Soạn bài – Tiểu sử tóm tắt

Soạn bài Tiểu sử tóm tắt trang 53 – 55 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tiểu sử tóm tắt, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Tiểu sử tóm tắt

I. Mục đích và yêu cầu của tiểu sử tóm tắt

1. Mục đích

– Tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân.

– Tiểu sử tóm tắt nhằm mục đích giới thiệu cho người đọc, người nghe về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của người được nói tới. Ngoài ra, nắm được tiểu sử của nhà văn, nhà thơ, chúng ta sẽ có thêm cơ sở để hiểu đúng, hiểu sâu hơn các sáng tác của họ.

2. Yêu cầu

Bản tiểu sử tóm tắt cần chính xác, chân thực, ngắn gọn nhưng phải nêu được những nét tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp của người được giới thiệu.

II. Cách viết tiểu sử tóm tắt

Giải câu 1 (Trang 54 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Chọn tài liệu để viết tiểu sử tóm tắt

Đọc văn bản “Lương Thế Vinh” trong SGK và thực hiện các yêu cầu:

a) Kể lại vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Lương Thế Vinh.

b) Phân tích cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu của các tài liệu được lựa chọn.

c) Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, cần sưu tầm những tài liệu gì? Các tài liệu đó phải đáp ứng những yêu cầu nào?

Trả lời:

a) Bản tóm tắt đã kể lại những nội dung chính của tiểu sử Lương Thế Vinh về: nhân thân, các hoạt động chính và đóng góp của ông cho đất nước.

b) Tính cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu của các tài liệu được lựa chọn:

– Những thông tin đưa ra đảm bảo tính khách quan, chính xác: năm sinh, các mốc thời gian trong cuộc đời, lời trích dẫn ý kiến rất rõ ràng của nhà bác học Lê Quý Đôn.

– Bài viết không rờm rà, những cứ liệu đưa ra rất rõ ràng và có kết cấu nội dung hợp lí đảm bảo cung cấp thông tin một cách ngắn gọn và căn bản nhất về Lương Thế Vinh.

c) Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, người viết cần sưu tập những tài liệu có liên quan. Các tài liệu này cần chân thực, chính xác, đầy đủ và tiêu biểu.

Giải câu 2 (Trang 54 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Đọc lại văn bản “Lương Thế Vinh” và cho biết:

– Bài viết gồm những nội dung nào? Chúng được sắp xếp ra sao?

– Những lưu ý khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt (nội dung, mức độ và cách đánh giá)?

Trả lời:

– Bài viết gồm những nội dung: Thân thế, phẩm chất con người (trí tuệ, tấm lòng với nhân dân, đất nước…), đánh giá về Lương Thế Vinh.

– Những lưu ý khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt:

+ Nội dung ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, tiêu biểu.

+ Mức độ đánh giá khách quan, đúng mực, có sức thuyết phục.

III. Luyện tập

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 55 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào cần viết tiểu sử tóm tắt?

a) Thuyết minh về các danh nhân.

b) Tự ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

c) Giới thiệu người ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

d) Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.

e) Khi một vị lãnh đạo từ trần.

Trả lời:

Ngoại trừ trường hợp a và e, các trường hợp còn lại đều cần viết tiểu sử tóm tắt.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 55 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Hãy cho biết những điểm giống và khác nhau giữa văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản khác: điếu văn, sơ yếu lí lịch, thuyết minh.

Trả lời:

– Giống nhau: Các văn bản tóm tắt tiểu sử, điếu văn, sơ yếu lí lịch, giới thiệu, thuyết minh đều có thể viết về một nhân vật nào đấy.

– Khác nhau:

+ Tiểu sử tóm tắt và điếu văn: Khác nhau về mục đích và hoàn cảnh giao tiếp. Điều văn được viết để đọc trong lễ truy điệu bên ngoài nội dung tiểu sử của người mất còn có: lời chia buồn với gia quyến, tiếc thương người đã mất, …

+ Sơ yếu lí lịch:

Sơ yếu lí lịch do chính bản thân viết, còn tiểu sử tóm tắt là do người khác viết.

Là văn bản hành chính, thường có mẫu cố định, nội dung thường nhấn mạnh đến nhân thân và các mối quan hệ. Bản lí lịch cần có xác nhận của cơ quan thẩm quyền.

+ Tiểu sử tóm tắt và lời giới thiệu, thuyết minh: văn bản giới thiệu, thuyết minh có đối tượng rộng hơn (người, vật, danh lam, …). Văn bản giới thiệu, thuyết minh diễn đạt phong phú, giàu hình ảnh và có tính biểu cảm.

Giải câu 3 – Luyện tập (Trang 55 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Hãy viết tiểu sử tóm tắt của một nhà văn, nhà thơ được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11.

Trả lời:

Tham khảo tiểu sử tóm tắt nhà văn Nam Cao:

Nam Cao
(1915 – 1951)

Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Ông sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam).

Nam Cao là người con duy nhất trong một gia đình đông con được học hành tử tế. Học xong bậc thành chung, Nam Cao vào Sài Gòn giúp việc cho một hiệu may và bắt đầu sáng tác văn chương. Sau đó ông bị bệnh, trở về quê. Có một thời gian Nam Cao dạy học ở một trường tư ở Hà Nội. Quân Nhật vào Đông Dương, trường ông phải đóng cửa. Nam Cao thất nghiệp, chuyển sang viết văn. Năm 1943 ông tham gia Hội văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Kháng chiến bùng nổ (12 – 1946) Nam Cao về làm công tác tuyên truyền ở tỉnh Hà Nam. Từ năm 1947 lên Việt Bắc tiếp tục viết báo, sáng tác tuyên truyền cho kháng chiến. Năm 1950 tham gia chiến dịch Biên giới. Tháng 11 – 1951 Nam Cao hi sinh khi đi công tác vào vùng địch hậu.

Trước CMT8 sáng tác của Nam Cao xoay quanh đề tài về cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân nghèo. Dù viết về đề tài nào, tác phẩm của ông cũng thể hiện nỗi đau đớn day dứt trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, bị hủy diệt nhân tính. Qua tác phẩm của mình, Nam Cao phê phán xã hội phi nhân đạo đương thời. Sau CMT8 sáng tác một số tác phẩm: Đôi mắt, Ở rừng, Chuyện biên giới… đó là những sáng tác có giá trị của nền văn xuôi cách mạng lúc bấy giờ.

Trong nền văn xuôi hiện đại của nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ông đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tiểu sử tóm tắt

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA TIỂU SỬ TÓM TẮT

a) Mục đích

Khái niệm: Tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân nào đó.

– Ví dụ: Tiểu sử một nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ; tiểu sử một cán bộ, giáo viên

Mục đích

– Tiểu sử tóm tắt nhằm mục đích giới thiệu cho người đọc, người nghe về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của người được nói tới

– Giúp những người có trách nhiệm làm công tác tổ chức

– Giúp chúng ta trong việc ban bố, lựa chọn, giới thiệu cán bộ lãnh đạo

– Nắm được tiểu sử nhà văn, nhà thơ, có thêm cơ sở để hiểu đúng, hiểu sâu các sáng tác của họ

b) Yêu cầu

– Thông tin một cách khách quan, chính xác về người được nói tới

– Nội dung và độ dài của văn bản cần phù hợp với mục đích viết tiểu sử tóm tắt

– Văn phong cô đọng, trong sáng, không sử dụng các biện pháp tu từ

II. CÁCH VIẾT TIỂU SỬ TÓM TẮT

Câu 1. Chọn tài liệu để viết tiểu sử tóm tắt

Đọc văn bản “Lương Thế Vinh” trong SGK và thực hiện các yêu cầu:

a) Kể lại vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Lương Thế Vinh.

b) Phân tích cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu của các tài liệu được lựa chọn.

c) Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, cần sưu tầm những tài liệu gì? Các tài liệu đó phải đáp ứng những yêu cầu nào?

Trả lời:

a) Tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp nhà bác học Lương Thế Vinh:

– cuộc đời: Lương Thế vinh là một nhà toán học, nhà thơ quê ở tỉnh Nam Định. Ông là một thần đồng, thông minh, hoạt bát và nhanh trí. Ông tài người có tài và giúp ích rất nhiều cho đất nước.

– sự nghiệp: chưa đầy 20 tuổi ông nổi danh khắp vùng về sự thông minh, năm 21 tuổi ông đỗ trạng nguyên. Ông đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

b) Phân tích cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu của các tài liệu được lựa chọn: tác giả đã đưa ra các thông tin cụ thể, rõ ràng về cuộc đời và sự nghiệp của Lương Thế Vinh. Những thông tin về thân thế, gia đình, sự nghiệp,…

c) Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, cần sưu tầm những tài liệu liên quan đến nhân vật cần tóm tắt. Các tài liệu đó phải đáp ứng những yêu cầu: chính xác, cụ thể, rõ ràng,…

Câu 2. Đọc lại văn bản “Lương Thế Vinh” và cho biết:

– Bài viết gồm những nội dung nào? Chúng được sắp xếp ra sao?

– Những lưu ý khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt (nội dung, mức độ và cách đánh giá)?

Trả lời:

– Bài viết gồm những nội dung: giới thiệu khái quát người cần tóm tắt tiểu sử, giới thiệu hoạt động, giới thiệu những đóng góp và thành tựu.

– Những lưu ý khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt: nội dung rõ ràng, cụ thể; cách đánh giá chân thực, khách quan.

III. LUYỆN TẬP

Bài 1. Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào cần viết tiểu sử tóm tắt?

a) Thuyết minh về các danh nhân.

b) Tự ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

c) Giới thiệu người ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

d) Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.

e) Khi một vị lãnh đạo từ trần.

Trả lời:

Các trường hợp cần viết tiểu sử tóm tắt: c, d.

Bài 2. Hãy cho biết những điểm giống và khác nhau giữa văn bản tiểu sử tóm tắt với các văn bản khác: điếu văn, sơ yếu lí lịch, thuyết minh.

Trả lời:

– Giống nhau: đều có thể viết về một nhân vật nào đó.

– Khác nhau:

+ Tiểu sử tóm tắt gồm bốn phần: nhân thân, hoạt động xã hội, đóng góp, đánh giá. Văn phong cô đọng, rõ ràng.

+ Điếu văn: Ngoài tiểu sử tóm tắt của người đã khuất, còn có thêm phần tiếc thương người đã khuất và chia buồn cùng gia quyến. Phần đánh giá thường dài hơn và kĩ hơn.

+ Sơ yếu lí lịch: có nhiều phần phải kê khai kĩ hơn so với tiểu sử tóm tắt như gia đình, thành phần giai cấp, quan hệ xã hội. Phần đánh giá ở đây là tự đánh giá về ưu điểm và khuyết điểm của người viết lí lịch thường đòi hỏi xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

+ Thuyết minh: Sử dụng tiểu sử tóm tắt như một bộ phận, một tài liệu của bản thân thuyết minh, cách diễn đạt mang sắc thái biểu cảm.

Bài 3. Hãy viết tiểu sử tóm tắt của một nhà văn, nhà thơ được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11.

Trả lời:

Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn và nhà viết kịch của nước ta. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho khá giả có tinh thần yêu nước ở xã Dục Tú, nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

Khi còn là học sinh, Nguyễn Huy Tưởng tham gia phong trào yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930), ông hoang mang, không hoạt động nữa, nhưng vẫn giữ một lòng yêu nước thầm kín. Năm 1935, ông làm thư kí Nhà đoan ở Hải Phòng, rồi Hà Nội, đồng thời, nuôi chí hướng viết văn để kí thác tấm lòng đối với đất nước. Trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử vào đoàn đại biểu của Tổ chức Văn hóa cứu quốc đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, nhà văn tích cực hoạt động trong phong trào văn nghệ cách mạng, và là một trong những người phụ trách Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng tham gia thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và góp phần xây dựng nền văn nghệ kháng chiến ngay từ những ngày đầu. Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, nhà văn viết nhiều tác phẩm phản ánh sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới và quay trở lại với một đề tài mà ông đã ấp ủ từ lâu: đề tài về cuộc chiến đấu quyết tử trong lòng Hà Nội mùa đông năm 1946.

Trong gần 20 năm sáng tác, với nhiều thể loại khác nhau, Nguyễn Huy Tưởng đã đóng góp cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị, như tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì” (1942), kịch “Vũ Như Tô” (1941), kịch “Bắc Sơn” (1946), “Kí sự Cao – Lạng” (1951) và bộ tiểu thuyết lớn viết dở dang “Sống mãi với Thủ đô’’ xuất bản năm 1961, khi nhà văn đã qua đời. Sáng tác của ông có khuynh hướng lịch sử khá rõ và nói chung đều đậm đà chất lãng mạn tích cực. về sau, chất lãng mạn này được bồi đắp thêm bằng chất hiện thực phong phú của đời sống cách mạng. Tác phẩm của ông, dù viết về đề tài lịch sử hay thời sự, đều thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, lí tưởng anh hùng, ông có lối diễn đạt trong sáng, giọng văn trầm tĩnh, đôn hậu. Nguyễn Huy Tưởng còn sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cho thiếu nhi, phần nhiều là truyện lịch sử, hoặc kể lại những truyền thuyết hay cổ tích, mà tiêu biểu là cuốn “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.

(Theo Từ điển Văn học, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984)

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status