Soạn bài – Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy (truyền thuyết) trang 39 – 43 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

TRUYỆN AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU – TRỌNG THỦY

(Truyền thuyết)

TIỂU DẪN

Không chú trọng tính chính xác như các văn bản lịch sử, truyền thuyết đã phản ánh lịch sử một cách độc đáo: những câu chuyện trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha ta được khúc xạ qua lời kể của nhiều thế hệ để rồi kết tinh thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhuốm màu thần kì mà vẫn thấm đẫm cảm xúc đời thường. Chỉ có thể hiểu đúng và sâu sắc nội dung cùng nghệ thuật của truyền thuyết khi xem xét tác phẩm trong mối quan hệ ảnh hưởng qua lại với môi trường lịch sử – văn hóa mà nó sinh thành, lưu truyền và biến đổi.

Làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội còn giữ được một quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời gồm đền thờ An Dương Vương, am thờ công chúa Mị Châu và giếng Ngọc (tương truyền đó là nơi Trọng Thủy tự vẫn sau cái chết của Mị Châu). Bao quanh cụm đền, am là từng đoạn của vòng thành cổ chạy dài trên cánh đồng – dấu vết còn lại của thành Cổ Loa chín vòng do An Dương Vương xây nên. Toàn bộ cụm di tích là minh chứng lịch sử cho sự sáng tạo và lưu truyền chuỗi truyền thuyết về sự ra đời và suy vọng của nhà nước Âu Lạc. Trong chuỗi truyền thuyết đó, nổi bật hai lớp truyện chính: một là kể về quá trình An Dương Vương xây thành và chế tạo nỏ thần thành công nhờ sự giúp đỡ của thần Rùa Vàng, hai là kể về nguyên nhân khiến cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” liên quan đến mối tình Mị Châu – Trọng Thủy.

Văn bản dưới đây trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái – một sưu tập truyện dân gian ra đời vào cuối thế kỉ XV.

soan bai truyen an duong vuong va mi chau trong thuy sgk ngu van 10 tap 1

VĂN BẢN

Vua An Dương Vương nước Âu Lạc, họ Thục tên Phán […] xây thành ở đất việt thường(1) hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy. Vua bèn lập đàn trai giới(2), cầu đảo bách thần(3). Ngày mồng bảy tháng ba bỗng thấy một cụ già từ phương đông tới trước cửa thành mà than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được!”. Vua mừng rỡ đón vào trong điện, thi lễ(4), hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?”. Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang(5) tới cùng nhà vua xây dựng thành mới thành công”. Nói rồi từ biệt ra về.

Hôm sau, vua ra cửa đông chờ đợi, chợt thấy con Rùa Vàng từ phương đông lại, nổi trên mặt nước, nói sõi tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói: “Điều đó chính cụ già đã báo cho ta biết trước”. Bèn dùng xe bằng vàng rước vào trong thành(6) […].

Thành xây nửa tháng thì song. Thành rộng hơn ngàn trượng(7), xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành, còn gọi là Quỷ Long Thành, người thời Đường gọi là Côn Lôn Thành, lấy lẽ rằng nó cao lắm.

Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt ra về. Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng đáp: “Vận nước suy thịnh, xã tắc(8) an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận. Nhàn vua ước muốn ta có tiêc chi”. Bèn tháo vuốt(9) đưa cho nhà vua mà nói: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhắm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”. Dứt lời, trở về biển Đông.

Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy. Gọi là nỏ “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Về sau Triệu Vương là Đà cử binh xâm lược phương Nam, cùng vua giao chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về Trâu Sơn(10) đắp lũy không dám đối chiến, bèn xin hòa […].

Không bao lâu, Đà cầu hôn. Vua vô tình gả con gái là Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. Trọng Thủy dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt Rùa Vàng, nói dối là về phương Bắc thăm cha. Nói rằng: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Đáp: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”.

Trọng Thủy mang lẫy thần về nước. Đà được lẫy cả mừng, bèn cử binh sang đánh. Vua cậy có nỏ thần, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Quân Đà tiến sát, vua cầm lấy nỏ, thấy lẫy thần đã mất bèn bỏ chạy. Vua đặt Mị Châu ngồi đằng sau ngựa rồi cùng nhau chạy về phương Nam.

Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng mà đuổi. Vua chạy tới bờ biển, đường cùng, không có thuyền qua bèn kêu rằng: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Rùa Vàng hiện lên mặt nước, thét lớn: “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó!”. Vua bèn tuốt kiếm chém Mị Châu, Mị Châu khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc(11), Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển.

Đời truyền nơi đó là đất Dạ Sơn, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu(12). Quân Đà kéo tới đấy không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mị Châu. Trọng Thủy đem xác Mị Châu về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch(13). Mị Châu đã chết, Trọng Thủy thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông, lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng thêm, nhân kiêng tên Mị Châu cho nên gọi ngọc minh châu là đại cữu và tiểu cữu(14).

(VŨ QUỲNH – KIỀU PHÚ, Lĩnh nam chích quái,

ĐINH GIA KHÁNH – NGUYỄN NGỌC SAN dịch,

NXB Văn học, Hà Nội, 2001).

Chú thích:

(1) Việt Thường: một số sử gia thời trước đôi khi dùng tên này để gọi nước ta thuở xưa.

(2) Trai giới: giữ mình trong sạch. Ngày xưa, trước khi tế lễ một thời gian, người làm lễ phải kiêng nhiều điều để giữ mình trong sạch.

(3) Bách thần: trăm vị thần. Ở đây có nghĩa ước lệ, chỉ chung các vị thần linh được tôn thờ.

(4) Thi lễ: tiến hành nghi thức, nghi lễ chào đón.

(5) Thanh Giang: nghĩa đen là “con sông trong”. Đây chỉ con sông thiêng, nơi Rùa Vàng ở.

(6) Lược một đoạn kể quá trình Rùa Vàng giúp vua diệt trừ yêu quái rồi bắt tay vào việc xây thành.

(7) Trượng: đơn vị đo chiều dài thời xưa, khoảng 3m. Thành “rộng hơn ngàn trượng” là con số ước lệ, ý nói thành rất lớn.

(8) Xã tắc: (: nền đất đắp cao để thờ thần Đất; tắc: nền đất đắp cao để thờ thần Lúa) với một nước sống chủ yếu dựa vào nông nghiêp thì xã tắc có thể hiểu là đất nước.

(9) Vuốt: cái móng dài và nhọn của loài vật.

(10) Trâu Sơn: một ngọn núi ở làng Trâu Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh).

(11) Sừng tê: sừng của con tê giác. Người xưa cho rằng sừng tê dài đến bảy tấc (tấc: đơn vị đo chiều dài thời xưa, khoảng 3cm) là vật quý, thần kì, có thể kị (chống lại) nước.

(12) Nay thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

(13) Ngọc thạch: thứ ngọc (đá) màu xanh nhạt, trong suốt, thường dùng làm đồ trang sức, trang trí. Cần phân biệt với châu là thứ ngọc trai có nguồn gốc dưới nước.

(14) Cữu: tên một thứ ngọc trai quý (đại: lớn; tiêu: nhỏ).

Hướng dẫn soạn bài – Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

I. Tóm tắt

Sau khi giúp An Dương Vương xây dựng xong Loa Thành, trước khi ra về, thần Kim Quy còn tặng cho chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đánh bại quân Triệu Đà khi chúng sang xâm lược. Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thuỷ, vua vô tình đồng ý. Trọng Thuỷ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm đổi mất lẫy thần mang về phương Bắc. Sau đó, Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. Không còn nỏ thần, An Dương Vương thua trận, cùng Mị Châu chạy về phương Nam. Thần Kim Quy hiện lên kết tội Mị Châu, vua chém chết con rồi đi xuống biển. Mị Châu chết, máu chảy xuống biển thành ngọc trai. Trọng Thuỷ mang xác vợ về chôn ở Loa Thành, xác liền biến thành ngọc thạch. Vì quá tiếc thương Mị Châu, Trọng Thuỷ lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc trai, rửa bằng nước giếng ấy thì ngọc trong sáng thêm.

* Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là câu chuyện về bi kịch mất nước của cha con An Dương Vương và bi kịch tình yêu của Mị Châu – Trọng Thủy. Từ câu chuyện ấy, nhân dân ta muốn rút ra và truyền lại cho con cháu các thế hệ sau bài học lịch sử về ý thức đề cao cảnh giác với âm mưu xâm lược của kẻ thù.

II. Bố cục

+ Phần 1 (từ đầu đến “bèn xin hòa”): Quá trình xây thành và chế nỏ thần của vua An Dương Vương.

+ Phần 2 (tiếp theo đến “dẫn vua đi xuống biển”): Câu chuyện mất nước của An Dương Vương.

+ Phần 3 (đoạn còn lại): Truyền thuyết về ngọc Mị Châu và nước giếng Trọng Thủy.

III. Hướng dẫn soạn chi tiết bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Giải câu 1 (Trang 42 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết đã được liệt kê, anh (chị) hãy phân tích:

a) Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về nhà vua?

b) Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện như thế nào?

c) Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái…nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?

Trả lời:

Các chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương:

An Dương Vương xây thành nhưng thất bại => Rùa Vàng giúp xây thành và chế nỏ thần => vua đánh thắng Triệu Đà => chủ quan khi Triệu Đà đem quân đánh => thất bại nên phải bỏ trốn, sau khi nghe Rùa Vàng kết tội, vua chém đầu Mị Châu rồi theo Rùa Vàng xuống biển.

a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ bởi nhà vua đã có ý thức đề cao cảnh giác, sớm lo việc xây thành đắp lũy và chuẩn bị vũ khí để chống ngoại xâm. Tưởng tượng ra sự giúp đỡ thần kì này, nhân dân ta đã tỏ lòng ca ngợi công lao của nhà vua và tự hào về việc xây thành, chế nỏ và chiến công chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

b) Sự mất cảnh giác của An Dương Vương được biểu hiện:

1) Lần mất cảnh giác thứ nhất: vua không nghi ngờ gì đã đồng ý kết thông gia với Triệu Đà, mở đường cho con trai đối phương lọt vào làm nội gián

2) Lần mất cảnh giác thứ hai: khi Triệu Đà kéo quân đến, An Dương Vương ỷ vào nỏ thần mà không đề phòng nên bại trận.

c) Chi tiết Rùa Vàng, Mị Châu và việc vua chém đầu con gái theo lời kết án của Rùa Vàng được sáng tạo ra để nhân dân ta gửi gắm lòng kính trọng đối với vị vua anh hùng An Dương Vương đồng thời phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu, là lời giải thích lí do mất nước nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước.

Giải câu 2 (Trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Về việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:

– Mị Châu làm vậy là chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng, mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước.

– Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lí.

Ý kiến riêng của anh (chị) như thế nào?

Trả lời:

Đánh giá việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần:

– Nhận xét về ý kiến thứ nhất: Nếu chấp nhận cách đánh giá này thì lỗi của Mị Châu rất lớn. Nàng là một người vì tình riêng mà không có trách nhiệm với quốc gia, không quan tâm tới vận mệnh dân tộc. Một công dân như thế thì đối với bất kì thời đại nào cũng không chấp nhận được

– Nhận xét về ý kiến thứ hai: Cách đánh giá này xuất phát từ luân lí của chế độ phong kiến, người phụ nữ “xuất giá tòng phu” – khi lấy chồng, phải tuyệt đối nghe theo lời chồng.

Cả hai cách nghĩ đều chưa thỏa đáng. Mị Châu là một nạn nhân đáng thương của một mưu đồ chính trị. Nàng nhẹ dạ, cả tin, ngây thơ và khờ dại. Vì tin tưởng chồng một cách trọn vẹn mà mắc sai lầm. Đối với quốc gia, nàng có tội lớn, không thể tha thứ được. Nhưng chi tiết lời nguyền của nàng trước khi chết được ứng nghiệm đã nói lên rằng: Người Việt Nam không ai chịu bán nước mà họ chỉ bị kẻ địch lợi dụng mà thôi. Do đó, Mị Châu cũng đáng được chúng ta cảm thông và nàng đáng thương nhiều hơn đáng trách.

Giải câu 3 (Trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm như thế nào đối với Mị Châu và muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ trẻ muôn đời sau?

Trả lời:

Phần kết truyện liên quan đến cái chết của Mị Châu thể hiện hai cái nhìn tưởng như trái ngược nhưng lại rất thống nhất của tác giả dân gian. Mị Châu bị trừng trị là một dứt khoát, nhân dân ta đã tuyên án và thi hành bản án của lịch sử. Cách kết thúc này xuất phát từ truyền thống yêu nước và lòng thiết tha với độc lập tự do của người Việt ta.

Nhưng Mị Châu cũng chỉ là một nạn nhân đáng thương. Phải mang danh “là giặc” là nỗi oan của Mị Châu vậy nên dân gian đã để lời nguyền của nàng trở thành hiện thực để thể hiện sự cảm thông, bao dung với nàng. Câu chuyện của Mị Châu quả đúng là lời nhắn nhủ của tác giả dân gian đối với thế hệ trẻ muôn đời trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tình nhà với nghĩa nước, giữa cái riêng với cái chung.

Giải câu 4 (Trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của hai cha con Mị Châu. Vậy anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh “ngọc trai – giếng nước”?

Trả lời:

Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” là một hình ảnh đẹp và giàu ý nghĩa. Nó là một sự kết thúc hoàn mỹ cho một mối tình và cũng là lời giải oán cho tội “bán nước” của Mị Châu. Chi tiết máu của Mị Châu khi chết đi được loài trai ăn phải thì hóa thành ngọc trai đã chứng thực được tấm lòng trong sáng của nàng. Việc Trọng Thủy gieo mình xuống giếng nước đã thể hiện sự hối hận của nhân vật khi đã phụ người vợ của mình. Việc ngọc trai kia đem rửa trong nước giếng này lại càng sáng đẹp hơn còn nói lên rằng Trọng Thủy đã tìm được lời hóa giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia. Nếu đứng ở bình diện này, ta càng thấy thương xót cho mối tình của Mị Châu – Trọng Thủy.

Giải câu 5 (Trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là “cốt lõi lịch sử” của truyện và cốt lõi lịch sử đó đã được dân gian thần kì hóa như thế nào?

Trả lời:

“Cốt lõi lịch sử” của truyện là việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sự thực về sự thất bại của Âu Lạc trước sự xâm lược của Triệu Đà. Dân gian đã thêm vào các yếu tố thần kì để “cốt lõi lịch sử” thêm sinh động và hấp dẫn hơn. Đầu tiên, ta thấy hình tượng của thần Kim Quy hiện lên giúp vua xây thành, chế nỏ, chuyện lời nguyền của Mị Châu với chi tiết “ngọc trai – giếng nước” và sau cùng là vua An Dương Vương theo Rùa Vàng về biển. Việc tạo ra các yếu tố thần kì này đã tái hiện một câu chuyện lịch sử dưới cái nhìn của dân gian thật khác lạ: người anh hùng An Dương Vương không chết mà chỉ bước sang một thế giới khác, nàng Mị Châu đã được rửa tội “bán nước”, còn tình cảm đẹp của Trọng Thủy – Mị Châu đến cuối cùng cũng có một cái kết viên mãn nhất.

Soạn phần luyện tập bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Có hai cách đánh giá như sau:

a) Trọng Thủy chỉ là kẻ gián điệp, ngay cả việc yêu Mị Châu cũng chỉ là giả dối.

b) Giữa Mị Châu và Trọng Thủy có tình yêu chung thủy và hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” đã ca ngợi mối tình đó.

Anh (chị) hãy trình bày ý kiến riêng của mình.

Trả lời:

Thực ra cách đánh giá trong “Trọng Thuỷ chỉ là kẻ gián điệp. Ngay cả việc yêu Mị Châu cũng chỉ là giả dối” hay ” “Giữa Mị Châu và Trọng Thuỷ có tình yêu chung thuỷ và hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” đã ca ngợi mối tình đó” đều phiến diện và hời hợt. Đó là những cách đánh giá theo hướng quá tuyệt đối hóa một mặt của vấn đề.

Có thể nêu ý kiến: việc Trọng Thủy lấy cắp lẫy nỏ thần và là người trực tiếp gây ra bi kịch mất nước của Âu Lạc và cái chết của hai cha con An Dương Vương là một điều đáng trách. Tuy nhiên, tình yêu mà Trọng Thủy dành cho Mị Châu cũng là chân thật và sâu nặng. Chính vì vậy đối với nhân vật này, chúng ta thấy vừa đáng thương lại vừa đáng giận.

Giải câu 2* – Luyện tập (Trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau. Cách xử lí như vậy nói lên điều gì trong đạo lí truyền thống của dân tộc ta?

Trả lời:

An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình. Cách xử lí này hoàn toàn phù hợp với đạo lí truyền thống của dân tộc ta. Nó thể hiện lòng bao dung của dân tộc đối với những đứa con lầm lỗi nhưng đã biết cúi đầu hối hận và chịu tội. Trước đất nước, nhân dân, cách hành xử của nhà vua là đầy trách nhiệm. Thế nhưng về tình nhà, An Dương Vương chắc chắn cũng vô cùng đau đớn. Việc để cho hai cha con đoàn tụ bên nhau (khi chết) là cái kết hợp tình hợp lí và nhân hậu của nhân dân ta.

Giải câu 3* – Luyện tập (Trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Tìm một số bài thơ viết về Mị Châu – Trọng Thủy và nêu lên sức sống lâu bền của Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

Trả lời:

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, cho đến tận ngày nay vẫn chiếm được cảm tình của người đọc. Người ta đọc truyện để hiểu về lịch sử, để rút ra những bài học bổ ích cho mình và cho con cháu đời sau. Nhưng không chỉ thế, đọc truyền thuyết này, người ta còn muốn hiểu sâu sắc hơn bi kịch của một mối tình rất đẹp trong lịch sử.

Sức sống của truyền thống An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy còn khơi nguồn cho những cảm hứng thi ca. Các tác giả như Tố Hữu, Trần Đăng Khoa… đều đã có những sáng tác lấy cảm hứng từ tác phẩm này. Ví dụ trong bài thơ “Tâm sự” rút trong tập thơ “Ra trận” của nhà thơ Tố Hữu, có đoạn viết:

… Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu,

Trái tim lầm lỡ để trên đầu.

Nỏ thần vô ý trao tay giặc,

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…

 

TRỌNG THỦY MỊ CHÂU

(Nguyễn Tâm)

Cổ Loa thành quách nguy nga

Suối reo róc rách hoa trà ngát hương

Âu Lạc vua An Dương Vương

Ngài là Thục Phán tên thường khai sanh

Thuở đó nước Việt vang danh

Nỏ thần dẹp giặt để giành non sông

Chứng tri với các tổ tông

Muôn dân trăm họ trọn lòng đấu tranh

Đại Việt vạch đất chia ranh

Kẻ nào bành trướng thì đành bỏ thây

Tường hào bờ lũy đắp xây

Vụ mùa lúa gạo vun đầy bồ kho

Thế thời lắm lúc còn lo

Triệu Đà mưu kế giả đò thông gia

Mỵ Châu công chúa bên ta

Kết duyên Trọng Thủy một nhà cháu con

Nàng thân con gái sắc son

Ngờ đâu có biết chồng còn kế gian

Làm sao để đánh giặt tan

Ái ân chồng vợ sao nàng giấu chi

Thật lòng thiếp nói nghe đi

Ta đây thề thốt không gì xấu xa

Chẳng qua nể phục tài ba

Người dân xứ Việt thật là giỏi giang

Tưởng chồng tình thiệt hỏi hang

Thiếp đây bày tỏ mọi đàng cho xong

Kim Quy rùa ở biển sông

Tặng cho Thần Nỏ chiến công dẹp thù

Anh đây như thể người mù

Xin em chỉ cách cho dù khó khăn

Làm sao dây nỏ kéo căng

Rồi cùng một lúc tên tăng vạn lần

Yêu chồng Châu chỉ ân cần

Chỉ luôn mọi nẻo Cung Thần nằm đâu

Bí mật quân sự thâm sâu

Nay thời một khắc Mỵ Châu khai rành

Chồng em bụng dạ không lành

Nửa đêm phá sạch tan tành Nỏ kia

Đồ đạc ngày cưới phân chia

Gom xong bỏ trốn duyên lìa từ đây

Tình yêu như gió như mây

Thù xưa giặt cũ đến dày nước Nam

Nỏ hư đành phải chịu cam

Mang con tháo chạy biết làm gì hơn

Còn thương Trọng Thủy keo sơn

Áo lông vương rãi gió vờn tung bay

Đường em theo lối cỏ cây

Còn Thương chàng hãy tìm đây hướng này

Vó ngựa rong rủi bao ngày

Bên bờ biển gọi tỏ bày Thần Quy

Vận ngài đã hết cùng suy

Công chúa theo giặt là tùy vào ông

Nhìn qua Vua mới ngó trông

Lông rơi cùng khắp đau lòng thở than

Cúi lạy đất nước giang san

Giết con tự sát đâu màng sống nhơ

Xác nàng hồn phách lửng lơ

Máu loang xuống biển có mờ tình ai

Thấm vào dạ ốc con trai

Minh Châu tỏa sáng tuyền đài thủy chung !

08 – 31 – 2011

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

Câu 1. Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết đã được liệt kê, anh (chị) hãy phân tích:

a) Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về nhà vua?

b) Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện như thế nào?

c) Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái…nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?

Trả lời:

Các chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương:

  • An Dương Vương xây thành nhưng thất bại.
  • An Dương Vương được Rùa Vàng giúp xây thành và chế nỏ thần.
  • An Dương Vương đánh thắng Triệu Đà lần thứ nhất.
  • An Dương Vương chủ quan khi Triệu Đà đem quân đánh.
  • An Dương Vương thất bại và chém chết Mị Châu.

a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ bởi nhà vua đã có ý thức đề cao cảnh giác, sớm lo việc xây thành đắp lũy và chuẩn bị vũ khí để chống ngoại xâm. Tưởng tượng ra sự giúp đỡ thần kì này, nhân dân ta đã tỏ lòng ca ngợi công lao của nhà vua và tự hào về việc xây thành, chế nỏ cũng như những chiến công trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.

b) Sự thất bại của An Dương Vương bắt đầu từ chỗ nhà vua chấp nhận lời cầu hòa và thêm nữa còn cho Trọng Thủy về ở rể. Trong sự việc này, An Dương Vương đã tỏ ra mơ hồ về bản chất ngoan cố của kẻ thù, tỏ ra mất cảnh giác. Hơn nữa việc mất nước còn do nhà vua chủ quan ỷ vào có vũ khí lợi hại nên đã không đề phòng khi quân giặc tiến công.

c) Chi tiết Rùa Vàng, Mị Châu và việc vua chém đầu con gái theo lời kết án của Rùa Vàng được sáng tạo ra để nhân dân ta gửi gắm lòng kính trọng đối với vị vua anh hùng dũng cảm – con người sẵn sàng hi sinh những tình cảm riêng tư để giữ tròn khí tiết và danh dự trước đất nước non sông. Nó cũng phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu, đồng thời cũng là lời giải thích “nhẹ nhàng” nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước.

Câu 2. Về việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:

– Mị Châu làm vậy là chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng, mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước.

– Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lí.

Ý kiến riêng của anh (chị) như thề nào?

Trả lời:

Những chi tiết liên quan đến vai trò của Mị Châu trong bi kịch mất nước của người Âu Lạc:

  • Mị Châu ngây ngô cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần.
  • Trên đường rút chạy, nàng còn rắc lông ngỗng cho Trọng Thủy và quân lính đuổi theo.

Sự mất cảnh giác của Mị Châu là ở chỗ đã cả tin đem trao vào tay giặc bí quyết chống giặc giữ nước của quốc gia. Hơn thế nữa khi hai cha con đã bị thất bại, nàng lại vì bị tình cảm lu mờ mà chỉ đường cho giặc khiến cho hai cha con bị rơi vào đường cùng.

Thực ra ý kiến cho rằng “Mị Châu làm vậy là chỉ tuân theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với Tổ quốc” và “việc Mị Châu tuyệt đối nghe và làm theo ý chồng là đương nhiên” là không thuyết phục dù chúng ta biết Mị Châu là một người vợ thời phong kiến. Khi dựng truyện, tác giả dân gian cũng chỉ muốn nhấn mạnh sự cả tin và ngây thơ của Mị Châu, vì thế mới có bài học giữ nước cay đắng, xót xa nhưng thấm thía truyền đến tận hôm nay.

Câu 3. Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm như thế nào đối với Mị Châu và muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ trẻ muôn đời sau?

Trả lời:

Phần kết truyện liên quan đến cái chết của Mị Châu thể hiện hai cái nhìn tưởng như trái ngược nhưng lại rất thống nhất của tác giả dân gian. Mị Châu bị trừng trị là một dứt khoát, rõ ràng của lịch sử. Nó xuất phát từ truyền thống yêu nước và lòng thiết tha với độc lập tự do của người Việt ta. Nhưng Mị Châu lại được “hồi sinh” (hóa thân vào ngọc và đá) bởi dân tộc ta bao giờ cũng bao dung. Kết thúc ấy thể hiện niềm cảm thông với sự trong trắng ngây thơ của nàng công chúa.

Câu chuyện của Mị Châu quả đúng là lời nhắn nhủ của tác giả dân gian đối với thế hệ trẻ muôn đời trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tình nhà với nghĩa nước, giữa cái riêng với cái chung.

Câu 4. Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của hai cha con Mị Châu. Vậy anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh “ngọc trai – giếng nước”?

Trả lời:

Có thể nói Trọng Thủy là thủ phạm trực tiếp gây ra bi kịch của nước Âu Lạc và cái chết của hai cha con Mị Châu. Vừa là con, vừa là bề tôi, Trọng Thủy đã tuân thủ tuyệt đối theo mệnh lệnh của Triệu Đà. Nhìn ở khía cạnh này, Trọng Thủy đúng là một kẻ thù của dân tộc.

Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” là một hình ảnh đẹp lại vừa giàu ý nghĩa. Nó là một sự kết thúc hoàn mỹ cho một mối tình. Chi tiết “ngọc trai” đã chứng thực được tấm lòng trong sáng của Mị Châu. Chi tiết “giếng nước” có hồn Trọng Thủy lại là chi tiết được dựng lên để hóa giải nỗi hối hận vô cùng và tội lỗi của nhân vật này. Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” với việc ngọc trai kia đem rửa trong nước giếng này lại càng sáng đẹp hơn còn nói lên rằng Trọng Thủy đã tìm được lời hóa giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia. Nhìn ở khía cạnh này Trọng Thuỷ lại là một kẻ si tình thật đáng thương.

Câu 5. Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là “cốt lõi lịch sử” của truyện và cốt lõi lịch sử đó đã được dân gian thần kì hóa như thế nào?

Trả lời:

“Cốt lõi lịch sử” của truyện là việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa và sự thực về sự thất bại của Âu Lạc trước sự xâm lược của Triệu Đà. Cái cốt lõi ấy đã được dân gian làm cho sinh động bằng việc thêm vào nhiều sự việc chi tiết thần kì như chuyện xây thành, chế nỏ; chuyện về cái chết của An Dương Vương và của Mị Châu; chi tiết về ” Ngọc trai – giếng nước”…. Chính việc thêm vào truyện các chi tiết thần kì này đã giúp cho câu chuyện thêm hấp dẫn và sinh động. Nó cũng thể hiện một cái nhìn bao dung của nhân dân ta với các nhân vật lịch sử và với tất cả những gì đã xảy ra.

Soạn phần luyện tập bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy (trang 43 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Bài 1. Có hai cách đánh giá như sau:

a) Trọng Thủy chỉ là kẻ gián điệp, ngay cả việc yêu Mị Châu cũng chỉ là giả dối.

b) Giữa Mị Châu và Trọng Thủy có tình yêu chung thủy và hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” đã ca ngợi mối tình đó.

Anh (chị) hãy trình bày ý kiến riêng của mình.

Trả lời:

Tình cảm giữa Mị Châu và Trọng Thủy là tình cảm thủy chung, đích thực, không phải là tình cảm giả dối, vụ lợi. Nhưng Trọng Thủy vì nghĩa vụ với đất nước, Mị Châu lại hết lòng tin tưởng chồng mình, trong bối cảnh hai nước giao tranh, mới dẫn đến cảnh ngộ bi đát. Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” chính là minh chứng cho mối tình chung thủy đó giữa hai người.

Bài 2*. An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau. Cách xử lí như vậy nói lên điều gì trong đạo lí truyền thống của dân tộc ta?

Trả lời:

Cách xử lý như vậy nói lên tư tưởng nhân đạo trong đạo lí truyền thống của dân tộc. Nhân dân ta đã thông cảm cho việc làm của một vị vua, đứng trước tình riêng và mối thù dân tộc ông đã chọn dân tộc. Đồng thời nhân dân cũng hết sức thương xót cho nàng Mị Châu, vì trái tim chân thành mà phải nhận lấy cái chết từ chính vua cha của mình. Nhân dân xử trí như vậy là mong muốn những lầm lỡ, khổ đau, bất hạnh có thể được nguôi ngoai đi phần nào.

Bài 3*. Tìm một số bài thơ viết về Mị Châu – Trọng Thủy và nêu lên sức sống lâu bền của Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

Trả lời:

MỊ CHÂU – TRỌNG THỦY

(Tản Đà)

Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi máy
Lông ngỗng thiếp đưa đường
Thề nguyền phu phụ
Lòng nhi nữ
Việc quân vương
Duyên nọ tình kia dở dở dang!
Nệm gấm vó câu
Trăm năm giọt lệ
Ngọc trai nước giếng
Nghìn thu khói nhang

Khi quay lại chém con sau yên ngựa
An Dương Vương, người đã  nghĩ suy gì?
Hay cùng đường, ai cũng là giặc giã
Và nghe lời mách bảo của Kim Quy.


MỊ CHÂU

(Vương Đình Trọng)

Kẻ thù ở sau lưng – dù lời thần đi nữa
Người phải trông bằng chính mắt của mình
Công chúa Mỵ Châu nép Vua cha, run sợ
Khi nửa trời khói lửa đao binh

Lông ngỗng rơi, lông ngỗng rơi trắng lối
Dứt áo ra như dứt thịt da mình
Phút ly loạn, chàng ở đâu chẳng tới
Trọng Thủy ơi, thiếp đã chạy xa thành!

Nước mắt rơi xoay tròn cơn gió
Lưng Cha cùng lưng ngựa đẫm mồ hôi
Lông ngông hết, thiếp sẽ rời lựng ngựa
Làm chiếc lông cuối cùng đợi chàng đấy, chàng ơi.

Và bất ngờ, An Dương Vương quay lại
Tưởng có lời an ủi của vua cha
Mỵ Châu ngửng mặt nhìn chờ đợi
Từ trời cao, một đường kiếm sáng loà

Không phải lông ngỗng rơi mà đầu lăn xuống đất
Nằm cuối đường như dấu chấm câu
Sao bi chém? Mỵ Châu không hề biết
Máu tụ thành sỏi đá đất Hoan Châu.

Đã là vua lại có thần mách bảo
Tưởng sáng suốt hai lần và công lý gấp đôi
Mà người chết, không hiểu sao mình chết
Thì hồn oan còn đập cửa muôn đời.

Mấy ngàn năm dâu bể, lở bồi
Lúc yên bình và cả khi giặc giã
Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa
Yêu chân thành, thật có tội gì đâu?

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy đến nay vẫn có sức sống lâu bền, vẫn tiếp tục ghi dấu vào trí nhớ, vào những bài học của con cháu thế hệ sau, đi vào cả thơ ca. Câu chuyện về An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy với giá trị thực tiễn, giá trị lịch sử sâu sắc đã trở thành di sản văn hóa, văn học quý báu cho người Việt nhiều thế hệ.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status