Soạn bài Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét) trang 197 – 201 SGK ngữ văn lớp 11 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
Tình Yêu Và Thù Hận
(Trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét)
U. SẾCH-XPIA
Tiểu Dẫn
Uy–li–am Sếch–xpia (1564 – 1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài của nước Anh và của nhân loại thời Phục hưng, thời kì được coi là “bước ngoặt tiến bộ vĩ đại nhất từ trước đến bấy giờ loài người chưa từng thấy, một thời đại cần đến những con người khổng lồ và đã sinh ra được những con người khổng lồ”. Sếch–xpia là một con người khổng lồ như thế. Ông sinh tại thị trấn Xtơ–rét–phớt ôn Ê–vơn thuộc miền tây nam nước Anh trong một gia đình buôn bán ngũ cốc, len, dạ. Năm l578, khi gia đình sa sút, ông phải thôi học. Năm 1585, ông lên thủ đô Luân Đôn kiếm sống và giúp việc cho đoàn kịch của Hầu tước Xtơ–ren–giơ, về sau trở thành Nhà hát địa Cầu. Đây cũng là nơi ông gia nhập đại gia đình nghệ thuật. Lúc này, nước Anh đang ở giai đoạn phồn thịnh, là mảnh đất thuận lợi cho lí tưởng nhân văn phát triển. Ông đã để lại 37 vở gồm kịch lịch sử bi kịch và hài kịch, mà phần lớn là kiệt tác của văn học nhân loại. Tác phẩm của ông là tiếng nói của lương tri tiến bộ, của khát vọng tự do, của lòng nhân ái bao la và của niềm tin bất diệt vào khả năng hướng thiện và khả năng vươn dậy để khẳng định cuộc sống của con người.
Rô–mê–ô và Giu– li–ét là vở bi kịch nổi tiếng đầu tiên của Sếch–xpia, được viết vào khoảng những năm 1594 – 1595, gồm 5 hồi bằng thơ xen lẫn văn xuôi, dựa trên câu chuyện có thật về mối hận thù giữa hai dòng họ Môn–ta–ghiu và Ca–piu–lét, tại Vê–rô–na (I–ta–li–a) thời trung cổ.
Tóm tắt tác phẩm: Câu chuyện bắt đầu từ đêm dạ hội hoá trang do gia đình Ca–piu–lét tổ chức nhân dịp con gái họ là Giu–li–ét tròn 14 tuổi. Rô–mê–ô, con trai nhà Môn–ta-ghiu, đang buồn bã vì bị Rô–da–lin từ chối đã cùng các bạn hoá trang đi vào nhà Ca–piu–lét, mặc dù trước đó Rô–mê–ô đã có cuộc loạn đả với nhiều thành viên của dòng họ này. Tại đây, chàng đã gặp Giu–li–ét, người mà bá tước Pa–rít, cháu của Vương chủ thành Vê–rô–na đang muốn cầu hôn. Rô–mê–ô say đắm trước vẻ đẹp tuyệt vời của Giu–li–ét và cũng nhận được sự đồng cảm của Giu–li–ét. Tình yêu của họ nảy nở và bùng lên mãnh liệt (hồi I). Cũng trong đêm ấy Rô–mê–ô trở lại, leo lên bờ tường đối diện với phòng ngủ của Giu–li–ét, đúng lúc Giu–li–ét cũng ra đứng bên cửa sổ, thổ lộ lòng mình (xem đoạn trích tình yêu và thù hận). Họ hẹn ước, thề nguyền với nhau. Hơn thế, họ còn nhờ tu sĩ Lâu–rân làm phép cưới bí mật (hồi II). Nhưng mối hận thù sâu sắc giữa hai dòng họ lại nổ ra khi Ti–bân, anh họ Giu–li–ét, giết chết Mơ–kiu–xi–ô, người nhà Môn–ta–ghiu. Rô–mê–ô đã giết chết Ti–bân và phải đi đày biệt xứ tại thành Man–tua. Giu–li–ét buồn bã vô cùng. Gia đình Ca–piu–lét yêu cầu Giu–li–ét phải nhận lời lấy Pa–rít (hồi III). Giu–li–ét phải nhờ Lâu–rân giúp đỡ. Tu sĩ khuyên Giu–li–ét giả vờ nhận lời và đưa cho nàng lọ thuốc ngủ có hiệu lực 42 giờ. Trong thời gian đó, tu sĩ sẽ cho gọi Rô–mê–ô về. Đúng như dự tính của Lâu–rân, gia đình Ca–piu–lét tưởng rằng con gái mình đã chết, thay vì đám cưới, họ tổ chức đám tang (hồi IV). Người đưa thư của Lâu–rân hướng về Man–tua, cùng lúc một người nhà thân tín của Rô–mê–ô, sau khi đã chứng kiến mọi việc xay ra với Giu–li–ét, cũng đi về thành Man–tua. Thành phố này đang bị dịch hạch: Người đưa thư của Lâu–rân đành quay về, còn người nhà Rô–mê–ô đã vào được thành phố. Nhận được tin dữ, Rô–mê–ô tuyệt vọng, trở về ngay và không quên mua sẵn một lọ thuốc độc. Chàng gặp Pa–rít ở khu hầm mộ và giết chết anh ta. Bước vào hầm mộ, chàng tìm đến nơi Giu–li–ét nằm, rồi uống thuốc độc chết. Giu–li–ét tỉnh dậy, thấy Rô–mê–ô đã chết bên cạnh, Giu–li–ét rút con dao mà Rô–mê–ô thường mang theo bên mình, quyên sinh luôn. Lâu–rân nhận lại bức thư liền đến ngay hầm mộ, nhưng không kịp. Hai gia đình Môn–ta–ghiu và Ca–piu-lét cũng đổ xô đến. Tu sĩ đã kể lại mọi chuyện. Vương chủ thành Vê–rô–na lên án hai dòng họ. Họ tự nguyện xoá đi mối thù truyền kiếp và dựng cho Rô–mê–ô và Giu–li–ét bức tượng bằng vàng (hồi V).
Vở bi kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của họ khẳng định sức sống, sức vươn dậy vượt lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời kết án đanh thép tố cáo thành kiến phong kiến, nguyên nhân thù hận của tình người, của chủ nghĩa nhân văn. Rô–mê–ô và Giu–li–ét cũng đạt tới tầm cao về nghệ thuật tổ chức kịch tính, qua việc dẫn dắt hành động kịch và cá thể hoá ngôn ngũ nhân vật.
Văn bản dưới đây trích lớp 2, hồi II của vở kịch.
VĂN BẢN
Vườn nhà Ca–piu–lét. Rô–mê–ô ra
Rô–mê–ô – Kẻ chưa từng bị thương thì há sợ gì sẹo.
Giu–li–ét xuất hiện trên cửa số.
Ấy khe khẽ chứ! Ánh sáng nào vừa loé trên cửa sổ kia? Đấy là phương đông, và nàng Giu–li–ét là mặt trời! – Vừng dương đẹp tươi ơi, hãy hiện lên đi, và giết chết ả Hằng Nga đố kị, héo hon và nhợt nhạt vì đau buồn khi thấy cô hầu của ả lại đẹp hơn ả rất nhiều. Ả ghen với em thế thì em theo ả làm gì? Bộ cánh đồng cốt của ả xanh xao nhợt nhạt, chỉ hợp với những đồ ngu xuẩn, em hãy vứt nó đi. Đấy là người ta quý. Ôi! Đấy là người ta yêu? Ôi, giá nàng biết nhỉ! – Nàng đang nói kìa, nhưng nàng có nói gì đâu: vậy là gì thế? Đôi mắt nàng lên tiếng, ta sẽ đáp lời. Ta liều quá: có phải nàng nói với ta đâu, chẳng qua hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng, đã thiết tha nhờ mắt nàng lấp lánh, chờ đến lúc sao về. Ừ, nếu mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi lông mày kia thì thế nào nhỉ? vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú ấy phải hổ ngươi, như ánh sáng ban ngày làm cho đèn nến phải thẹn thùng; còn cặp mắt nàng trên bầu trời sẽ rọi khắp không gian một làn ánh sáng tưng bừng đến nỗi chim chóc sẽ lên tiếng hót vang và tưởng là đêm đã tàn. Kìa, nàng tì má lên bàn tay! Ôi? Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!
Giu–li–ét – Ôi chao!
Rô–mê–ô – Nàng lên tiếng! Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hay nói nữa đi! Bởi đêm nay, nàng toả ánh hào quang, trên đầu ta, như một sứ giả nhà trời có cánh, đang cưỡi những áng mây lững lờ lướt nhẹ trên không trung, khiến những kẻ trần tục phải cố ngước đôi mắt trắng dã lên mà chiêm ngưỡng.
Giu–li–ét – Ôi, Rô–mê–ô, chàng Rô–mê–ô! Sao chàng lại là Rô–mê–ô nhỉ? Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi; hoặc nếu không thì chàng hãy thề là yêu em đi, và em sẽ không còn là con cháu nhà Ca–piu–lét nữa.
Rô–mê–ô – nói riêng – Mình cứ nghe thêm nữa, hay mình nên lên tiếng nhỉ?
Giu–li–ét – Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi. Nếu chẳng phải là người họ Môn–ta–ghiu thì chàng cũng vẫn cứ là chàng. Môn–ta–ghiu là cái gì nhỉ? Đó đâu phải là bàn tay, hay bàn chân, hay cánh tay, hay mặt mũi, hay một bộ phận nào đấy của cơ thể con người. Chàng ơi! Hãy mang tên họ nào khác đi? Cái tên nó có nghĩa gì đâu? Bông hồng kia, giá chúng ta gọi bằng một tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào. Vậy nếu chàng Rô–mê–ô chẳng mang tên Rô–mê–ô nữa, thì mười phân chàng cũng vẫn vẹn mười… Rô–mê–ô chàng ơi, chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi; chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải xương thịt của chàng, đổi lấy cả em đây!
Rô–mê– ô – Đúng là miệng em nói thế đấy nhé! Chỉ cần em gọi tôi là người yêu, tôi sẽ thay tên đổi họ; từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô–mê–ô nữa.
Giu–li–ét – Người là ai, mà khuất trong đêm tối, chợt biết được điều tôi ấp ủ trong lòng?
Rô–mê–ô – Tôi không biết xưng danh cùng em thế nào. Nàng tiên yêu quý của tôi ơi tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em. Nếu chính tay tôi đã viết tên đó thì tôi xé nát nó ra.
Giu–li–ét – Tai tôi nghe chưa trọn một trăm tiếng thốt từ miệng đó ra mà tôi đã nhận ra tiếng ai rồi. Chẳng phải anh Rô–mê–ô, và là họ nhà Môn–ta–ghiu đấy ư?
Rô–mê–ô – Hỡi nàng tiên kiều diễm, chẳng phải Rô–mê–ô cũng chẳng phải Môn–ta–ghiu, nếu em không ưa tên họ đó.
Giu–li–ét – Anh làm thế nào tới được chốn này, anh ơi, và tới làm gì thế? Tường vườn này cao, rất khó trèo qua; và nơi tử địa, anh biết mình là ai rồi đấy, nếu anh bị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây.
Rô–mê–ô – Tôi vượt được tường này là nhờ đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu mấy bức tường đá ngăn sao được tình yêu; mà cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm; vậy người nhà em ngăn sao nổi tôi.
Giu–li–ét – Họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết chết anh.
Rô–mê–ô – Em ơi? Ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu.
Giu–li–ét – Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây.
(Rô–mê–ô và Giu–li–ét, dựa theo bản dịch của ĐẰNG THẾ BÌNH, trong Tuyển tập kịch Sếch–xpia, NXB Sân khấu, Hà Nội, 1995)
Hướng dẫn soạn bài – Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét)
I. Tóm tắt vở kịch
Ở thành Vê – rô – na nước Ý có hai dòng họ phong kiến vốn có mối thù truyền kiếp với nhau là Mông – te – ghiu và Ca – piu – let. Chàng Rô-mê-ô là con trai họ Mông – ta – ghiu yêu Giu-li-et, con gái họ Ca – piu – let. Họ là một đôi trai tài gái sắc. Hai người làm lễ thành hôn thầm kín. Nhưng cùng trong ngày hôm đó, do một cuộc cãi lộn, Rô-mê-ô đâm chết Ti – bân, anh họ Giu-li-et và bị kết tội biệt xứ.
Gia đình Giu – li – et ép nàng phải lấy bá tước Pa – rix. Nàng định tự sát, nhưng được tu sĩ Lô – rân giúp kế tránh cuộc hôn nhân đó: tu sĩ cho nàng một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết sau khi gia đình đặt thi thể nàng vào hầm mộ, tu sĩ sẽ báo cho Rô-mê-ô đến cứu nàng trốn khỏi thành Vê – rô – na. Nhưng người của tu sĩ chưa kịp báo tin thì người nhà Môn – ta – ghiu lại đến trước báo cho Rô-mê-ô tin nàng Giu-li-et đã tự sát. Rô-mê-ô tưởng nàng đã chết, nên đã tự sát bên nàng. Giu-li-et tỉnh dậy, cũng tự sát theo. Và trước cái chết của hai người, hai họ đã quên mối thù truyền kiếp.
II. Hướng dẫn soạn bài Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét) chi tiết.
Giải câu 1 (Trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Đoạn trích có mười sáu lời thoại. Sáu lời thoại đầu có gì khác biệt với những lời thoại sau? Hình thức của các lời thoại đó là gì?
Trả lời:
– Sáu lời thoại đầu (từ lời thoại 1 đến lời thoại 7) là những lời độc thoại. Đó là những “tiếng lòng” của nhân vật nhưng lại có định hướng đối tượng, có tính đối thoại nên rất sinh động.
Ví dụ những lời độc thoại của Rô-mê-ô khi thì giống như đang nói với Giu-li-et “Vầng dương tươi đẹp ơi…”; Hỡi nàng tiên lộng lẫy hãy nói nữa đi…”, lúc thì như đối thoại với chính mình “Kìa! Nàng tì má lên bàn tay…”
– Mười lời thoại còn lại (từ lời thoại 8 đến lời thoại 16) mang hình thức đối thoại, tức là các lời thoại ấy hướng vào nhau, các nhân vật nói cho nhau nghe, mang tính chất hỏi đáp.
Giải câu 2 (Trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Tìm những cụm từ chứng minh tình yêu của Rô–mê–ô và Giu–li–ét diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch.
Trả lời:
Tình yêu của Rô – mê – ô và Giu-li-et diễn ra trong hai hoàn cảnh dòng họ có mối thù hận truyền kiếp. Tính chất thù hận của hai dòng họ được phản ánh trong lời thoại của Giu-li-et đến năm lần. Cả hai đều nhận thức được cái tình cảnh oái oăm, cái hoàn cảnh thù địch mà họ bị đặt vào.
Sự nhận thức đó dẫn đến lời độc thoại của Giu-li-et như là một sự băn khoăn day dứt, một sự dằn vặt thể hện tâm trạng rối bời trước hoàn cảnh éo le “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…” . Trong khi đó, tâm trạng của Rô-mê-ô đơn giản hơn nhiều: Nàng tiên lộng lẫy, nàng tiên kiều diễm, nàng tiên yêu quý của tôi ơi, đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu, tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em… Chàng đã yêu, đã được đáp lại tình yêu và đi tới dứt khoát khẳng định tình yêu, sẵn sàng từ bỏ dòng họ, từ bỏ tên họ mình.
Giải câu 3 (Trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Phân tích diễn biến tâm trạng của Rô–mê–ô qua hình thức so sánh liên tưởng trong lời thoại đầu tiên của nhân vật này.
Trả lời:
Đây là lời thoại dài nhất và là lời thoại độc thoại nội tâm của nhân vật. Lời thoại được viết rất trau chuốt với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị, những so sánh bất ngờ, táo bạo. Tất cả nhằm bộc lộ tâm trạng yêu đương nồng cháy, đam mê, ngỡ như không có gì cản được của Rô-mê-ô khi trèo tường đến bên dưới phòng ngủ của Giu – li – ét.
Khi nhìn thấy Giu-li-et xuất hiện bên cửa sổ, Rô-mê-ô choáng ngợp. Chàng so sánh nàng với chị Hằng rồi phủ định, so sánh nàng với vầng dương. Sau đó chàng tập trung miêu tả vẻ đẹp của đôi mắt. Trời đêm nên chàng nghĩ ngay đến những ngôi sao và có liên tưởng độc đáo “Chẳng qua là hai ngôi sao đẹp nhất … chờ đến lúc sao về”. Sau đôi mắt, chàng lại tập trung ca ngợi gò má rực rỡ của người yêu, chàng thốt lên rất tự nhiên “Kìa, nàng tì má lên bàn tay…”.
→ Đây là tâm trạng của chàng trai đang chìm đắm trong tình yêu.
Giải câu 4 (Trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Lời thoại “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…” cho thấy diễn biến nội tâm phức tạp của Giu–li–ét. Phân tích diễn biến nội tâm của Giu–li–ét để làm rõ Sếch–xpia đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng người thiếu nữ đang yêu.
Trả lời:
Diễn biến tâm trang của Giu-li-et rất phức tạp, song các lời thoại của Giu-li-et vẫn thể hiện một tình cảm mãnh liệt. Các lời thoại 4 và 6 là những lời thổ lộ tình yêu với chính mình và nàng đi đến khẳng định: “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…”. Cách đặt vấn đề của Giu-li-et rất hồn nhiên, tha thiết. Nàng tự chất vấn mình, rồi lại tự tìm cách trả lời: “Cái tên nó có nghĩa gì đâu? Rồi lại tự đề xuất các giải pháp: “Chàng hãy từ bỏ tên họ đi”. Lời thoại thứ 8, lời của Giu-li-et cho thấy sự bất ngờ của nàng khi biết có người đang nhìn mình, đang thổ lộ với mình. Và khi biết đó là Rô-mê-ô thì tâm trạng nàng trở nên phấn chấn. Song nỗi lo sợ về mối hận thù giữa hai dòng họ lại lóe lên trong đầu nàng: “Chẳng phải anh Rô-mê-ô, và là nhà họ Môn – ta – ghiu đấy ư?. Sau đó Rô-mê-ô khẳng định và quyết tâm về tình cảm dành cho nàng nhưng nàng vẫn băn khoăn không biết Rô-mê-ô có yêu mình thật lòng không? Sau đó nàng lại nghĩ tới dòng họ mình, lo sợ Rô-mê-ô sẽ gặp nguy hiểm: “Họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết anh”; “ Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh ở đây”.
→ Diễn biến nội tâm của Giu-li-et phong phú và phức tạp hơn Rô-mê-ô rất nhiều nhưng nó hoàn toàn phù hợp với tâm lí của người con gái đang yêu.
Giải câu 5 (Trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Chứng minh rằng vấn đề “Tình yêu và thù hận” đã được giải quyết xong trong mười sáu lời thoại này.
Trả lời:
Vấn đề “tình yêu và thù hận” đã được giải quyết qua mười sáu lời thoại này. Bởi tình yêu không xung đột với thù hận, mà chỉ diễn ra trên nền thù hận, thù hận bị đẩy lùi, chỉ còn lại tình cảm của con người. Đối với Rô-mê-ô, chàng đã gặp Giu-li-et, đã có được tình yêu của nàng và sẵn sàng là tất cả vì tình yêu ấy. Còn đối với Giu – li – et, nàng đã hiểu và cảm nhận được tình cảm chân thật dành cho mình.
Soạn phần luyện tập bài Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét)
Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Qua đoạn trích Tình yêu và thù hận, chứng minh rằng: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người”.
Trả lời:
Nhận xét: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người” cần được hiểu một cách thấu đáo.
– Tình yêu có sức mạnh kết nối con người lại với nhau, xóa đi mọi thành kiến lạc hậu hay hận thù chia rẽ con người. Tình yêu làm con người được kết nối lại.
– Phân tích và chứng minh câu nói trên qua đoạn trích Tình yêu và thù hận. Phân tích tình yêu say đắm của hai nhân vật qua diễn biến câu chuyện và qua các lời thoại.
Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Nhập vai Rô–mê–ô và Giu–li–ét, trình bày lại cảnh gặp gỡ qua hình thức một màn kịch ngắn.
Trả lời:
Học sinh lập nhóm để phân vai và lời thoại
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét)
Câu 1. Đoạn trích có mười sáu lời thoại. Sáu lời thoại đầu có gì khác biệt với những lời thoại sau? Hình thức của các lời thoại đó là gì?
Trả lời:
+ 6 lời thoại đầu, về hình thức là những lời thoại của từng người. Họ nói về nhau chứ không nói với nhau-> lời độc thoại nội tâm bày tỏ nỗi lòng suy nghĩ của nhân vật.
+ 10 lời thoại sau là lời đối thoại giữa 2 người. Những lời đối thoại ấy vẫn là lời trực tiếp thể hiện tình cảm. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng đầy chất thơ.
Câu 2. Tìm những cụm từ chứng minh tình yêu của Rô–mê–ô và Giu–li–ét diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch.
Trả lời:
Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch, được thể hiện qua đoạn trích:
– Sự thù hận của hai dòng họ cứ ám ảnh cả hai người trong suốt cuộc gặp gỡ.
– Nỗi ám ảnh thù hận xuất hiện ở Giu-li-ét nhiều hơn. Nàng lo lắng day dứt không chỉ cho mình mà còn cả người yêu.
– Thái độ Rô-mê-ô quyết liệt hơn, chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ mình để đến với tình yêu. Cái chàng sợ là sợ sẽ không có được, không chiếm được tình yêu của Giu- li- ét, sợ nàng nhìn mình bằng ánh mắt của sự thù hận …
⟹ Cả hai đều nhắc đến thù hận song không phải để khơi dậy hay khoét sâu hận thù mà chỉ để vượt lên thù hận, bất chấp thù hận
⟹ Quyết tâm xây đắp tình yêu.
Câu 3. Phân tích diễn biến tâm trạng của Rô–mê–ô qua hình thức so sánh liên tưởng trong lời thoại đầu tiên của nhân vật này.
Trả lời:
Diễn biến tâm trạng Rô- mê- ô qua hình thức so sánh liên tưởng trong lời thoại đầu tiên của nhân vật này:
Thiên nhiên được nhìn qua các điểm nhìn của chàng trai đang yêu, do đó thiên nhiên là thiên nhiên hoà đồng, chở che, trân trọng. Tất cả nhằm bộc lộ tâm trạng yêu đương nồng cháy, đam mê, ngỡ như không có gì cản được của Rô-mê-ô khi trèo tường đến bên dưới phòng ngủ của Giu-li-ét.
– Mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô hướng vào đôi mắt: “Đôi mắt nàng lên tiếng”. Đôi môi lấp lánh của Giu-li-ét cảm nhận như sự mấp máy của làn môi khi nói-> liên tưởng.
– “Hai ngôi sao đẹp nhất trên bầu trời”-> so sánh được đẩy lên cấp độ cao hơn bằng sự tự vấn “Nếu mắt nàng…thế nào nhỉ?”
– khát vọng yêu đương hết sức mãnh liệt “Kìa! Nàng tì má…gò má ấy!”
– Cảm xúc của Rô-mê-ô là cảm xúc của một con người đang yêu và đang được tình yêu đáp lại, đây cũng là sự cộng hưởng kì lạ của những tâm hồn đang yêu…
Câu 4. Lời thoại “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…” cho thấy diễn biến nội tâm phức tạp của Giu–li–ét. Phân tích diễn biến nội tâm của Giu–li–ét để làm rõ Sếch–xpia đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng người thiếu nữ đang yêu.
Trả lời:
Diễn biến nội tâm của Giu- li- ét:
– Qua lời độc thoại nội tâm:
+ Vừa gặp Rô-mê-ô, trở về phòng đứng bên cửa sổ thổ lộ nỗi lòng của mình “Chàng hãy khước từ…hãy thề yêu em đi” “chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi” -> Tình yêu mãnh liệt không chút che dấu, không chút ngượng ngùng
– Qua lời đối thoại với Rô-mê-ô.
+”Anh làm thế nào… và tới làm gì? Câu hỏi để giải toả băn khoăn vì chưa thật tin vào tình yêu mới bất ngờ của chàng.
+ “Anh làm thế nào tới được chốn này..người nhà em bắt gặp nơi đây”. Thể hiện nỗi lo lắng giằng xé tâm can Giu-li-ét.
+ “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây” tế nhị chấp nhận tình yêu của Rô-mê-ô, trái tim nàng đã hoàn toàn hướng về Rô-mê-ô.
=> Qua ngôn ngữ sống động và đầy chất thơ nhà văn đã thể hiện được diễn biến nội tâm đầy phức tạp nhưng phù hợp với tâm trạng của người đang yêu. Thể hiện một tình yêu mãnh liệt trong trắng vượt lên trên sự hận thù truyền kiếp của hai dòng họ.
Câu 5. Chứng minh rằng vấn đề “Tình yêu và thù hận” đã được giải quyết xong trong mười sáu lời thoại này.
Trả lời:
Vấn đề “Tình yêu và thù hận” đã được giải quyết xong trong mười sáu lời thoại này:
– Vấn đề thù hận: Thù hận không xuất hiện như một thế lực cản trở tình yêu mà thù hận chỉ hiện qua dòng suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối hành động của nhân vật.
– Tình yêu của hai người có thể vượt qua được hận thù thể hiện trong lời thoại thứ 13 và 15 trong đoạn trích
⟹ Tình yêu trong sáng diễn ra trên cái nền của thù hận. Thù hận bị đẫy lùi chỉ còn lại tình đời, tình người bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn.
Như vậy, có thể nói vấn đề tình yêu và thù hận đã được giải quyết dứt khoát qua 16 lời thoại
Soạn phần luyện tập bài Tình yêu và thù hận (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét) (trang 201 SGK ngữ văn 11 tập 1)
Câu 1. Qua đoạn trích Tình yêu và thù hận, chứng minh rằng: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người”.
Trả lời:
Sếch-xpia đã miêu tả tuyệt vời tâm trạng của hai người trẻ tuổi vừa bị trúng mũi tên của thần Ái tình Cupid. Thái độ của tác giả là đồng tình và ca ngợi, bởi: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người.”
– Bình luận câu nói trên: Sếch-xpia ca ngợi tình yêu vì tình yêu là thứ tình cảm tốt đẹp và kì diệu nhất của con người. Tình yêu là tình cảm thiêng liêng, thể hiện con người và tâm hồn con người một cách sinh động và chính xác nhất. Cho nên, ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng là khẳng định con người. Đây là một ý kiến đúng đắn.
– Phân tích và chứng minh câu nói trên qua đoạn trích “Tình yêu và thù hận”.
+ tình yêu của hai người dành cho nhau rất nồng thắm: qua những lời hội thoại của hai người, qua diễn biến tâm lí của cả hai.
+ Tình yêu đó của họ đã vượt lên trên những hận thù gia tộc để quyết tâm đến với nhau.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)