Soạn bài – Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối

Soạn bài Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối trang 82 SGK tiếng việt lớp 4 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối

Giải câu 1 (Trang 82 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Có thể dùng các câu sau để kết bài không? Vì sao?

a) Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc của em. (Đề bài: Tả cây bàng ở sân trường em).

b) Em rất thích cây phượng, vì cây phượng chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp của trường em. (Đề bài: Tả cây phượng ở sân trường em).

Trả lời:

Có thể dùng các câu a và b để kết bài vì đây là hai đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của người khi viết về cây, rất thích hợp với phần kết của một bài văn miêu tả cây cối.

Giải câu 2 (Trang 82 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Quan sát một cây mà em yêu thích và cho biết:

a) Cây đó là cây gì?

b) Cây có ích lợi gì?

c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?

Trả lời:

a) Cây đó là cây gì?

– Đó là cây vú sữa trước cửa nhà em.

b) Cây đó có ích lợi gì?

– Cây vú sữa, vừa cho bóng mát vừa cho quả ngon.

c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?

– Trưa nắng, em thường đem một chiếc võng ra nằm dưới bóng cây vú sữa để đọc sách hoặc nghỉ trưa nên em vô cùng yêu mến cây vú sữa này. Khi ăn những quả vú sữa chín thơm ngon, em luôn nhớ ơn ông nội em là người đã trồng cây này từ khi em còn chưa ra đời.

Giải câu 3 (Trang 82 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Dựa vào các câu trả lời trên, hãy viết một kết bài mở rộng cho bài văn.

Trả lời:

Cây vú sữa trước cửa nhà em vừa cho bóng mát vừa cho nhiều quả ngon. Các buổi trưa nắng, em thường treo võng dưới bóng cây để nằm đọc sách hoặc nghỉ ngơi. Khi ăn những trái vú sữa ngon ngọt, em thường nghĩ tới công ơn của ông nội em – người đã trồng cây này từ khi em còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Em sẽ chăm sóc cây vú sữa để nó mãi mãi gắn bó với em, đem đến cho em những hương vị ngọt ngào

Giải câu 4 (Trang 82 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Em hãy viết kết bài mở rộng cho một trong các đề tài dưới đây:

a) Cây tre ở làng quê.

b) Cây tràm ở quê em.

c) Cây đa cổ thụ ở đầu làng.

Trả lời:

a) Cây tre ở làng quê

“Mai sau
Mai sau
Mai sau
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”

Cây tre vốn là biểu tượng của làng quê Việt Nam, chỉ cần trở lại làng quê, nhìn thấy bóng tre xanh mát bên đường là cảm giác bình yên lại tràn về. Mai sau dù có đi đâu xa chăng nữa, em vẫn sẽ luôn nhớ về quê hương, về những lũy tre bao trùm xóm làng, ôm ấp tuổi thơ, nâng cánh ước mơ cho em

b) Cây tràm ở quê em

Em thích cây tràm lắm! Tràm cho chúng em bóng mát để vui chơi trong những giờ giải lao. Tràm tô điểm cho ngôi trường thêm duyên dáng. Tràm cung cấp thứ gỗ quý cho mọi người. Và sau nữa, giữa trưa hè êm ả nằm dưới gốc tràm mà ngắm hoa rơi thì thật là tuyệt.

c) Cây đa cổ thụ ở đầu làng.

Cây đa cổ thụ đã trở thành một hình ảnh thân quen gắn bó với làng em. Sau này, khi phải đi xa để học tập hay làm việc, chắc chắn mỗi khi nhớ về làng quê, em không thể quên hình ảnh của cây đa cao lớn, xum xuê, quanh năm xanh tốt, nó đang đứng ở đầu làng như chờ đợi những người của làng quê trở về.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối

Câu 1. Có thể dùng các câu sau để kết bài không? Vì sao?

a) Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc của em. (Đề bài: Tả cây bàng ở sân trường em).

b) Em rất thích cây phượng, vì cây phượng chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp của trường em. (Đề bài: Tả cây phượng ở sân trường em).

Trả lời:

Đọc hai đoạn kết bài đã cho, em thấy:

– Cả hai đoạn đều có thể sử dụng để kết bài cho hai bài văn.

– Vì cả hai đều kết bài theo kiểu mở rộng.

+ Kết bài thứ nhất bộc lộ tình cảm của tác giả đốì với loài cây đã tả.

+ Kết bài thứ hai vừa nêu lợi ích của cây vừa thể hiện tình cảm của người viết đốì với cây đã tả.

Câu 2. Quan sát một cây mà em yêu thích và cho biết:

a) Cây đó là cây gì?

b) Cây có ích lợi gì?

c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?

Trả lời:

a) Cây đó là cây gì?

– Đó là cây bàng ở trường em.

b) Cây có ích lợi gì?

– Cây bàng cho bóng mát mỗi khi hè về.

c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?

– Em rất thích hình ảnh của cây bàng, nó mang những vẻ đẹp nhẹ nhàng và gắn bó trực tiếp với mỗi chúng ta, những lứa học sinh của trường, cây bàng đã gắn bó mật thiết với lứa tuổi học sinh của chúng ta.

Câu 3. Dựa vào các câu trả lời trên, hãy viết một kết bài mở rộng cho bài văn.

Trả lời:

a) Tả cây hoa hướng dương: Với mình, hoa hướng dương luôn là biểu tượng đẹp của một khát vọng vươn tới ánh sáng chân lí và niềm tin của cuộc đời như chính tên gọi của loài hoa. Mình yêu hoa có lẽ từ chính ý nghĩa của tên gọi ấy: Hoa hướng dương.

b) Tả cây bàng: Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc giữa sân trường này như một hồi ức đẹp.

c) Tả bông cúc trắng: Bông cúc trắng không gợi nhớ mùa thu như cúc vàng, mùa xuân như hoa đào, vạn thọ. Nó là một loài hoa tứ quý luôn trang điểm cho đời thêm đẹp, thêm tươi. Có thể từ đặc điểm có tính riêng biệt này mà làm cho em yêu loài hoa này nhất.

Câu 4. Em hãy viết kết bài mở rộng cho một trong các đề tài dưới đây:

a) Cây tre ở làng quê.

b) Cây tràm ở quê em.

c) Cây đa cổ thụ ở đầu làng.

Trả lời:

a) Tả cây tre: Tre đi vào cuộc sống của con người quê tôi. Đó là người bạn tâm tình của nhiều thế hệ. Người làng tôi, ai đi xa cũng nhớ về cây tre, nhớ về lũy tre làng xanh mát yêu thương, nơi ghi lại không biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp của một thời thơ ấu.

b) Tả cây tràm: Đêm nay là đêm cuối cùng nằm ngủ trong ngôi nhà làm bằng gỗ tràm của ngoại ở Khánh Lâm. Ngôi nhà nhỏ bé nhưng êm đềm biết bao. Hương tràm cứ quyện lấy hồn tôi. Nằm trên cái giường bằng gỗ tràm mát rượi, tôi thao thức mãi. Ngày mai, tôi lại theo ba, má về Hội An xứ Quảng. Tôi lại nhớ ngoại, nhớ cậu Tú, nhớ dì Năm và những đứa em thương yêu. Tôi ngủ say lúc nào không biết…

Xe đã nổ máy hồi lâu. Ngoại vẫn ôm chặt lấy cháu, xoa đầu cháu mãi. Nước mắt tôi ứa ra. Hương tràm từ người ngoại, từ can mật ong bà cho tỏa ra đầy lưu luyến. Xe chạy đã xa, tôi ngoảnh lại vẫn thấy bóng ngoại hiện lên giữa màu xanh của rừng tràm Cà Mau mênh mông…

c) Tả cây đa cổ thụ ở đầu làng: Dưới gốc đa này, người làng đưa tiễn nhau đi bịn rịn, lưu luyến… Và cũng dưới gốc đa này, người làng thường dừng chân nghỉ lại sau những buổi làm đồng mệt nhọc, vất vả. Cây đa như một biểu tượng quê hương là bến đậu của bao nỗi nhớ tình thương của những người con xa quê cha đất tổ.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status