Soạn bài – Tiếng gà trưa

Soạn bài Tiếng gà trưa trang 148 – 151 SGK ngữ văn lớp 7 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập  trong bài Tiếng gà trưa sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ và chi tiết nhất.

Tiếng gà trưa

Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục … cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ

Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng

Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt(1)!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng

Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp

Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối(2)
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới

Ôi cái quần chéo go(3)
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu(4)
Đi qua nghe sột soạt.

Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng

soan bai - tieng ga trua - tieng viet lop 7 tap 1

Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.

(Xuân Quỳnh(*), trong Sân ga chiều em đi,
NXB Văn học, Hà Nội, 1984)

Chú thích:

(*) Xuân Quỳnh (1942-1988) quê ở làng La Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, là nhà thơ nữ xuất sắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam.Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm.

Bài Tiếng gà trưa được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, in lần đầu trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968) của Xuân Quỳnh.

(1) Lang mặt: da mặt có những đám trắng loang lổ do bệnh lang ben (bệnh ngoài da, do một thứ nấm gây ra).Trong dân gian xưa lưu truyền quan niệm cho rằng nhìn gà đẻ sẽ bị lang mặt.

(2) Sương muối: sương đông thành những hạt băng trắng xóa phủ trên mặt đất và cây cỏ, trông như muối, chỉ xuất hiện khi thời tiết rất lạnh, có hại đối với cây cối và loài vật.

(3) Chéo go: vải dày, trên mặt vải có những đường dệt chéo song song với nhau theo bề ngang khổ vải.

(4) Trúc bâu: vải trắng dày dệt bằng sợi bông thông thường.

Hướng dẫn soạn bài – Tiếng gà trưa

I. Bố cục

Bố cục gồm 3 phần:

– Phần 1 (Khổ 1): tiếng gà khơi dậy tình kí ức tuổi thơ.

– Phần 2 (Khổ 2 – khổ 6): những kỉ niệm thơ ấu và người bà.

– Phần 3 (khổ 7, 8): những suy nghĩ, giấc mơ người lính.

II. Hướng dẫn soạn bài Tiếng gà trưa chi tiết

Giải câu 1 (Trang 151 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Cảm hứng của tác giả trong bài thơ được khơi gợi từ sự việc gì? Mạch cảm xúc trong bài thơ diễn biến như thế nào?

Trả lời:

– Cảm hứng được khơi gợi từ sự việc : trên đường hành quân xa, khi dừng chân nghỉ ngơi bên xóm nhỏ, người chiến sĩ nghe thấy tiếng gà nhà ai nhảy ổ.

– Diễn biến mạch cảm xúc : khi nghe thấy tiếng gà trưa => tiếng gà trưa gợi cho người chiến sĩ những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ -> Nỗi nhớ thêm da diết với hình ảnh người bà tần tảo sớm hôm => Nỗi nhớ khắc sâu hình ảnh quê hương, trở thành động lực thôi thúc người chiến sĩ cầm súng lên đường.

Giải câu 2 (Trang 151 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Những hình ảnh và kỉ niệm gì trong tuổi thơ đã được gợi lại từ tiếng gà trưa? Qua đó bài thơ đã biểu hiện những tình cảm gì của tác giả?

Trả lời:

Tiếng gà trưa đã gợi lại trong tâm trí của người chiến sĩ những hình ảnh và kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ:

– Hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng bên những ổ trứng hồng.

– Kỉ niệm một lần tò mò xem gà đẻ bị bà mắng.

– Hình ảnh người bà đầy lòng thương yêu, chắt chiu từng đàn gà, quả trứng để chăm lo cho cháu.

– Kỉ niệm về niềm vui và mong ước của tuổi thơ: được một bộ quần áo mới từ tiền bán gà (tưởng tượng ra vẻ đẹp của bộ quần áo).

Qua những dòng kỉ niệm được gợi lại, có thể nhận thấy, tác giả đã biểu lộ tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của một người em nhỏ, cũng như biểu lộ tình cảm yêu quý, trân trọng người bà của đứa cháu.

Giải câu 3 (Trang 151 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Em có cảm nhận được gì về hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu được thể hiện trong bài thơ?

Trả lời:

– Hình ảnh người bà:

+ Tay bà khum soi trứng, chắt chiu từng quả cho con gà mái ấp.

+ Mắng cháu khi xem trộm gà đẻ.

+ Bà lo lắng, mong sao thời tiết thuận lợi, để cuối năm bán được gà, mua cho cháu bộ quần áo mới.

-> Bà là người chịu thương, chịu khó, chắt chiu từng niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan.

– Tình cảm bà cháu trong bài thơ thật sâu nặng, thắm thiết. Bà thương cháu, luôn chắt chiu, dành dụm cho cháu. Cháu luôn yêu thương, quý trọng và biết ơn bà. Khi xa quê, hình ảnh sâu đậm nhất trong tâm hồn cháu là hình ảnh bà.

Giải câu 4 (Trang 151 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Bài thơ làm theo thể 5 tiếng, nhưng có những chỗ biến đổi khá linh hoạt. Em có nhận xét gì về cách gieo vần, về số câu (dòng) thơ trong mỗi khổ? Câu thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại nhiều lần trong bài ở những vị trí nào và có tác dụng ra sao?

Trả lời:

Bài thơ này được viết theo thể ngũ ngôn (5 tiếng) nhưng rất sáng tạo và linh hoạt:

– Thường mỗi khổ trong một bài ngũ ngôn có 4 câu nhưng bài này chỉ có ba khổ 4 câu, các khổ khác có đến 5 hoặc sáu câu, riêng khổ thứ nhất có đến 7 câu.

– Cách gieo vần trong bài thơ cũng rất linh hoạt. Phần lớn vần trong bài thơ là vần cách, có khi không chú trọng đến việc đúng vần mà chỉ cần giữ âm điệu. Mặc dù vậy, đọc bài thơ lên nghe vần thấy rất hài hòa trong mạch cảm xúc của tác giả.

– Các câu thơ trong bài đều gồm 5 tiếng, riêng câu thơ Tiếng gà trưa (lặp lại mở đầu các khổ thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ bảy) là chỉ có 3 tiếng. Đây là một cách để Xuân Quỳnh tạo nên điểm nhấn về cảm xúc. Sau mỗi câu thơ Tiếng gà trưa là tác giả lại nhớ về một hình ảnh, một kỉ niệm quen thuộc. Các câu thơ này giữ cho mạch cảm xúc của bài thơ liền mạch, khiến cho những kỉ niệm và hình ảnh thơ luôn da diết, nồng nàn.

Soạn phần luyện tập Tiếng gà trưa

Giải câu 2 – Luyện tập Tiếng gà trưa (Trang 151 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Câu 2. Cảm nghĩ của em về tình bà cháu trong bài thơ này.

Trả lời:

Tình cảm bà cháu trong bài thơ này thật đẹp đẽ, thiêng liêng và vô cùng sâu nặng. Tình cảm đó gắn sâu trong kí ức tuổi thơ người chiến sĩ. Do vậy, chỉ một tiếng gà cục tác giữa trưa mà bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ như ùa về. Mảng kí ức ấy gắn liền với người bà tần tảo, bình dị mà thiêng liêng.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tiếng gà trưa

Bài 1: Cảm hứng của tác giả trong bài thơ được khơi gợi từ sự việc gì? Mạch cảm xúc trong bài thơ được diễn biến như thế nào?

Trả lời:

Tựa bài thơ là “Tiếng gà trưa”. Trong bài thơ có bốn lần câu thơ Tiếng gà trưa được lặp lại. Câu thơ chỉ rõ ba chữ ở đầu các khổ thơ năm chữ.

Cứ mỗi lần lặp lại, câu thơ “Tiếng gà trưa” lại khơi dậy một hình ảnh kỉ niệm thời tuổi nhỏ. Câu thơ này không những liên kết các hình ảnh ấy mà còn điểm nhịp cho dòng cảm xúc trong bài thơ.

Trên đường đánh giặc người lính chợt nghe tiếng gà trưa nhảy ổ. Âm thanh quen thuộc ấy gợi về những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ về hình ảnh của những gà mái mơ, mái vàng đặc biệt là hình ảnh người bà với tình yêu và sự chăm nom đùm bọc cho cháu. Tiếng gà trưa đã đi cùng người lính vào cuộc chiến đấu cùng khắc sâu thâm tình của đất nước quê hương.

Bài 2: Những hình ảnh và kỉ niệm gì trong tuổi thơ đã được gợi lại từ tiếng gà trưa? Qua đó bài thơ đã biểu hiện những tình cảm gì?

Trả lời:

Những hình ảnh và kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ được tiếng gà trưa gợi lại:

Tiếng gà trưa đã gợi lại trong tâm trí người chiến sĩ hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng đẹp xinh, một kỉ niệm thời thơ dại tò mò xem gà đẻ trứng nên đã bị bà mắng cho. Tiếng gà trưa đặc biệt đã gợi lại hình ảnh người bà giàu lòng yêu thương, luôn luôn đùm bọc chắt chiu chăm lo trọn lòng cho cháu nhỏ và niềm mong ước nhỏ bé của tuổi thơ được bộ quần áo mới xênh xang có từ tiền bán gà. ước mong tươi đẹp hồn nhiên ấy đi vào cả trong giấc ngủ của tuổi thơ.

Qua đây ta thấy được tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của một em nhỏ nhất là tình cảm quý trọng yêu thương đối với bà của đứa cháu.

Bài 3: Em cảm nhận được gì về hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu được thể hiện trong bài thơ?

Trả lời:

Hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu:

Qua các từ ngữ và hình ảnh: Tay bà khum soi trứng. Dành từng quả chắt chiu “Bà lo đàn gà toi. Mong chờ đừng sương muối”. Đã nổi bật lên hình ảnh một người bà trong tâm trí của cháu. Đó là một người bà tảo tần chắt chiu trong cảnh nghèo khó, luôn dành dụm tình yêu thương chăm lo cháu chắt mót cuối năm bán gà may quần áo mới cho cháu mình. Bà không quên bảo ban nhắc nhở cháu nếu có la rầy trách mắng cháu thì chẳng qua cũng là vì tình yêu thương cháu.

Tình bà cháu ở đây qua những kỉ niệm thật thắm thiết và sâu nặng. Bà đùm bọc chắt chiu chăm lo cho cháu. Cháu lại yêu thương và trọn lòng kính trọng biết ơn bà.

Bài 4: Bài thơ làm theo thể 5 tiếng, nhưng có những chỗ biến đổi khá linh hoạt. Em có nhận xét gì về cách gieo vần, về số câu thơ trong mỗi khổ? Câu thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại nhiều lần trong bài ở những vị trí nào và có tác dụng ra sao?

Trả lời:

Bài “Tiếng gà trưa” làm theo thể 5 tiếng (ngũ ngôn) nhưng có những chỗ biến đổi khá linh hoạt, về cách gieo vần cũng thế, tác giả dùng cả vần liền và vần cách. Các khổ thơ cũng có thể nhiều hơn bốn câu, số chữ trong câu cũng có thể ít hơn nên có nhiều dòng thơ chỉ có ba (Tiếng gà trưa).

Câu thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại nhiều lần trong bài (bốn lần) ờ đầu các khổ thơ.

Mỗi lần nhắc lại, câu thơ Tiếng gà trưa lại gợi ra một hình ảnh trong kỉ niệm thời tuổi nhỏ ngày xưa, nó vừa như sợi dây kết liền các hình ảnh ấy lại vừa như điểm nhịp cho dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Soạn bài luyện tập Tiếng gà trưa trang 151 SGK ngữ văn 7 tập 1

Bài 2: Cảm nghĩ của em về tình bà cháu trong bài thơ này.

Trả lời:

Tình cảm bà cháu là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng và vô cùng sâu nặng. Tình cảm đó đã hằn sâu trong kí ức tuổi thơ của người chiến sĩ. Do vậy, trên đường hành quân xa, chỉ một tiếng gà cục tác đã gợi dậy những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, đáng nhớ về bà. Đó là sự chắt chiu, tần tảo với bao nỗi lo, bao niềm mong ước của bà với tình thương bao la dành cho cháu. Những kỉ niệm đó thật bình dị mà thiêng liêng! Nó nhắc nhở, lay động bao tình cảm đẹp dâng lên trong lòng người chiến sĩ trên đường hành quân ra mặt trận chiến đấu. Tình cảm tốt đẹp đó sẽ mãi là hành trang theo bước chân của người chiến sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho anh trong cuộc chiến đấu hôm nay.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status