Soạn bài Tập đọc: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân trang 83 – 85 SGK tiếng việt lớp 5 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tập đọc: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
HỘI THỔI CƠM THI Ở ĐỒNG VÂN
Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy xưa.
Hội thi bắt đầu bằng việc lấy lửa, khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc, thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên… Khi mang được nén hương xuống, người dự thi được phát ba que diêm để châm vào hương cho cháy thành ngọn lửa. Trong khi đó, những người trong đội, mỗi người một việc. Người thì ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông. Người thì nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo , người thì lấy nước và bắt đầu thổi cơm.
Mỗi người nấu cơm đều mang một cái cần tre được cắm rất khéo vào dây lưng, uốn cong hình cánh cung từ phía sau ra trước mặt, đầu cần treo cái nồi nho nhỏ. Người nấu cơm tay giữ cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Các đội vừa thổi cơm, vừa đan xen nhau uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem hội.
Sau độ một giờ rưỡi, các nồi cơm được lần lượt trình trước cửa đình. Mỗi nồi cơm được đánh một số để giữ bí mật. Ban giám khảo chấm theo ba tiêu chuẩn: Cơm trắng, dẻo và không có cháy. Cuộc thi nào cũng hồi hợp và việc giật giải đã trở thành niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng.
Theo MINH NHƯƠNG
Chú thích và giải nghĩa:
– Làng Đồng Vân: Một làng thuộc xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.
– Sông Đáy: Một nhánh của sông Hồng, chảy qua các tỉnh Hà Tây, Hà Nam và Ninh Bình.
– Đình: Ngôi nhà to rộng của làng thời xưa, dùng làm nơi thờ thành hoàng và hợp việc làng.
– Trình: đưa ra để người trên xem xét và giải quyết.
Hướng dẫn soạn bài – Tập đọc: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân
Nội dung chính: Bài đọc nói về một hội thi thổi cơm ở Đồng Vân. Hội có nguồn gốc từ việc đánh giặc ngày xưa của người Việt ven sông Đáy. Hội thi gồm nhiều bước, các đội thi gay cấn, mong nhận được giải. Đội nào nấu được cơm trắng, dẻo thơm, không cháy sẽ nhận được giải thưởng.
Giải câu 1 (Trang 84 SGK tiếng việt 5 tập 2)
Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ đâu?
Trả lời:
Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên sông Đáy ngày xưa.
Giải câu 2 (Trang 84 SGK tiếng việt 5 tập 2)
Kể lại việc lấy lửa trước khi nấu cơm.
Trả lời:
Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương bám ở trên ngọn. Có người leo lên tụt xuống lại leo lên. Đây là một việc làm khó khăn, thử thách và sự khéo léo của mỗi đội.
Giải câu 3 (Trang 85 SGK tiếng việt 5 tập 2)
Tìm những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau.
Trả lời:
Những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng ăn ý với nhau là:
Trong khi mỗi thành viên của đội lo việc lấy lửa, những người khác đều mỗi người một việc: người ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông, người giã thóc, người giần sàng thóc đã giã thành gạo. Có lửa, người ta lấy nước nấu cơm. Vừa nấu cơm, các đội vừa đan xen uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ của người xem.
Giải câu 4 (Trang 85 SGK tiếng việt 5 tập 2)
Tại sao nói việc giật giải trong cuộc thi là “niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng”?
Trả lời:
Nói việc giật giải trong cuộc thi là niềm tự hào khó có gì sánh được của dân làng, vì giải thưởng là một minh chứng, là kết quả của sự nỗ lực, sự khéo léo, nhanh nhẹn, thông minh của cả tập thể.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tập đọc: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân
Câu 1. Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ đâu?
Trả lời:
Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy xưa.
Câu 2. Kể lại việc lấy lửa trước khi nấu cơm.
Trả lời:
Việc lấy lửa trước khi nấu cơm là một công việc thử thách sự khéo léo của mỗi đội. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt thì bốn người của bốn đội trèo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn. Khi mang được nén hương xuống, người dự thi được phát ba que diêm để châm vào nén hương cho cháy thành ngọn lửa.
Câu 3. Tìm những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau.
Trả lời:
Đó là những chi tiết:
– Trong lúc một thành viên của đội làm nhiệm vụ lấy lửa thì các thành viên khác, mỗi người làm một việc: người vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông, người thì giã thóc, người thì giần sàng thành gạo, người thì lấy nước nấu cơm, các đội vừa đan xen uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ của người xem.
Câu 4. Tại sao nói việc giật giải trong cuộc thi là “niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng”?
Trả lời:
Việc giật giải trong các cuộc thi là niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng là vì: Việc giật giải chứng tỏ đội thi là đội tài giỏi nhất không chỉ có kĩ thuật nấu cơm trắng, dẻo và không có cháy mà còn là đội biết cách tổ chức phối hợp hoạt động của các thành viên trong đội rất khoa học, hợp lí.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)