X

Soạn bài – Tập đọc: Những con sếu bằng giấy

Soạn bài Tập đọc: Những con sếu bằng giấy trang 36 – 37 SGK tiếng việt lớp 5 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tập đọc: Những con sếu bằng giấy, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Những con sếu bằng giấy

Ngày 16-7-1945, nước Mĩ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phú Mĩ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản.

Hai quả bom ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Đến năm 1951, lại có thêm gần 100 000 người ở Hi-rô-si-ma bị chết do nhiễm phóng xạ nguyên tử.

Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng. Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô chết khi em mới gấp được 644 con.

Xúc động trước cái chết của em, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao 9 mét là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ: “Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình.”

Theo NHỮNG MẨU CHUYỆN LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Chú thích:

– Bom nguyên tử: bom có sức sát thương và công phá mạnh gấp nhiều lần bom thường.

– Phóng xạ nguyên tử: chất sinh ra khi bom nguyên tử nổ, rất có hại cho sức khỏe và môi trường.

– Truyền thuyết: loại truyện dân gian về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử nhưng mang nhiều yếu tố thần kì.

Hướng dẫn soạn bài – Tập đọc: Những con sếu bằng giấy

* Nội dung chính: Mĩ ném bom trừng phạt hai thành phố của Nhật. Cô bé Xa-xa-cô bị nhiễm phóng xạ. Em khao khát sống nên đã tin rằng gấp 1000 con hạc giấy sẽ khỏi bệnh. Em chết đi nhưng học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã góp tiền xây tượng đài tưởng niệm những nạn nhân chết do bom nguyên tử, với ước nguyện về thế giới hòa bình.

* Bố cục: Bài văn gồm 4 đoạn.

  • Đoạn 1: Từ đầu đến “… xuống Nhật Bản”: Mỹ ném bon nguyên tử xuống Nhật Bản.
  • Đoạn 2: Tiếp đến “… phóng xạ nguyên tử”: Hậu quả do bom nguyên tử gây ra.
  • Đoạn 3: Tiếp đến “… gấp được 644 con”: Khát vọng sống của cô bé Xa-xa-cô.
  • Đoạn 4: Còn lại: Ước vọng hòa bình của thiếu nhi toàn thế giới.

Giải câu 1 (Trang 37 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Xa-xa-cô bị nhiễm phóng xạ nguyên tử khi nào?

Trả lời:

Xa-xa-cô bị nhiễm phóng xạ nguyên tử khi Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản.

Giải câu 2 (Trang 37 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách nào?

Trả lời:

Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách ngày ngày gấp sếu bằng giấy vì cô tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu treo quanh phòng, cô sẽ khỏi bệnh.

Giải câu 3 (Trang 37 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Các bạn nhỏ đã làm gì:

a) Để tỏ tình đoàn kết với Xa-xa-cô?

b) Để bày tỏ nguyện vọng hòa bình?

Trả lời:

a) Để tỏ tình đoàn kết với Xa-xa-cô các bạn nhỏ trên khắp hành tinh đã gấp những con sếu bằng giấy gửi cho Xa-xa-cô.

b) Để bày tỏ nguyện vọng hòa bình, khi Xa-xa-cô chết, các bạn nhỏ đã quyên góp tiền xây tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân đã bị bom nguyên tử giết hại. Chân tượng đài khắc những lời nói lên nguyện vọng mong muốn cho thế giới này mãi mãi hòa bình của các bạn.

Giải câu 4 (Trang 37 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Nếu được đứng trước tượng đài, em sẽ nói gì với Xa-xa-cô?

Trả lời:

Nếu được đứng trước tượng đài, em sẽ nói: “Sự ra đi của bạn làm tôi thêm yêu và trân trọng giá trị của hòa bình và tất cả chúng tôi sẽ tận lực bảo vệ nó”.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tập đọc: Những con sếu bằng giấy

Câu 1. Xa-xa-cô bị nhiễm phóng xạ nguyên tử khi nào?

Trả lời:

Xa–xa–cô bị ô nhiễm phóng xạ khi chính phủ Mĩ cho ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn của Nhật Bản là Hi–rô–xi–ma và Na–ga– xa–ki trong cuộc chiến tranh.

Câu 2. Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách nào?

Trả lời:

Cô bé tin vào một truyền thuyết nói rằng, nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng thì em sẽ khỏi bệnh.

Câu 3. Các bạn nhỏ đã làm gì:

a) Để tỏ tình đoàn kết với Xa-xa-cô?

b) Để bày tỏ nguyện vọng hòa bình?

Trả lời:

a) Các bạn nhỏ trên toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi đến cho Xa–xa–cô hàng ngàn con sếu.

b) Khi Xa–xa–cô mất, các bạn nhỏ đã quyên góp tiền xây tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài là hình ảnh một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới chân tượng đài khắc dòng chữ: “Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình”.

Câu 4. Nếu được đứng trước tượng đài, em sẽ nói gì với Xa-xa-cô?

Trả lời:

Học sinh có thể tự nói lên suy nghĩ của mình.

* Gợi ý: Tôi căm ghét chiến tranh./ Sự ra đi của bạn làm cho chúng tôi hiểu rõ về sự tàn bạo của chiến tranh, nhắc nhở chúng tôi phải biết yêu hòa bình, bảo vệ hòa bình trên trái đất…

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Vàng Anh: Ở trường học, bạn được dạy một bài học trước, sau đó mới làm bài kiểm tra. Còn ở trường đời, bạn phải làm một bài kiểm tra trước rồi nó mới dạy bạn một bài học. Thế nên, quên cái gọi là điểm số trung bình đi, nó chỉ nói lên được bạn đã học như thế nào ở trường thôi! Còn khi ra đời, chẳng ai quan tâm đến mấy con số đấy đâu.
Leave a Comment