Soạn bài – Tập đọc: Cửa sông

Soạn bài Tập đọc: Cửa sông trang 74 – 75 SGK tiếng việt lớp 5 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tập đọc: Cửa sông, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

CỬA SÔNG
(Trích)

soan bai - tap doc: cua song - tieng viet lop 5 - tap 2

Là cửa nhưng không then khóa
Cũng không khép lại bao giờ
Mênh mông một vùng sóng nước
Mở ra bao nỗi đợi chờ.

Nơi những dòng sông cần mẫn
Gửi lại phù sa bãi bồi
Để nước ngọt ùa ra biển
Sau cuộc hành trình xa xôi.

Nơi biển tìm về với đất
Bằng con sóng nhớ bạc đầu
Chất muối hòa trong vị ngọt
Thành vùng nước lợ nong sâu.

Nơi cá đối vào đẻ trứng
Nơi tôm rảo đến búng càng
Cần câu uốn cong lưỡi sóng
Thuyền ai lấp lóa đêm trăng.

Nơi con tàu chào mặt đất
Còi ngân lên khúc giã từ
Cửa sông tiễn người ra biển
Mây trắng lành như phong thư.

Dù giáp mặt cùng biển rộng
Cửa sông chẳng dứt cội nguồn
Lá xanh mỗi lần trôi xuống
Bỗng… nhớ một vùng núi non…

QUANG HUY

Chú thích và giải nghĩa:

Cửa sông: nơi sông chảy ra biển, hồ hoặc một dòng sông khác.

Bãi bồi: Khoảng đất bồi ven sông, ven biển.

Nước ngọt: Nước không bị nhiễm mặn.

Sóng bạc đầu: Sóng lớn, ngọn sóng có bọt tung trắng xóa.

Nước lợ: Nước pha trộn giữa nước ngọt và nước mặn thường có ở vùng cửa sông giáp biển.

Tôm rảo: Một loại tôm sống ở vùng nước lợ, thân nhỏ và dài.

Hướng dẫn soạn bài – Tập đọc: Cửa sông

Nội dung chính: Bài thơ nói về cửa sông, một nơi rất đặc biệt vì có nước từ biển hòa cùng nước sông tạo thành vùng nước lợ, cho tôm cá phong phú, cuộc sống ấm no. Cửa sông là nơi giao lưu giữa đất liền, núi non với biển cả.

Giải câu 1 (Trang 75 SGK tiếng việt 5 tập 2)

Trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi sông chảy ra biển? Cách giới thiệu ấy có gì hay?

Trả lời:

Khổ đầu: Tác giả dùng từ ngữ nói về nơi sông chảy ra biển: là cửa không then, khoá cũng không khép lại bao giờ.

Cách nói rất đặc biệt: cửa sông là một cái cửa nhưng khác cửa thường (có then, có khoá). Cách dùng từ ngữ đó gọi là chơi chữ.

Giải câu 2 (Trang 75 SGK tiếng việt 5 tập 2)

Theo bài thơ, cửa sông là địa điểm đặc biệt như thế nào?

Trả lời:

Trong khổ thơ thứ hai, ba, bốn: tác giả dùng từ ngữ nói về cửa sông là một địa điểm đặc biệt.

-> Nơi dòng sông gửi phù sa lại để bồi đắp bãi bờ, nơi nước ngọt “ùa” ra biển rộng, nơi nước biển “tìm” về với đất liền, nơi giao hòa giữa nước ngọt với nước mặn tạo thành vùng nước lợ.

-> Nơi hội tụ nhiều tôm cá cũng là nơi hội tụ nhiều thuyền câu -> nơi những con tàu kéo còi giã từ mặt đất, nơi tiễn người ra khơi…

Giải câu 3 (Trang 75 SGK tiếng việt 5 tập 2)

Phép nhân hóa ở khổ thơ cuối giúp tác giả nói lên điều gì về “tấm lòng” của cửa sông đối với cội nguồn?

Trả lời:

Khổ thơ cuối: tác giả dùng những hình ảnh nhân hoá: giáp mặt với biển rộng/cửa sông chẳng dứt cội nguồn/Bỗng nhớ vùng núi non -> cho thấy “tấm lòng” của cửa sông không quên nguồn cội.

Giải câu 4 (Trang 75 SGK tiếng việt 5 tập 2)

Học thuộc lòng bài thơ.

Trả lời:

Học sinh tự học thuộc lòng bài thơ.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Tập đọc: Cửa sông

Câu 1. Trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi sông chảy ra biển? Cách giới thiệu ấy có gì hay?

Trả lời:

* Tác giả sử dụng cách chơi chữ trong khổ thơ đầu, đó là các từ ngữ:

“Là cửa nhưng không then khóa, không khép lại bao giờ”. Đó là cửa sông, cùng cách nói chỉ cửa cổng, cửa nhà ở của con người. Cửa sông nơi đây có “mênh mông một vùng sông nước”. Nơi ấy con sông chảy vào biển, hồ hay một dòng sông khác.

* Nhờ cách giới thiệu như vậy, tác giả muốn nói cửa sông luôn phải được thông suốt để sông và biển được nối liền nhau phục vụ cho cuộc sống của nhân loại. Cách nói như vậy rất lạ, hấp dẫn người nghe.

Câu 2. Theo bài thơ, cửa sông là địa điểm đặc biệt như thế nào?

Trả lời:

Cửa sông là một địa điểm đặc biệt bởi vì là nơi sông gửi phù sa làm nên những bãi bồi, nơi biển tìm về đất liền; nơi đưa tôm cá vào sông; nơi tiễn người ra khơi, nơi con tàu chào mặt đất.

Câu 3. Phép nhân hóa ở khổ thơ cuối giúp tác giả nói lên điều gì về “tấm lòng” của cửa sông đối với cội nguồn?

Trả lời:

Biện pháp nhân hóa trong khổ thơ cuối như sau:

– Cửa sông giáp mặt cùng biển rộng. Cửa sông chẳng dứt cội nguồn, bỗng có lúc nhớ một vùng núi non.

– Biện pháp nhân hóa này như ngầm khẳng định tình nghĩa thủy chung của cửa sông. Nó vẫn có một cội nguồn mãi mãi chảy xuống làm thành dòng sông đi qua cửa sông và hòa nhập vào biển, nhưng nó cũng giống như “nước đi ra bể lại mưa về nguồn” sẽ chẳng có nếu không có một cội nguồn từ trên cao.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status