X

Soạn bài – Tập đọc: Vẽ về cuộc sống an toàn

Soạn bài Tập đọc: Vẽ về cuộc sống an toàn trang 54 – 55 SGK tiếng việt lớp 4 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tập đọc: Vẽ về cuộc sống an toàn, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

VẼ VỀ CUỘC SỐNG AN TOÀN

– 50000 bức tranh dự thi của thiếu nhi cả nước.
– 60 tranh được trưng bày.
– 46 giải thưởng.
– Nhận thức và khả năng thẩm mĩ của các em rất đáng khích lệ.

UNICEF Việt Nam và báo Thiếu niên Tiền phong vừa tổng kết cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi với chủ đề Em muốn sống an toàn.

Được phát động từ tháng 4-2001 nhằm nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn cho trẻ em, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thiếu nhi cả nước. Chỉ trong vòng 4 tháng, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 50000 bức tranh gửi về từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Đắk Lắk, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang,…

Chỉ cần điểm qua tên một số tác phẩm cũng đủ thấy kiến thức của các em về an toàn, đặc biệt là an toàn giao thông, thật là phong phú: Đội mũ bảo hiểm là tốt nhất (Hoàng Minh Uyên, 10 tuổi, giải đặc biệt), Gia đình em được bảo vệ an toàn (Tạ Bích Ngọc, 9 tuổi, giải nhất), Trẻ em không nên đi xe đạp trên đường (Nguyễn Thúy Mai Dung, 7 tuổi, giải ba), Chở ba người là không được (Nguyễn Ngọc Lan Dung, 12 tuổi, giải ba),…

60 bức tranh được chọn treo ở triễn lãm (trong đó có 46 bức đoạt giải) đã làm nên một phòng tranh đẹp: màu sắc tươi tắn, bố cục rõ ràng, ý tưởng hồn nhiên, trong sáng mà sâu sắc. Các họa sĩ nhỏ tuổi chẳng những có nhận thức đúng về phòng tránh tai nạn mà còn biết thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa sáng tạo đến bất ngờ.

Theo báo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Chú thích và giải nghĩa:

UNICEF (u-ni-xép): Quỹ Bảo trợ Nhi đồng của Liên hợp quốc.

Thẫm mĩ: sự cảm nhận và hiểu biết về cái đẹp.

Nhận thức: khả năng nhận ra và hiểu biết vấn đề.

Khích lệ: tác động làm cho tinh thần hăng hái thêm lên.

Ý tưởng: ý nghĩ, dự định.

Ngôn ngữ hội họa: đường nét, màu sắc trong tranh.

Hướng dẫn soạn bài – Tập đọc: Vẽ về cuộc sống an toàn

Nội dung chính: Bài đọc là bài báo về cuộc thi vẽ tranh với chủ đề Em muốn sống an toàn của UNICEF Việt Nam và báo Thiếu niên Tiền phong đồng tổ chức. Rất nhiều tranh được gửi về từ khắp nơi, mang nhiều nội dung ý nghĩa. Các em nhỏ đã biết sáng tạo để thể hiện điều mong muốn về một cuộc sống an toàn hơn.

Giải câu 1 (Trang 55 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Chủ đề của cuộc thi vẽ là gì?

Trả lời:

Chủ đề của cuộc thi vẽ là Em muốn sống an toàn, một chủ đề liên quan đến vấn đề luật lệ giao thông.

Giải câu 2 (Trang 55 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Thiếu nhi hưởng ứng cuộc thi như thế nào?

Trả lời:

Thiếu nhi nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi nên chỉ trong vòng 4 tháng. Ban tổ chức đã nhận được 50.000 bức tranh từ cả nước gửi về.

Giải câu 3 (Trang 55 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Điều gì cho thấy các em có nhận thức tốt về chủ đề cuộc thi?

Trả lời:

Nhận thức tốt của các em về chủ đề cuộc thi thể hiện ở tên của các tác phẩm như: Đội mũ bảo hiểm là tốt nhất; Gia đình em được bảo vệ an toàn; Trẻ em không nên đi xe đạp trên đường; Chở ba người là không được;…

Đặc biệt nhận thức này còn thể hiện ở nội dung phong phú của các bức tranh.

Giải câu 4 (Trang 55 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Những nhận xét nào thể hiện sự đánh giá cao khả năng thẩm mĩ của các em?

Trả lời:

Những nhận xét sau đây đã thể hiện sự đánh giá cao khả năng thẩm mĩ của các em: Tranh của các em có “màu sắc tươi tắn, bố cục rõ ràng, ý tưởng hồn nhiên, trong sáng mà sâu sắc. Các họa sĩ nhỏ tuổi chẳng những có nhận thức đúng về phòng tránh tai nạn mà còn biết thể hiện bằng ngôn ngữ sáng tạo đến bất ngờ.”

Giải câu 5 (Trang 55 SGK tiếng việt 4 tập 2)

Những dòng in đậm ở đầu bản tin có tác dụng gì?

Trả lời:

Những dòng in đậm ở đầu bản tin có giá trị thông báo về số lượng tác phẩm dự thi, số lượng các tranh được gửi và nêu lên một nhận xét khái quát về nhận thức và khả năng thẩm mĩ của các em.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tập đọc: Vẽ về cuộc sống an toàn

Câu 1. Chủ đề của cuộc thi vẽ là gì?

Trả lời:

Đó là: Em muốn sống an toàn.

Câu 2. Thiếu nhi hưởng ứng cuộc thi như thế nào?

Trả lời:

Chỉ trong vòng 4 tháng đã có 50.000 bức tranh của thiếu nhi cả nước gửi về Ban tổ chức.

Câu 3. Điều gì cho thấy các em có nhận thức tốt về chủ đề cuộc thi?

Trả lời:

Chỉ cần điểm qua tên một số tác phẩm cũng đủ thấy kiến thức của các em về an toàn, đặc biệt là an toàn giao thông rất phong phú: “Đội mũ bảo hiểm là tốt nhất”. Gia đình em được bảo vệ an toàn, “Trẻ em không nên đi xe đạp trên đường”, chở ba người là không được.

Câu 4. Những nhận xét nào thể hiện sự đánh giá cao khả năng thẩm mĩ của các em?

Trả lời:

Đó là: “Làm nên một phòng tranh đẹp: màu sắc tươi tắn, bố cục rõ ràng, ý tưởng hồn nhiên, trong sáng mà sâu sắc”, “còn biết thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa sáng tạo đến bất ngờ”.

Câu 5. Những dòng in đậm ở đầu bản tin có tác dụng gì?

Trả lời:

Giúp người đi tham quan, người đọc nắm được những thông tin chủ yếu nổi bật của cuộc thi.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Phương Thảo: Học vấn là chìa khóa mở cánh cửa của tương lai. Hãy cùng nhau chia sẻ những kiến thức học tập bổ ích.
Leave a Comment