X

Soạn bài – Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (Tuần 8)

Soạn bài Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (Tuần 8), trang 81 SGK tiếng việt lớp 5 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (Tuần 8), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (Tuần 8)

Giải câu 1 (Trang 81 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Lập dàn ý miêu tả một cảnh đẹp ở địa phương em.

Trả lời:

1. Mở bài

– Giới thiệu cảnh đẹp ở quê mà em định tả đó là cảnh gì? (Khung cảnh làng quê, cảnh phố xá, biển, núi,…)

2. Thân bài

a) Tả bao quát cảnh đẹp ở địa phương em.

– Em hãy nêu đặc điểm nổi bật của cảnh (có thể là màu sắc của núi, mây, nước, đất, đường…. ).

b) Tả chi tiết cảnh đẹp ở địa phương em.

– Xác định được cảnh bao gồm địa hình gì? Khi em nhìn xa như thế nào? Khi em đến gần ra sao?

– Miêu tả theo thời gian hoặc không gian (Miêu tả theo thời gian có thể là theo thứ tự trong một ngày).

  • Vào buổi sớm thì khung cảnh thiên nhiên của địa điểm em định miêu tả đó trông như thế nào? Cảnh sắc thiên nhiên lúc đó ra sao?
  • Vào buổi trưa: Khung cảnh thiên nhiên em định tả có gì nổi bật hơn không?
  • Vào buổi tối: Khung cảnh thiên nhiên thay đổi như thế nào?

3. Kết bài

– Cảm xúc của em trước cảnh đẹp đã miêu tả.

– Hi vọng học thật tốt để lớn lên có thể dựng xây quê hương đất nước mình thêm giàu đẹp hơn nữa.

→ Lưu ý quan trọng: Học sinh hoàn toàn có thể tả những địa danh quen thuộc với cuộc sống của các em đó có thể là tả cảnh con đường làng, cánh đồng lúa chín, con sông, dòng suối,… Các em ấn tượng với cảnh đẹp nào ở quê em thì có thể tả cảnh đó, không nhất thiết phải là danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Giải câu 2 (Trang 81 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Dựa theo dàn ý đã lập, hãy viết một đoạn văn miêu tả cảnh đẹp ở địa phương em.

Trả lời:

Bài viết tham khảo

Quê em là một vùng nông thôn nằm ở ngoại thành của Hà Nội, quê em có rất nhiều cảnh quan tuy đơn sơ giản dị nhưng rất đẹp và lãng mạn. Một trong những nơi em yêu thích và cảm thấy đẹp nhất của địa phương em, đó là cánh đồng lúa chín.

Vì quê em ở nông thôn nên bố mẹ em và các bác đều có hoạt động sản xuất chính đó là trồng lúa và thu hoạch thóc. Quê em vào những ngày lúa chín vô cùng đẹp. Cả cánh đồng rộng bát ngát được mặc trên mình bộ áo vàng rực rỡ, những bông lúa chín càng vàng ruộm dưới ánh nắng vàng, vô cùng rực rỡ, tươi đẹp. Khi lúa đã vào mùa thu hoạch, bông lúa đã bắt đầu trĩu bông, mỗi khi có những cơn gió, dù rất nhẹ nhàng nhưng cũng đã hương thơm dịu của lúa chín thổi đến khắp mọi nơi, dù ở trong làng nhưng cũng vẫn có thể ngửi thấy. Mùi hương của lúa rất đặc biệt, nó dìu dịu không nồng đậm hương như những loài cây, loài hoa khác nhưng lại mang đến cảm giác rất dễ chịu, thoải mái.

Những buổi sáng mùa xuân ra đứng ở đầu làng mà nhìn cánh đồng thì thích thú biết bao! Gió xuân nhẹ thổi, sóng lúa nhấp nhô từng đợt, từng đợt đuổi nhau ra mãi xa. Một đàn cò trắng dang rộng đôi cánh bay qua, nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Nhất là những buổi khi bà con nông dân đi làm cỏ, cánh đồng rộn lên bao câu ca tiếng hát. Từng đàn bướm đủ màu sắc sặc sỡ như đùa giỡn với thảm lúa xanh. Vào những mùa lúa chiêm đang chín rộ, nếu ai đứng ở xa nhìn lại sẽ thấy một biển vàng mênh mông. Rải rác khắp cánh đồng là cảnh bà con nông dân đang gặt lúa, nón trắng nhấp nhô trên đồng.

Chiều đến khi gió nồm nhẹ thổi, lúa khẽ lay động rì rào như đang thì thầm tâm sự với nhau. Những buổi chiều thu, làn sương phủ trên cánh đồng, trông xa như một màn khói loãng, trắng nhờ nhờ. Sáng ra, màn sương tan đi để lại những giọt sương long lanh trên lá lúa. Đến khi mặt trời lên sưởi ấm cánh đồng, những tia nắng rọi vào hạt sương tưởng như muôn vàn hạt ngọc li ti, ánh lên những tia sáng muôn màu, muôn vẻ trông rất đẹp.

Em thấy ngồi trên bờ đê mà nhìn xuống những thửa ruộng xa xa là đẹp nhất, vì lúc ấy không thể nhìn thấy đâu là điểm kết thúc của sắc vàng kia, những bông lúa thì đung đưa theo những con gió, trông như những cánh tay đang vẫn chào, trông rất đáng yêu. Bên cạnh bờ ruộng là hàng cây xanh cao thẳng tắp, những cây này được trồng thành hàng, bao quanh lấy cánh đồng lúa. Sắc vàng của lúa hòa cùng với sắc xanh của hàng cây trông đẹp như một bức tranh sơn dầu.

Hàng cây cũng là nơi các bác, các cô nghỉ ngơi, ngồi hóng những đợt gió để thổi bay cái nóng nực của hè, tiếp thêm sức lực để có thể tiếp tục thu hoạch lúa. Bên cạnh còn là những chú trâu đang được buộc vào thân cây, những chú trâu chờ cho lúa thu hoạch xong rồi làm nhiệm vụ chở những xe lúa đầy về nhà. Khung cảnh tươi đẹp nơi cánh đồng bát ngát lại thêm không khí lao động sản xuất càng làm cho cảnh sắc của địa phương em trở nên sinh động, giàu sức sống hơn.

Quê hương của em tuy còn nghèo, cũng không có những di tích, những địa điểm tham quan nổi tiếng như những địa phương khác nhưng vẻ đẹp bình dị của cánh đồng bát ngát lúa, khung cảnh yên bình, êm ả nơi làng quê em thì những nơi thành phố nhộn nhịp, đông đúc khó mà có được. Em yêu và rất tự hào về quê hương em, em yêu ở chính cái vẻ đẹp giản dị mà thanh bình ấy.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (Tuần 8)

Câu 1. Lập dàn ý miêu tả một cảnh đẹp ở địa phương em. 

Trả lời:

a) Mở bài:

– Giới thiệu chung về cảnh mà em sẽ tả (Thác Đam – bri ở huyện Bảo Lâm, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

– Em cùng ba đi thăm vào dịp hè.

b) Thân bài:

– Giới thiệu đường và thác:

  • Từ chợ huyện Bảo Lâm chạy vào khoảng 6 cây số – đó là đường vào thác.
  • Trèo lên hàng trăm bậc thang bằng đá.
  • Ven đường, tán lá lòe xòe, ẩm ướt.

– Nhìn từ trên xuống:

  • Dòng thác chảy dữ dội, đổ ầm ầm. Dòng nước đổ xuống tạo thành một dải băng trắng khổng lồ. Bụi nước mát lạnh, bọt nước trắng xóa. Dưới chân thác, dòng nước cuồn cuộn.
  • Cây cầu bắc ngang nối hai bờ thác.
  • Có người cho mướn ngựa.
  • Những tảng đá lớn bị nước chảy mài nhẵn nhụi.
  • Du khách ngồi nghỉ chân…

– Nhìn từ dưới lên:

  • Ánh nắng lấp lánh.
  • Cầu vồng bảy màu khoe sắc – đẹp vô cùng.
  • Dòng thác dữ dội, mạnh mẽ như muốn đổ sập xuống, nuốt chửng tất cả.

c) Kết bài:

  • Cảnh đẹp vừa thơ mộng vừa dữ dội.
  • Thiên nhiên ở đây làm say lòng người.
  • Mong muốn đến lần nữa và mời mọi người đến thăm.

Câu 2. Dựa theo dàn ý đã lập, hãy viết một đoạn văn miêu tả cảnh đẹp ở địa phương em.

Trả lời:

Bài văn mẫu

Dịp hè vừa rồi, ba dẫn em đi thăm thác Đam – bri. Cảnh đẹp nơi đây đã để lại cho em một ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ về đất trời cao nguyên.

Từ chợ huyện Bảo Lâm, con đường đất đỏ dẫn vào thác ngoằn ngoèo uốn quanh đồi chè đều tăm tắp, xanh mướt. Bên lề đường, thỉnh thoảng, em bắt gặp vài khóm dã quỳ, hoa nở vàng, rực rỡ cả con đường, từng đám cúc dại lan trên mặt đất. Không khí mát mẻ thật dễ chịu. Để lên thác, em phải cùng ba trèo qua hàng trăm bậc thang đá ẩm ướt. Hai bên vệ đường, từng tán lá cây xòe như níu chân du khách.

Con đường đã dẫn lên một cây cầu bắc ngang hai bờ thác. Nhìn từ trên xuống, dòng thác dữ dội, nước chảy ầm ầm. Dòng nước đổ xuống như một dải băng trắng khổng lồ. Bụi nước mát lạnh, bọt tung trắng xóa. Dưới chân dòng thác, từng tảng đá lớn bị nước bào mòn, nhẵn nhụi, dòng nước cuồn cuộn chảy. Nhưng chỉ dữ dội một lát, chảy thêm vài chục mét nữa, con nước đã hiền hòa trở lai, uốn mình theo các quả đồi, len vào các khe nhỏ dẫn nước về đồi chè, nương dâu…

Phía dưới chân thác, du khách người thay nhau chụp hình, người ngồi thả chân xuống nước để cảm nhận sự mát lạnh của dòng nước thấm vào, xua tan mệt mỏi, người quay phim… em thấy một bạn gái tóc vàng, chắc là người ngoại quốc đang cười thích thú trên lưng ngựa. Chú ngựa được cho thuê để du khách chụp hình, quen khách, hiền lành đứng im cho bác thợ chụp ảnh tạo kiểu.

Nhưng rực rỡ nhất là khi nhìn từ dưới lên, hơi nước bốc lên mù mịt và ánh nắng mặt trời chiếu xuống đã tạo thành một dải cầu vồng bảy sắc, rực rỡ vô cùng. Đứng phía dưới nhìn lên, em thấy mình thật nhỏ bé, dòng thác như muốn đổ sập xuống, cuốn phăng đi tất cả.

Chuyến đi thăm thác để lại cho em một ấn tượng mạnh mẽ về sự hùng vĩ của đất trời cao nguyên. Bây giờ thì em đã tin rằng “cảnh đẹp có thể làm say lòng người”! Nếu có cơ hội, nhất định em sẽ xin ba được đi thăm một lần nữa.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Vàng Anh: Ở trường học, bạn được dạy một bài học trước, sau đó mới làm bài kiểm tra. Còn ở trường đời, bạn phải làm một bài kiểm tra trước rồi nó mới dạy bạn một bài học. Thế nên, quên cái gọi là điểm số trung bình đi, nó chỉ nói lên được bạn đã học như thế nào ở trường thôi! Còn khi ra đời, chẳng ai quan tâm đến mấy con số đấy đâu.
Leave a Comment