, với sự am hiểu đồng thời cả ngôn ngữ bình dân cũng như ngôn ngữ văn học bác học, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một kiệt tác độc nhất vô nhị của văn học trung đại Việt Nam.
Truyện Kiều là truyện thơ viết bằng thể thơ lục bát. Văn chiêu hònn nguyên tên là Văn tế thập loại chúng sinh (Văn tế mười loại chúng sinh) viết bằng thể thơ song thất lục bát. Bài văn tế thể hiện một phương diện quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác Nguyễn Du. Theo quan niệm xưa, hồn của những người chết bất hạnh cần được siêu sinh tịnh độ. Nguyễn Du viết bài thơ chiêu hồn cho nhiều hạng người khác nhau, kể cả những người thuộc tầng lớp phong kiến quý tộc. Song tấm lòng nhân ái của nhà thơ vẫn hướng về những thân phận nhỏ bé, dưới đáy xã hội như các em nhỏ, các kĩ nữ, những anh học trò nghèo. Do giá trị nhân đạo sâu sắc mà Văn chiêu hồn đã được phổ biến rộng rãi, kể cả trong phạm vi nhà chùa.
2. Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Du
a) Đặc điểm nội dung: Nếu so với nhiều nhà nho xưa làm thơ để nói chí (hướng về lí tưởng người quân tử) thì nét nổi bật xét về nội dung của sáng tác Nguyễn Du là sự đề cao xúc cảm, tức đề cao tình. Nội dung quan trọng hàng đầu trong thơ chữ Hán, Truyện Kiều, Văn chiêu hồn là tình cảm chân thành, là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh, người phụ nữ. Người ăn mày, người mù hát rong, những ca nhi, kĩ nữ… vốn bị xã hội cũ coi rẻ được nhà thơ nói đến bẳng một tấm lòng trân trọng, thương yêu. Những khái quát của ông về cuộc đời, về thân phận con người thường mang tính triết lí cao và thấm đẫm cảm xúc. Nhà thơ triết lí với nỗi đau về thân phận bất hạnh của phụ nữ trong xã hội cũ: “Đau đớn thay phận đàn bà – Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Truyện Kiều), “Đau đớn thay phận đàn bà – Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?” (Văn chiêu hồn). Ông khái quát bản chất tàn bạo của xã hội phong kiến, bộc lộ sự phẫn nộ đối với những kẻ đã hãm hại Khuất Nguyên: “Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan – Đại địa xứ xứ giai Mịch La” (Người đời sau ai cũng là Thượng Quan – Trên mặt đất, đâu cũng có sông Mịch La) (1). Ý nghĩa xã hội sâu sắc của thơ ca Nguyễn Du gắn chặt với tình đời, tình người bao la của nhà thơ. Đặc biệt, cần lưu ý đến cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du vì ông là người đầu tiên trong văn học trung đại đã nêu lên một cách tập trung vấn đề về thân phận những người phụ nữ có sắc đẹp và tài năng văn chương nghệ thuật (thơ, nhạc,…). Ông đã đề cập đến một vấn đề rất mới, nhưng cũng rất quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: xã hội cần phải trân trọng những giá trị tinh thần, do đó cầnphải trân trọng chủ thể sáng tạo ra những giá trị tinh thần đó. Nguyễn Du là tác giả tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX còn vì ông đề cao hạnh phúc của con người tự nhiên, trần thế. Truyện Kiều thấm đẫm tinh thần ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp kì diệu của tình yêu lứa đôi.
b) Đặc điểm nghệ thuật: Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác. Ông nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, làn thơ theo thể ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật và ca, hành (nhạc phú),… Thơ chữ Hán của ông ở thể thơ nào cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt phải nói đến tài năng nghệ thuật của nhà thơ trong các sáng tác bằng chữ Nôm. Nguyễn Du đã góp phần trau dồi ngôn ngữ văn học dân tộc, làm giàu cho tiếng Việt qua việc Việt hóa nhiều yếu tố ngôn ngữ ngoại nhập. Đến Truyện Kiều của ông, thể thơ lục bát đã chứng tỏ khả năng chuyển tải nội dung tự sự trữ tình to lớn của thể loại truyện thơ.
Chú thích:
(1) Hai câu thơ trích từ bài thơ Phản “Chiêu hồn”. Khuất Nguyên (khoảng 340-278 trước Công nguyên) là nhà thơ lớn của Trung Quốc thời cổ. Thượng Quan Ngân Thượng đã giừm pha khiến cho Khuất Nguyên bị Sở Hoài Vương ruồng bỏ, phải lưu đày xuống Giang Nam. Dòng sông Mịch La là nơi Khuất Nguyên đã uất ức nhảy xuống trẫm mình. Tương truyền Tống Ngọc là nhà thơ cùng thời Khuất Nguyên đã làm bài Chiêu hồn để gọi hồn Khuất Nguyên về dương gian. Nguyễn Du viết bài Phản “Chiêu hồn” (Bác lại bài “Chiêu hồn”): nếu hồn Khuất Nguyên có trở về cõi thế này thì cũng chẳng có gì tốt đẹp. Vì trên cõi đời này, đâu đâu cũng đầy những tên qua lại độc ác, những dòng sông oan nghiệt. Phản “Chiêu hồn” thuộc loại thơ có cảm hứng phê phán xã hội sâu sắc, mạnh mẽ và có sức khái quát nhất của thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Hướng dẫn soạn bài – Truyện Kiều (Phần 1: Tác giả)
Giải câu 1 (Trang 96 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Anh (chị) có nhận xét gì về cuộc đời của Nguyễn Du? Những đặc điểm về cuộc đời của Nguyễn Du góp phần lí giải những thành công trong sáng tác của nhà thơ như thế nào?
Trả lời:
Những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện Kiều:
– Thời đại và gia đình
+ Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
+ Ông sinh trường trong một gia đình đại quý tộc nhiều đời làm quan to và có truyền thống về văn học. Cha là tể tướng Nguyễn Nghiễm.
+ Nguyễn Du sống trong thời kỳ lịch sử đầy biến động, chế độ phong kiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn tranh giành quyền lực, phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.
– Cuộc đời:
Sống phiêu bạt nhiều nơi trên đất Bắc, ở ẩn ở Hà Tĩnh.
Làm quan dưới triều Nguyễn, đi sứ Trung Quốc, …
– Đánh giá: Nguyễn Du là người có vốn hiểu biết sâu rộng, phong phú về cuộc sống của Nguyễn Du có phần do chính cuộc đời phiêu bạt, trải nghiệm nhiều tạo thành.
Giải câu 2 (Trang 96 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Cho biết các sáng tác chính của Nguyễn Du và đặc điểm chủ yếu của chúng.
Trả lời:
Các sáng tác chính của Nguyễn Du:
– Chữ Hán
+ Thanh Hiên thi tập
+ Nam Trung tạp ngâm
+ Bắc Hành tạp lục
– Chữ Nôm
+ Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)
+ Văn chiêu hồn
Đặc điểm chung các tác phẩm: các tác phẩm thể hiện tư tưởng, nhân cách, tình cảm của nhà thơ:
– Thể hiện tư tưởng nhân đạo: đề cao giá trị nhân văn con người. Các tác phẩm đó đều thể hiện sự cảm thông sấu sắc của Nguyễn Du đối với cuộc sống của con người, nhất là những người nhỏ bé, bất hạnh, … đó là kết quả của quá trình quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về con người của tác giả.
– Lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp con người. Với Truyện Kiều, đó không chỉ là sự lên án xã hội, mà còn là sự ngợi ca, trân trọng con người và vẻ đẹp kì diệu của tình yêu đôi lứa.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Truyện Kiều (Phần 1: Tác giả)
Câu 1. Anh (chị) có nhận xét gì về cuộc đời của Nguyễn Du? Những đặc điểm về cuộc đời của Nguyễn Du góp phần lí giải những thành công trong sáng tác của nhà thơ như thế nào?
Trả lời:
* Nhận xét về cuộc đời Nguyễn Du:
– Sinh trưởng trong gia đình phong kiến quyền quý:
+ Cha từng giữ chức Tể tướng trong triều đình Lê – Trịnh.
+ Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản từng làm chức Tham tụng, nổi tiếng phong lưu, thân chúa Trịnh Sâm, mê hát xướng.
⇒ Nguyễn Du có điều kiện học hành, dùi mài kinh sử, có điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu cuộc sống cua giới quý tộc.
– Sống trong thời kỳ lịch sử đầy biến động:
+ Các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực. Phong trào nông dân khởi nghĩa, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.
⇒ cuộc sống khó khăn, gian khổ
⇒ Những trải nghiệm trong môi trường quý tộc và cuộc sống phong trần đem lại vốn sống thực tế.
– Năm 1802, ông ra làm quan cho nhà Nguyễn:
+ Đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau
+ Được cử đi sứ Trung Quốc
⇒ Trực tiếp tiếp xúc với nền văn hóa đã quá quen thuộc qua sách vở.
* Những đặc điểm về cuộc đời lý giải những thành công trong sáng tác của ông:
– Sinh ra trong gia đình quyền quý ⇒ có điều kiện học hành, được tiếp xúc với đời sống xa hoa quyền quý, nhất là thói mê hát xướng của người anh cùng cha khác mẹ ⇒ xuất hiện những hình ảnh ca nhi, kỹ nữ với giọng hát và số phận bi kịch trong sáng tác của ông.
– Sống trong thời loạn lạc, khó khăn ⇒ có điều kiện tiếp xúc với ngôn ngữ, nghệ thuật dân gian ⇒ hình thành phong cách ngôn ngữ với các sáng tác bằng chữ Nôm.
– Được ra làm quan và cử đi sứ Trung Quốc ⇒ tiếp xúc với một nền văn học, văn hóa lớn có tầm ảnh hưởng ⇒ dấu ấn sâu đậm trong thơ văn, nâng tầm khái quát những tư tưởng xã hội và thân phân con người trong sáng tác của ông.
Câu 2. Cho biết các sáng tác chính của Nguyễn Du và đặc điểm chủ yếu của chúng.
Trả lời:
* Nguyễn Du sáng tác trên cả hai mảng: chữ Hán và chữ Nôm.
– Sáng tác bằng chữ Hán (gồm 3 tập thơ): 249 bài thơ chữ Hán viết vào các thời kỳ khác nhau:
+ Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên): 78 bài viết trong những năn tháng làm quan.
+ Nam trung tạp ngâm (Các bài thơ ngâm ở phương Nam): 40 bài viết trong trong thời gian làm quan ở Huế và Quảng Bình.
+ Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc): 131 bài thơ sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc.
⇒ thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của ông:
+ Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm: tâm trạng buồn đau, day dứt nhưng thấy rõ khuynh hướng suy ngẫm về cuộc đời của tác giả.
+ Bắc hành tạp lục: những điểm đặc sắc của tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du được thể hiện rõ ràng, có 3 nhóm đáng chú ý:
1. Ca ngợi, đồng cảm với nhân cách cao thượng và phê phán nhân vật phản diện.
2. Phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người.
3. Cảm thông với những thân phận bé nhỏ dưới đáy xã hội.
– Sáng tác chữ Nôm:
+ Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều): sáng tác trên cơ sở cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới, cảm hứng mới, cách nhận thức và lý giải nhân vật mới; thể loại truyện thơ, kết hợp chất tự sự và trữ tình, ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học.
+ Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh): thể thơ song thất lục bát, thể hiện một phương diện quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du.
* Đặc điểm về nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Du:
a. Nội dung: tình cảm chân thành, sự cảm thông sâu sắc của tác giả đói với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh (người ăn mày, người mù hát rong, kỹ nữ, ca nhi,…).
b. Nghệ thuật
– Thể thơ phong phú: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật và ca, hành (nhạc phủ),…
– Góp phần trau dồi ngôn ngữ văn học dân tộc, làm giàu cho tiếng Việt: Việt hóa ngôn ngữ ngoại nhập.
– Chứng tỏ khả năng truyền tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn của thể thơ lục bát và thể loại truyện thơ.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment