Soạn bài Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng trang 161 – 165 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.
Truyện thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Cụ tổ bên ngoại của trừng(1), người họ Phạm, huý(2) là Bân, có nghề y gia truyền(3), giữ chức Thái y lệnh(4) để phụng sự(5) Trần Anh Vương(6).
Ngài thường đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo. Gặp kẻ bệnh tật cơ khổ(7), ngài cho ở nhà mình, cấp cơm cháo, chữa trị. Dẫu bệnh có dầm dề máu mủ, ngài cũng không hề né tránh. Bệnh nhân đến chữa tới khi khỏe mạnh rồi đi. Cứ như vậy, trên giường không lúc nào vắng người.
Bỗng liền năm đói kém, dịch bệnh nổi lên, ngài lại dựng thêm nhà cho những kẻ khốn cùng đói khát và bệnh tật đến ở, cứu sống hơn ngàn người. Ngài được người đương thời trọng vọng(8).
Một lần, có người đến gõ cửa, mời gấp:
– Nhà có người đàn bà, bỗng nhiên nguy kịch, máu chảy như xối, mặt mày xanh lét.
Nghe vậy, ngài theo người đó đi ngay. Nhưng ra tới cửa thì gặp sứ giả do vương sai tới, bảo rằng:
– Trong cung có bậc quý nhân(9) bị sốt, vương triệu đến khám.
Ngài nói:
– Bệnh đó không gấp. Nay mệnh sống của người nhà người này chỉ ở trong khoảnh khắc. Tôi hãy cứu họ trước, lát nữa sẽ đến vương phủ(10).
Quan Trung sứ(11) tức giận nói:
– Phận làm tôi, sao được như vậy? Ông định cứu tính mạng người ta mà không cứu tính mạng mình chăng?
Ngài đáp:
– Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào. Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần(12) còn trông cậy vào chúa thượng(13), may ra thoát. Tội tôi xin chịu.
Nói rồi, đi cứu người kia. Họ quả được cứu sống. Lát sau, ngài đến yết kiến(14), vương quở trách. Ngài bỏ mũ ra, tạ tội, bày rõ lòng thành của mình. Vương mừng nói:
– Ngươi thật là bậc lương y(15) chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, thương xót đám con đỏ(16) của ta, thật xứng với lòng ta mong mỏi.
Về sau, con cháu của ngài làm quan lương y đến hàm ngũ phẩm, tứ phẩm(17) có tới hai ba vị. Người đời đều khen ngợi họ không để sa sút nghiệp nhà.
(Hồ Nguyên Trừng(*), Nam Ông mộng lục,
Ưu Đàm – La Sơn soạn dịch, chú giải,
Nguyễn Đăng Na giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội, 1999)
Chú thích:
(*) Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446), con trưởng của Hồ Quý Ly, làm quan dưới triều vua cha, từng hăng hái chống giặc Minh xâm lược, bị giặc Minh bắt đem về Trung Quốc. Nhờ có tài chế tạo vũ khí, ông được làm quan trong triều nhà Minh tới chức Thượng thư (tương đương với chức Bộ trưởng ngày nay). Ông qua đời trên đất Trung Quốc. Nam Ông mộng lục là tác phẩm Hồ Nguyên Trừng viết trong thời gian ở đây.
(1) Trừng: tức Hồ Nguyên Trừng
(2) Húy: ở đây là tên của người đã chết, thường kiêng không nói đến.
(3) Gia truyền: truyền từ đời này sang đời khác trong phạm vi gia đình.
(4) Thái y lệnh: chức quan trông coi việc chữa bệnh trong cung vua.
(5) Phụng sự: phục vụ hết lòng.
(6) Trần Anh Vương: tức Trần Anh Tông, làm vua từ năm 1293 đến năm 1314 (vương: vua; tước cao nhất trong triều đình ngày xưa).
(7) Cơ khổ: đói khổ (cơ: đói).
(8) Trọng vọng: hết sức coi trọng và ngưỡng mộ.
(9) Quý nhân: ở đấy có nghĩa là người ở bậc cao sang và được tôn kính.
(10) Vương phủ: nơi ở và làm việc của các bậc vua chúa, quý tộc phong kiến xưa.
(11) Trung sứ: một chức quan phục vụ công việc của triều đình.
(12) Tiểu thần: người bề tôi ở bậc nhỏ, thấp, theo cách nói nhún nhường.
(13) Chúa thượng: từ dùng để gọi vua chúa một cách tôn kính (thời phong kiến).
(14) Yết kiến: ra mắt người bề trên.
(15) Lương y: thầy thuốc giỏi.
(16) Con đỏ: dịch nghĩa hai từ xích tử mà ngày xưa vua chúa dùng để chỉ những người dân thường.
(17) Ngũ phẩm: phẩm hàm bậc năm. Tứ phẩm: phẩm hàm bậc bốn (phẩm: một hình thức chỉ cấp bậc của quan lại ở thời phong kiến. Có chín bậc phẩm hàm. Cao nhất là nhất phẩm – phẩm hàm bậc nhất. Thấp nhất là cửu phẩm – phẩm hàm bậc chín. Trong mỗi phẩm hàm lại có hai loại: chính, tòng).
Hướng dẫn soạn bài – Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
I. Tác phẩm
– Thể loại: Truyện trung đại viết bằng chữ Hán.
– Phương thức chính: Tự sự
– Xuất xứ: Trích trong “Nam Ông mộng lục”
– Bố cục: 3 phần
Phần 1. Từ đầu đến….. “Ngài được người đương thời trọng vọng”: Giới thiệu Thái y lệnh Phạm Bân
Phần 2. Tiếp theo đến…. “thật xứng với lòng ta mong mỏi”: Y đức của Thái y lệnh
Phần 3. Còn lại: Hạnh phúc chân chính của bậc lương y.
Tóm tắt truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Ông Phạm Bân có nghề y gia truyền, giữ chức Thái y lệnh, phụng sự vua Trần Anh Vương. Ông thường đem tiền bạc mua thuốc tốt và tích trữ thóc gạo giúp đỡ người nghèo. Một hôm có người dân đến xin ông chữa bệnh gấp cho người nhà đang nguy kịch. Đúng lúc đó thì sứ giả của vua đến triệu ông vào cung chữa bệnh cho một quý nhân bị sốt. Thấy không gấp, ông đã đi chữa bệnh cho người đàn bà kia, sau đó đến tỏ lòng thành với vua. Khi hiểu rõ ý ông, vua từ quở trách chuyển sang khen ngợi ông “đã giỏi nghề nghiệp lại có lòng nhân đức”.
III. Hướng dẫn soạn bài Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng chi tiết
Giải câu 1 (Trang 164 SGK ngữ văn 6 tập 1)
Hãy kể ra những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm. Từ đó:
a) Trả lời các câu hỏi sau:
– Vị Thái y lệnh là người thế nào?
– Trong những hành động của ông, đều gì làm em cảm phục nhất và suy nghĩ nhiều nhất?
b) Phân tích, bình luận lời đối thoại của vị Thái y với quan Trung sứ: “Ngài đáp: Tôi có mắc tội… tôi xin chịu tội.”
Trả lời:
Những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm.
+ Đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt, tích trữ thóc gạo, gặp kẻ bệnh tật cơ khổ ngài cho ở nhà mình, cấp cơm cháo, chữa trị.
+ Năm đói kém dựng thêm nhà cho những kẻ khốn cùng, đói khát và bệnh tật đến ở, cứu sống hàng vạn người.
+ Trả lời quan Trung sứ: bệnh đó không gấp, nay mạng sống của nhà người này chỉ trong khoảnh khắc. Tôi hãy cứu họ trước, lát sẽ đến vương phủ.
a) Nhận xét về nhân vật Thái y:
+ Thái y là người toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp cứu người.
+ Là một thái y đặt mục đích cứu người lên trên hết, không sợ quyền uy.
+ Giàu lòng nhân hậu, yêu thương mà chữ tâm và tài đều tỏa rạng.
– Điều cảm phục nhất về hành động của ông: Đem hết của cải trong nhà mà mua thuốc, mua gạo chữa bệnh cho người nghèo, bệnh có dầm dề máu mủ cũng không hề né tránh.
=> Điều đó thể hiện y đức của người thầy thuốc vô cùng cao quý.
b) Câu nói của quan Trung sứ của Thái y lệnh :
– Biết rằng mình làm Thái y lệnh là phục vụ trực tiếp cho triều đình nên ngài nói: “Tôi có mắc tội”.
– Chấp nhận sự trừng phạt nghiêm khắc nhất là cái chết: “Tội tôi xin chịu”.
– Khẳng định cứu tính mạng người đang nguy kịch mà không cần quan tâm tới tính mạng của mình.
+ Giữa 2 người bệnh, chỉ có sự lựa chọn duy nhất : “Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu”.
+ Đối với mình, Thái y lệnh hi vọng “trông cậy vào chúa thượng, may ra thoát”
– Nhận xét:
+ Thái y lệnh đã yêu thương người bệnh cơ khổ hết mực.
+ Ông quyết tâm cứu sống người bệnh bất chấp cả mạng sống của mình.
Giải câu 2 (Trang 165 SGK ngữ văn 6 tập 1)
Trước cách xử sự của vị thái y lệnh, thái độ của Trần Anh Vương diễn biến như thế nào? Qua đó, nhân cách của Trần Anh Vương được thể hiện ra sao?
Trả lời:
Trước cách xử sự của Thái y lệnh, thái độ của Trần Anh Vương từ chỗ quở trách, chuyển sang mừng rỡ, khen ngợi: “Ngươi thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức, thương xót con đỏ của ta, thật xứng với lòng ta mong mỏi”. Sự việc này cho thấy: Trần Anh Vương là một người sáng suốt, rộng lượng. Đồng thời, những người làm nghề y hôm nay và mai sau đọc truyện này có thể rút ra cho mình những bài học bổ ích về lòng tận tuỵ thương yêu, ý thức cứu người như cứu mình, cần ưu tiên chữa trị người bệnh nặng – bất kể địa vị của họ như thế nào.
Giải câu 3 (Trang 165 SGK ngữ văn 6 tập 1)
Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau bài học gì?
Trả lời:
Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau sau bài học: Một thầy thuốc giỏi không phải là người chỉ có tài chữa bệnh mà quan trọng hơn là phải có lòng yêu thương sâu sắc và quyết tâm hết mức để cứu chữa cho người bệnh.
Giải câu 4 (Trang 165 SGK ngữ văn 6 tập 1)
Hãy so sánh nội dung y đức(a) được thể hiện ở văn bản Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng với văn bản kể về Tuệ Tĩnh (tr. 44).
Trả lời:
Thái y lệnh và thầy Tuệ Tĩnh (trang 44) đều là hai người có y đức, có tôn chí “chữa bệnh cứu người” dựa trên tấm lòng rất nhân hậu.
– Giống nhau:
+ Cả hai đều gặp tình huống truyện như nhau. Một lúc có hai người bệnh : một người nguy cấp và một người bị nhẹ hơn, một người nghèo khổ và một người giàu có, địa vị.
+ Cả hai đều chịu sức ép từ phía quyền lực nhưng họ đã làm theo mệnh lệnh của trái tim, của tấm lòng.
– Khác nhau về tình tiết:
+ Nhà quý tộc cho mời Tuệ Tĩnh nhưng người ta khiên thằng bé gãy chân con nhà nông dân đến.
+ Thái y lệnh đi ngay khi hay tin người đàn bà màu chảy như xối, vừa lúc đó có lệnh vào cung chữa cho quý nhân bị sốt.
+ Tuệ Tĩnh chủ động trong lựa chọn.
+ Thái y lệnh từ chối uy quyền, chấp nhận chịu tội. Tuệ Tĩnh và Thái y lệnh là hai tấm gương lớn về y đức về tấm lòng cao cả của người thầy thuốc.
Soạn phần luyện tập Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Giải câu 1 – Luyện tập Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng (Trang 165 SGK ngữ văn 6 tập 1)
Bài 1. Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải như thế nào? Hãy so sánh nội dung đó với nội dung trong lời thề của Hi-pô-cờ-rát được trích ở phần Đọc thêm.
Trả lời:
– Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải giỏi cả về nghề nghiệp cả về lòng nhân đức, thương xót đám con đỏ.
– So sánh với lời thề Hi-pô-cờ-rát, đều đề cao chữ “tâm”, thể hiện tấm lòng của người thầy thuốc với người nghèo khổ, riêng sự mong mỏi của Trần Anh Vương còn có yêu cầu về tay nghề người thầy thuốc phải giỏi.
Giải câu 2 – Luyện tập Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng (Trang 165 SGK ngữ văn 6 tập 1)
Bài 2. Nhan đề văn bản này nguyên chữ Hán là Y thiện dụng tâm (y: chữa bệnh, thầy thuốc; thiện: giỏi, tốt, lành; dụng: dùng, đem dùng; tâm: lòng, tấm lòng). Có sách dịch nhan đề trên là Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng, ở đây dịch: Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Vậy có gì khác nhau? Em tán thành cách nào? Lí do?
Trả lời:
Nhan đề có từ “cốt nhất” hay và sâu sắc hơn vì nhấn mạnh tầm quan trọng của lương y và đức độ người thầy thuốc.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Câu 1: Hãy kể ra những, chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm trong truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Từ đó hãy trả lời các câu hỏi:
a) Vị Thái y lệnh là người thế nào? Trong những hành động của ông, điều gì làm em cảm phục nhất và suy nghĩ nhiều nhất?
b) Phân tích, bình luận lời đối thoại của vị Thái y với quan trung sứ: “Ngài đáp: Tôi có mắc tội… tôi xin chịu tội”.
Trả lời:
– Những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh:
+ Đem hết của cải ra mua các loại thuốc tốt, tích trữ thóc gạo để vừa nuôi ăn, vừa chữa bệnh cho người nghèo khổ.
+ Không quản ngại bệnh có dầm dề máu mủ.
+ Cứu sống hơn ngàn người trong nhiều năm đói kém, dịch bệnh nổi lên.
+ Đi chữa bệnh cho dân thường trước rồi mới chữa bệnh cho nhà vua, dù có lệnh vua gọi.
a) Thái y lệnh là người hết lòng vì người bệnh, lương y như từ mẫu. Trong những hành động của ông, điều làm người đọc cảm phục nhất là Thái y nhận lời đi chữa bệnh cho người dân thường rồi mới đi chữa bệnh cho vua.
b) Lời đốì đáp của vị Thái y với quan trung sứ: “Tôi có tội, tôi xin chịu tội” vừa khiêm nhường vừa thấm thìa lí tình: cứu người dân thường lâm bệnh nguy cấp, nếu không cứu ngay thì chết, tính mệnh của người bệnh còn quan trọng hơn tính mệnh của chính bản thân người thầy thuốc.
Câu 2. Trước cách xử sự của vị Thái y lệnh, thái độ của Trần Anh Vương diễn biến như thế nào? Qua đó, nhân cách của Trần Anh Vương được thể hiện ra sao?
Trả lời:
– Nhà vua lúc đầu tức giận nhưng sau khi nghe Thái y lệnh tường trình đã không những hết tức giận mà còn ca ngợi Thái y lệnh. Điều đó chứng tỏ Trần Anh Vương cũng là một ông vua có lòng nhân đức.
Câu 3: Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau bài học gì?
Trả lời:
Người làm nghề y hôm nay trước hết cần trau dồi, giữ gìn và vun trồng lương tâm nghề nghiệp trong sáng như từ mẫu; cùng với việc tu luyện chuyên môn cho tinh, giỏi. Vì nghề y là nghề trị bệnh cứu người.
Câu 4: Hãy so sánh nội dung y đức được thể hiện ở văn bản Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng với văn bản kể về Tuệ Tĩnh (tr. 44).
Trả lời:
Cả hai văn bản đều biểu dương y đức cao đẹp của người thầy thuốc trước những quyền lực của xã hội thông qua hai tình huống gần giống nhau.
– Tuy nhiên, so văn bản thứ nhất với văn bản thứ hai thì ở văn bản thứ nhất nội dung y đức được kể lại phong phú, sâu sắc hơn, cụ thể:
+ Với vị Thái y lệnh người họ Phạm, ngoài câu chuyện nhà vua cho quan trung sứ gọi vào cung chữa bệnh cho vị quý nhân, còn có những chuyện trước và sau đó của ông, trong khi với Tuệ Tĩnh, chỉ kể chuyện xử sự của ông khi có con nhà quý tộc đến mời đi chữa bệnh.
+ Tình huống gay cấn xảy ra đối với Thái y lệnh cũng gắt hơn so với Tuệ Tĩnh vì đây là cuộc đụng độ giữa y đức với quyền lực tối cao có liên quan đến đạo làm tôi, đến tính mệnh của mình. Còn ở trường hợp Tuệ Tĩnh, mới chỉ là cuộc đụng độ giữa y đức với quyền thế của một vị quý tộc, thấp hơn vua nhiều.
+ Cuộc đụng độ trực tiếp giữa Thái y lệnh với vị quan trung sứ gay gắt hơn cuộc đụng độ giữa Tuệ Tĩnh với con nhà quý tộc.
Soạn bài luyện tập Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng trang 165 SGK ngữ văn 6 tập 1
Bài 1: Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải như thế nào? Hãy so sánh nội dung đó với nội dung trong lời thề Hi-pô-cờ-rát được trích ở phần đọc thêm.
Trả lời:
– Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương là giỏi nghề nghiệp, có lòng nhân đức.
– Nội dung trên giống với nội dung lời thề Hi-pô -cờ-rát (không lấy tiền thù lao quá đáng và sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo) ở chỗ: đều đề cao y đức lên trên hết, trước hết đối với tất cả những ai trong nghề chữa bệnh cứu người.
Bài 2: Nhan đề văn bản này nguyên chữ Hán là Y thiện dụng tâm (y: chữa bệnh, thầy thuốc; thiện: giỏi, tốt, lành; dụng: dùng, đem dùng; tâm: lòng, tấm lòng). Có sách dịch nhan đề trên là Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng, ở đây dịch: Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Vậy có gì khác nhau? Em tán thành cách nào? Lí do?
Trả lời:
Chữ Hán vốn rất hàm súc và cô đọng. Cụm từ Y thiện dụng tâm nếu dịch thành Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng thì chưa rõ nghĩa.
Việc thêm vào trong câu hai từ cốt nhất sẽ làm cho câu rõ nghĩa hơn. Bởi để trở thành một thầy thuốc giỏi, người ta phải cần rất nhiều phẩm chất tốt (ví dụ nếu như tay nghề không giỏi thì chắc chắn không thể trở thành thầy thuốc giỏi được). Song phẩm chất cần được nhấn mạnh nhất đó là cái tâm của người chữa bệnh. Như thế, cách dịch Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng rõ ràng là chính xác hơn.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment