Soạn bài – Tóm tắt văn bản nghị luận

Soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận trang 117 – 119 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tóm tắt văn bản nghị luận, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Tóm tắt văn bản nghị luận

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA VIỆC TÓM TẮT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN

1. Mục đích

Tóm tắt văn bản nghị luận là trình bày lại một cách ngắn gọn nội dung của văn bản nghị luận gốc theo một mục đích đã định trước. Việc lựa chọn thông tin đưa vào văn bản tóm tắt bao giờ cũng phụ thuộc vào mục đích của công việc tóm tắt. Trước tiên, việc tóm tắt giúp người đọc hiểu được bản chất của văn bản. Văn bản tóm tát còn là nguồn tài liệu tiện dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Ngoài ra, thông qua việc tóm tắt, người đọc nắm chắc các thao tác đọc văn bản, có dịp rèn luyện tư duy và cách diễn đạt.

2. Yêu cầu

Có thể nói, nhân tố hàng đầu chi phối toàn bộ việc tóm tắt văn bản là mục đích giao tiếp. Tuy nhiên, văn bản tóm tắt vẫn phải phản ánh trung thực văn bản gốc. Để đạt được yêu cầu này, khi tóm tắt, cần chú ý các điểm sau:

– Văn bản tóm tắt phải phản ánh trung thành các tư tưởng, luận điểm của văn bản gốc, không được xuyên tạc hoặc tự ý thêm những điểm không có trong văn bản gốc.

– Diễn đạt ngắn gọn, súc tích, loại bỏ những thông tin không phù hợp với mục đích tóm tắt.

II. CÁCH TÓM TẮT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN

Đọc văn bản Về luân lí xã hội ở nước ta của Phan Châu Trinh (Ngữ văn 11, tập hai) và trả lời các câu hỏi sau:

Giải câu 1 (Trang 117 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Vấn đề được đem ra bàn bạc (nghị luận) là gì? Dựa vào đâu mà anh (chị) biết được điều đó?

Trả lời:

Vấn đề nghị luận của văn bản được thể hiện qua chính luận đề và phần mở đầu của đoạn trích: Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến.

Giải câu 2 (Trang 118 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Mục đích viết văn bản này của nhà chí sĩ Phan Châu trinh là gì? Phần nào trong văn bản thể hiện rõ nhất điều này?

Trả lời:

Viết bài văn nghị luận, nhà chí sĩ Phân Châu Trinh nhằm thể hiện dũng khí của một người yêu nước: đề cao tư tưởng tiến bộ, vạch trần thực tại đen tối của xã hội, hướng về một ngày mai tươi sáng của đất nước.

Có thể phát hiện ra chủ đích trên của tác giả ngay trong phần mở bài, đặc biệt là phần kết của đoạn trích cũng như ý khái quát của các đoạn văn trong phần thân bài.

Giải câu 3 (Trang 118 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Để dẫn người đọc đến mục đích ấy, tác giả đã trình bày những luận điểm nào? Hãy tìm các câu thể hiện rõ nhất những luận điểm ấy.

Trả lời:

Các luận điểm chính của đoạn trích:

– Khác với châu Âu, dân Việt Nam không có luân lí xã hội (không biết đoàn thể, không trọng công ích).

– Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự suy đồi của giai cấp phong kiến thống trị từ vua đến quan, từ quan đến sĩ tử.

– Muốn Việt Nam tự do, độc lập, trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể, cần truyền bá tư tưởng tiến bộ (coi trọng lợi ích của đất nước, của người khác, bênh vực nhau và cùng nhau đòi công bằng xã hội).

Giải câu 4 (Trang 118 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Hãy tìm các luận cứ làm sáng tỏ cho từng luận điểm trong bài viết của tác giả.

Trả lời:

Các luận cứ được tác giả sử dụng để làm sáng tỏ cho từng luận điểm trong bài:

– Để nêu bật tình trạng đen tối của luân lí xã hội ở Việt Nam, tác giả nêu các luận cứ đối lập giữa Việt Nam với Châu Âu.

– Nguyên nhân:

+ Học trò (kẻ sĩ) ham chức tước, vinh hoa mà nịnh hót, giả dối, không biết đến dân.

+ Quan lại tham nhũng, vơ vét bòn rút của dân, giả dối, không biết đến dân.

+ Vua thi hành chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.

+ Kẻ có máu mặt trong làng thì mọi người tìm cách lo lót kiếm chác chức tước đè cầu cưỡi cổ người dân.

Giải câu 5 (Trang 118 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Trình bày các luận điểm, luận cứ bằng lời văn mình.

Trả lời:

Học sinh tự trình bày những luận điểm và luận cứ đã nêu ở trên bằng lời văn của mình.

Giải câu 6 (Trang 118 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Đối chiếu với văn bản gốc và mục đích, yêu cầu tóm tắt để kiểm tra, hoàn chỉnh bản tóm tắt.

Trả lời:

Học sinh hãy tự đối chiếu để hoàn chỉnh văn bản tóm tắt của mình.

Luyện tập.

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 118 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Căn cứ vào nhan đề và phần mở đầu đã cho dưới đây, hãy xác định chủ đề nghị luận của văn bản:

a) Có lẽ trên thế giới hiếm có một đất nước nào thật đa dạng mà cũng vừa thật thống nhất như In-đô-nê-xi-a. Sự đa dạng và thống nhất ấy được thể hiện trên nhiều yếu tố: từ địa hình, khí hậu tới thành phần dân tộc, từ đời sống con người tới lịch sử văn hóa.

(Theo Ngô Văn Doanh, Tâm lí hướng tới sự thống nhất trong đa dạng của người In-đô-nê-xi-a)

b) Bên cạnh một Xuân Diệu – nhà thơ, một Xuân Diệu – văn xuôi, còn có một Xuân Diệu – nghiên cứu, phê bình văn học. Cả về mặt này, thành tựu của ông đạt được cũng không kém phần bề thế, thậm chí phong phú và có chất hơn sự nghiệp của nhiều cây bút nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp.

(Nguyễn Đăng Mạnh, Kinh nghiệm viết một bài văn, NXB Giáo dục, 2006)

Trả lời:

a) Sự thống nhất trong đa dạng của đất nước In-đô-nê-xi-a.

b) Xuân Diệu – nhà nghiên cứu, phê bình văn học.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 119 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.

XIN ĐỪNG LÃNG PHÍ NƯỚC

Trong đời sống chúng ta, thứ tài sản thường bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất là nước. Trong ý thức nhiều người, nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng “vô tư”, “xả láng”, không cần giữ gìn gì hết! Nhưng đó là nhầm lẫn lớn của một tầm mắt hạn hẹp.

Các nhà khoa học đã cho biết nước ngọt trên trái đất này là có hạn. Tổng số nước ngọt trên trai đất ước tính chỉ có chưa đến một tỉ ki-lô-mét khối. Số nước đó được coi là đủ cho năm 1990 khi nhân loại có ba tỉ người. Dự kiến đến năm 2025 nhân loại sẽ có thêm ba tỉ người nữa, thành sau tỉ người thì nguồn nước lấy đâu cho đủ?

Trên thế giới không phải nước nào cũng may mắn được trời cho đủ nước ngọt để dùng. Nước Xinh-ga-po hoàn toàn không có nước ngọt, phải mua nước của Ma-lai-xi-a về chế biến. Một số nước ở Cận Đông cũng xảy ra tranh chấp về nguồn nước. Trong khi đó, công nghiệp càng phát triển thì lượng nước công nghiệp càng nhiều, nước thải công nghiệp càng làm cho sông ngòi, ao hồ bị ô nhiễm, làm giảm lượng thức ăn, chăn nuôi và trồng trọt.

Liên hợp quốc đã ra lời kêu gọi bảo vệ nguồn nước ngọt, chống ô nhiễm,… Chúng ta hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nước cho chúng ta và cho mai sau.

(Theo Thanh Ba, Báo Nhân dân Chủ nhật)

Yêu cầu:

a) Xác định vấn đề và mục đích nghị luận.

b) Tìm các luận điểm trong văn bản.

c) Tóm tắt văn bản bằng ba câu.

Trả lời:

a) Vấn đề và mục đích nghị luận

– Vấn đề lãng phí nước – tài sản quý giá của đời sống.

– Kêu gọi bảo vệ nước, tiết kiệm nước.

b) Các luận điểm trong bài văn

– Nhận thức sai lầm của con người về nước (nước là thứ trời sinh có thể dùng vô tư, xả láng).

– Thực tế, nguồn nước ngọt trên trái đất là có hạn, không phải nước nào cũng đủ nước ngọt để dùng.

– Hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nguồn nước.

c) Tóm tắt

Hiện nay, nhiều quốc gia không có nguồn nước, nhiều nơi cũng đang xảy ra tranh chấp nguồn nước. Dân số tăng nhanh, công nghiệp phát triển làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và nhân loại sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Hãy bảo vệ nguồn nước, giữ gìn nước cho chúng ta và cho mai sau.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status