Soạn bài – Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm) trang 86 – 88 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

TÌNH CẢNH LẺ LOI CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ
(Trích Chinh phụ ngâm)

Nguyên tác chữ Hán: ĐẶNG TRẦN CÔN
Bản diễn Nôm: ĐOÀN THỊ ĐIỂM (?)

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Cảm nhận được nỗi đau khổ của người chinh phụ phải sống trong cảnh cô đơn, chia lìa đôi lứa và hiểu được ý nghĩa đề cao hạnh phúc lứa đôi qua đoạn trích.

Nắm được nghệ thuật miêu tả nội tâm qua đoạn trích.

TIỂU DẪN

Chinh phụ ngâm, nguyên văn chữ Hán, do Đặng Trần Côn sáng tác. Đặng Trần Côn (chưa rõ năm sinh, năm mất) người làng Nhân Mục, tên Nôm là làng Mọc, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Về sáng tác, ngoài tác phẩm chính là Chinh phụ ngâm, ông còn làm thơ chữ Hán và viết một số bài phú chữ Hán. Theo các tài liệu lịch sử, đầu đời Lê Hiển Tông, có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra quanh kinh thành Thăng Long. Triều đình cất quân đánh dẹp, nhiều trai tráng phải từ giã người thân ra trận. Đặng Trần Côn cảm động trước nỗi khổ đau mất mát của con người, nhất là những người vợ lính trong chiến tranh, đã viết Chinh phụ ngâm. Khúc ngâm này gồm 478 câu thơ làm theo thể trường đoản cú (câu thơ dài ngắn không đều nhau).

Chinh phụ ngâm nói lên sự oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đặc biệt là thể hiện tâm trạng khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi vốn ít được thơ văn các thời kì trước chú ý. Do đó tác phẩm đã được độc giả cùng thời hết sức tán thưởng. Nhiều người còn dịch Chinh phụ ngâm sang thơ Nôm (tức thơ tiếng Việt) để khúc ngâm được truyền bá rộng rãi hơn. Bản diễn Nôm hiện hành là bản dịch thành công nhất. Người dịch đã dùng thể thơ song thất lục bát, một thể thơ do người Việt sáng tạo. Với kinh nghiệm này, về sau các khúc ngâm, thán, vãn có cảm hứng trữ tình hầu hết được viết bằng song thất lục bát.

Vấn đề dịch giả của bản dịch hiện hành vẫn chưa rõ. Có người cho rằng đó là Đoàn Thị Điểm. Đoàn Thị Điểm (1705-1748) hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Hưng Yên); nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Bà lập gia đình khá muộn (năm 37 tuổi), chồng bà là Nguyễn Kiều; vừa cưới xong, Nguyễn Kiều đã đi sứ Trung Quốc. Có thể bà đã dịch Chinh phụ ngâm trong thời gian này. Bà còn là tác giả của tập truyện chữ Hán Truyền kì tân phả.

Lại có thuyết nói dịch giả của Chinh phụ ngâm là Phan Huy Ích. Phan Huy Ích (1750-1822) tự là Dụ Am, người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), sau di cư ra làng Sài Sơn, phủ Quốc Oai, nay thuộc Hà Tây; đỗ Tiến sĩ năm 26 tuổi; sáng tác còn có Dụ Am văn tập, Dụ Am ngâm lục.

Đoạn trích dưới đây thuộc bản dịch hiện hành, viết về tình cảnh và tâm trạng người chinh phụ phải sống cô đơn, buồn khổ trong thời gian dài người chồng đi đánh trận, không có tin tức, không rõ ngày trở về.

VĂN BẢN

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác (1) đòi phen.
Ngoài rèm thước (2) chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn (3) kia với bóng người khá thương.

Gà eo óc gáy sương năm trống (4),
Hòe (5) phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm (6) gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên (7) kinh đứt phím loan (8) ngại chùng.

Lòng này gửi gió đông (9) có tiện?
Nghìn vàng (10) xin gửi đến non Yên (11).
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha (12) lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.

(Theo Những khúc ngâm chọn lọc, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994)

Chú thích:

(1) Rủ: buông xuống. Thác: cuốn lên. Rủ thác đòi phen: buông xuống cuốn lên nhiều lần.

(2) Thước: chim khách, được coi là loài chim báo tin lành – có khách đến, người đi xa trở về.

(3) Hoa đèn: đầu bấc đèn dầu đã cháy thành than nhưng lại được ngọn lửa nung đỏ lên trông như hoa.

(4) Năm trống: năm canh (một đêm có năm canh).

(5) Hòe: cây hòe.

(6) Sắt cầm: đàn cầm và đàn sắt gảy hòa âm với nhau, thường được dùng để ví cảnh vợ chồng hòa thuận. Gượng gảy đàn sắt đàn cầm vì chinh phụ đang trong cảnh cô đơn.

(7) Dây uyên: nguyên văn “uyên ương huyền” – dây đàn uyên ương. Một giống chim, uyên: chim trống, ương: chim mái, thường đi với nhau. “Uyên ương” là biểu tượng cho lứa đôi gắn bó, hòa hợp. Ở đây ý nói sợ làm đứt dây đàn uyên ương vì có thể báo hiệu điều không may (xưa gọi là sái) của tình cảm vợ chồng.

(8) Phím loan: nguyên văn “loan phượng trụ” – phím đàn loan phượng. Phượng: chim trống, loan: chim mái. Loan phượng cũng là biểu tượng về lứa đôi gắn bó. Ở đây ý nói sợ dây đàn chùng là điềm gở, gợi nên sự không may mắn của lứa đôi đang xa nhau.

(9) Gió đông: (đông phong) gió mùa xuân.

(10) Nghìn vàng: lòng thương nhớ, trân trọng quý như nghìn vàng.

(11) Non Yên: núi Yên Nhiên. Đậu Hiến đời Hậu Hán đuổi giặc Bắc Thiền Vu đến núi Yên Nhiên, khắc đá ghi công ở đó rồi trở về. Ở đây có nghĩa là nơi chiến trận ngoài biên ải xa xôi.

(12) Thiết tha: (cắt, mài) ở đây có nghĩa là đau đớn.

Hướng dẫn soạn bài – Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

I. Bố cục

– 16 câu đầu : Nỗi cô đơn của người chinh phụ.

– 8 câu còn lại : Nỗi thương nhớ người chồng nơi xa.

II. Hướng dẫn soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

Giải câu 1 (Trang 88 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Hãy chỉ ra các yếu tố ngoại cảnh thể hiện tâm trạng người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó.

Trả lời:

Các yếu tố ngoại cảnh thể hiện tâm trạng người chinh phụ:

– Ngọn đèn: Trong những đêm cô đơn, buồn khổ người thiếu phụ chỉ có ngọn đèn vô tri vô giác chia sẻ bao nỗi ưu tư. Đêm đêm, người thiếu phụ ngồi bên ngọn đèn mong ngóng, nhớ nhung, sầu muộn cho đền khi cái bấc đèn cháy rụi thành than hồng rực như hoa. Thời gian cứ thế trôi qua trong nỗi tuyệt vọng của người thiếu phụ. Nhà thơ tả ngọn đèn leo lét nhưng chính là để tả không gian mênh mang và sự cô đơn trầm lặng của con người.

– Tiếng gà: Tiếng gà là âm thanh duy nhất trong đêm nhưng nó ngay lập tức bị chìm đi trong cái cô tịch của đêm.

– Bóng cây hòe: gợi ra thêm cảm giác hoang vắng và đáng sợ mà thôi. Cảnh vật quạnh hiu bởi lòng người đang sầu đau tê tái vì nỗi nhớ mong và sự khát khao hạnh phúc đang tràn ngập trong lòng.

Giải câu 2 (Trang 88 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Theo anh (chị), những dấu hiệu nào cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ.

Trả lời:

Những dấu hiệu cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ:

– Người chinh phụ ngày ngày không lúc nào nguôi ngóng trông chồng (rủ rèm rồi lại cuốn rèm, đi đi lại lại trong hiên vắng để chờ đợi một tin tốt lành nào đó báo người chồng sắp về) nhưng vẫn bặt tin.

– Đêm đêm, nàng lại thức cùng ngọn đèn leo lét với màn đêm hoang vắng và cô tịch trong sự đợi mong đến tiều tụy.

– Vì quá buồn đau, người chinh phụ cũng chẳng thiết tha gì với bản thân mình (hương gượng đốt, gương gượng soi, sắt cầm gượng gảy).

Giải câu 3 (Trang 88 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Hãy cho biết vì sao người chinh phụ đau khổ.

Trả lời:

Người chinh phụ buồn đau thất vọng, vì:

– Lo lắng cho sự an nguy của người chồng nơi chiến trận.

– Tuổi trẻ qua đi vội vã (hạnh phúc và tình yêu cũng sẽ mất theo – khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi).

– Niềm tin vào cuộc sống tương lai mỏng manh và mờ nhạt.

Giải câu 4 (Trang 88 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Xác định những câu thơ là lời của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó.

Trả lời:

Trong đoạn trích, người chinh phụ hầu như không nói. Vì thế ngôn ngữ của nhân vật chủ yếu là ngôn ngữ nội tâm (qua lời kể và qua cách miêu tả của nhà thơ) hoặc là thứ ngôn ngữ kiểu nửa trực tiếp (vừa là nhân vật, vừa là của tác giả). Dù không trực tiếp bộc lộ tâm trạng của mình qua lời nói nhưng thông qua cảnh vật và sự bối rối trong hành động, có thể nhân vật đang buồn đau da diết, oán trách, than vãn cho hiện thực phũ phàng. Tâm trạng của người chinh phụ hiện rõ sự thất vọng và tuyệt vọng.

Giải câu 5 (Trang 88 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Đọc diễn cảm đoạn trích (nếu ngâm được càng tốt). Hãy nhận xét về nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát (có so sánh với các thể thơ mà anh (chị) biết).

Trả lời:

Nhạc điệu thể thơ: dồi dào, vừa có cái chắc khỏe, réo rắt của thể thơ thất ngôn, vừa có được sự du dương, mềm mại của thể thơ lục bát. Có thể nhận thấy điều này qua khổ thơ: “Trời thăm thẳm …tiếng trùng mưa phun”.

Soạn phần luyện tập bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

Giải câu hỏi – Luyện tập (Trang 88 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Hãy vận dụng các biện pháp nghệ thuật tả trâm trạng trong đoạn trích để viết một đoạn văn (hoặc thơ) ngắn miêu tả một nỗi buồn hay niềm vui của bản thân anh (chị).

Trả lời:

Đoạn trích Tình cánh lẻ loi của người chinh phụ khắc họa tâm trạng buồn. Bài tập gợi mở cho người viết có thể khắc họa tâm trạng trong đoạn trích. Nghệ thuật tả tâm trạng trong đoạn trích có thể khái quát thành các ý cơ bản sau:

– Tả ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm

– Tả nội tâm qua ngoại hình

– Tả nội tâm qua hành động, cử chỉ, điệu bộ

Học sinh cần vận dụng các biện pháp nghệ thuật trên một cách linh hoạt. Nếu là tả tâm trạng vui thì tất cả đều phải ngược lại với tả tâm trạng buồn: ngoại cảnh sẽ tươi sáng, sinh động, tràn ngập màu sắc và ánh sáng, ngoại hình cũng như mọi cử chỉ, hành động phải tràn đầy sức sống, nhanh nhẹn, hoạt bát…

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm)

Câu 1. Hãy chỉ ra các yếu tố ngoại cảnh thể hiện tâm trạng người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó.

Trả lời:

Hai khổ thơ đầu vẽ lên hình ảnh người chinh phụ lẻ loi ở mọi nơi, mọi lúc: lẻ loi trong căn phòng vắng, lẻ loi cả khi bước ra ngoài, lẻ loi ban ngày và lẻ loi, cỏ độc hơn trong cảnh đêm khuya. Người chinh phụ hết đứng lại ngồi, dạo quanh “hiên vắng”, “gieo” từng bước nặng nề, tấm rèm thưa hết buông xuống (rủ) lại cuộn lên (thác) nhiều lần, đặc biệt hình ảnh đối bóng với ngọn đèn trong căn phòng vắng đã cực tả cảnh lẻ loi, đơn chiếc. Hai khổ thơ kết thúc bằng một câu cảm thán với hai hình ảnh: “hoa đèn’’ và “bóng người”.

“Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Hai khổ thơ; khổ ba và khổ bốn tiếp tục khắc hoạ diễn biến tâm trạng người chinh phụ. Tác giả xếp hai cảnh lẻ loi: ban đêm (Gà eo óc gáy sương năm trống) và ban ngày (Hòa phất phơ rủ bóng bốn bên) cạnh nhau gợi cảnh lẻ loi, nỗi thất vọng triền miên, dằng dặc. Điểu đó càng được tô đậm hơn bằng hai hình ảnh so sánh. “Khắc chờ đằng đẵng như niên” và “mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”. Một so sánh với chiều dài thời gian và một so sánh với chiều rộng không gian. Hai từ láy “đằng đẵng”, “dằng dặc” càng như kéo dài, mở rộng nỗi cô đơn sầu muộn đến muôn trùng.

Khổ thơ thứ tư diễn tả những gắng gượng của người chinh phụ mong thoát khỏi vòng vây cô đơn nhưng không thoát nổi (gượng đốt hương, gượng soi gương, gượng gảy khúc “sắt cầm”), nước mắt cứ đầm đìa. Những chữ “gượng” thật nặng nề, nghe thật xót xa, tội nghiệp.

Bước sang khổ thơ thứ năm và khổ thơ thứ sáu, tác giả đặt nhân vật trữ tình trong không gian có ý nghĩa phóng dụ “gió đông”, “non yên”, “đường lên bằng tròi”… Tứ thơ toát ra khỏi căn phòng nhỏ hẹp, vươn ra không gian bát ngát, “thăm thẳm”. Những vần thơ “mênh mông vô tận như khối sầu tựa ngàn xưa” (Đặng Thai Mai). Thần sắc đoạn thơ tập trung ở những từ láy “đằng đẵng”, “thăm thẳm”, “đau đáu”, “thiết tha”, nỗi nhớ vì thế có chiều dài, độ cao, độ sâu, có một mỏi héo mòn, có vời vợi mênh mang, có lo lắng day dứt và có chà xát, cắt cứa đến đau đớn. Đoạn thơ diễn tả trực tiếp nội tâm nhân vật trữ tình. Cách điệp vần, điệp liên hoàn cộng hưởng với không gian và tâm trạng tạo âm hưởng lan toả triền miên, không dứt, nỗi buồn như ôm trùm cả vũ trụ khôn cùng…

Hai câu cuối đoạn miêu tả cảnh cành cây ướt đẫm sương đêm, tiếng côn trùng rên rỉ phun lên từ ruột đất. Người chinh phụ lọt thỏm vào đêm. Cảnh sương tuyết gió mưa buốt giá đồng hành với nỗi buốt giá lạnh lẽo của lòng người.

Câu 2. Theo anh (chị), những dấu hiệu nào cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ.

Trả lời:

Đoạn trích diễn tả nỗi đau khổ tột đỉnh của người chinh phụ, đau khổ ở mọi nơi, mọi lúc, đau khổ trải ra trong không gian và dằng dặc theo thời gian. Nàng nhìn đâu cũng chỉ thấy tình cảnh lẻ loi của bản thân mình. Nỗi lạnh lẽo buốt giá từ cõi lòng người chinh phụ đã trùm lên ngoại cảnh, len lỏi vào các sự vật,… khiến nàng thốt lên những lời sầu tủi bi thiết. Nguyên nhân dẫn tới nỗi đau khổ của người chinh phụ thật dễ hiểu. Chồng nàng đi chinh chiến nơi chiến địa sa trường đã mấy mùa xuân bặt vô âm tín. Người chinh phụ đã phải chờ đợi… chờ đợi,…và chờ đợi đến héo mòn tuổi xuân, tưởng có lúc tuyệt vọng hoàn toàn. Người chinh phụ càng khao khát đoàn tụ, khao khát cuộc sống vợ chồng bao nhiêu lại càng rơi vào tình cảnh tuyệt vọng bấy nhiêu. Đó là bi kịch khiến người chinh phụ đau khổ, bất hạnh.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nỗi đau khổ của người chinh phụ chính là cuộc chiến tranh phi nghĩa mà vì nó vợ chồng nàng phải xa nhau, chồng “dãi thây trăm cho làm công một người” đã làm cho bao gia đình tan nát, bao tổ ấm trở nên lạnh lẽo. Bi kịch của người chinh phụ, vì thế là bi kịch có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa một cách mạnh mẽ, đồng thời qua đó cũng toát lên tiếng nói nhân đạo lớn lao của tác phẩm.

Câu 3. Theo anh (chị), những dấu hiệu nào cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ.

Trả lời:

Lời nói của người chinh phụ được thể hiện qua những câu thơ sau:

– Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

– Lòng này gửi gió đông có tiện

… Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Việc đưa những lời trực tiếp đó làm cho lời văn trở nên sinh động hơn và góp phần làm nổi bật bi kịch tinh thần của người chinh phụ.

Câu 4. Xác định những câu thơ là lời của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó.

Trả lời:

Thể thơ song thất lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc ta. Bản thân cách cấu tạo câu thơ và vần luật của nó cũng đã tạo nên một thứ nhạc điệu lên bổng xuống trầm một cách linh hoạt, có khả năng diễn tả tài tình những cung bậc khác nhau của tâm trạng con người, Phan Huy Thực cũng đã dịch Tì bà hành của Bạch Cư Dị sang thể thơ này. Nguyễn Du dùng thể thơ này để khóc cho “thập loại chúng sinh” trong Vận chiêu hổn…

Chinh phụ ngâm là khúc ngâm dài (diễn tả mọi cung bậc của nỗi buồn triền miên ở người chinh phụ. Nguyên tác của Đặng Trần Côn được viết bằng chữ Hán, theo thể đoản trường cú (câu ngắn, câu dài xen nhau). Người dịch giả tài hoa Đoàn Thị Điểm – với một nỗi cảm thông kì lạ với nỗi lòng người chinh phụ đã dịch tác phẩm của Đặng Trần Côn sang bản chữ Nôm với thể thơ song thất lục bát vô cùng đắc địa. Có thể nói, chính nội dung tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình và sự đồng cảm cao độ của người nghệ sĩ đã bắt gập thể thơ song thất lục bát như một định mệnh để rồi tất cả tiếng lòng sầu thương ai oán của người chinh phụ đã được tấu lên với giọng cao thấp, bổng trầm mà khó có thể thơ nào có thể diễn tả được như thế.

Nếu khúc ngâm được viết bằng thể thơ khác thì chắc chắn hiệu quả biểu đạt sẽ không bằng thể song thất lục bát. Gần hơn cả với thể thơ này là thể thơ lục bát. Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng thể thơ này vì đó là một tiểu thuyết bằng thơ. Chinh phụ ngâm là một khúc ngâm có tính “độc diễn” tâm trạng. Nếu sử dụng thể thơ lục bát sẽ không tránh khỏi giọng đểu đều bằng phẳng. Thể song thất lục bát đã khắc phục được điều đó.

Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ngoài nhạc điệu vốn có của thể thơ song thất lục bát, giọng sầu thương bi thiết còn được tạo nên bởi cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh có giá trị gợi tả nỗi buồn, tình cảnh lẻ loi; các từ láy cùng với biện pháp điệp từ ngữ, lối đối cũng góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên giọng điệu sầu bi ấy.

Câu 5. Đọc diễn cảm đoạn trích (nếu ngâm được càng tốt). Hãy nhận xét về nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát (có so sánh với các thể thơ mà anh (chị) biết).

Trả lời:

– Với thể thơ song thất lục bát, tất cả tiếng lòng sầu thương ai oán của người chinh phụ đã được tấu lên với giọng cao thấp, bổng trầm mà khó có thể thơ nào có thể diễn tả được như thế.

– Ngoài nhạc điệu vốn có của thể thơ song thất lục bát, giọng sầu thương bi thiết còn được tạo nên bởi cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh có giá trị gợi tả nỗi buồn, tình cảnh lẻ loi; các từ láy cùng với biện pháp điệp từ ngữ, lối đối cũng góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên giọng điệu sầu bi ấy.

Soạn phần luyện tập bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm) trang 88 SGK ngữ văn 10 tập 2

Câu hỏi. Hãy vận dụng các biện pháp nghệ thuật tả trâm trạng trong đoạn trích để viết một đoạn văn (hoặc thơ) ngắn miêu tả một nỗi buồn hay niềm vui của bản thân anh (chị)

Trả lời:

Tôi sung sướng hết đứng lại ngồi. Tôi chạy lại tủ sách, nhìn và thầm cảm ơn các cuốn sách đã giúp tôi thành công. Tôi chạy vội ra sân để ngắm nhìn một chân trời mới đang rộng mở đối với tôi. Tôi chạy vội sang nhà Nam báo cho bạn biết. Tôi sang nhà dì Hoa để khoe và lấy phần thưởng dì đã hứa cho tôi trước ngày thi. Tôi không thể nào ngồi yên được một chỗ…

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status